‘Báo chí chậm’

Trong khi các guồng quay tin tức đang tăng tốc, báo chí “chậm” dường như lại đang giảm tốc. Những ngày này, để khoác lên chiếc áo của một nhà báo theo phong cách “chậm,” những hạn chót – và thậm chí là những tin sốt dẻo – bị phủ định bởi cuộc tìm kiếm sự chính xác, tính cân đối, sự vô tư, và có lẽ là cả những giải thưởng Pulitzer.

Việc chủ một tờ báo sẵn sàng trả tiền lương cả năm cho một nhà báo, chỉ để người đó kể một câu chuyện tin tức có chiều sâu trong một năm, cũng có thể là một mô hình hữu dụng.

Khi bài viết dài 8.000 từ của Ronan Farrow (một cựu biên tập viên của kênh MSNBC kiêm cộng tác viên của NBC News) với nhan đề “Từ những đề nghị khiếm nhã tới tấn công tình dục: Câu chuyện của những người  buộc tội Harvey Weinstein” nêu chi tiết những cáo buộc quấy rối và tấn công tình dục nhắm vào Harvey Weinstein được đăng trên tờ New Yorker hôm 10/10 năm ngoái, một trong những dòng đầu tiên của bài viết này đã nêu rõ rằng đây là kết quả của một cuộc điều tra kéo dài 10 tháng.

Trong suốt 10 tháng đó, Farrow đã phỏng vấn 13 phụ nữ tố cáo Weinstein đã quấy rối hoặc tấn công tình dục họ trong khoảng thời gian từ những năm 1990 đến 2015.

Bài viết dài 8.000 từ của Ronan Farrow (cựu biên tập viên của kênh MSNBC kiêm cộng tác viên của NBC News) với nhan đề “Từ những đề nghị khiếm nhã tới tấn công tình dục: Câu chuyện của những người  buộc tội Harvey Weinstein.” (Nguồn: New Yorker)
Bài viết dài 8.000 từ của Ronan Farrow (cựu biên tập viên của kênh MSNBC kiêm cộng tác viên của NBC News) với nhan đề “Từ những đề nghị khiếm nhã tới tấn công tình dục: Câu chuyện của những người  buộc tội Harvey Weinstein.” (Nguồn: New Yorker)

Nhớ lại cuộc điều tra dài gần một năm ấy, Farrow đã chia sẻ với Gayle King của kênh CBS trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trước khán giả tại Hội nghị Truyền thông Tin tức Hoa Kỳ tổ chức tại New York năm nay về sự kính trọng mà anh dành cho biên tập viên David Remnick của tờ New Yorker, người không chỉ động viên và hỗ trợ mà còn cho anh tự do để theo đuổi một cuộc điều tra dài hơi, sâu rộng như vậy. Farrow cũng giải thích lý do vì sao anh và Remnick xác định rằng việc nhanh chóng đăng bài viết này lên trước không quan trọng bằng việc bảo đảm tính chính xác về nội dung của nó cho độc giả.

Đứng vững trước sự xét nét

Thực tế, 5 ngày trước khi bài điều tra này được đăng trên New Yorker, tờ New York Times đã tiết lộ nhiều cáo buộc quấy rối tình dục chống lại Weinstein thông qua bài viết của hai nhà báo là Jodi Kantor và Megan Twohey. Bài báo của Times đã dẫn đến việc 4 thành viên của công ty Weinstein Company từ chức khỏi ban quản trị toàn nam giới, còn Weinstein thì bị sa thải.

Khi được hỏi rằng mình có bị giục “nhanh lên” để có bài đăng báo hay không, Farrow đã nhấn mạnh rằng nhờ “bộ giá trị báo chí” tại New Yorker, anh và Remmick đều cương quyết rằng bài điều tra chỉ có thể được đăng khi nó “đã 100% sẵn sàng và được kiểm tra cẩn thận.”

Farrow đã nhấn mạnh rằng nhờ “bộ giá trị báo chí” tại New Yorker, anh và Remmick cương quyết rằng bài điều tra chỉ có thể được đăng khi nó “đã 100% sẵn sàng và được kiểm tra cẩn thận”

Ngay cả khi biết rằng các nhà báo của New York Times sắp đăng bài điều tra riêng về vụ Weinstein, họ vẫn không thay đổi quyết định của mình. Mấu chốt của quyết định đó là niềm tin rằng họ không nên “thu hẹp cửa sổ bình luận về Weinstein” cũng như không được liều lĩnh với quá trình kiểm tra tính xác thực của tin tức. Phiên bản sự thực của họ “cần đứng vững được trước những sự xét nét cặn kẽ,” Farrow giải thích.

Liên quan chặt chẽ đến cuộc chiến chống tin tức giả hiện nay, Farrow ca ngợi cách tiếp cận và niềm tin của ban biên tập tờ New Yorker, cũng là lý do giúp bài điều tra của anh giành giải thưởng Pulitzer năm 2018 cho hạng mục Phục vụ Cộng đồng, đồng giải với tờ New York Times.

“Bí quyết của tờ New Yorker trong cách đưa tin về vụ việc này là mô hình (chống lại tin tức giả),” Farrow cho biết. “Bạn không được kiểm tra tính xác thực một cách sơ sài. Bạn không được đánh giá tính pháp lý một cách qua loa. Bạn có một quy trình do những nhà báo dũng cảm điều hành… và bạn phải cách ly bài viết của mình khỏi bất kỳ sự can thiệp mang tính tổ chức nào.”

Lấp đầy vực thẳm tin tức

Cách tiếp cận này được hưởng ứng bởi Rob Orchard, biên tập viên báo chí “chậm” của tạp chí Delayed Gratification, người đã cảnh báo rằng việc “trở thành người đầu tiên đưa tin trong môi trường tin tức ngày nay (không may) đã trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với việc đưa tin đúng.” Orchard nói: “Điều này đã buộc báo chí phải rẽ sang một hướng đi tồi tệ, khi những yếu tố cơ bản như sự chính xác, bối cảnh và chiều sâu tin tức bị bỏ rơi trong cuộc tranh giành để đưa những dòng chữ lên trực tuyến.”

Tạp chí Delayed Gratification.
Tạp chí Delayed Gratification.

Tuy nhiên, Orchard cũng khuyên rằng tin tức “chậm” nên vượt xa hơn cả những nguyên tắc căn bản về tính chính xác, sự công bằng và bối cảnh. Theo ông, có quá nhiều hãng tin chọn đưa các câu chuyện tin tức, rồi sau đó lại bỏ rơi chúng ngay khi sự hào hứng của độc giả xẹp đi. Nhiệm vụ của các nhà báo theo phong cách “chậm” là phải “lấp đầy vực thẳm” bị bỏ lại trong guồng quay tin tức 24/7. Một ví dụ về điều này là Delayed Gratification đã tiếp tục đưa tin về hậu quả của tai nạn tại mỏ than ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2014 thêm một thời gian rất lâu sau đó, trong khi hầu hết các hãng tin khác đã dừng lại.

Tờ Times của Anh cũng nhận ra rằng cuộc đua tin tức 24/7 có thể không tạo ra thứ báo chí tốt nhất – hay tương tác trực tuyến tốt nhất. Chỉ mới hơn 2 năm về trước, họ đã từ bỏ luồng tin nóng trực tuyến và quay về với mô hình ba phiên bản tin tức kỹ thuật số có đặt hạn chót mỗi ngày. Khi đó, những người trong ngành đã nhăn mặt với động thái này, nhưng giờ thì tòa báo lại đang tận hưởng thành công ở quy mô lớn.

Theo tờ Times, “cách tiếp cận theo phiên bản” với xuất bản kỹ thuật số đang tỏ ra hiệu quả. Trong năm đầu tiên giảm tốc độ đưa tin kỹ thuật số, lượng người xem trên ứng dụng di động của họ đã tăng 300%, lượng người đăng ký theo dõi trên ứng dụng di động và trên web tăng 20%, người dùng ứng dụng tăng 30%, số tin bài được đọc trong mỗi lần vào trang web tăng 110%, và ngay cả doanh số bán báo in cũng tăng 9,5%.

Theo tờ Time (Anh), “cách tiếp cận theo phiên bản” với xuất bản kỹ thuật số đang tỏ ra hiệu quả. (Time)
Theo tờ Time (Anh), “cách tiếp cận theo phiên bản” với xuất bản kỹ thuật số đang tỏ ra hiệu quả. (Time)

Những con số thống kê và tin tức dồn dập đôi khi không thể hiện được tác động đầy đủ của một câu chuyện tin tức đang diễn ra. Lấy ví dụ về cuộc khủng hoảng opioid (sử dụng sai các loại thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện) ở Mỹ, được mô tả là đại dịch nghiện thuốc tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia này. Hiện nay, việc sử dụng thuốc quá liều gây ra cái chết của gần 64.000 người mỗi năm.

Nhận ra rằng một mình số liệu thống kê không thể kể hết được câu chuyện, tạp chí Time – trong số ra tháng 3 năm nay – đã giao nhiệm vụ cho nhiếp ảnh gia kỳ cựu James Nachtwey đưa tin về cuộc khủng hoảng này. Nachtwey, người từng chụp ảnh về nhiều cuộc xung đột có vũ trang và các vấn đề xã hội trên khắp thế giới, đã dành hơn một năm rong ruổi cùng phó giám đốc nhiếp ảnh Paul Moakley của tờ Time để chụp hình cho Nhật ký Opioid – ấn bản đầu tiên trong 95 năm lịch sử của Time dành riêng để đăng những bức ảnh của một nhiếp ảnh gia.

Những bức ảnh phong phú đã ghi lại thực tế cuộc sống của người dân và gia đình của họ, cũng như những người phản ứng đầu tiên đang sống trong hoặc đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch nghiện thuốc này mỗi ngày. Với phiên bản trực tuyến, những hình ảnh được gắn kèm với giọng nói của những người trả lời phỏng vấn với Moakley.

Ảnh bìa “chậm”

Tờ Time đã trở lại lại cách tiếp cận theo hướng chủ đề khi dành ấn bản đặc biệt trong tháng 6 cho “Kỷ nguyên máy bay không người lái.” Lần này, Time đã đưa báo chí “chậm” tiến thêm một bước bằng cách đưa lối làm báo này vào trong phương pháp chụp ảnh cho trang bìa.

Trong lịch sử 95 năm của mình, trang bìa của Time chưa bao giờ được chụp bởi một chiếc máy ảnh gắn trên máy bay không người lái. Hợp tác và lên kế hoạch tỉ mỉ suốt nhiều tháng với hệ thống Astraeus Aerial Cinema Systems của đội ngũ Drone Light Show thuộc Intel, họ đã sử dụng 958 máy bay không người lái có gắn đèn LED để tạo ra phiên bản thật của đường viền và logo màu đỏ biểu tượng của tờ tạp chí ở độ cao 400 mét trên không trung cho bức ảnh trang bìa.

Time đã đưa báo chí “chậm” tiến thêm một bước bằng cách đưa lối làm báo này vào trong phương pháp chụp ảnh cho trang bìa. (Nguồn: Time)
Time đã đưa báo chí “chậm” tiến thêm một bước bằng cách đưa lối làm báo này vào trong phương pháp chụp ảnh cho trang bìa. (Nguồn: Time)

Wired, tờ tạp chí của Mỹ chuyên đưa tin tức về ảnh hưởng của công nghệ với văn hóa, kinh tế và chính trị, cũng đã chuyển hướng từ việc đưa tin dồn dập về cuộc tranh cãi xoay quanh Facebook trong vài năm qua, bằng cách dành ra vài tháng để phỏng vấn 51 nhân viên và cựu nhân viên của Facebook về các vấn đề từ chống lại tin tức giả tới những câu hỏi về quyền riêng tư của người dùng.

Kết quả là một bài đăng đặc biệt trên trang nhất của số báo tháng 2 năm nay có tiêu đề “Hai năm địa ngục của Facebook: Bên trong cuộc vật lộn để sửa chữa tất cả của Mark Zuckerberg.” Bài phóng sự đặc biệt này là một ví dụ đầy hứa hẹn về cách thực hiện báo chí “chậm” của một tòa soạn vốn nổi tiếng với những cập nhật tin tức trực tuyến mỗi ngày về các nền tảng công nghệ.

Bài đăng đặc biệt trên trang nhất của số báo Wired (Mỹ) tháng 2 năm nay có tiêu đề “Hai năm địa ngục của Facebook: Bên trong cuộc vật lộn để sửa chữa tất cả của Mark Zuckerberg.”
Bài đăng đặc biệt trên trang nhất của số báo Wired (Mỹ) tháng 2 năm nay có tiêu đề “Hai năm địa ngục của Facebook: Bên trong cuộc vật lộn để sửa chữa tất cả của Mark Zuckerberg.”

Bên cạnh những ý định chuyển sang đưa tin tức chậm của một số tờ báo hiện nay, có những tòa soạn – như Delayed Gratification – chỉ tập trung theo đuổi báo chí “chậm.”

Ernest, một tờ tạp chí kiêm trang blog xuất bản 2 lần một năm “cho những người hay tò mò và thích phiêu lưu” là một ví dụ tuyệt vời, theo nhận định của Samir Husni của Trung tâm Đổi mới Báo Chí tại Đại học Mississippi. Theo Husni, nội dung của tờ tạp chí này xoay quanh “sự tò mò và phiêu lưu chậm rãi,” và “không gì mô tả được một tờ báo in có thể và nên đưa tin thế nào tốt hơn những câu chữ trong đó.”

Với tư cách một tờ tạp chí xuất bản 2 lần một năm dành cho “những tâm hồn khao khát tìm hiểu”, tờ tạp chí này đề cao “những hành trình bất ngờ và lắt léo,” “được truyền cảm hứng bởi sự tò mò thay vì hormone adrenaline và được dẫn đường bởi những cuộc gặp tình cờ”. Tạp chí coi mình là người hướng dẫn cho “những ai quan tâm đến nghề thủ công, những trang sử đáng tò mò, những truyền thống lập dị và những người coi trọng phong cách vượt thời gian hơn là xu hướng nhất thời.”

Có những tòa soạn – như Delayed Gratification – chỉ tập trung theo đuổi báo chí “chậm”

Phong trào báo chí “chậm” đang được thúc đẩy từ cả góc độ học thuật và chuyên ngành. Hội nghị báo chí “chậm” đầu tiên trên thế giới đã được tổ chức trong tuần qua tại Đại học Oregon bởi Peter Laufer, Chủ tịch Hội Báo chí thuộc trường Báo chí của Đại học Oregon. Laufer là tác giả của cuốn sách năm 2014 “Tin tức chậm: Tuyên ngôn của Người tiêu dùng tin tức có suy xét”, đi vào phân tích bản chất của tin tức trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày càng tăng tốc trong thế kỷ 21. Hội nghị có sự tham dự của các học giả và các nhà xuất bản từ khắp nơi trên thế giới.

Thông qua một bài thuyết trình của Delayed Gratification, báo chí “chậm” cũng có sự hiện diện quan trọng tại triển lãm đang tổ chức ở Somerset House tại London với chủ đề “In! Xé đi”, mô tả sự tiến hóa của các ấn phẩm dạng bản in và tôn vinh hoạt động đa dạng của các tờ báo độc lập và sáng tạo. Cuộc triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 22/8 tới.

Ai đó phải trả tiền

Những tờ tạp chí theo phong cách báo chí “chậm” như Ernest và Delayed Gratification tồn tại được là nhờ những người đam mê chúng sẵn sàng trả khoản phí đặt báo lớn. Giá một bản tạp chí của Ernest là 21.50 bảng Anh (28,70 USD) và Delayed Gratification thu phí 36 bảng Anh (48 USD) cho một năm đăng ký với bốn số báo.

Trong khi đó, ngành công nghiệp tạp chí thế giới đang tồn tại trong một kỷ nguyên của những sự đột phá, tập trung vào những cách làm tăng hệ số thu nhập trên đầu tư từ những nội dung mình tạo ra. Nói cách khác, nếu thời gian là tiền bạc, một tổ chức phải làm thế nào để có thể giảm tốc độ tạo ra nội dung của mình một cách bền vững?

Nếu thời gian là tiền bạc, một tổ chức phải làm thế nào để có thể giảm tốc độ tạo ra nội dung của mình một cách bền vững?

Theo các báo cáo của viện Nieman, những khoản tài trợ và/hoặc gây quỹ đám đông là lực lượng đằng sau một số ví dụ thành công của báo chí “chậm”, như tác phẩm giành giải Pulitzer của nhà báo Paul Salopek có tên “Hành trình rời Eden”, viết về một chuyến đi bộ dài 7 năm đến khắp mọi nơi trên thế giới và ghi lại từng bước trên hành trình. Một số đoạn trích dài đã được đăng lên tạp chí National Geographic, và những đoạn ngắn hơn thì đăng trên blog cá nhân của tác giả.

Nhưng sự ủng hộ từ các mạnh thường quân không phải là một mô hình kinh doanh. Xét cho cùng, báo chí “chậm” phải có được doanh thu từ độc giả, nghĩa là độc giả sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc trả phí – và trả nhiều hơn – để tiếp cận được với những tin tức chính xác, đúng bối cảnh và vô tư có thể đứng vững trước sự xét nét và “lấp đầy vực thẳm” bị bỏ lại trong guồng quay tin tức 24/7.

Báo chí “chậm” có thể tồn tại được bao lâu phụ thuộc vào chính khả năng tận dụng được điều này của các nhà xuất bản./.

Tác phẩm giành giải Pulitzer của nhà báo Paul Salopek có tên “Hành trình rời Eden”. (Ảnh: Paul Salopek)
Tác phẩm giành giải Pulitzer của nhà báo Paul Salopek có tên “Hành trình rời Eden”. (Ảnh: Paul Salopek)