Sự ‘hồi sinh’

biasachcong-1571708418-59.jpg

Lời giới thiệu

Sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo loại ngay từ vòng đầu tiên. Theo đó, bộ sách này sẽ chính thức bị dừng giảng dạy tại các nhà trường từ năm học 2020-2021, khi ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sách công nghệ giáo dục hiện đang được sử dụng tại 48 tỉnh thành trên cả nước, với trên 900.000 học sinh lớp 1 theo học.

Lý do bị loại, theo Hội đồng thẩm định, bộ sách không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

Sách công nghệ giáo dục hiện đang được sử dụng tại 48 tỉnh thành trên cả nước, với trên 900.000 học sinh lớp 1 theo học. Đặc biệt, đây là sự lựa chọn tự nguyện của các nhà trường, các địa phương, thay thế cho sách lớp 1 hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì hiệu quả tích cực mà bộ sách mang lại. Vì thế, nhiều người tỏ ra tiếc nuối.

Đơn cử như Lào Cai, tỉnh đầu tiên của cả nước đưa sách công nghệ giáo dục vào trường học (kể từ sau năm 2000, khi cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa duy nhất) nhằm cải thiện tình trạng học sinh học xong vẫn không biết đọc, viết.

“Bộ sách đã trở thành ‘chìa khóa vàng’ giúp cho Lào Cai xóa được nạn tái mù chữ, đặc biệt là sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục. Ở Lào Cai, nơi 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, nếu không đọc thông viết thạo tiếng Việt thì đừng mơ chất lượng giáo dục,” nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Trương Kim Minh nói.

Trong một buổi chiều Hà Nội mịt mù giông gió, chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, nguyên Giám đốc Sở Đào tạo và Giáo dục Trương Kim Minh bồi hồi nhớ lại những trăn trở với bài toán xóa mù chữ cho tỉnh nghèo Lào Cai mười mấy năm về trước…

Sách công nghệ giáo dục

đã ‘cứu’ giáo dục Lào Cai thế nào?

Phạm Mai

Lào Cai năm 2003.

Phó chủ tịch tỉnh Lào Cai Sùng Chúng buồn rầu nhìn kết quả báo cáo của ngành giáo dục tỉnh. Năm 2000, Lào Cai đã đạt phổ cập giáo dục, xóa mù chữ toàn tỉnh, dù phải áp dụng tiêu chí tối thiểu, nghĩa là chỉ đạt xóa mù chữ ở mức 80% dân số với vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng chỉ sau một vài năm, tỷ lệ mù chữ lại đang tăng lên chóng mặt. Học sinh học xong là quên, không thể đọc, viết. Bản đồ giáo dục Lào Cai lỗ chỗ những khoảng trắng.

Năm 2000, Lào Cai đã đạt phổ cập giáo dục, xóa mù chữ toàn tỉnh, dù phải áp dụng tiêu chí tối thiểu, nghĩa là chỉ đạt xóa mù chữ ở mức 80% dân số với vùng đặc biệt khó khăn.

Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên từ bản làng La Pan Tẩn (huyện Mường Khương), ông Sùng Chúng rất hiểu những khó khăn của học sinh dân tộc thiểu số khi phải học tiếng Kinh, thứ tiếng khác với tiếng mẹ đẻ vốn đã được bọn trẻ quen nghe từ thuở nằm nôi. Ông cũng thấm thía rằng nếu không học tốt tiếng Việt thì trẻ em dân tộc thiểu số sẽ khó có thể học lên các bậc học cao hơn, tiếp nhận được tri thức mới, khi mà các tài liệu, sách vở, ngôn ngữ trong nhà trường là tiếng Việt. Điều đó đồng nghĩa với việc Lào Cai sẽ rất khó có cơ hội phát triển, thoát nghèo vì tới 70% người dân là đồng bào các dân tộc ít người. Tiếng Việt chính là chiếc chìa khóa then chốt đầu tiên mở ra cánh cửa tương lai cho lũ trẻ, cho mỗi bản làng, cho cả Lào Cai.

Khi ấy, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai phụ trách lĩnh vực giáo dục tiểu học Trương Kim Minh lập tức được triệu kiến và bài toán được giao là làm thế nào để giải quyết việc tái mù chữ của học sinh.

Tiếng Việt chính là chiếc chìa khóa then chốt đầu tiên mở ra cánh cửa tương lai cho lũ trẻ, cho mỗi bản làng, cho cả Lào Cai.

“Muốn xóa mù chữ thì có ba việc phải làm: thứ nhất là phải cho trẻ con đi học mầm non để làm quen với tiếng Việt trước khi vào lớp 1; thứ hai là đưa giáo viên người Kinh lên dạy lớp 1, càng vùng núi cao cách biệt càng phải là giáo viên người Kinh; thứ ba là tỉnh phải cấp tiền cho học sinh ăn bán trú, mỗi học sinh 20.000 đồng/tháng,” Phó Giám đốc Sở Trương Kim Minh thẳng thắn kiến nghị.

Phó Chủ tịch Sùng Chúng nhăn mặt, một tỉnh nghèo miền núi như Lào Cai lấy đâu ra tiền? Ông Minh quả quyết: “Muốn xóa mù chữ thì dù ăn cháo cũng cần phải làm!”

Lào Cai bắt đầu thực hiện chiến dịch vận động trẻ 5 tuổi đến trường với nhiều giải pháp. Ở vùng thuận lợi, việc này sẽ mở rộng đến các độ tuổi thấp hơn (4, 3 tuổi). Ở khu vực khó khăn, học sinh 5 tuổi không đến trường được cả năm, thì từ sau Tết các em sẽ đến trường và có khoảng 8 tháng làm quen với tiếng Việt trước khi bắt đầu chính thức vào lớp một. Việc đưa các giáo viên người Kinh đến các điểm trường khiến giáo viên vất vả hơn nhưng cường độ tiếp xúc tiếng Việt của học sinh tăng lên.

Với mục tiêu duy nhất là giúp học sinh lớp 1 đọc thông, viết thạo, không tái mù, Lào Cai đã trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và là tỉnh đầu tiên thực hiện mô hình bán trú cho học sinh tiểu học.

Kinh tế eo hẹp nên tỉnh chỉ duyệt 10.000 đồng/tháng ăn bán trú. “Để hút học sinh đến trường, khoản tiền này sẽ được nhà trường giữ lại để đong gạo, không phát cho học sinh. Vào mùa giáp hạt từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm là thời điểm mà người dân đói ăn nhất, chúng tôi mới đem gạo nấu cơm cho các em. Học sinh ở nhà thì đói trong khi đi học lại được ăn no nên các em thích đến trường hơn. Tỷ lệ chuyên cần vì thế được đảm bảo hơn,” ông Trương Kim Minh kể.

Với mục tiêu duy nhất là giúp học sinh lớp 1 đọc thông, viết thạo, không tái mù, Lào Cai đã trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và là tỉnh đầu tiên thực hiện mô hình bán trú cho học sinh tiểu học.

Nhưng, những nỗ lực ấy của tỉnh nghèo vẫn chưa giải quyết được tận cốt lõi của vấn đề, giúp Lào Cai xóa hẳn nạn tái mù chữ…

Trong khi vẫn đang loay hoay với bài toán của lãnh đạo tỉnh, năm 2006, ông Trương Kim Minh bất ngờ biết đến thông tin về đề tài cấp Bộ: “Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số” của giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Ông Trương Kim Minh.
Ông Trương Kim Minh.

Đúng vấn đề đau đáu, ông cẩn trọng nghiên cứu kỹ đề tài, đến tận Trung tâm Công nghệ Giáo dục ở Hà Nội của giáo sư Hồ Ngọc Đại để tìm hiểu chi tiết hơn.

“Tôi đã vô cùng sung sướng nhận ra đây là chìa khóa then chốt giải quyết bài toán giáo dục của Lào Cai. Về tỉnh, tôi lập tức báo cáo lãnh đạo địa phương đây chính là giài pháp để phổ cập tiếng Việt vững chắc, việc tái mù chữ sẽ sớm chấm dứt. Tỉnh cứ cho chủ trương, tôi chịu trách nhiệm về mặt nghiệp vụ sư phạm,” ông Trương Kim Minh xúc động kể.

“Tôi đã vô cùng sung sướng nhận ra đây là chìa khóa then chốt giải quyết bài toán giáo dục của Lào Cai.

Nói rất cứng, nhưng ông Minh bảo, thực ra trong lòng ông cũng rất lo vì rất nhiều thách thức được đặt ra khi trên cả nước lúc đó không có tỉnh nào dạy công nghệ giáo dục. Luật Giáo dục quy định toàn quốc thống nhất một sách giáo khoa. Bên cạnh đó còn rất nhiều những ý kiến trái chiều về sách công nghệ giáo dục.

Để thuyết phục lãnh đạo tỉnh, ông Minh đã mời giáo sư Hồ Ngọc Đại lên tận Lào Cai, gặp Phó chủ tịch tỉnh Sùng Chúng.

“Tôi nói cho anh Sùng Chúng hiểu về công nghệ giáo dục. Tôi hứa sẽ dạy cho con em Lào Cai đọc thông viết thạo chỉ sau một năm, nhưng tôi cũng lo ngại việc Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục quy định cả nước chỉ một bộ sách giáo khoa. Nhưng anh Sùng Chúng vẫn quyết làm. Khi đó, tôi đã rất xúc động,” giáo sư Hồ Ngọc Đại nhớ lại.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Chia sẻ về quyết định đó của mình, nguyên Phó Chủ tịch, Phó Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Sùng Chúng bảo, đó là một sự quyết liệt và mạnh dạn. “Khi đó ở Lào Cai, tỷ lệ mù chữ rất cao. Học sinh học xong lại quên rất nhanh nên tôi chỉ có một suy nghĩ là làm thế nào để học sinh không tái mù chữ. Dù chưa có địa phương nào triển khai và có lo ngại về quy định một bộ sách thống nhất, nhưng vẫn phải mạnh dạn đột phá vì con cháu mình. Tôi sẵn sàng chịu kỷ luật nếu có vấn đề gì,” ông Chúng chia sẻ.

Cũng theo ông Sùng Chúng, dù đột phá nhưng Lào Cai vẫn làm rất cẩn trọng theo lộ trình, thí điểm mất ba năm. Kết quả thí điểm cho thấy học sinh học công nghệ giáo dục xong không bị tái mù chữ như học sách hiện hành. Lào Cai đã báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi nhân rộng ra toàn tỉnh.

Bắt đầu từ năm 2006, tỉnh ủy Lào Cai đồng ý cho ngành giáo dục tỉnh thí điểm sử dụng sách công nghệ giáo dục với điều kiện phải đảm bảo tăng được tỷ lệ phổ cập tiếng Việt, tăng tỷ lệ phổ cập đúng độ tuổi và không được tái mù chữ.

Trong năm học 2006-2007, Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục được triển khai ở 8 trường, 16 lớp với gần 500 học sinh. Giáo viên được tập huấn bởi các chuyên gia của Trung tâm Công nghệ giáo dục. Mỗi năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đều đo nghiệm, đánh giá kết quả. Kết quả khảo sát năm học 2006-2007 cho thấy tỷ lệ học sinh khá, giỏi về môn tiếng Việt đều tăng mạnh so với năm học trước, tỷ lệ học sinh yếu giảm hẳn. Do vậy, các địa phương trong tỉnh đều đăng ký được dạy thí điểm công nghệ giáo dục.

“Tuy nhiên, Lào Cai vẫn quyết định phải thí điểm ở quy mô hẹp đến năm 2009 để khẳng định chất lượng giáo dục thực sự, học sinh đọc thông viết thạo, không ngọng, không tái mù chữ,” ông Minh phân tích.

Từ kết quả thực nghiệm, năm 2010, Lào Cai đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các giáo viên, phòng giáo dục trên toàn tỉnh về nhân rộng công nghệ giáo dục và nhận được sự đồng thuận rất lớn. Năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 239 trường tiểu học thì có đến 235 trường tự nguyện đăng ký dạy công nghệ giáo dục.

“Tôi thấy rất vui và hạnh phúc khi sách công nghệ giáo dục đã giúp Lào Cai giải quyết bài toán phổ cập tiếng Việt cho học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số. Với việc giúp các em, đọc thông, viết thạo, không tái mù chữ, sách công nghệ giáo dục đã là chiếc chìa khóa giúp các em mở cánh cửa đầu tiên, có được công cụ quan trọng nhất cho việc học của mình sau này, đó là làm chủ tiếng Việt. Với giáo dục miền núi, đó là điều có ý nghĩa vô cùng to lớn, là thắng lợi tiên quyết cho mọi thắng lợi của giáo dục về sau,” ông Minh xúc động chia sẻ.

Với việc giúp các em, đọc thông, viết thạo, không tái mù chữ, sách công nghệ giáo dục đã là chiếc chìa khóa giúp các em mở cánh cửa đầu tiên, có được công cụ quan trọng nhất cho việc học của mình sau này, đó là làm chủ tiếng Việt. Với giáo dục miền núi, đó là điều có ý nghĩa vô cùng to lớn, là thắng lợi tiên quyết cho mọi thắng lợi của giáo dục về sau

Trước những kết quả tích cực của Lào Cai, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trực tiếp đến các điểm trường để kiểm tra và kết luận thí điểm này đã cho kết quả tốt. Từ năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định đưa tài liệu công nghệ giáo dục triển khai thí điểm ở 7 tỉnh vùng khó. Từ năm 2013, Bộ bỏ chữ “thí điểm,” mở rộng công nghệ giáo dục đến các trường tiểu học trong cả nước trên tinh thần tự nguyện lựa chọn. Sau mỗi năm, các địa phương báo cáo kết quả về Bộ và tiếp tục đăng ký triển khai nếu có nhu cầu. Năm 2016, chỉ sau 3 năm, đã có 48 tỉnh thành trên cả nước dạy theo sách công nghệ giáo dục. Năm 2017, Bộ chủ trương dừng mở rộng số địa phương tham gia để chờ chương trình mới. Tuy nhiên, số trường, lớp, học sinh học theo công nghệ vẫn không ngừng tăng qua mỗi năm. Hiện cả trên 900.000 học sinh lớp 1 học theo chương trình này, chiếm trên 50% tổng số học sinh lớp 1 của cả nước.

Công nghệ hóa

để việc dạy và học tích cực không còn là thần bí

Trong hành trình suốt 40 năm của mình, sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục chưa khi nào thôi gây tranh cãi. “Người ta tranh cãi vì họ chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân để đọc sách mà không chịu tìm hiểu một cách thực sự,” cô Nguyễn Thị Hồng Minh, giáo viên Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội chia sẻ.

Trước khi về Hà Nội, cô Minh từng có nhiều năm dạy lớp 1 tại Trường Tiểu học số 1 Minh Tân, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Cũng theo cô Hồng Minh, công nghệ giáo dục không chỉ đơn thuần là quyển sách giáo khoa mỏng dính mà cốt lõi là phương pháp dạy đặc biệt khoa học cả về nội dung kiến thức đến cách thức tổ chức dạy học.

Trò học 1, biết 10

Theo cô Hồng Minh, dạy Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục không phải là dạy học sinh từng chữ mà dạy về bản chất cấu trúc của tiếng để học sinh hiểu, từ đó các em có khả năng tự hình thành các tiếng, chữ cụ thể, gần gũi với bản thân mình.

Cụ thể, học sinh được học trước tiên về khái niệm tiếng, hiểu lời nói được ghép lại từ chuỗi nhiều tiếng. Học sinh có thể hiểu việc tách tiếng bằng cách vỗ tay, mỗi nhịp vỗ là một tiếng, hoặc mô hình hóa mỗi tiếng bằng một hình vuông, tròn, hay tam giác để học sinh thấy thú vị, dễ hình dung hơn. Có các tiếng giống nhau và khác nhau.

dạy Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục không phải là dạy học sinh từng chữ mà dạy về bản chất cấu trúc của tiếng để học sinh hiểu, từ đó các em có khả năng tự hình thành các tiếng, chữ cụ thể, gần gũi với bản thân mình.

Tiếp đó, học sinh được dạy về âm. Dựa vào cách phát âm, học sinh phân biệt được nguyên âm và phụ âm. Nguyên âm là những âm phát ra luồng hơi đi ra tự do. Phụ âm là những âm phát ra luồng hơi bị cản bởi răng, hoặc môi, hoặc lưỡi.

Khi nắm được bản chất mỗi âm, các em dùng ký hiệu để ghi lại (chữ). Chữ là vật thay thế cho âm khi viết. Trong thực tế, một âm có thể viết bằng nhiều chữ và chữ có thể có nhiều nghĩa, nên khi viết phải đúng luật chính tả. Do đó, các luật chính tả được đưa vào ngay từ lớp 1.

Một tiếng được hình thành bởi nguyên âm và phụ âm, trong đó phụ âm đứng trước, nguyên âm đứng sau ở phần vần, thêm các thanh sẽ thành các tiếng khác nhau. Ví dụ phụ âm b và nguyên âm a ghép với nhau thành tiếng “ba,” thêm các thanh khác nhau thành các tiếng khác nhau: bà, bá, bả, bạ.

“Tôi cũng rất mong được tiếp cận sách mới, chương trình mới để so sánh xem tính khoa học đến đâu, hay chỉ là phần hình thức trình bày như việc tranh có bạn trai và bạn gái để cân bằng giới tính,”

“Khi hiểu được cấu trúc này, các em hoàn toàn có thể tự ghép các phụ âm và nguyên âm khác nhau, thêm các thanh khác nhau để tự đọc được rất nhiều từ. Các em cũng sẽ không viết sai chính tả vì hiểu phụ âm đứng trước, nguyên âm đứng sau, dấu thanh được viết trên nguyên âm chính. Số lượng từ trong sách là rất ít nhưng số từ các em tự xây dựng được trên lớp học lớn hơn rất nhiều,” cô Minh chia sẻ.

Học sinh cũng sẽ được dạy về vần trong tiếng Việt với 4 kiểu vần: vần chỉ có âm chính như trong từ “la”; vần có âm đệm và âm chính như từ “loa”; vần có âm chính và âm cuối như từ “lan”; vần có âm đệm, âm chính và âm cuối như từ “loan”.

Các nguyên âm đôi iê, uô, ươ; âm đôi không có âm cuối (lia, mua, mưa), âm đôi có âm cuối (liên, muôn, mướt). Từ các mẫu vần, học sinh tự tìm ra các vần trong tiếng Việt.

Trong phần vần sẽ có các âm chính và âm đệm, học sinh được dạy phân biệt âm đệm là âm không tạo nên tiếng, âm chính là âm tạo nên tiếng.

Dấu thanh được đánh trên âm chính.

“Ví dụ hầu hết mọi người viết chữ ‘thủy’ khi đánh dấu hỏi trên âm ‘u’, học sinh lớp 1 công nghệ sẽ biết viết chính xác dấu hỏi phải đặt trên âm ‘y’. Học sinh lớp 1 học đến giữa học kỳ hai là hoàn thành xong toàn bộ kiến thức ngữ âm. Các em tự biết ghép chữ, biết đọc và biết nghe đọc viết ngay từ đầu. Do nắm chắc về khoa học nên học sinh học đến đâu chắc đến đó, không tái mù chữ,” cô Hồng Minh phân tích.

“Tôi cũng rất mong được tiếp cận sách mới, chương trình mới để so sánh xem tính khoa học đến đâu, hay chỉ là phần hình thức trình bày như việc tranh có bạn trai và bạn gái để cân bằng giới tính,” cô Minh chia sẻ.

Giáo viên không cần soạn giáo án

Chương trình Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục có rất nhiều các kiến thức khoa học cơ bản về ngữ âm là những kiến thức hoàn toàn mới với các giáo viên, vì không hề có trong tất cả các chương trình đào tạo trước đây, như việc phân biệt nguyên âm, phụ âm, cấu trúc của tiếng, phân biệt âm đệm và âm chính trong vần… Tuy nhiên, tất cả những kiến thức này đã được giáo sư Hồ Ngọc Đại trình bày trong sách Thiết kế Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục, sách thiết kế bài giảng dành cho giáo viên.

Là một giáo viên đang dạy lớp 4, 5 được chuyển xuống dạy lớp 1 công nghệ giáo dục, cô Hồng Minh đã phải dành hai tuần để đọc kỹ sách Thiết kế bài giảng này.

“Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã soạn sách thiết kế bài giảng cho giáo viên vô cùng chi tiết. Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục có 3 tập, mỗi tập rất mỏng, mỗi trang rất ít chữ, thì tương ứng với đó là ba cuốn sách thiết kế bài giảng cho giáo viên, mỗi cuốn đều dày gấp 3 lần sách giáo khoa, mỗi trang đều kín chữ. Trong đó, việc giảng dạy được chi tiết hóa thành quy trình 4 bước cụ thể cho mỗi bài: gồm phát âm; phân tích tiếng, mô hình hóa các tiếng; tìm tiếng mới; viết tiếng đó. Giáo viên chỉ cần nghiên cứu kỹ thiết kế bài giảng, thực hiện theo các bước và không cần mất thời gian để soạn giáo án,” cô Hồng Minh nói.

Giáo viên chỉ cần nghiên cứu kỹ thiết kế bài giảng, thực hiện theo các bước và không cần mất thời gian để soạn giáo án

Nói về việc thiết kế cụ thể, chặt chẽ các bước dạy cho giáo viên, giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng việc dạy học phải được công nghệ hóa bởi các nhà khoa học giáo dục. Điều này sẽ hạn chế tối đa sự lệ thuộc vào trình độ, năng lực của giáo viên, nhằm đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất cho học sinh.

Cũng theo giáo sư Hồ Ngọc Đại, việc soạn giáo án vừa khiến việc dạy học thiếu thống nhất trong phương pháp, vừa làm mất thời gian của giáo viên. “Giáo viên đã dạy học cả ngày ở trên lớp, tối về lại phải soạn giáo án thì thời gian đâu dành cho gia đình, con cái, cho bản thân? Khi đó, giáo viên sẽ không thể có hạnh phúc. Giáo viên không hạnh phúc thì học sinh cũng sẽ không hạnh phúc,” giáo sư Hồ Ngọc Đại nói.

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Minh, khi đã nắm chắc được quy trình, giáo viên có thể linh hoạt, tùy theo trình độ đối tượng học sinh của mình để tăng hoặc giảm độ mở về kiến thức cho các em.

Phương pháp, tư duy giáo dục mới

Trong cuốn Trong cuốn sách “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản?”, tác giả, thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương đã chia sẻ góc nhìn về giáo dục Việt Nam của nhà giáo dục học người Nhật Tanaka Yoshitaka, người đã có ba năm (2004-2007) làm việc ở Việt Nam trong vai trò cố vấn giáo dục về mối quan hệ thầy trò ở Việt Nam.

Theo đó, Tanaka Yoshitaka đã vô cùng kinh ngạc khi không khí lớp học ở Việt Nam rất trang nghiêm, học sinh ngoan ngoãn ngồi im lắng nghe giáo viên giảng bài dù bài giảng rất nhàm chán. Mỗi khi giáo viên đặt câu hỏi, học sinh giơ tay trả lời một cách nghiêm túc với cánh tay vuông góc trên mặt bàn. Điều này hoàn toàn trái ngược với không khí lớp học sôi động ở Nhật Bản, trái với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Và ông phát hiện ra đó là do lối giáo dục quyền lực, nơi mà học sinh rất sợ giáo viên.

Tanaka Yoshitaka khẳng định một nền giáo dục quyền lực sẽ tạo nên những giờ học căng thẳng, vô hồn, khiến học sinh mất đi niềm say mê học tập và không bao giờ sinh ra những thế hệ học sinh có tư duy độc lập, lòng dũng.

“Nhưng với công nghệ giáo dục, một không khí lớp học, phương pháp và tư duy giáo dục hoàn toàn mới,” cô Hồng Minh chia sẻ.

với công nghệ giáo dục, một không khí lớp học, phương pháp và tư duy giáo dục hoàn toàn mới

Ở đó, học sinh không phải chỉ ngồi im khoanh tay thụ động trên mặt bàn mà đọc to cùng giáo viên để học về phát âm, vỗ tay hoặc vẫy tay… theo nhịp đọc để phân tích tiếng. Theo giáo sư Hồ Ngọc Đại, với học sinh lớp 1, đi học phải vui vẻ, sôi động, học như chơi. Sự vận động đó tác động lên não, giúp học sinh có tinh thần thoải mái và tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên.

Học sinh không chỉ nghe giáo viên truyền thụ kiến thức một chiều mà háo hức say mê suy nghĩ để tìm ra tiếng mới, tri thức mới từ sự hướng dẫn của giáo viên và hào hứng khoe từ mình tìm được. Khi học một phụ âm mới, học sinh có thể tự thay các nguyên âm khác nhau và dấu thanh để được tiếng mới. Quan hệ giữa giáo viên và học sinh không phải là sự áp đặt từ trên xuống mà là mối quan hệ tương hỗ, cùng phối hợp để làm việc. Cô hướng dẫn, trò thi công để tự tìm ra tri thức. Học sinh tự tìm ra từ mới cho mình nên các em rất hào hứng và nhớ lâu hơn. Học sinh tự tin, năng động, khả năng tư duy và phản biện tốt hơn.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tháng 9/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: “Công nghệ giáo dục đã chắt lọc những vấn đề cơ bản nhất nhằm mang đến cho trẻ em không chỉ những kiến thức và kỹ năng cần thiết mà còn giúp trẻ lần đầu tiên đến trường được làm việc một cách khoa học, phát triển khả năng tối ưu của mỗi cá thể, phát triển năng lực làm việc trí óc, năng lực sử dụng tiếng Việt hiện đại một cách có văn hóa thông qua các hoạt động kích thích khả năng tư duy và khái quát hóa.”

“Về phương pháp dạy học, một phương pháp đặc trưng xuyên suốt quá trình dạy học theo quy trình công nghệ là phương pháp Việc Làm. Đây là phư­ơng pháp dạy học hoàn toàn mới, xây dựng trên cơ sở sự hợp tác mới giữa thầy và trò. Trong đó, thầy tổ chức việc học của học sinh (thầy không giảng, chỉ giao việc, hướng dẫn, theo dõi, điều chỉnh) thông qua những việc làm cụ thể và những thao tác chuẩn xác do các em tự làm lấy. Điều này thể hiện rất rõ qua toàn bộ thiết kế Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục.”

“Kỹ thuật dạy học đã được chuyển giao thành công nghệ mới. Công nghệ mới chính là quá trình có thể kiểm soát được. Quá trình này cho ra những sản phẩm đồng loạt, bảo đảm độ tin cậy một cách chắc chắn, có thể thực hiện được ở mọi nơi khác nhau bởi tính phân hoá ưu việt của chương trình và cách kiểm soát triệt để tới từng cá thể học sinh.”

Báo cáo của Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tháng 9/2018 viết:

Đối với học sinh, về kiến thức, học sinh tiếp thu kiến thức một cách vững chắc, nắm vững cấu tạo ngữ âm tiếng Việt, nắm chắc luật chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm chuẩn, qua thời gian nghỉ hè không quên chữ. Đặc biệt các em được rèn nền nếp học tập ngay từ những ngày đầu vào lớp 1.

Về kỹ năng, học sinh thành thạo các thao tác; hiểu và thực hiện tương đối tốt các lệnh trong quá trình học; được tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, có kĩ năng đọc và nghe – viết chính tả tốt.

Về thái độ, học sinh tích cực tham gia vào hoạt động học tạo ra sản phẩm cho chính mình, được chiếm lĩnh kiến thức thông qua Hệ thống Việc làm, các em tự làm ra sản phẩm giáo dục nên rất hứng thú trong học tập, yêu thích môn học.

Về năng lực, phẩm chất, học sinh chủ động, tự tin tham gia các hoạt động học tập, được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của bản thân một cách nhẹ nhàng.

Đối với giáo viên, tiến trình giờ dạy diễn ra nhẹ nhàng, hiệu quả. Giáo viên thực hiện kiểm tra đánh giá kết quả học tập của từng học sinh sau mỗi bài, sau mỗi giai đoạn, từ đó chủ động điều chỉnh được kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Công nghệ giáo dục giúp giáo viên nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ sư phạm, tiếp cận và đổi mới phương pháp dạy học một cách tích cực.

“Một chương trình, phương pháp giáo dục tích cực đã được khẳng định trên thực tế nhưng lại bị loại bỏ chỉ dựa trên bản thảo sách giáo khoa mỏng dính. Tôi thực sự vô cùng tiếc nuối,” cô Hồng Minh nói.

‘Loại sách công nghệ giáo dục

người chịu thiệt là học sinh’

“Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục là cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tốt nhất tôi từng biết tính đến thời điểm này. Bỏ công nghệ giáo dục, tôi thấy thật đáng tiếc, thấy thiệt thòi cho học sinh lớp 1, nhất là học sinh lớp 1 miền núi của tôi,” nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai Trương Kim Minh xúc động chia sẻ.

Dù đã về hưu, đã trở lại Thủ đô sau suốt mấy chục năm cống hiến cho giáo dục Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Trương Kim Minh vẫn rất trăn trở, nặng lòng với sự nghiệp trồng người.

–  Thưa ông, sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại đã bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh giá không đạt. Theo đó, bộ sách sẽ chính thức dừng triển khai trong các nhà trường từ năm học tới tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại vấn đề này vì những hiệu quả thực tế bộ sách mang lại. Là người có nhiều năm triển khai công nghệ giáo dục ở Lào Cai, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trương Kim Minh: Tôi đánh giá sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục là tốt đối với học sinh Lào Cai, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số, giúp các em sử dụng được tiếng Việt.

Nhờ có sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục, sau một thời gian kiên trì triển khai ở Lào Cai từ 2006 đến nay, chúng tôi phổ cập giáo dục tiểu học một cách vững chắc, giải quyết được vấn đề mang tính chất nan giải của một giai đoạn là tái mù chữ, giúp học sinh người dân tộc thiểu số sử dụng tiếng Việt ngày càng thành thạo hơn.

Sách giáo khoa chỉ là một phần, cốt lõi của công nghệ giáo dục là phương pháp. Trong sách Thiết kế Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục, các bước để học sinh và thầy hoạt động rất rõ ràng mạch lạc và học sinh nào cũng có thể đạt được, giáo viên dễ dàng thao tác, ngay cả những giáo viên miền núi trình độ chuyên môn khá thấp. Giáo viên không giảng giải mà chỉ hướng dẫn để học sinh tự làm việc, tự đưa ra sản phẩm tri thức mới. Lớp học không nặng nề mà sôi động, vui vẻ.

Sách giáo khoa chỉ là một phần, cốt lõi của công nghệ giáo dục là phương pháp.

Nguyên lý học đi đôi với hành, học sinh làm trung tâm… tất cả những điều chúng ta thường nói đó được hiện thực hóa một cách tự nhiên, sinh động và trở thành một cách thức có hiệu quả. 

Không chỉ thiết kế dạy học chi tiết cho giáo viên, giáo sư Hồ Ngọc Đại còn viết cuốn “Kính gửi các bậc phụ huynh” để giúp phụ huynh phối hợp cùng nhà trường tốt hơn trong việc học của học sinh. Tôi chưa thấy một nhà giáo dục nào quan tâm đến vấn đề này một cách cụ thể như vậy.

Tôi thấy thật đáng tiếc vì một quyển sách tốt, học sinh học có hiệu quả lại không được sử dụng nữa.

Nhưng hội đồng thẩm định sách giáo khoa cho rằng chính sự công thức hóa bài giảng đó đã giảm sự sáng tạo của giáo viên, thưa ông?

Ông Trương Kim Minh: Việc công nghệ hóa một hoạt động, đặc biệt là hoạt động dạy học là việc xưa nay chưa ai làm. Chúng ta quen với việc soạn giáo án của giáo viên chính là thiết kế bài giảng, nhưng mỗi người với mỗi trình độ, năng lực khác nhau soạn giáo án khác nhau, hiệu quả giáo dục vì thế khác nhau.

Với công nghệ giáo dục, thiết kế bài giảng được thực hiện chuyên nghiệp bởi các nhà khoa học giáo dục có trình độ cao. Giáo viên có vai trò là người hướng dẫn, học sinh thực thi. Cứ thông qua một loạt các bước sẽ ra được kết quả. Chúng ta sẽ thấy quá trình dạy và học, các hoạt động dạy và học sẽ tường minh hơn.

Việc công nghệ hóa một hoạt động, đặc biệt là hoạt động dạy học là việc xưa nay chưa ai làm.

Việc kiểm soát, đánh giá, đo lường kết quả giáo dục sẽ dễ dàng hơn với giáo viên và các nhà quản lý giáo dục.

Việc triển khai các bước cũng không khó, giáo viên chỉ cần nghiên cứu kỹ sách Thiết kế và Tài liệu tập huấn giáo viên, vốn đã được giáo sư Hồ Ngọc Đại viết rất chi tiết. Khi đã nhuần nhuyễn, việc dạy học của giáo viên rất nhàn.

Sự sáng tạo của giáo viên là tùy vào từng hoàn cảnh, từng đối tượng học sinh biết cách để thu hút các em vào bài học, giải quyết các tình huống sư phạm cụ thể.

Từ thực tế ở Lào Cai, ông có thể cho biết phương pháp giáo dục được thiết kế bởi các nhà khoa học giáo dục đó đã mang lại điều gì cho giáo viên và học sinh?

Ông Trương Kim Minh: Chúng ta đang yêu cầu tư duy mới, nhất là tư duy phản biện, các kỹ năng. Học sinh học Tiếng Việt công nghệ giáo dục không chỉ viết chính tả đảm bảo, phát âm đúng mà còn biết tự học, tương tác với bạn, với thầy cô, biết sắp xếp các công việc. Các kỹ năng đó hình thành thông qua các hoạt động học trong từng hoạt động, từng buổi học, từng ngày. Đó là ưu điểm mà cách dạy và học trước đó không có được, nói một cách chính xác là không được nhanh như vậy.

Trong quá trình chỉ đạo triển khai công nghệ giáo dục ở tỉnh Lào Cai, tôi rất phấn khởi vì kết quả này.

Với giáo viên, có sự thay đổi rất lớn và căn bản đối với cách dạy. Giáo viên chấm dứt được sự giảng giải và trở thành người tổ chức hoạt động học đúng nghĩa, thành người hỗ trợ học sinh kịp thời bất kỳ lúc nào. Giáo viên không còn chỉ loanh quanh ở khu vực bảng đen, bục giảng, không còn sự mệt mỏi vì soạn giáo án, vì phải nói quá nhiều như trước. Đó là những thay đổi căn bản về mặt lao động sư phạm.

Với giáo viên, có sự thay đổi rất lớn và căn bản đối với cách dạy. Giáo viên chấm dứt được sự giảng giải và trở thành người tổ chức hoạt động học đúng nghĩa, thành người hỗ trợ học sinh kịp thời bất kỳ lúc nào.

Tất nhiên, bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ khó khăn khi “ngày đầu chưa quen” thì “đường cày chưa thẳng,” nhưng nếu không thay đổi thì mãi mãi lạc hậu, không thể phát triển. Khi đã quen với sự thay đổi, giáo viên sẽ hình thành tư duy tích cực, dễ dàng tiếp cận những phương pháp giáo dục mới, tiên tiến.

Số địa phương triển khai sách giáo khoa công nghệ qua các năm.
Số địa phương triển khai sách giáo khoa công nghệ qua các năm.

Như vậy, theo ông, liệu chỉ dựa vào bản thảo sách giáo khoa thì đã nhìn nhận hết được giá trị của công nghệ giáo dục hay chưa?

Ông Trương Kim Minh: Thẩm định sách giáo khoa, sản phẩm để dạy học, cũng như thẩm định các tài liệu khác, nếu có kết quả của việc thực hiện các tài liệu đó trên thực tế là toàn diện hơn vì bất cứ một quyển sách nào cuối cùng đều mang ra để dạy, đi vào thực tế đời sống học đường. Cuốn sách tốt là sách được sử dụng và sử dụng có hiệu quả.

Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục được triển khai tại Lào Cai đã 13 năm và còn 47 tỉnh khác đang áp dụng tài liệu này. Tôi cho rằng nếu có khảo sát, đánh giá thực tế triển khai sử dụng sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục ở các địa phương này thì sẽ thêm một kênh để nhìn một cuốn sách toàn diện hơn, đánh giá nhận xét đúng hơn. Khi đó, nó không chỉ thuần túy là một tài liệu, công trình trên giấy.

Theo Hội đồng thẩm định, nếu nói việc sách công nghệ đang sử dụng hiệu quả trong các nhà trường thì cũng giống như sách hiện hành đang được sử dụng, thưa ông?

Ông Trương Kim Minh: Chúng tôi đã sử dụng sách tiếng Việt hiện hành và từ 2006 đến nay sử dụng tài liệu Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục. Tôi khẳng định việc học Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục ở Lào Cai hiệu quả hơn, thể hiện ở khả năng tiếng Việt của các em tốt hơn.

Không có so sánh nào bằng so sánh học sinh dân tộc thiểu số vùng cao học tiếng Việt trước đây bằng sách thông thường so với các em sử dụng công nghệ giáo dục sau này. Các em nói, đọc, viết, nghe đều tốt hơn, thời gian nhanh hơn. Trước đây học sinh học đến lớp 3 còn trầy trật, nhưng học công nghệ, các em học hết lớp 1 là yên tâm, học hết lớp 3 không còn nói giọng lơ lớ, viết đúng chính tả. Là người trăn trở với giáo dục vùng cao, tôi mừng vô cùng.

Chính vì hiệu quả nên hiện 100% trường tiểu học của Lào Cai và nhiều địa phương đã tự nguyện xin chuyển hẳn sang sử dụng tài liệu công nghệ giáo dục.

Tôi cho rằng, bản thân sách công nghệ so với sách hiện hành đã là một sự tiến bộ về học thuật, phương pháp, tư duy giáo dục.

Sự tiến bộ đó có sự tương đồng nào với chương trình giáo dục phổ thông mới không, thưa ông?

Ông Trương Kim Minh: Phải nói tài liệu công nghệ giáo dục đã hoàn toàn tiếp cận được và thể hiện sinh động tư tưởng của đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới về phương thức, cách thức giáo dục như coi người học là trung tâm, nguyên lý học thông qua hành, hoạt động học là hoạt động quyết định quan trọng thiết yếu của quá trình giáo dục.

Tài liệu công nghệ giáo dục đã hoàn toàn tiếp cận được và thể hiện sinh động tư tưởng của đổi mới giáo dục

Trong thực tiễn tài liệu công nghệ giáo dục, học sinh học tập tích cực, phát triển được tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện, rèn được tinh thần tự học, năng động, linh hoạt, tự chủ… Đó cũng là những phẩm chất, năng lực mà chương trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục hướng tới.

Xét cho cùng, xưa nay, mọi đổi mới đều là thay đổi về phương thức tác động vào đối tượng sản xuất. Đổi mới giáo dục phải thay đổi mô hình trường học, trong đó có thay đổi toàn bộ và đồng bộ các yếu tố tác động trong quá trình dạy và học./.

Xin cảm ơn ông!