Sóng ngầm “tín dụng đen” và hệ lụy

1708tindungd-1597656001-41.jpg

Khi công khai, rầm rộ, lúc âm thầm len lỏi và cắm rễ vào đời sống của một bộ phận người dân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, những cơn sóng ngầm tín dụng “đen” kéo theo những hệ lụy đầy nước mắt đã khiến bao gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, thậm chí có người tìm đến cái chết để giải thoát.

Cạm bẫy tín dụng “đen” được giăng khắp nơi và chỉ chờ những con nợ sập bẫy là những chiếc vòi bạch tuộc của nó cứ cuốn chặt mãi không buông. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã tổ chức không ít “chiến dịch” ra quân dẹp bỏ, nhưng những cơn sóng ngầm tín dụng “đen” vẫn luôn có một dòng chảy khó ngắt mạch.

Mất việc làm, thu nhập bấp bênh, không ổn định, ốm đau, bệnh tật, không làm chủ được chi tiêu, tiêu dùng…, trong khi việc tiếp cận những dịch vụ tín dụng từ hệ thống ngân hàng còn nhiều rào cản, đã dẫn nhiều người tìm đến những khoản “vay nóng” từ nhiều nguồn, trong đó có tín dụng “đen.”

Với chùm 4 bài viết: “Sóng ngầm tín dụng đen và hệ lụy”, nhóm PV TTXVN đã vạch trần những thủ đoạn lách luật của tội phạm tín dụng đen cũng như nêu lên các giải pháp từ các cơ quan chức năng nhằm hạn chế những chiếc “vòi bạch tuộc” đang tìm cách xiết cổ những người lỡ sa vào ma trận tín dụng “đen”./.

Ma trận “tín dụng đen” giăng bẫy khắp nơi

Khi công khai, rầm rộ, lúc âm thầm len lỏi và cắm rễ vào đời sống của một bộ phận người dân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, những cơn sóng ngầm tín dụng “đen” kéo theo những hệ lụy đầy nước mắt đã khiến bao gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, thậm chí có người tìm đến cái chết để giải thoát.

Mất việc làm, thu nhập bấp bênh, không ổn định, ốm đau, bệnh tật, không làm chủ được chi tiêu, tiêu dùng…, trong khi việc tiếp cận những dịch vụ tín dụng từ hệ thống ngân hàng còn nhiều rào cản, đã dẫn nhiều người tìm đến những khoản “vay nóng” từ nhiều nguồn, trong đó có tín dụng “đen.”

Cạm bẫy tín dụng “đen” được giăng khắp nơi và chỉ chờ những con nợ sập bẫy là những chiếc vòi bạch tuộc của nó cứ cuốn chặt mãi không buông. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã tổ chức không ít “chiến dịch” ra quân dẹp bỏ, nhưng những cơn sóng ngầm tín dụng “đen” vẫn luôn có một dòng chảy khó ngắt mạch…

Mất việc làm, thu nhập bấp bênh, không ổn định, ốm đau, bệnh tật, không làm chủ được chi tiêu, tiêu dùng…, trong khi việc tiếp cận những dịch vụ tín dụng từ hệ thống ngân hàng còn nhiều rào cản, đã dẫn nhiều người tìm đến những khoản “vay nóng” từ nhiều nguồn, trong đó có tín dụng “đen.”

Những chiếc bẫy “vô hình”

Buôn bán, tiêu dùng ra “bốc bát họ,” nhà có việc gấp ra “bốc bát họ,” đảo nợ giữa các đầu vay cũng ra “bốc bát họ…”

Mọi giao dịch ở cái gọi là “bát họ” được giải quyết hết sức nhanh gọn và trở nên quen thuộc với không ít người trong giới buôn bán nhỏ chốn đô thị và cũng không ít người trở thành con nợ mãi mãi không tìm được lối ra khỏi 3 chữ “bốc bát họ.”

Chị Lê Thị Hồng bắt đầu dọn hàng nước của mình vào lúc 7h sáng hàng ngày tại một góc phố trung tâm Thủ đô. Công việc buôn bán bắt đầu thì cũng là lúc chị phải đối mặt với những “đầu họ” – chân rết của chủ nợ đến thu tiền.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Mỗi “đầu họ” chị Hồng phải đóng 200.000 đồng và với khoảng gần 6 đầu họ thì như chị nói: “Mỗi ngày, mở mắt ra là phải có hơn 1,2 triệu đồng để trả nợ!”

Tìm hiểu được biết, vì có việc cá nhân nên chị Hồng đã gọi đến số điện thoại được dán trên tường gần chỗ chị bán hàng để vay nóng. Chỉ cần photo chứng minh thư và sổ hộ khẩu gửi cho chủ nợ, chị được giải ngân sau chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Tuy số tiền vay là 10 triệu đồng nhưng chị chỉ được nhận về 8 triệu đồng và mỗi ngày trả 200.000 đồng trong vòng 50 ngày.

Và mọi biến cố làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chị Hồng từ lúc chị cầm 8 triệu đồng của chủ nợ. Việc buôn bán ở vỉa hè không mang lại cho chị thu nhập đều dặn bởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết cũng như không có chỗ ngồi cố định, trong khi việc trả nợ thì không thể chậm một ngày.

Những cuộc điện thoại đe dọa, chửi bới của chủ nợ khi chị chậm trả một vài ngày liên tục gọi đến, bất kể giờ giấc khiến chị lo lắng và sợ hãi. Thế rồi dịch bệnh COVID-19 tràn đến và chị mất hẳn nguồn thu, trong khi gánh nặng chi phí gia đình và gánh nặng trả nợ vẫn phải oằn mình cõng.

Không tìm được nguồn vay, chị Hồng lại “vấp” vào một “bát họ” khác để lấy tiền sinh hoạt và trả nợ. Khi số tiền nợ cùng các chủ nợ cứ nhiều dần lên đồng nghĩa với những những cuộc điện thoại đòi nợ và số lời đe dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần chị cũng nhiều không kể xiết.

Luôn sống trong lo lắng và sợ hãi và chỉ đến khi bị các chủ họ tìm cách xiết nợ, đánh đập gây thương tích, chị mới tìm đến cơ quan chức năng để trình báo.

Một số đối tượng liên quan đến vụ việc đã bị cơ quan chức năng bắt giữ và mở rộng điều tra. Tuy vụ việc tạm khép lại nhưng chị Lê Thị Hồng vẫn còn phải đối mặt với số tiền gốc vay cần phải trả và không biết đến lúc nào chị mới thoát khỏi được hệ lụy của việc “bốc bát họ.”

Lần theo những số điện thoại được dán ở khắp các cột điện với những dòng chữ “cho vay không cần thế chấp,” “hỗ trợ tài chính,” “gọi điện là có tiền,” tôi dễ dàng tiếp cận và được hướng dẫn chi tiết cách thức để có thể vay một khoản tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Đơn giản đến mức người vay cảm thấy dễ dãi, chủ quan và không lường được những gì mình sẽ phải đối mặt.

Câu chuyện của chị Lê Thị Hồng cùng hình thức “bốc bát họ” chỉ được xem là những chiếc bẫy nhỏ cho những con mồi nhỏ. Bởi đối tượng mà những chủ nợ cho vay muốn nhắm đến là những khoản vay có thế chấp của những người có thu nhập ổn định nhưng ham mê cờ bạc hoặc thua lỗ trong làm ăn cần gấp tiền để trang trải nợ nần. Và những chiếc bẫy lớn được giăng ra để bắt những con mồi lớn hơn.

Biết anh T.A cũng đã ngót 2 chục năm và cũng hiểu khá rõ về gia cảnh của anh – viên chức của một cơ quan lớn ở Hà Nội với thu nhập ổn định, gia đình cũng thuộc hàng khá giả. Nhìn vào hoàn cảnh của anh, thì có mơ tôi cũng chẳng nghĩ có ngày anh ngồi trước mặt tôi kể lại câu chuyện của mình đã trải qua mà ánh mắt vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi.

Do làm ăn thua lỗ khoản tiền hơn 300 triệu đồng mà trong đó có một phần tiền anh T.A huy động từ bạn bè, đến hạn trả tiền mà không có, anh đành liều vay tiền của một tổ chức hỗ trợ tài chính với thủ tục khá đơn giản.

Anh T.A chia sẻ, nếu chỉ vay dưới 20 triệu đồng/ngày, người vay thường phải chịu lãi từ 3.000 đồng/triệu/ngày hoặc cao hơn nữa. Các khoản vay lớn hơn 50 triệu hoặc hàng trăm triệu đồng thì lãi suất được chủ nợ lấy 1.500 đồng/1 triệu đồng/ngày, tức là hơn 50%/năm, gấp 5 lần lãi suất ngân hàng.

Anh T.A vay 200 triệu đồng và số tiền anh phải trả hàng tháng là gần chục triệu đồng. Số tiền trả nợ chiếm 2/3 thu nhập của anh, cùng với đó những mối làm ăn khác cũng bị thua lỗ dẫn đến anh T.A đã có những tháng chậm trả nợ. Do không trả đúng hạn, chủ nợ cộng số lãi vào tiền gốc, ép anh viết lại giấy vay nợ khiến “lãi mẹ đẻ lãi con.”

Cũng như bao con nợ khác, anh cũng bị đe dọa, đánh chửi, dọa tố cáo lên cơ quan cùng nhiều thủ đoạn áp chế tinh thần khác. Mệt mỏi, căng thẳng và cũng cảm thấy đau đớn khi mình trả nợ hàng chục triệu đồng cho chủ nợ mà con gái chỉ xin 60 nghìn đồng mua vài cuốn sách mà anh “vét cả túi cũng chẳng đủ.”

Chỉ đến khi vụ việc vỡ lở do chủ nợ tìm đến nhà để xiết nợ thì gia đình và bạn bè mới biết chuyện. Và bằng nhiều mối quan hệ xã hội thì anh T.A mới có thể trả một phần gốc và xin khoanh số nợ còn lại không chịu lãi để trả dần.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là các hoạt động tín dụng “đen” không công khai nhưng những cách thức cho vay hay hình thức đòi nợ của nó thì rất nhiều người biết đến. Vậy những cạm bẫy được giăng ra có thật sự vô hình? Và vì sao những người vay nợ vẫn tìm mọi cách để thỏa hiệp và chỉ đến đường cùng mới báo các cơ quan chức năng? Có lẽ, trả lời được câu hỏi này thì những con nợ cũng đã phải trả giá quá đắt cho sự dễ dãi khi đặt bút ký các khoản vay.

Muôn màu tín dụng “đen”

Có cầu thì ắt có cung và đó là một phần nguyên nhân tín dụng “đen” len lỏi khắp nơi. Cơ quan đã chức năng cảnh báo, tín dụng “đen” có thể bùng phát mạnh sau dịch COVID-19 bởi núp bóng dưới các hình thức như dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính… vốn đã ăn sâu, cắm rễ ở các địa phương từ nhiều năm nay.

Trớ trêu khi chính nhân viên ngân hàng cũng dính vào tín dụng “đen.” Đó là câu chuyện của chị P.T.T, nhân viên chi nhánh một ngân hàng tại tỉnh Bình Dương đã vay mượn tiền của nhiều người trong một nhóm tín dụng “đen” với lãi suất 4,1%/ngày để giải ngân cho khách hàng nhằm thu lợi từ các khoản chênh lệch. Sau đó, do không thu lại được tiền từ khách hàng nên tiền lãi phát sinh ngày càng nhiều.

Ảnh minh họa. (Nguồn: marketingtanacsadas.net)
Ảnh minh họa. (Nguồn: marketingtanacsadas.net)

Khi không còn khả năng thanh toán, chị bị nhóm người cho vay giam giữ, đánh đập buộc chị phải ký giấy xác nhận nợ lên đến hàng chục tỷ đồng, chênh lệch rất nhiều so với tiền gốc mà chị đã vay.

Manh động hơn là nhóm đối tượng này đã bắt giữ, đưa chị P.T.T từ Bình Dương về Phú Yên để buộc gia đình bán nhà trả nợ. Vụ việc đã được Phòng PC02 Công an tỉnh Bình Dương lập chuyên án bắt giữ và khởi tố các đối tượng.

Tìm hiểu thực tế tại địa bàn tỉnh Bình Dương, chúng tôi được biết, phần lớn những người dính đến tín dụng “đen” là công nhân còn trẻ, thu nhập không cao, sống xa nhà nên dễ mắc vào những tệ nạn như bài bạc, cá độ hoặc chi tiêu vượt tầm kiểm soát. Và đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ mà tín dụng “đen” bám chặt để hoạt động.

Theo Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương thì với đặc thù là một tỉnh có nhiều khu công nghiệp thu hút rất nhiều lực lượng lao động từ các nơi đến để làm ăn sinh sống, một số đối tượng nắm bắt được nhu cầu vay vốn của công nhân ở các khu công nghiệp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ để cho vay và sau đó tìm nhiều phương thức, thủ đoạn để cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật.

Cũng như tỉnh Bình Dương, hoạt động tín dụng “đen” tại tỉnh Hải Dương cũng tương đối phức tạp. Các đối tượng kinh doanh hoạt động ngân hàng, tín dụng có phép hoặc không có phép dưới nhiều hình thức: mở hệ thống cơ sở cho vay, cầm đồ; công ty cho thuê tài chính; cơ sở tư vấn tài chính; cho vay, bốc bát họ thông qua số điện thoại xuất hiện nhiều nơi từ thành thị cho đến các khu vực nông thôn nhằm mục đích cho vay lãi nặng.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Phạm Văn Quang thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương cho biết, việc tổ chức cho vay tiền với lãi suất cao đem lại nguồn thu nhập lớn nên các đối tượng không dễ dàng từ bỏ, mà sẽ chuyển sang các hình thức hoạt động tinh vi hơn nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Các phương thức hoạt động của các nhóm tín dụng “đen” đã có những thay đổi, các đối tượng hình sự ở các địa bàn khác nhau liên kết, tập trung vốn, phân chia địa bàn để mở các cơ sở cho vay với lượng tiền lớn, lãi suất cao.

Nếu như ở các đô thị lớn hay các khu công nghiệp, tiếp cận với tín dụng “đen”, người vay có thể phần nào cảm thấy được… “màu đen” khi đã phần nào biết trước chủ nợ của mình thuộc thành phần xã hội như thế nào, thì ở nông thôn, có một loại tín dụng… không màu.

Làm 6 công (6ha) lúa ở xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường (Long An), quanh năm vất vả nhưng vợ chồng anh Lê Công Biên vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2017, vợ anh sinh đứa con thứ ba. Đứa nhỏ sinh ra liên tục ốm đau nên gia đình càng nheo nhóc.

Anh Biên cũng như nhiều bà con trong xã từ nhiều năm nay luôn coi môt đại lý vật tư nông nghiệp gần nhà như một “cây ATM không cần thẻ.” Giống má, phân bón, thuốc trừ sâu cho 6 công lúa anh ghi nợ tại đó; tiền cho con ăn học, khám chữa bệnh cũng ghi nợ tại đó, cuối vụ có lúa thu về lại gán lúa trừ nợ…

“Nông dân chúng tôi tất cả chỉ trông vào ngày mùa, có lúa thu về thì mới có tiền, phát sinh gì chỉ ra đại lý ký nợ hoặc vay nóng. Cũng chẳng nghĩ đó là tín dụng “đen” hay tín dụng “đỏ” gì đâu, vay được tiền thì vay thôi. Lãi suất ít nhất 3-4%/tháng, tức là có thể lên tới 40-50%/năm. Chưa kể nhiều người không có tâm, biết thế khó của mình thì trừ tới trừ lui, có những vụ, lúa thu về không đủ trả cả gốc, cả lãi, lại chồng nợ sang những vụ sau, cứ thế nợ chồng nợ…”

Làm 6 công lúa thất bát vì dịch bệnh và hạn mặn, thiếu trước hụt sau vì gia cảnh ốm đau, bệnh tật, 3 năm sau anh Biên buộc phải gán lại cho chủ đại lý vật tư 2 công đất để trừ nợ.

Cứ thế, thứ tín dụng “không màu,” thứ ATM “không cần thẻ” mà thực chất là một loại hình cho vay nặng lãi khá phổ biến ở nông thôn đã rút dần vốn liếng, rút dần giá trị lao động và rút dần ruộng đất của không ít nông dân khi trót sa vào những khoản vay vượt quá khả năng chi trả.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiều, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, cách đây 3-4 năm, tình trạng nông dân mất đất, mất vườn vì tín dụng “đen” không hiếm. Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã phải ra quân rà soát, nắm từng đối tượng cho vay nặng lãi, từng trường hợp vướng vào tín dụng “đen”, rồi cho gỡ lột từng tờ rơi trên “ngân hàng cột điện”…

Đặt câu hỏi với Trung tá Phạm Văn Quang, Công an tỉnh Hải Dương rằng tại sao không thể chặt tận gốc những chiếc vòi bạch tuộc tín dụng “đen” khi các cơ quan chức năng ở nhiều nơi đã vào cuộc quyết liệt như vậy, Trung tá Phạm Văn Quang chậm rãi đặt một yêu cầu cho chúng tôi: “Khi gặp các nạn nhân hoặc các đối tượng cho vay các anh cứ hỏi: Tại sao lại dễ vay như vậy, không cần tài sản thế chấp, không đưa ra lãi suất cụ thể, thủ tục giải ngân nhanh, giấy tờ đơn giản… vẫn được vay?”

Theo gợi mở đó, chúng tôi tìm hiểu những lý do khiến tín dụng “đen” vẫn tồn tại dai dẳng./.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Thủ đoạn lách luật và chiêu trò thời công nghệ

Khi những “ngân hàng cột điện” hay “tín dụng trên tường” bị xóa bỏ thì ngay lập tức kênh thông tin cho vay nở rộ trên mạng. Gõ từ khóa tìm kiếm “vay tiền” trên mạng xã hội thì từ trang cá nhân đến chiếc điện thoại của bạn sẽ ngập tràn thông tin cho vay và từ đây, các đối tượng tín dụng “đen” núp bóng dưới nhiều vỏ bọc là các công ty tài chính, bất động sản nhằm lách vào những kẽ hở của luật pháp để giở các chiêu trò.

Dùng mồi nhử trá hình

Chỉ với vài thao tác đơn giản trên các công cụ tìm kiếm như Zalo, Facebook, tôi đã nhận được vô số thông tin về các dịch vụ cho vay, hỗ trợ và tư vấn tài chính.

tô hay nhà đất chỉ để cho hợp thức thôi chứ không xử lý tải sản đảm bảo nếu chậm trả và đặc biệt là lãi suất cho vay chỉ bằng hoặc thấp hơn ngân hàng.

Các đối tượng tín dụng “đen” núp bóng dưới nhiều vỏ bọc là các công ty tài chính, bất động sản nhằm lách vào những kẽ hở của luật pháp để giở các chiêu trò.

Liên hệ với một trong các số điện thoại để lại, tôi được tư vấn đây là một nhóm nhân viên của ngân hàng, có nguồn tiền nhàn rỗi có thể cho vay kể cả khách hàng có lịch sử nợ xấu. Nếu vay nhiều họ sẽ làm hợp đồng, tài sản thế chấp như xe máy, ô

Nhớ đến cuộc trao đổi với Trung tá Phạm Văn Quang, Công an tỉnh Hải Dương, tôi liền đặt câu hỏi là sao vay nhiều tiền mà thủ tục chỉ đơn giản vậy? Câu trả lời là những tiếng cười: “Anh cứ chuẩn bị một số giấy tờ như em dặn và gặp bọn em là sẽ biết.”

Đem những thắc mắc này hỏi chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thì ông khẳng định ngay: “Sẽ rất nguy hiểm bởi trong các hợp đồng sẽ có những điều khoản, phụ lục nhỏ mà người dân không hiểu biết ký vào cùng với việc họ có trong tay giấy tờ nhà đất thì chỉ cần công chứng giấy tờ là có thể tài sản đã không còn trong tay bạn. Thế nên việc cho vay thấp hơn mức lãi suất ngân hàng và không cần tài sản đảm bảo rất có thể chỉ là mồi nhử trá hình.”

Tang vật một vụ tín dụng đen. (Nguồn: TTXVN)
Tang vật một vụ tín dụng đen. (Nguồn: TTXVN)

Thực tế về một vụ việc ở Gia Lâm mới đây đã chứng minh đây chính là những mồi nhử và cùng là một loại bẫy tín dụng “đen.” Bà Nguyễn Thị Bắc (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cần tiền vay gấp 600 triệu đồng, được bạn bè giới thiệu gặp một người tên Phương, được giới thiệu là cán bộ ngân hàng. Phương liên kết với công ty tài chính cho vay thủ tục nhanh chóng, lãi suất chỉ bằng lãi suất cho vay của ngân hàng. Bà Bắc đã phải dùng sổ đỏ để đảm bảo cho khoản vay.

Theo hướng dẫn của các đối tượng, bà Bắc cần phải ký vào một số giấy tờ trong đó có giấy chuyển nhượng căn nhà 142m cho họ để làm tin. Các đối tượng ký cam kết với bà, đây không phải là giao dịch thật, chỉ là thủ tục để đảm bảo cho khoản vay và cam kết sẽ không bán nhà của bà cho các bên khác.

Tuy nhiên sau đó, chúng đã sang tên ngôi nhà và mang đi thế chấp vay ngân hàng với số tiền lớn. Không chỉ có gia đình bà Bắc mà nhiều gia đình ở khu vực này cũng bị rơi vào tình trạng tương tự khi cứ nghĩ tìm được chỗ vay rẻ và chỉ phát hiện bị lừa khi ngân hàng đến phát mãi nhà.

Người dân cho biết, hiện các ngân hàng đang yêu cầu họ phải trả nợ thay cả gốc lẫn lãi cho các đối tượng lừa đảo, nếu không sẽ bị phát mãi nhà. Số tiền họ sẽ phải trả gấp 7-10 lần khoản tiền mà các đối tượng lừa đảo cho họ vay. Theo lời những người dân trong vụ việc này thì họ không thấy ngân hàng đến thẩm định nhà đất mà họ cũng không gặp công chứng viên nào cả.

Trao đổi lại vấn đề này với chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thì được biết, ở nước ngoài, việc chuyển giao tất cả mọi giao dịch bất động sản đều phải qua một công ty bảo hiểm quyền sở hữu địa ốc. Công ty bảo hiểm này sẽ điều tra miếng đất này thuộc về ai, có nợ bao nhiêu và lịch sử chuyển nhượng thế nào. Điều này thì ở Việt Nam chưa có.

Có thể nhận thấy, qua câu chuyện được phản ánh trên thì việc người dân không hiểu biết là một phần nhưng cũng cần xem lại việc công chứng mua bán và thẩm định nhà đất có dấu hiệu bất thường không?

Con nợ thời công nghệ

Nếu một ngày trang mạng xã hội cá nhân của bạn như Facebook, Zalo bất chợt xuất hiện hình ảnh của một người quen được đăng lên với những lời lẽ chửi bới thô tục cùng với thông tin cá nhân và số tiền nợ thì lúc đó người quen của bạn đã bỏ trốn và không thể liên lạc được.

Bằng hình thức lập những nhóm trên facebook như: Nợ xấu miền bắc, Truy tìm nợ xấu, Nợ xấu Hà Nội… với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Các chủ nợ liên kết ở đây để trao đổi thông tin về các con nợ, cách thức truy tìm và chiêu trò đòi nợ. Hình thức đòi nợ kiểu này chẳng ngơi nghỉ dù là giãn cách xã hội hay dịch bệnh COVID-19.

(Nguồn: BNEWS/TTXVN)
(Nguồn: BNEWS/TTXVN)

Anh Nguyễn Hà, một người từng có lúc là con nợ của thời công nghệ này chua xót thừa nhận: không nghĩ rằng việc đòi nợ kinh hoàng đến vậy, không chỉ trên mạng xã hội mà những khoản tiền anh vay từ các dịch vụ cho vay tiền nhanh thông qua các app (ứng dụng) trên điện thoại di động cũng có kiểu đòi nợ ngoài sức tưởng tượng.

Anh nhớ vay lần đầu của một app được tối đa 1,7 triệu đồng nhưng thực tế anh chỉ nhận được hơn 1,4 triệu đồng, còn lại là phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, anh phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 2 triệu đồng. Nếu trả chậm sẽ bị phạt hơn 100.000 đồng/ngày.

Đúng đợt dịch bệnh, thu nhập bị cắt giảm, anh Hà không thể trả nợ đúng hạn. Bộ phận thu hồi nợ của app dịch vụ này đã đe dọa, chửi bới anh và tất cả những người thân, bạn bè lưu số trên danh bạ điện thoại của anh (bị lấy cắp lúc vay app). Trong lúc tinh thần bị khủng bố thì lại có những app khác gửi lời mời chào vay, vậy là anh nhắm mắt vay tiếp, thế rồi cứ lấy tiền vay chỗ này trả cho chỗ khác và anh trở thành con nợ của 5 app cho vay.

Theo Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương, mới đây Công an tỉnh Bình Dương nhận được sự ủy thác điều tra của Công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ một nhóm đối tượng người Trung Quốc cấu kết với các đối tượng người Việt Nam tạo ra các ứng dụng (app) cho vay qua mạng internet, có tới 60.000 người vay chịu lãi suất lên tới 1.095%/năm. Khách hàng là “con nợ” ở khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam, riêng địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 100 người.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh, nhóm người trên hoạt động, cung cấp các dịch vụ cho vay tiền nhanh thông qua các app (ứng dụng) trên điện thoại di động như “Vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online” với lãi suất rất cao. Số tiền mỗi lần vay không nhiều chỉ từ 1,5 đến 3 triệu đồng sau khoảng 8 ngày vay thì người vay sẽ phải trả cả gốc.

Nếu được vay 1,5 triệu đồng thì thực tế chỉ được nhận 900.000 đồng, còn lại là phí dịch vụ. Tính ra, người vay phải trả lãi suất lên đến 3%/ngày, tương đương 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm.

Có thể nhận thấy, những biến tướng của hoạt động tín dụng “đen” như những chiếc vòi của con bạch tuộc, cứ chặt vòi này thì cái vòi khác lại vươn ra, khó để xóa bỏ tận gốc./.

Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương. (Nguồn: BNEWS/TTXVN)
Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương. (Nguồn: BNEWS/TTXVN)

Tín dụng đen: Vì sao khó triệt tận gốc?

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng tín dụng “đen,” ngày 15/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTG 2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen.”

Hệ lụy của tín dụng “đen” đã làm phát sinh nhiều loại tội phạm như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, liên tiếp các ổ nhóm tín dụng “đen,” tổ chức cho vay nặng lãi bị đánh sập thời gian qua đã khiến loại hình hoạt động này giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những rào cản khiến cơ quan chức năng khó triệt tận gốc loại hình này.

Tín dụng “đen” co vòi bạch tuộc

Trước thời điểm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTG 2019, tình hình hoạt động tín dụng “đen” trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn biến phức tạp, hình thành nhiều nhóm, tổ chức hoạt động dưới các hình thức vỏ bọc như công ty cho vay, công ty cho thuê tài chính, các cơ sở cầm cố thế chấp tài sản có cho vay.

Hoạt động thu nợ, đòi nợ, ép nợ của các băng nhóm tín dụng “đen” đã gây ra không ít vụ việc vi phạm pháp luật, mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho biết, các nhóm đối tượng hoạt động hết sức chuyên nghiệp, có nguồn cung cấp tài chính, người đi tiếp thị cho vay, kẻ đi thu nợ siết nợ.

Hệ lụy của tín dụng “đen” đã làm phát sinh nhiều loại tội phạm như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.

Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch triệt phá các ổ nhóm tín dụng “đen.”

Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTG 2019, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ 34 vụ với 89 đối tượng, trong đó khởi tố 26 vụ và 76 đối tượng về các hoạt động liên quan đến hoạt động tín dụng “đen.”

Các bị cáo trong một băng nhóm tín dụng đen ở Thanh Hóa bị đưa ra xét xử. (Nguồn: TTXVN)
Các bị cáo trong một băng nhóm tín dụng đen ở Thanh Hóa bị đưa ra xét xử. (Nguồn: TTXVN)

Theo Trung tá Lâm Hồng Vũ, bên cạnh việc triển khai quyết liệt việc phá các ổ nhóm, Công an tỉnh Bình Dương đã chủ động lên kế hoạch đưa vào quản lý 7 băng nhóm, 191 đối tượng hoạt động đơn lẻ, 64 cơ sở cầm đồ, một số công ty tư vấn thủ tục tài chính ngân hàng có biểu hiện hoạt động tín dụng “đen.”

Qua đó, tội phạm liên quan đến tín dụng “đen” đã phần nào co cụm, giảm bớt không còn công khai, lộng hành như trước.

Từ câu chuyện của Bình Dương nhìn rộng ra trên cả nước có thể thấy, liên tục các thông tin triệt phá các băng ổ nhóm tín dụng “đen” trên cả nước được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải đã ghi nhận những nỗ lực của ngành công an nói riêng và các cơ quan chức năng nói chung.

Có lẽ ấn tượng với tôi nhất trong câu chuyện trao đổi với Trung tá Phạm Văn Quang thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương về hoạt động của tín dụng đen trên địa bàn tỉnh là câu nói lặp đi lặp lại nhiều lần: “Không có Chỉ thị 12 là chết đấy anh ạ, loạn lắm, phải cùng thực hiện đồng bộ nhiều địa phương triển khai mới ổn được.”

[Trung tá Phạm Văn Quang cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố đã tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh với tội phạm tín dụng “đen,” đã đánh đúng, đánh trúng nhiều băng nhóm nguy hiểm, nhiều đối tượng cầm đầu cộm cán, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Các vụ án phát sinh từ tín dụng “đen” đã được điều tra khám phá đạt tỷ lệ cao. Do đó, tình hình hoạt động tín dụng “đen” đã được kiềm chế, các hoạt động không còn trắng trợn, manh động như trước.

Đáng chú ý là nhiều nhóm đối tượng đã đóng cửa cơ sở, tháo dỡ biển hiệu, cho vay lãi suất thấp hơn. Việc đòi nợ, siết nợ giảm không còn côn đồ, manh động như trước. Thực tế cho thấy, việc vào cuốc rốt ráo của các cơ quan chức năng đã khiến những chiếc vòi của con bạch tuộc không còn vươn ra để lộng hành nữa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp do hoạt động tín dụng “đen” có thu nhập cao và là nguồn sống chính của các băng nhóm.

Khó triệt tận gốc

Khi đặt vấn đề vì sao khó triệt tận gốc hoạt động tín dụng “đen” với chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu thì câu trả lời chúng tôi nhận được là: “Rất khó!” bởi theo ông Hiếu lý giải thì thị trường tín dụng thì phải đi từ căn bản là người đi vay, từ cốt lõi ở nhu cầu vay.

Nếu theo dẫn giải của ông Hiếu thì có thể hiểu là nhu cầu vay nếu được đáp ứng sẽ giải quyết được vấn đề. Nhưng cái khó ở đây là các khoản vay dưới chuẩn, vay nóng trong thời gian ngắn thì không có tổ chức tín dụng chính thống nào đáp ứng và đấy chính là khe cửa để tín dụng “đen” lách vào.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Bên cạnh đó, theo Trung tá Phạm Văn Quang, việc tổ chức cho vay tiền với lãi suất cao đem lại nguồn thu nhập lớn nên các đối tượng không dễ dàng từ bỏ, mà sẽ chuyển sang các hình thức hoạt động tinh vi hơn nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Mặt khác, với chế tài xử phạt còn thấp nên các đối tượng sẽ tiếp tục hoạt động.

Trung tá Phạm Văn Quang cũng cho rằng, việc xử lý tội phạm tín dụng “đen” đang gặp nhiều khó khăn do các đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật, gây khó, xác định phạm vi giữa dân sự và hình sự của các hợp đồng cho vay cũng có khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật.

Cùng quan điểm trên, Trung tá Lâm Hồng Vũ chia sẻ thêm, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự chưa quy định chế tài xử phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng nhưng không có tài sản cầm cố nên không xử phạt hành chính được với trường hợp cho vay tiền lãi quá mức cho phép nhưng chưa đến mức xử lý hình sự nếu hợp đồng cho vay không có tài sản thế chấp.

Bên cạnh đó, theo ông Lâm Hồng Vũ, công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là cấp giấy phép cho các công ty tài chính hoạt động chưa chặt chẽ. Việc quản lý, phát hiện vi phạm liên quan đến tín dụng “đen” còn yếu kém.

Có thể nhận thấy những rào cản thực tiễn khi triển khai công tác đấu tranh với loại tội phạm tín dụng “đen” liên quan đến pháp lý nên được các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết bởi nếu không được sự vào cuộc thường xuyên của các cơ quan chức năng thì tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng “đen” có thể hoạt động mạnh mẽ trở lại bất cứ lúc nào./.

Lời giải cho bài toán ngăn chặn “tín dụng“đen”

Có ý kiến cho rằng, tín dụng “đen” là vấn nạn quốc gia, cần có chương trình quốc gia để xử lý như chương trình xóa đói giảm nghèo… Điều này đòi hỏi tất cả bộ, ban, ngành phối hợp, cũng như cần sự đồng hành của người dân cùng vào cuộc một cách đồng bộ thì mới giải quyết triệt để được vấn nạn này.

Để ngăn chặn một cách hiệu quả, bên cạnh việc khắc phục những lỗ hổng pháp lý với hoạt động tín dụng “đen” thì việc mở rộng các đối tượng và hình thức tín dụng cũng được xem là một giải pháp căn bản để ngăn chặn tệ nạn này.

Thực tế cho thấy, sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã phần nào hạn chế những chiếc “vòi bạch tuộc” đang tìm cách xiết cổ những người lỡ sa vào ma trận tín dụng “đen.”

Tuy nhiên, để ngăn chặn một cách hiệu quả, bên cạnh việc khắc phục những lỗ hổng pháp lý với hoạt động tín dụng “đen” thì việc mở rộng các đối tượng và hình thức tín dụng cũng được xem là một giải pháp căn bản để ngăn chặn tệ nạn này.

Ráo riết ngăn chặn

Bắt 2 đối tượng từ Thanh Hóa vào Bình Định cho vay lãi suất “cắt cổ”; Khởi tố 2 “giang hồ” đất Bắc vào Quảng Bình cho vay với lãi suất “khủng” 365%/năm; Đắk Lắk: Khiếp đảm với cách cho vay lãi suất 480%/năm; Triệt phá đường dây cho 300 người vay nặng lãi với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng; Triệt phá nhóm “tín dụng đen” cho vay lãi 180%/năm; Triệt phá nhóm tín dụng đen F98credit.vn; Tín dụng đen hoành hành hậu COVID-19: Lãi suất “cắt cổ” đến 700%, người vay “dở sống, dở chết”…

Hàng loạt thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên quan đến việc triệt phá các đường dây, tổ chức hoạt động tín dụng “đen” khắp trong Nam ngoài Bắc cho thấy sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sau Chỉ thị 12/CT-TTG 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen;” đồng thời cũng cho thấy sự hoành hành của hoạt động tín dụng “cắt cổ” này.

Lực lượng công an Quảng Bình khám xét một tụ điểm cho vay lãi nặng tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Trần Tuấn/TTXVN phát)
Lực lượng công an Quảng Bình khám xét một tụ điểm cho vay lãi nặng tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Trần Tuấn/TTXVN phát)

Theo một thống kê từ Tổ chức Ngân hàng Thế giới, 46,8% người Việt Nam có các giao dịch vay mượn, nhưng chỉ có 18% trong số đó là vay từ các tổ chức chính thống như ngân hàng. Nhiều giao dịch vay mượn của người dân vẫn diễn ra trên thị trường tín dụng “đen” vốn được cảnh báo có thể gây mất an toàn cho người đi vay, cũng như bất ổn cho xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận người dân muốn có ngay khoản tiền cho nhu cầu gấp gáp phục vụ nhu cầu, nhưng lại không đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng.

Song nguyên nhân quan trọng nhất tạo khe hở để tín dụng “đen” vẫn tồn tại là do mức độ hiểu biết của người dân còn hạn chế nên họ chưa thể hình dung được tác động xấu của tín dụng “đen” ảnh hưởng sâu xa thế nào đối với gia đình họ cũng như trật tự an toàn xã hội.

Cũng chính sự hiểu biết hạn chế khiến cho người dân càng dễ mắc bẫy tín dụng “đen.” Trong khi đó quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Có một thực tế hiện hữu là không có tổ chức tài chính, tín dụng chính thống nào sẵn sàng cung cấp các khoản vay theo kiểu “vay 1 triệu đồng, trả lãi 3.000 đồng/ngày,” hay có các khoản vay cho khách hàng dưới chuẩn tiềm ẩn rủi ro cao. Trong khi trên thực tế, đây là các hình thức vay cá nhân với nhu cầu rất cao.

Vì thế, Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các biện pháp giải quyết vấn nạn tín dụng “đen” hiện mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý, trong khi tín dụng “đen” lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả góc độ pháp lý và trên cơ sở thị trường, hay nói cách khác là cung-cầu.

Chỉ khi nào người dân tiếp cận được nguồn vốn từ kênh tài chính chính thống một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất thì họ sẽ không tìm đến tín dụng “đen.”

Mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc khắc phục những lỗ hổng pháp lý với hoạt động tín dụng “đen” thì việc mở rộng các đối tượng tín dụng cũng được xem là một giải pháp ngăn chặn tệ nạn này.

Trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước được biết, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bị giảm doanh thu, thu nhập hoặc phải hoạt động cầm cự, thậm chí nguy cơ phá sản, ngành ngân hàng đã có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Qua đó, giảm áp lực trả nợ vay đến hạn trong bối cảnh khó khăn, góp phần hạn chế người dân tìm đến tín dụng “đen.”

Anh Nguyễn Công Bằng ở Long An thanh toán vật tư nông nghiệp bằng thẻ thấu chi của Agribak. (Nguồn: BNEWS/TTXVN)
Anh Nguyễn Công Bằng ở Long An thanh toán vật tư nông nghiệp bằng thẻ thấu chi của Agribak. (Nguồn: BNEWS/TTXVN)

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2018; trong đó nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ nhằm đáp ứng tốt hơn nguồn vốn cho người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi tín dụng “đen” hoạt động mạnh.

Với quan điểm đó, các ngân hàng phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp với lãi suất hợp lý; tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đơn giản hóa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Triển khai từ tháng 9/2019, Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã cung cấp cho nông dân sản phẩm dịch vụ cho vay thấu chi qua thẻ ATM với hạn mức 30 triệu đồng.

Việc triển khai Đề án này của Agribank có ý nghĩa quan trọng đẩy lùi nạn tín dụng “đen,” góp phần gia tăng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Cầm trên tay tấm thẻ thấu chi của Agribank để thanh toán hơn chục bao phân bón, anh Nguyễn Công Bằng ở xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường (Long An) chia sẻ: “Thực sự, tôi chẳng nghĩ có ngày nông dân như chúng tôi được cầm thẻ thấu chi ra đại lý mua hàng. Trước nay tôi nghĩ thẻ thấu chi chỉ dành cho cán bộ, công chức, chứ ai nghĩ nông dân giờ cũng… “sang” thế này!”

“Có cái này đỡ nhiều lắm!” xoay xoay tấm thẻ trên tay, đôi mắt hiền lành, chân chất trên khuôn mặt đen sạm của người nông dân miền Tây đã từng một thời lao đao vì gánh nặng nợ nần như còn vương sự xúc động.

“Không chỉ là vấn đề tiền bạc đâu, trong tấm thẻ này, thực sự tôi còn thấy cả sự thấu hiểu, chia sẻ của ngân hàng với nông dân, bởi trồng lúa như nhà nông chúng tôi thì chỉ có tiền vào mùa thu hoạch, trong khi nhu cầu thì trăm thứ bà rằn mỗi ngày. Có món phát sinh đột xuất thì chỉ vay lãi hoặc ký nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, cứ loanh quanh thế mà dính vào tín dụng “đen” lúc nào không hay!”

Theo ông Nguyễn Kim Thài, Giám đốc Agribank Long An, sản phẩm thẻ thấu chi với hạn mức lên đến 30 triệu đồng dành cho các đối tượng là khách hàng cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp và đặc biệt là sự quan tâm của nông dân. Dễ dàng tiếp cận với thủ tục mở thẻ đơn giản, không cần thế chấp, chính sách lãi suất ưu đãi khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, việc sử dụng thẻ thấu chi để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, thanh toán mua hàng tại các cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, bách hóa, cơ sở sửa chữa máy nông ngư cơ, siêu thị… đã giúp nông dân giải quyết cơ bản những nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong lúc chờ tới mùa vụ thu hoạch. Từ đó, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng “đen” trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cũng cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo.

LienVietPostBank cũng đang xây dựng hệ thống app ứng dụng cho vay online phục vụ trên 24/7. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể khai báo nhân thân của mình, nhu cầu vay… sau đó ngân hàng sẽ kiểm tra, thẩm định hồ sơ vay vốn và sẽ trả lời có cho vay hay không; nếu được vay thì vay bao nhiêu…

Thời gian duyệt thì phụ thuộc vào bộ lọc của app và tùy vào người khai báo, hạn mức có thể từ 20-50 triệu đồng, nếu điểm tín dụng cao thì hạn mức tăng lên gấp đôi, nhưng hạn mức vay đều trong ngưỡng an toàn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng đã tích cực vào cuộc cùng với các bộ, ngành, chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn đẩy lùi nạn tín dụng “đen.”

Về khung khổ pháp lý, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất… để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng “đen” hoạt động; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân…

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã nghiên cứu để đưa ra thực hiện gói tín dụng tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách để đề xuất sửa đổi, nâng mức cho vay kéo dài thời gian cho vay phù hợp đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách; đồng thời nắm sát hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tích cực phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngành ngân hàng về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng “đen” gây ra.

Tuy nhiên, để hạn chế, đẩy lùi tín dụng “đen,” không chỉ ngành ngân hàng mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng “đen” tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Cùng đó, các ngành liên quan đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức về tài chính ngân hàng và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đối với công chúng, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, hạn chế người dân phải tìm đến tín dụng phi chính thức./.

Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)