10 ngày với Trường Sa

anhtruongs-1521341640-48.jpg

Tháng 4/1988, trong không khí hừng hực cả nước hướng về quần đảo Trường Sa, một đoàn báo chí với đầy đủ các loại hình được gấp rút tập hợp ra Trường Sa tác nghiệp. Sau hành trình vật lộn với sóng dữ và sự dọa dẫm của tàu Trung Quốc, đoàn phóng viên đã đến vùng biển đảo thiêng của Tổ quốc để ghi lại những hình ảnh về con người, cảnh vật nơi đây, lắng nghe những câu chuyện hy sinh thầm lặng của những người lính đảo.

Mười ngày ngắn ngủi ấy là những kỷ niệm khó quên trong đời làm báo của những phóng viên, cán bộ tham gia đoàn. Sau 30 năm, những hình ảnh và cảm xúc về chuyến đi dường như vẫn vẹn nguyên.

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu dòng hồi tưởng của nhà báo Nguyễn Vinh Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Ảnh Việt Nam (TTXVN) và là một thành viên trong đoàn, về chuyến đi đặc biệt ấy.

Sau khi cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc lên kế hoạch chiến lược, rình rập các cơ hội dùng vũ lực cưỡng chiếm nốt Trường Sa, hai quần đảo đều thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Những ngày tháng đầu năm 1988, tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép các đảo đá Chữ Thập (31/1), đá Châu Viên (18/2), đá Gaven (26/2), đá Tư Nghĩa (28/2), đá Xubi (23/3) và đỉnh điểm của chiến dịch cướp các đảo đá này là vào rạng sáng 14/3/1988, Trung Quốc điều các tàu chiến đến các đảo đá Cô Lin-Gạc Ma-Len Đao.

Quanh các đảo đá Cô Lin-Gạc Ma-Len Đao tại thời điểm đó đang hiện diện các tàu vận tải của Hải quân Việt Nam phục vụ việc xây dựng đảo. Các tàu chiến Trung Quốc cùng lúc khai hỏa tấn công các tàu HQ505 ở Cô Lin, HQ605 ở Len Đao, HQ604 ở Gạc Ma.

Các tàu vận tải quân sự HQ604, HQ605 của Hải quân Việt Nam không có vũ khí chiến đấu bằng pháo lớn, tên lửa nhanh chóng bị bắn chìm, riêng tàu HQ505 ở Cô Lin, sau khi bị tàu Trung Quốc bắn cháy đã lao lên đảo đá Cô Lin, trở thành cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam tại đây.

Bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn (Ảnh: Vinh Quang/Báo Ảnh Việt Nam-TTXVN)
Bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn (Ảnh: Vinh Quang/Báo Ảnh Việt Nam-TTXVN)

Lính Trung Quốc thậm chí dùng pháo lớn nã đạn thẳng vào các chiến sỹ công binh của Hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng đảo ở Gạc Ma. 64 chiến sỹ công binh hải quân của Việt Nam đã hy sinh trong cuộc tàn sát đẫm máu không cân sức. Trung Quốc đã cưỡng chiếm Gạc Ma của Việt Nam từ đó.

Những ngày tháng Ba trở nên nóng rực, khét lẹt khói súng của kẻ xâm lược, máu của người Việt Nam một lần nữa lại đổ xuống vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những ngày tháng Ba trở nên nóng rực, khét lẹt khói súng của kẻ xâm lược…

Trong không khí hừng hực cả nước hướng về Trường Sa, một đoàn báo chí với đầy đủ các loại hình được gấp rút tập hợp ra quần đảo Trường Sa tác nghiệp: Thư ký tòa soạn Lê Phức, phóng viên Nguyễn Vinh Quang (Báo Ảnh Việt Nam, thuộc Thông tấn xã Việt Nam); phóng viên ảnh Đình Trân (Thông tấn xã Việt Nam); Ngọc Đản (báo Nhân Dân); Đinh Thế Lộc (Đài Tiếng nói Việt Nam); Trần Bình Minh, Trang Liêm, Nguyễn Văn Vinh (Đài Truyền hình Việt Nam); Lê Mạnh Thích và một nhà quay phim của Xưởng phim Tài liệu Khoa học Trung ương; một nhà quay phim của Xưởng phim Quân đội; Trung Hiền (báo Tiền Phong).

Sau mấy ngày, các thành viên trong đoàn đã tề tựu đông đủ tại Vũng Tàu. Nhập đoàn có thêm hai đồng nghiệp từ Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

  • 01bavnqs8-1521456168-70.jpg
  • anhtruongs-1521342500-47.jpg
  • phongvan1-1521342544-68.jpg
  • cacnhabao-1521344533-32.jpg

Tại thời điểm đó, hầu hết các thành viên trong đoàn báo chí đều chưa trải nghiệm đi biển xa. Một lớp huấn luyện kỹ năng, kinh nghiệm xử lý các tình huống trên biển được triển khai nhanh với những kiến thức sơ đẳng về an toàn hàng hải, tình huống xấu có thể xảy ra khi đi biển, say sóng và cách chống đỡ…

Mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng, đột nhiên thời tiết không chiều lòng người: mưa to gió lớn, ngoài khơi biển động mạnh, sóng gió cấp 7, cấp 8… Mọi kế hoạch chững lại. Chờ đợi sang đến ngày thứ 3, ai nấy đều sốt ruột, kiến nghị dù khó khăn thế nào cũng lên đường.

Đạo diễn phim tài liệu Lê Mạnh Thích, thay mặt anh em báo chí, hội ý với thuyền trưởng Mạnh Quý của tàu Mỹ Á (con tàu cứu hộ sẽ đưa đoàn ra Trường Sa) và sỹ quan tham mưu của Bộ Tư lệnh Hải quân (người dẫn đoàn) thông báo nguyện vọng của cả đoàn. Tất cả thống nhất hạ quyết tâm lên đường.

Ngay chiều hôm đó, trong mưa gió, chúng tôi đặt chân lên tàu Mỹ Á, hướng Trường Sa nhổ neo thẳng tiến. Sau vài giờ đồng hồ, khi tàu đã xa bờ, sóng gió hiện dần trên gương mặt các thành viên trong đoàn. Những phóng viên dạn dày trong khói lửa chiến tranh nhưng chưa từng vượt sóng biển mặt dần biến sắc. Một hai người đã bắt đầu trả lại bữa cơm chiều cho biển cả.

Các thành viên đoàn báo chí sau khi bị sóng dữ bầm dập (Ảnh: Vinh Quang/Báo Ảnh Việt Nam-TTXVN)
Các thành viên đoàn báo chí sau khi bị sóng dữ bầm dập (Ảnh: Vinh Quang/Báo Ảnh Việt Nam-TTXVN)

Tôi may mắn hơn phần lớn anh em trong đoàn chưa bị sóng gió quật ngã, chạy qua lại giúp các anh Lê Phức, Đình Trân, Ngọc Đản, Hoàng Như Thính cùng cabin đã bị sóng dữ cho nằm bệt. Nửa đêm, tôi lần lên buồng lái, ngạc nhiên thấy thủy thủ lái tàu đeo cái xô trước ngực, hiểu ý, anh chàng thủy thủ nói: “sóng cấp 6, cấp 7, đeo sẵn, nhỡ có nôn cũng đỡ dơ, quen rồi…”

Một đêm vật lộn với sóng dữ nhanh chóng qua đi. Sáng hôm sau, bầu trời và biển cả vẫn một màu xám xịt. Ngồi trên boong, thấy con tàu Mỹ Á trong biển trời mênh mông như một cái lá bị sóng biển quăng lên quật xuống, tới chân sóng, nhìn lên chỉ thấy khoảng trời bé tí, lẫn vào giữa 2 vách nước dựng như thành cao gần 5-7 mét. Anh Lê Mạnh Thích cho biết cả đoàn chỉ còn vài ba người không bị sóng quật ngã.

Khi hoa tiêu của tàu trên cột tiêu hô lớn “Trường Sa lớn trước mặt rồi,” cả đoàn bừng tỉnh như chưa từng có những giây phút ngất ngây vì sóng dữ

Hết mưa là nắng hửng lên thôi. Vật vã là thế nhưng khi hoa tiêu của tàu trên cột tiêu hô lớn “Trường Sa lớn trước mặt rồi,” cả đoàn bừng tỉnh như chưa từng có những giây phút ngất ngây vì sóng dữ. Không ai bảo ai, tất cả nhao về hướng đảo Trường Sa lớn – thủ phủ của huyện đảo Trường Sa. Các tay máy quay, máy ảnh lục tục chuẩn bị máy móc, sẵn sàng cho những khuôn hình đầu tiên về con người, cảnh vật nơi bắt đầu vùng biển đảo thiêng của Tổ quốc.

Trường Sa ngày ấy chưa có cầu tàu. Con tàu Mỹ Á phải neo đậu ngoài xa. Chúng tôi di chuyển vào bờ trên những xuồng phao của lính đảo ra đón. Nước Biển Đông mát lạnh, theo sóng hắt lên mặt giúp mọi người tỉnh táo, hoạt bát hẳn.

Lên đảo, sau giây phút tay bắt mặt mừng, các nhà báo ai vào việc nấy. Với nhiệm vụ của một phóng viên ảnh, tôi tranh thủ từng phút ghi vào khuôn hình những gương mặt các chủ nhân của đảo cùng cảnh vật nơi đây. Trường Sa lớn lúc đó còn nguyên sơ, tôi càng cảm nhận sự vĩ đại của tiền nhân và những người con đất Việt đã khám phá gìn giữ biển trời Trường Sa đến hôm nay.

Đêm đầu tiên gần như không ngủ, tôi chờ bình minh, ghi lại ánh dương đầu của ngày mới trên đảo. Ra bờ biển, tôi đã thấy anh Lê Phức lúi húi chọn góc bấm máy nơi vọng gác tiền tiêu rồi…

Bình minh trên đảo Trường Sa lớn (Ảnh: Vinh Quang/Báo Ảnh Việt Nam-TTXVN)
Bình minh trên đảo Trường Sa lớn (Ảnh: Vinh Quang/Báo Ảnh Việt Nam-TTXVN)

Rời đảo Trường Sa lớn, hành trình tiếp theo của chúng tôi hướng tới đảo Cô Lin, nơi con tàu HQ505 sau khi bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy đã lao lên đảo, trở thành cột mốc chủ quyền sống giữ đảo Cô Lin cho đến hôm nay.

Trên đường đi, được biết tình hình nơi vừa xảy ra cuộc thảm sát Gạc Ma, tại khu vực các đảo đá Cô Lin-Gạc Ma-Len Đao vẫn rất căng thẳng. Các tàu chiến Trung Quốc thường xuyên rình rập, uy hiếp các chốt canh giữ đảo của Hải quân Việt Nam.

Dọc hải trình, đột ngột xuất hiện một tàu chiến của Trung Quốc chạy song song rất gần với tàu Mỹ Á, có thể quan sát thấy lính Trung Quốc đang rê ụ pháo hướng về tàu Mỹ Á ngông nghênh dọa dẫm, uy hiếp. Không khí chiến sự lan tỏa trên tàu.

Đạo diễn Lê Mạnh Thích họp các anh em trong đoàn phổ biến: tình huống xấu nhất địch có thể nổ súng, cố gắng không để bị rơi vào tay giặc, phải giữ gìn, cần thiết thì hủy tài liệu.

Thuyền trưởng Mạnh Quý phổ biến cách sử dụng áo phao khi xuống biển, bơi đứng để tránh cá mập ăn thịt… Không khí căng thẳng chừng hơn 15 phút thì tàu chiến Trung Quốc tăng tốc biến mất.

Tàu chiến Trung Quốc số hiệu 854 (phía xa trên góc trái ảnh) đang lượn lờ dọa  dẫm khi đoàn báo chí đang làm việc trên tàu HQ505 (Ảnh: Vinh Quang/Báo Ảnh Việt Nam-TTXVN)
Tàu chiến Trung Quốc số hiệu 854 (phía xa trên góc trái ảnh) đang lượn lờ dọa dẫm khi đoàn báo chí đang làm việc trên tàu HQ505 (Ảnh: Vinh Quang/Báo Ảnh Việt Nam-TTXVN)

Thời gian trôi nhanh, con tàu HQ505 hiện dần trong tầm nhìn. Khi con tàu Mỹ Á tiệm cận gần đến tàu HQ505 là lúc các nhà báo đã sẵn sàng chuyển sang tàu HQ505 tác nghiệp, vẫn bằng xuồng phao để di chuyển từ tàu này sang tàu kia.

Đứng trên con tàu HQ505 còn khét mùi thuốc súng, gần như cháy rụi mọi thứ, tôi hình dung thời khắc thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lệnh cho tàu ủi bãi lên đảo đá Cô Lin khi bị bắn cháy phải thật nhanh và quyết đoán thế nào.

Điều gì đã làm nên sự vĩ đại đó nếu không phải là lòng quả cảm và tình yêu vô hạn với đất nước của những người lính…

Trong khi các phóng viên ghi hình, phỏng vấn các chiến sỹ tàu HQ505, tàu chiến Trung Quốc số hiệu 854 gặp dọc đường lại xuất hiện. Vẫn hung hăng rê ụ pháo hướng về chúng tôi dọa dẫm một hồi rồi biến mất. Mấy chiến sỹ tàu HQ505 bình thản nói: “Chúng vẫn giở trò đó hằng ngày nhưng chẳng dám làm gì đâu.”

Tại thời điểm đó, chủ quyền của đất nước tại đảo Cô Lin chỉ được bảo vệ bởi 9 chiến sỹ và vị thuyền trưởng Vũ Huy Lễ với mấy khẩu AK, cùng những hành trang tối giản nhất trên con tàu cháy rụi. Đến giờ này tôi vẫn luôn tự hỏi: điều gì đã làm nên sự vĩ đại đó nếu không phải là lòng quả cảm và tình yêu vô hạn với đất nước của những người lính.

  • nhanthu-1521562837-67.jpg
  • phoica-1521562869-40.jpg
  • docbao-1521562950-59.jpg
  • guongmatch-1521563241-43.jpg
  • vatdung-1521563355-45.jpg
  • trongrau-1521563411-19.jpg
  • khituong-1521563736-76.jpg
  • cayphongba-1521563828-40.jpg
  • daotruong-1521563981-91.jpg
  • nuocngot-1521564061-53.jpg
  • cotmoc-1521564222-84.jpg

Lướt nhanh một vòng từ tháp canh của tàu, xuống sàn tàu ngắm nhìn những chú cá biển do các chiến sỹ tự đánh bắt đang phơi trong nắng rát Trường Sa làm thức ăn dự trữ, thấy các chiến sỹ chắt chiu từng giọt nước ngọt mới thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn gian khổ của các chiến sỹ đang từng giây phút chiến đấu hy sinh bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chia tay những người anh hùng giản dị trong đời thường nhưng anh dũng, kiên cường trong chiến đấu trên tàu HQ505 ở Cô Lin, chúng tôi đi tiếp đến đảo Sinh Tồn – đảo xanh giữa trùng khơi. Chúng tôi ở cùng chiến sỹ đảo Sinh Tồn một đêm, gặp gỡ đảo trưởng Thái Văn Khôi, người đã 13 năm gắn bó với hòn đảo này, thăm mộ mấy chiến sỹ mới hy sinh đắp bằng cát và vỏ ốc khi chưa kịp chuyển về đất mẹ.

Mười ngày ngắn ngủi lênh đênh trên một phần quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã đi qua những đảo Thuyền Chài, Phan Vinh,… nghe những câu chuyện hy sinh thầm lặng của những người lính đảo Trường Sa tạo nên những kỷ niệm nhớ đời của nghề, cùng với đó là bài học không thể quên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông và của chính những thế hệ người chiến sỹ hôm nay./.

Mời độc giả cùng chiêm ngưỡng bộ ảnh quý giá này của hai nhà báo Vinh Quang và Lê Phức (Báo Ảnh Việt Nam, TTXVN):

Đảo Phan Vinh – mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Vinh. (Ảnh: Vinh Quang)

Pong tong trên đảo Thuyền Chài. 30 năm trước, các chiến sỹ bảo vệ đảo trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt giữa đại dương như vậy. (Ảnh: Vinh Quang)

Con tàu HQ505 sau khi bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy đã lao lên đảo Cô Lin, trở thành cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam. Đảo Cô Lin vì thế được giữ vững đến hôm nay.

Tàu HQ 503 đến thăm đảo Cô Lin.

Khi đó chưa có cầu tàu, các chiến sỹ đảo Sinh Tồn vẫn phải dùng xuồng nhỏ ra đón khách thăm đảo hay vận chuyển hàng tiếp tế từ đất liền ra đảo.

Sách báo luôn là những món quà tinh thần quan trọng nhất với những người lính đảo. Trong ảnh: niềm vui của chiến sỹ đảo Sinh Tồn khi nhận được những món quà sach báo mới nhất từ đất liền. (Ảnh: Vinh Quang)

Bữa ăn nhanh ngay bên ụ pháo của chiến sỹ đảo Trường Sa lớn. (Ảnh: Vinh Quang)

Hành trang người lính đảo. (Ảnh: Lê Phức)

Nụ cười không bao giờ tắt trên gương mặt những người lính đảo. (Ảnh: Vinh Quang)

Nắng cháy lưng trần chiến sỹ trên đảo Trường Sa lớn. (Ảnh Vinh Quang)

Vận chuyển hàng từ đất liền ra đảo Trường Sa lớn.

Cuộc sống vẫn sinh sôi bên cột mốc chủ quyền trên đảo Sinh Tồn.

Được tắm nước ngọt luôn là niềm vui hạnh phúc của lính đảo Trường Sa.

Bên cột mốc chủ quyền Trên đảo Trường Sa lớn.

Bài: Nguyễn Vinh Quang Ảnh: Lê Phức, Vinh Quang