Rama IX

Những ngày này, hàng triệu người dân Thái Lan đã và đang đổ về thủ đô Bangkok để tiễn biệt cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, miếu hiệu Rama IX, trước khi lễ hỏa táng được cử hành trọng thể theo nghi lễ hoàng gia vào ngày 26/10.

Tình cảm tiếc thương vô cùng sâu sắc mà người dân Thái Lan dành cho ông được lý giải là sự tri ân đối với các đóng góp to lớn của ông đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước suốt nhiều thập kỷ qua. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, sẽ rất khó có ai bù đắp được khoảng trống về tinh thần mà ông để lại cho đất nước Chùa Vàng.

Tại quốc gia Đông Nam Á có hơn 60 triệu dân này, ngay khi Vua Rama IX còn sống, người dân đã xem ông như một biểu tượng. Những bức chân dung to hơn người thật của Nhà vua được treo tại nơi trang trọng ở các gia đình, các đại sảnh, toà nhà văn phòng, đầu mối giao thông như một minh chứng cho vị trí của ông trong đời sống xã hội Thái Lan.

Đáng nói là theo thể chế quân chủ lập hiến mà Thái Lan đã áp dụng từ năm 1932, Nhà vua Thái Lan không có vai trò điều hành đất nước, không can thiệp vào chính trị. Thế nhưng, kể từ khi chính thức lên ngôi năm 1950, Nhà Vua Rama IX đã dần vượt ra khỏi vai trò nghi lễ của một vị quốc vương trong chế độ quân chủ lập hiến để gây dựng tầm ảnh hưởng, đóng vai rất quan trọng đối với lịch sử hiện đại của đất nước Thái Lan.

Biến cung điện thành “phòng thí nghiệm”

Được ca tụng là vị vua của nông nghiệp, cố quốc vương Bhumibol Adulyadej – Rama IX đã nỗ lực phát triển ngành nông nghiệp Thái Lan nhằm nâng cao đời sống của nông dân, nhất là bằng các phương thức canh tác lúa và thử nghiệm trồng trọt, được thể hiện rõ trong nhiều dự án do hoàng gia khởi xướng.

Nông dân Thái Lan phục dựng cánh đồng lúa phụ vụ cho lễ hỏa tháng cố Quốc vương Rama IX, như sự tri ân đối với di sản của Nhà Vua trong lĩnh vực nông nghiệp (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nông dân Thái Lan phục dựng cánh đồng lúa phụ vụ cho lễ hỏa tháng cố Quốc vương Rama IX, như sự tri ân đối với di sản của Nhà Vua trong lĩnh vực nông nghiệp (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thái Lan là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học giàu có nhất trên thế giới. Rất nhiều loại cây trồng có thể sinh trưởng tốt tại đây. Từ thời xa xưa, đời sống của đa số người Thái Lan đã chủ yếu phụ thuộc vào việc canh tác, nhờ sự màu mỡ của đất đai cũng như sự trù phú của biển cả và sông ngòi.

Vua Rama IX nhận thức rất rõ điều này. Ông đã khuyến khích dân chúng phát triển lối sống tự cung tự cấp. Dưới sự chỉ đạo của nhà vua, nông dân đã có thể tự nuôi sống bản thân, bắt đầu bằng trồng lúa, sau đó là trồng các loại cây khác.

Lúa gạo là một trong những cây trồng nông nghiệp đầu tiên được nghiên cứu tại cung điện Chitralada của cố nhà vua. Nghiên cứu này nhắm mục tiêu tìm ra những phương pháp canh tác tốt nhất và giới thiệu chúng với nông dân.

Vua Rama IX đã yêu cầu đem các giống lúa khác nhau từ khắp nơi tại Thái Lan đến để thử nghiệm. Ông cũng hỗ trợ Quỹ Lúa gạo Thái Lan và Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, cũng như tài trợ cho Cơ quan Lúa gạo hàng năm để nghiên cứu.

Đồ họa lễ hỏa tháng của Hoàng gia Thái Lan (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đồ họa lễ hỏa tháng của Hoàng gia Thái Lan (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau đó, những giống lúa và hạt giống đã được cải thiện theo các sáng kiến hoàng gia được phân phối tới các nông dân trồng lúa, giúp họ canh tác có giá trị hơn và tự đứng được trên đôi chân của mình theo một cách bền vững hơn.

Là một người được hấp thu kiến thức khoa học, kinh tế và tổ chức của Âu – Mỹ, Nhà vua Rama IX cũng đã vận dụng rất tốt các ý tưởng phát triển trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ và tổ chức quản lý tiên tiến. Ông thực sự đã dành nhiều thời gian, công sức và tiền của để triển khai, áp dụng các chương trình phát triển.

Hơn 3.000 dự án phát triển được triển khai trong suốt triều đại Vua Rama IX, làm thay đổi cuộc sống hàng triệu nông dân nghèo. 

Hơn 3.000 dự án phát triển được triển khai trong suốt triều đại Bhumibol làm thay đổi cuộc sống hàng triệu nông dân nghèo là kết quả của những công trình nghiên cứu nghiêm túc có tham vấn kỹ càng với các chuyên gia cũng như xét đến nhu cầu thực tế của người dân và mang đến những đổi thay hiệu quả trong cuộc sống của họ.

Những dự án đáng chú ý như nghiên cứu và triển khai công nghệ làm mưa nhân tạo để chống hạn hán, dự án nông nghiệp bền vững và đa dạng hóa sinh kế cho người vùng cao, dự án lọc sạch nước sinh hoạt, dự án năng lượng sạch, dự án đập nước nhỏ liên hoàn điều tiết thủy lợi.

Hình ảnh Nhà vua Rama IX hiện diện khắp nơi trên đất nước Thái Lan (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)
Hình ảnh Nhà vua Rama IX hiện diện khắp nơi trên đất nước Thái Lan (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)

Ông đã biến cung điện Chitralada rộng lớn của mình thành nơi ông có thể tiến hành nhiều thí nghiệm và thực hiện hàng loạt các đề án về nông nghiệp, thuỷ lợi. Nhà vua cũng lập ra các trung tâm nghiên cứu phát triển trên khắp đất nước, có nhiệm vụ nghiên cứu các chiến lược phát triển phù hợp với từng địa phương.

Khi lên ngôi, Nhà Vua Rama IX thề sẽ “cai trị quốc gia bằng sự công bằng, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân”. Và ông đã chứng minh rằng đó không chỉ là lời hứa suông. Thái Lan dưới sự trị vì của ông chuyển mình từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành nền kinh tế công nghiệp và thương mại hiện đại với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.

Triết lý “Kinh tế vừa đủ”

Cũng từ những năm 1970, Vua Rama IX đã khuyến khích phát triển mô hình “kinh tế vừa đủ” (sufficiency economy). Theo lý giải của một số chuyên gia, do là người theo đạo Phật nên triết lý kinh tế của Nhà vua cũng mang tinh thần “biết đủ” của Phật giáo.

Nhà Vua Rama IX từng chia sẻ về triết lý kinh tế này của mình như sau: “Phát triển kinh tế phải thực hiện từng bước một. Nó phải bắt đầu bằng việc tăng cường các nền tảng kinh tế của chúng ta, bằng cách phải đảm bảo phần lớn dân số đủ sống… Khi một tiến trình đã đạt được, chúng ta nên bắt tay vào những bước tiếp theo, thông qua việc theo đuổi các cấp độ cao cấp hơn của việc phát triển kinh tế”.

Mô hình “kinh tế vừa đủ” dựa trên như cầu tiêu dùng điều độ, có chừng mực, sự tự chủ và khả năng tự miễn dịch với sự bất ổn từ bên ngoài : không để bị ảnh hưởng bởi các vấn đề quốc tế về kinh tế, năng lượng, chính trị, ngoại giao. Nó được gọi là “học thuyết mới về nông nghiệp”. Học thuyết này dựa vào các nguyên tắc đa dạng hóa trồng trọt, tiêu thụ có chừng mực, hợp lý. Nền nông nghiệp mà nhà vua phát triển là nền nông nghiệp bền vững bổ trợ cho các nền nông nghiệp sinh học, nông-lâm nghiệp.

Vua Rama IX từng nhấn mạnh: “Là một con hổ kinh tế không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta phải có một nền kinh tế vừa đủ. Một nền kinh tế vừa đủ có nghĩa là phải có đủ lực để hỗ trợ chính mình. Chúng ta phải có một bước chuẩn bị cẩn trọng; mỗi làng, mỗi huyện phải tự túc được cho mình.”

Hàng vạn người dân xếp hàng ngay ngắn bên ngoài Hoàng cung sau ngày mất của Nhà Vua Rama IX (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)
Hàng vạn người dân xếp hàng ngay ngắn bên ngoài Hoàng cung sau ngày mất của Nhà Vua Rama IX (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)

Khái niệm “Nền kinh tế vừa đủ” được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc hội thảo, hội nghị và diễn đàn quốc tế. Phát triển nông nghiệp theo mô hình triết lý kinh tế vừa đủ được hình thành từ nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej – Rama IX có sức lan tỏa mạnh có ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Khái niệm “Nền kinh tế vừa đủ” được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc hội thảo, hội nghị và diễn đàn quốc tế, có sức lan tỏa mạnh có ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Những năm gần đây, khái niệm “Nền kinh tế vừa đủ” được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc hội thảo, hội nghị và diễn đàn quốc tế. Phát triển nông nghiệp theo mô hình triết lý kinh tế vừa đủ được hình thành từ nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej – Rama IX có sức lan tỏa mạnh có ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác trong khu vực. Hiện đã có nhiều nước cử người đến học tập kinh nghiệm này.

Thái Lan cũng ra sức quảng bá quan điểm này tại các diễn đàn quốc tế và xem đó là một sự đóng góp độc đáo của nước này cho sự phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng quốc tế.

Cho tới nay, nhiều ý tưởng của quốc vương Bhumibol về phát triển bền vững đã được các tổ chức quốc tế vinh danh. Tháng 6/2006, Nhà Vua Bhumibol Abdulyadej – Rama IX đã được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan trao tặng “Huy chương Thành quả trọn đời vì Phát triển nhân loại”.

Di sản còn mãi của nhà vua Rama IX

Không chỉ được coi là Vị Vua của nền Nông nghiệp Thái, triết lý tự cấp tự túc của Nhà Vua Rama IX cũng đã trở thành ánh sáng dẫn đường cho nhiều doanh nghiệp nước này.

Lãnh đạo chủ chốt của các công ty lớn tại Thái Lan đã chia sẻ cảm nghĩ của họ với tờ Bangkok Post về những đóng góp của cố nhà vua với sự phát triển kinh doanh của nước nhà.

Chaiwat Kovavisarach, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Bangchak Corp Plc (BCP)

Một trong những sáng kiến của đức vua Bhumibol là mô hình kinh doanh hợp tác xã, bao gồm một hệ thống thương mại công bằng cho tất cả các bên, đặc biệt là nông dân, vì các hợp tác xã đưa đến những nỗ lực điều hành các doanh nghiệp làm lợi cho cộng đồng. Bangchak, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan, đã tiếp thu những sáng kiến này và biến chúng thành trọng tâm trong các hoạt động hàng ngày của mình, với mục tiêu mang lại sự tăng trưởng bền vững cho công ty cũng như cho cộng đồng người Thái.

Người dân Thái cầu siêu cho Nhà Vua Rama IX (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)
Người dân Thái cầu siêu cho Nhà Vua Rama IX (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)

Bangchak cũng sẽ tiếp bước đức vua để đoàn kết xã hội Thái Lan khi công ty hướng tới tăng trưởng bền vững toàn diện. Bangchak điều hành hơn 500 trạm xăng trên toàn quốc theo mô hình kinh doanh hợp tác xã nông nghiệp, chiếm khoảng một nửa số trạm xăng cả nước. “Mô hình kinh doanh này là một trong những triết lý phát triển bền vững của đức vua, cho phép người dân địa phương tham gia vào các doanh nghiệp bằng cách chia sẻ lợi ích, một điều mà công ty chúng tôi luôn ghi nhớ,” ông Chaiwat cho hay.

Kesara Manchusree, Chủ tịch Sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET)

Đức vua Bhumibol là ánh sáng dẫn đường trên mọi khía cạnh. Theo bà Kesara, triết lý “kinh tế vừa đủ” của cố nhà vua không chỉ áp dụng được vào đời sống hàng ngày của người dân, mà còn áp dụng được với các tổ chức.

“Với người dân, triết lý này hướng họ đến tiết kiệm và tự lực cánh sinh. Khi họ có đủ cho bản thân, họ có thể bắt đầu chia sẻ với người khác. Khi người Thái làm theo lời đức vua, hạnh phúc sẽ kéo đến,” bà nhận định.

“Tại SET, triết lý này được áp dụng để thúc đẩy sự bền vững, trách nhiệm với xã hội và môi trường cũng như duy trì hoạt động quản trị tốt. Chúng tôi cũng cổ vũ những tư tưởng tốt đẹp này ở các doanh nhân và các nhà đầu tư để bảo đảm hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ có lợi cho mọi ngành nghề trong xã hội.”

Bà Kesara cho biết các công ty được niêm yết cũng phải nhận thức được rằng, để phát triển thịnh vượng trong dài hạn, họ cần phải kinh doanh bền vững. Những người làm được điều này đã thu về những kết quả đáng kinh ngạc, thể hiện độ tin cậy và khả năng quản trị tốt ở mức cao nhất, cả ở phạm vi khu vực và toàn cầu.

Triết lý kinh tế vừa đủ ngày nay đã được công nhận toàn cầu và phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới.

Đoàn người vào viếng Nhà Vua Rama IX (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)
Đoàn người vào viếng Nhà Vua Rama IX (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)

“Tôi tự tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài đã học tập tư tưởng của cố nhà vua cũng sẽ thấy ấn tượng, vì các sáng kiến của người rất thực tế và có lợi cho tất cả mọi người,” bà Kesara chia sẻ.

Lars Norling, Giám đốc điều hành công ty Total Access Communication (DTAC)

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, DTAC đã học được bài học rằng các tập đoàn lớn không thể tự mình hoạt động độc lập bằng cách chỉ hướng tới tăng trưởng và lợi nhuận. Hệ sinh thái phát triển kinh tế và xã hội bao gồm cả quản lý công, khu vực kinh tế tư nhân và xã hội, tất cả đều liên hệ mật thiết với nhau. Nếu xã hội đổ vỡ, các công ty tư nhân cũng sẽ sụp đổ theo như hiệu ứng domino. Vì thế, các công ty phải đóng góp cho xã hội và hệ sinh thái này như một khối nhất thể.

Bài học này phản ánh triết lý kinh tế vừa đủ của cố nhà vua. Triết lý này nhấn mạnh vào lối sống cân bằng – khiêm nhường, hợp lý, tự miễn dịch và có đạo đức – một nguyên tắc được thừa nhận toàn cầu.

Ông Norling cho biết sự bền vững đã trở thành trọng tâm trong các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự kiên cường và sống sót sau những cú sốc kinh doanh. DTAC đã biến triết lý này thành những giá trị cốt lõi của công ty với tầm nhìn “trao quyền cho xã hội”.

Một báo cáo của tổ chức Groupe Speciale Mobile Association (GSMA) cho biết thúc đẩy người dân ở các vùng nông thôn tiếp cận với internet là cách để đạt tới nền kinh tế kỹ thuật số.

Trong suốt thập kỷ vừa qua, DTAC đã thực hiện nhiều dự án để xác định những vấn đề đang diễn ra – bất bình đẳng, sự chia rẽ trong không gian kỹ thuật số và bắt nạt trên mạng – bằng cách sử dụng công nghệ và các chương trình giáo dục như: Tình nguyện viên quốc tế DTAC, Người nông dân thông minh hay Internet an toàn.