hinhanhsev-1539658405-14.jpg

Thi trượt đại học, đi làm công nhân, cô gái Lê Thị Tiền (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tưởng cánh cửa giảng đường đã đóng sập lại với mình. Nhưng rồi nhờ nơi làm việc tạo điều kiện, Tiền đã thỏa ước mơ cầm trong tay tấm bằng Cao đẳng, chuyên ngành tiếng Hàn… 

Đó chỉ là một trong số rất nhiều phúc lợi mà Samsung Việt Nam mang lại cho khoảng 160.000 cán bộ công nhân viên của mình trong chặng đường 10 năm có mặt trên dải đất hình chữ S.

Dãy ký túc xá dành cho công nhân Samsung Việt Nam là loạt căn nhà sáu tầng được trang hoàng đẹp đẽ. Ngạc nhiên đầu tiên của khách lạ là phải bỏ dép ở ngoài trước khi vào trong.

Nếu như tầng 1 là cơ man những dịch vụ miễn phí như thư viện, phòng tập GYM, rạp chiếu phim, phòng karaoke… cho tới những thứ được trợ giá như siêu thị, quán café… thì từ tầng 2 trở lên là nơi ở của 30.000 công nhân tại Bắc Ninh và Thái Nguyên sau khi tan ca. Trong căn phòng chừng 20-30m2, 3 chiếc giường tầng (2 tầng) và 6 chiếc tủ quần áo được kê ngăn nắp. Chiếc điều hòa trên tường phả hơi mát lạnh trong một chiều thu nắng “rám trái bưởi.” Phía đầu hành lang, một chiếc TV màn hình rộng cùng ghế salon tươm tất là nơi thư giãn của công nhân. Cùng lúc, chiếc tủ lạnh và máy giặt lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng phục vụ.

Ở ký túc xá cả tháng chỉ phải trả 50.000 tiền phí điện nước.

Tiền bước vào thư viện. Dáng người nhỏ cùng khuôn mặt khả ái, cô gái sinh năm 1993 toát lên vẻ trẻ trung, hồn nhiên. Cô bảo, ở ký túc xá cả tháng chỉ phải trả 50.000 tiền phí điện nước.

Năm 2012, Tiền thi trượt đại học.Không muốn trở thành gánh nặng của mẹ, Tiền quyết định đi xin việc. Trong khi đang chưa biết đi về đâu, Tiền được một người không quen biết giới thiệu về Samsung làm việc. Lúc ấy, hiểu biết của cô về Samsung chỉ giản đơn chỉ đây là một doạn nghiệp điện tử Hàn Quốc. Tiền đánh liều nộp hồ sơ, tham gia phỏng vấn, làm bài kiểm tra rồi được gọi đi làm.

Tại Samsung nhân viên được “bao” bữa trưa, bữa sáng và tối thì giảm tới 50% cho một ngày làm việc bình thường. Còn nếu hôm nào tăng ca, bữa ăn trong giờ làm thêm đó cũng được miễn phí…

Tháng 10/2012, chỉ với 500.000 đồng vay của chị gái và một bộ quần áo, Tiền xuống Khu công nghiệp Yên Phong, vào Samsung để thử bởi nghĩ rằng mình sẽ lại về nhà trước khi xuống làm chính thức. Tại đây, cô được nhận vào ở trong ký túc xá. 500.000 đồng mang theo, Tiền dùng để mua vật dụng cá nhân, vì tại Samsung cô được “bao” bữa trưa, bữa sáng và tối thì giảm tới 50% cho một ngày làm việc bình thường. Còn nếu hôm nào tăng ca, bữa ăn trong giờ làm thêm đó cũng được miễn phí…

“Em rất bất ngờ bởi dù chỉ là ký túc xá cho công nhân nhưng ở đây đầy đủ tiện nghi và rất sạch sẽ,” Tiền tâm sự.

Nhưng, dù có ở sướng, công việc không quá vất vả và mức lương được cho là “không thua bạn kém bè” thì Tiền vẫn đau đáu một ngày được ngồi trên ghế giảng đường. Năm 2013, cô quyết tâm ôn thi đại học và muốn xin nghỉ làm. Quản lý của Tiền lúc đó khuyên cô tiếp tục làm việc và ôn thi và nếu có… dẫm phải ‘vỏ chuối’ thì vẫn còn việc làm.

Trời không chiều lòng người. Dù dùi mài kinh sử miệt mài, song cô công nhân nọ tiếp tục lỡ nhịp giảng đường khi thiếu 3 điểm. Đang lúc chán nản, Tiền được giới thiệu một chương trình học cao đẳng do Samsung phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng tại Bắc Ninh và Thái Nguyên tổ chức.

Như “chết đuối vớ được cọc,” Tiền quyết định ghi danh và thi tuyển (theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) vào khoa Ngoại ngữ (tiếng Hàn Quốc) của trường Cao đẳng công nghệ Bắc Hà. Trúng tuyển, cô được Samsung bố trí học tại khuôn viên của nhà máy (giảng viên nhà trường cử tới) vào những khi tan giờ làm và được hưởng mức học phí ưu đãi so với quy định…

Còn với Hoàng Công Bá (Bắc Giang), sau khi tốt nghiệp khoa Điện, điện tử, Bá quyết định thi kỹ thuật viên nội bộ của Samsung. Vượt qua kỳ thi, Bá đã được lên bậc lương. “Em còn nhớ như in ngày đầu tiên cầm lương mới là 12/4/2016. Khi đó, cảm giác khi ấy khó tả,” Bá tâm sự.

Hình ảnh toàn cảnh Ký túc xá SEV 2. (Nguồn: Samsung Việt Nam)
Hình ảnh toàn cảnh Ký túc xá SEV 2. (Nguồn: Samsung Việt Nam)

Cho tới bây giờ, khi đã có thâm niên 6 năm ở Samsung, từ cái nhút nhát, lạ lẫm ban đầu của cô gái nông thôn, Tiền đã đã trở thành một trong những nhân viên xuất sắc của Samsung.

Cũng như Tiền, với nhiều người, chính sự quan tâm, tạo phúc lợi của Samsung khiến họ yêu và gắn bó với nơi này. Nguyễn Thị Hậu (Yên Phong, Bắc Ninh) – một trong những người thuộc lứa công nhân đầu tiên của Samsung (thi tuyển vào tháng 2/2009) không thể quên được những ngày đầu ghi danh vào doanh nghiệp Hàn Quốc.

Với nhiều người, chính sự quan tâm, tạo phúc lợi của Samsung khiến họ yêu và gắn bó với nơi này.

Khi ấy, ở Khu Công nghiệp Yên Phong, những cánh đồng cỏ ngút ngàn. Khi đi phỏng vấn xin việc, Hậu bảo chỉ có mấy phòng bên ngoài còn nhà máy phía trong đang xây dựng. Hai tháng sau khi phỏng vấn, cô được gọi tới Trung cấp nghề ở Bắc Ninh để học việc (sản xuất bảng mạch).

Không thuộc diện được ở ký túc xá vì nhà gần, điều Hậu hài lòng ở Samsung là sự đãi ngộ về lương, môi trường làm việc thân thiện, xanh-sạch…

Theo lời Hậu, điều bất ngờ nữa là Samsung còn có cả chế độ cho phụ nữ khi ‘đến tháng.’ Với chương trình này, mỗi một nhân viên nữ sẽ được nghỉ 3 giờ mỗi tháng và nếu không nghỉ ngơi, họ sẽ được tính lương để bảo đảm công bằng. Cùng lúc, ngoài 6 tháng nghỉ thai sản theo luật, nhân viên nữ kể từ khi đăng ký thông tin thai sản có thể xin nghỉ hưởng 50% lương để ở nhà chăm sóc thai nhi.

Bên cạnh đó, Samsung còn có phòng khám sản khoa đảm nhiệm chức năng khám, siêu âm, tư vấn sinh sản cho nhân viên mang thai và nuôi con nhỏ do các bác sỹ chuyên khoa sản, nhi trực tiếp hỗ trợ; có phòng Mommy dành riêng cho bà bầu, đang nuôi con nhỏ… Đặc biệt, ngoài các bữa ăn miễn phí hằng ngày, những bà bầu còn được hưởng 2 suất ăn đặc biệt mỗi tuần.

“Thời điểm mới lấy chồng, dù gia đình khuyên nghỉ việc nhưng em vẫn quyết tâm ở lại Samsung bởi đã trót ‘bén rễ’ với nơi này,” Hậu tâm sự.

Trong khi đó, Nông Thị Sláy (dân tộc Nùng ở Tràng Định, Lạng Sơn) thì kể, vì yêu Samsung, mỗi lần về quê, cô thường giới thiệu cho bạn bè và người thân. Đến bây giờ, riêng Sláy đã “kéo” được 20 người từ quê xuống Samsung làm việc. Trong số này có cả chị gái và em gái Sláy.

Samsung còn có phòng khám sản khoa đảm nhiệm chức năng khám, siêu âm, tư vấn sinh sản cho nhân viên mang thai và nuôi con nhỏ do các bác sỹ chuyên khoa sản, nhi trực tiếp hỗ trợ; có phòng Mommy dành riêng cho bà bầu, đang nuôi con nhỏ…

Là người hay ốm vặt khi thời tiết thay đổi, Sláy rất ấn tượng với chất lượng y tế của Samsung. Trạm y tế của Samsung Thái nguyên và Bắc Ninh rộng lần lượt 750m2 và 300m2, đạt chuẩn khám bệnh tương đương với cơ sở y tế cấp huyện với 106 giường nghỉ, 5 phòng khám chung, 3 phòng khám sản, 4 phòng tư vấn sức khỏe… với 22 bác sỹ, 64 y tá và 3 kỹ thuật viên vật lý trị liệu.

Bên cạnh đó, Samsung còn đầu tư Trung tâm khám và nâng cao sức khỏe thực hiện khám và tư vấn định kỳ cho toàn thể nhân viên. Nơi đây rộng 1.750m2 với 20 bác sỹ, 25 y tá và 10 hướng dẫn, đáp ứng nhu cầu khám sức khỏe cho 550 người mỗi ngày… Theo quan sát của chúng tôi, đội ngũ bác sỹ, y tá ở Trung tâm này đều là người của “đối tác” Samsung là Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc.

Bác sỹ chuyên khoa khám sức khỏe cho nhân viên. (Nguồn: Samsung Việt Nam)
Bác sỹ chuyên khoa khám sức khỏe cho nhân viên. (Nguồn: Samsung Việt Nam)

Không chỉ tạo phúc lợi đặc biệt cho công nhân của mình, Samsung còn có những chương trình đặc biệt dành cho gia đình của họ.

Lê Thị Tiền kể rằng, nhờ thành tích trong công việc, cô đã hai lần được đưa mẹ và cậu xuống thăm nơi mình làm việc trong khuôn khổ Ngày hội gia đình. Tại đây, người thân của Tiền cũng như đồng nghiệp được thăm quan quy trình sản xuất của Samsung cùng với các chế độ phúc lợi như khu nhà ăn, trung tâm đào tạo…

Không chỉ tạo phúc lợi đặc biệt cho công nhân của mình, Samsung còn có những chương trình đặc biệt dành cho gia đình của họ.

Lần đầu xuống thăm, “trăm nghe không bằng mắt thấy,” mẹ và người cậu của Tiền không khỏi bất ngờ vì môi trường làm việc, chỗ ăn, ở sạch sẽ, chuyên nghiệp mà con mình đang là thành viên trong đó. Sau chuyến thăm, toàn bộ các gia đình và nhân viên Samsung được trải nghiệm du lịch tại một trong những địa điểm nổi tiếng của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Bái Đính…

“Cậu em về cứ đi khoe, đến con cái cũng chưa cho ông đi du lịch ngày nào, mà lại nhờ tới công ty của cháu làm em rất vui và càng thấy trân trọng những gì mà công ty làm cho mình,” Tiền tâm sự.

Bên cạnh những hoạt động này, Samsung cũng rất chú ý tới sân chơi cho công nhân sau giờ làm việc. Hãng điện tử tới từ Hàn Quốc đã cho thành lập và hỗ trợ hoạt động 52 câu lạc bộ tại mỗi nhà máy, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, thể thao, nghệ thuật với toàn thể nhân viên.

Các giải thể thao nội bộ của “đại” Công ty này cũng ở một quy mô rất đáng nể. Ví dụ chỉ tính riêng SEVT league (giải bóng đá mini 7 người của Samsung Thái Nguyên) đã có 24 đội nam và 14 đội nữ tranh tài liên tục trong 6 tháng (từ tháng 5 – 10/2018). Cùng lúc, mỗi năm có hai mùa lễ hội lớn với các cuộc thi về âm nhạc, sắc đẹp… tạo cơ hội cho nhân viên giao lưu học hỏi, tăng tình đoàn kết. Qua những lần giao lưu, đã không ít những bạn trẻ tìm đến với nhau, xây dựng gia đình…

Rạp chiếu phim của Samsung dành cho nhân viên của nhà máy. (Nguồn: Samsung Việt Nam)
Rạp chiếu phim của Samsung dành cho nhân viên của nhà máy. (Nguồn: Samsung Việt Nam)

Dẫn tôi đi thăm Trung tâm khám và nâng cao sức khỏe với các trang thiết bị hiện đại, Phó Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Park Sung Geunchia sẻ, kim chỉ nam xuyên suốt hoạt động của doanh nghiệp này là coi con người, đặc biệt là những nhân viên bản địa là yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp.

Bên cạnh những điều tôi được nghe kể, ông Park – với sự gần gũi vốn có – bảo rằng, công ty có gần 1.000 xe bus đưa đón nhân viên đi làm hằng ngày. Với 75% là nhân viên nữ, Samsung luôn chú trọng đưa ra các chính sách đặc biệt, nhất là đối tượng mang thai và nuôi con nhỏ để họ yên tâm làm việc. Hiện, Samsung có khoảng 20.000 nhân viên nữ đang trong chế độ thai sản.

Với 75% là nhân viên nữ, Samsung luôn chú trọng đưa ra các chính sách đặc biệt, nhất là đối tượng mang thai và nuôi con nhỏ để họ yên tâm làm việc.

Khi được hỏi về chương trình cao đẳng nội bộ, ông Park khẳng định không hề yêu cầu nhân viên cam kết gì khi tham gia chương trình đào tạo này. Thậm chí, sau khi tốt nghiệp, nhân viên Samsung có những cơ hội thay đổi lên vị trí công việc tốt hơn.

Tại Bắc Ninh, Samsung phối hợp với Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà tổ chức khóa đầu tiên vào năm 2013 và vào năm 2015 với đối tác là Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên. Tới nay, đã có hơn 2.600 người tham gia (khoảng 800 đã tốt nghiệp và 1.800 đang theo học) các chuyên ngành Điện, điện tử; Kế toán; tiếng Hàn; Điều dưỡng và chăm sóc sắc đẹp.

“Nhân viên tham gia học tập được giảm 15-25% học phí tùy ngành học so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Samsung cung cấp cơ sở vật chất miễn phí. Địa điểm học ngay trong công ty chính là điều kiện thuận lợi để nhân viên tham gia theo học. Công ty cũng cung cấp xe bus nội bộ cho học viên di chuyển thuận tiện và kịp thời hơn…,” ông Park nói.

Cũng theo lời ông Park, hiện Samsung có khoảng 6.500 nhân lực ở cấp quản lý là người Việt. Và, đơn vị này đã có kế hoạch phối hợp với các trường đại học nổi tiếng trong cả nước đào tạo khóa học tiền thạc sỹ (cấp chứng nhận) cho các đối tượng này để họ có những cơ hội hơn trong công việc của mình.

Trong câu chuyện cởi mở, ông Park cũng bảo rằng, những chương trình phúc lợi trong 10 năm qua dù nhân viên đã hài lòng nhưng bản thân lãnh đạo Samsung còn thấy cần phải cải tiến. Do đó, doanh nghiệp tới từ xứ sở Kim Chi đã tổ chức chương trình thu nhận ý kiến đóng góp của nhân viên để đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa, giúp nhân viên yên tâm làm việc.

Tôi rời Samsung khi ánh nắng chiều thu gần tắt, những công nhân bắt đầu tan ca. Người tất bật về nhà, người lại bắt đầu chuẩn bị cho lịch học tối để nâng cao kiến thức. Chợt lại nhớ lời Tiền với nụ cười xinh xắn: “Nhờ công ty, em đã thỏa nguyện ước mơ học tập của mình…”/.

Samsung có tổng vốn đầu tư là 17,363 tỷ USD với 169.500 nhân viên sau 10 năm có mặt tại Việt Nam (số liệu tính tới tháng 4/2018). Tổng giá trị xuất khẩu của Samsung Điện tử và các công ty con của Samsung tại Việt Nam năm 2017 là 54,4 tỷ USD, tăng 36.3% so với năm 2016 (39,9 tỷ USD), đóng góp 25,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (213,8 tỷ USD).

Hiện tại, 50% điện thoại và máy tính bảng của Samsung được sản xuất tại Việt Nam, xuất khẩu ra thị trường trên 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung lớn nhất tại các thị trường như: châu Âu (43%), Bắc Mỹ (17%), Trung Đông (17%), và châu Á (14%). Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tính tới cuối năm 2017 là 58%. Hiện đã có 35 doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung và sẽ tăng lên 50 doanh nghiệp vào năm 2020.

Là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, Samsung đã vận hành Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động (SVMC) tại Hà Nội với gần2.000 kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin của. Đội ngũ này đang đảm nhận nhiệm vụ phát triển phần mềm cho không chỉ thị trường Việt Nam mà cả tại khu vực Đông Nam Á.