Quốc Trung và Scorpions

2-1476004208-77.jpg

Phải đợi đến ba năm cùng nỗ lực đáp ứng “hằng hà sa số” điều kiện khủng khiếp về kỹ thuật, âm thanh, tổ chức… nhà sản xuất Monsoon mới mời được Scorpions về biểu diễn tại Lễ hội Âm nhạc Gió mùa 2016. Giấc mơ ấy không dễ gì có được, nhưng khán giả vẫn chẳng mặn mà, vé Monsoon vẫn bán chậm.

Có vẻ như, ở bối cảnh hiện tại, sự hiện diện của sao ngoại “khủng” cỡ Scorpions thì cũng không còn là con át chủ bài. Chừng nào, khán giả vẫn giữ thói quen thưởng thức không xuất phát từ nhu cầu tự thân thì những nghịch lý, vẫn luôn tồn tại.

Riêng người viết bài, chẳng thể quên hình ảnh Quốc Trung – mắt đỏ hoe, ướt đẫm mồ hôi nhưng mỉm cười với niềm hạnh phúc rất âm thầm trong đêm cuối khép lại Monsoon 2015. Hình ảnh đó mãi mãi là dư âm đẹp và làm lay động. Mặc, mùa Monsoon năm ngoái, nhà sản xuất vẫn lỗ tiền tỷ, vé bán ra chưa tương xứng với bữa tiệc tuyệt đỉnh say sưa, du dương và sôi động mà những Joss Stone, BOND, Samsaya, Samaris, Lê Cát Trọng Lý… mang lại.

Còn nhớ trong một lần cà phê, khi bàn đến sự vận động của các nhà sản xuất âm nhạc, Quốc Trung cười buồn, buông hẫng: “Tôi vốn dĩ không giỏi kinh doanh… Thôi vẫn cứ làm tiếp, nếu mình còn thấy sướng… ”

(Ảnh: Thanh Việt)
(Ảnh: Thanh Việt)

Khán giả bị nhãn hàng làm… “hư”

– Monsoon sắp được khai màn và công chúng Thủ đô sẽ được nhìn thấy ban nhạc lừng danh Scorpions bằng xương bằng thịt, được nghe họ hát live trên sân khấu Hoàng Thành Thăng Long. Hạnh phúc thưởng thức chỉ phải mua 699 nghìn đồng nhưng công chúng Việt vẫn lấn cấn thật làm tôi thấy khó lý giải?

Nhà sản xuất Quốc Trung: Tâm lý thưởng thức của người Việt Nam chưa được cởi mở, bao giờ cũng là những câu hỏi “có ai?” chứ không phải là “có những ai?”  Vì thế, việc nhà sản xuất mời được nhiều ban nhạc hay thì lại chẳng ai biết tên. Họ vẫn chi 5 – 10 triệu đồng mua vé đi xem những ca sỹ giải trí trong nước, nhưng bỏ 699 nghìn đồng để được xem Scorpion thì lại chê đắt. Trong khi, ở mọi thành phố trên thế giới giá vé show này không dưới 200 USD.

Một số người còn hỏi rất ngô nghê là, tại sao không mời những sao khủng như Maroon 5? Thực ra, những câu hỏi đó rất thiếu hiểu biết. Là nhà tổ chức, chúng tôi nghe vừa tủi thân vừa ngán ngẩm. Tất nhiên, công chúng thì luôn là thượng đế và họ có quyền đòi hỏi. Với thời điểm hiện tại, sẽ phải rất lâu nữa chúng ta mới đủ tài chính để sản xuất những ngôi sao như thế. Chỉ tính riêng tiền thuê âm thanh đã nửa triệu USD và về kỹ thuật thì Singapore không đủ thiết bị để cho chúng ta thuê.

Ngược lại, nếu mời những ban nhạc trẻ và hay nhưng không nổi tiếng thì lại không đủ thu hút công chúng trẻ. Trẻ bây giờ thích DJ top 10, ca sỹ Hàn.

Trước khi có mặt tại Việt Nam biểu diễn trong Lễ hội Âm nhạc Gió mùa – Monsoon Festival 2016 tối 23/10 tại Hoàng Thành Thăng Long, ban nhạc lừng danh Scorpions đã gửi lời chào tời khán giả Việt Nam. Scorpion thành lập năm 1965 bởi guitarist Rudolf Schenker – người gắn bó với ban nhạc lâu nhất (mặc dù Klaus Maine đã đảm nhiệm vai trò ca sĩ chính trong tất cả các album phòng thu của ban nhạc). Ban nhạc được nhiều người biết đến qua những ca khúc rock ballad và rock alternative như “Rock You Like a Hurricane,” “Big City Night,” “Holidays,” “You And I,” “Wind of Change” và “Still Loving You.” Đến nay, ban nhạc đã bán được hơn 100 triệu album trên toàn thế giới, qua đó trở thành một trong những ban nhạc có số đĩa bán chạy nhất mọi thời đại

– Thực ra tôi thì nghĩ, anh cũng có thể mời thêm DJ như một giải pháp hiệu quả, vừa cân bằng nhu cầu thưởng thức, bán vé đỡ cực vừa hợp không khí festival của Monsoon?

Nhà sản xuất Quốc Trung: Như tôi nói, khán giả có quyền lựa chọn và chúng tôi cũng có quyền được làm điều mà theo chúng tôi là có ý nghĩa.

Sau ba mùa làm Monsoon, tôi khẳng định không thể tìm nổi một món ăn đủ thỏa mãn một thị trường khó khăn như Việt Nam. Tức là đòi hỏi thì đủ thứ nhưng chả đáp ứng được một tiêu chí gì. Tiền ít, kỹ thuật kém, không có thị trường, uy tín kém nhất nhất khu vực nhưng lại đòi hỏi nào phải có tên tuổi, quen thuộc, dễ nghe, lại cả thân thiện…

Bao trùm tất cả, thói quen đi xem nhạc ở Việt Nam đang có vấn đề là bị các nhãn hàng làm hư. Khán giả đi thưởng thức nghệ thuật không xuất phát từ nhu cầu thật. Những lý do thôi thúc họ bỏ tiền mua vé, bao giờ cũng là phải có tên ngôi sao, địa điểm tổ chức phải hoành tráng để chụp ảnh check-in hay “bung lụa” diện cái áo hàng hiệu, khoe trang sức đắt tiền kiểu “hội chợ phù hoa.”

Ban nhạc rock cựu trào liệu có mang lại thành công? (Ảnh: Ban tổ chức)
Ban nhạc rock cựu trào liệu có mang lại thành công? (Ảnh: Ban tổ chức)

– Sau mùa Monsoon năm ngoái, tôi có viết cái bài “Từ Monsoon… nghĩ về điểm dừng chân.” Để ý sẽ thấy thời gian qua, nhiều nhà tổ chức kết hợp với nhãn hàng mời về Việt Nam nhiều huyền thoại âm nhạc một thời như Kenny G, Boney M & Chris Norman… Điều đáng nói là, các chương trình này đều sốt vé từ sớm và được săn lùng với giá nhiều triệu đồng. Xem ra, việc mời Scorpions cũng không còn là “độc chiêu” của riêng Quốc Trung và Monsoon?

Nhà sản xuất Quốc Trung: Nghịch lý vẫn luôn tồn tại. Cũng giống như có những hạnh phúc và thành công âm thầm không ai hiểu, chỉ chúng tôi mới hiểu và đánh giá được. Việc Monsoon mời được Scorpions luôn là một trong những niềm tự hào của chúng tôi.

Mất ba năm thì lời mời Scorpions mới thành hiện thực. Sự trì hoãn đó một phần do lịch diễn nhưng chủ yếu là họ muốn thẩm định năng lực tổ chức của mình. Hiện tại, âm thanh đã đáp ứng được hết nhưng về ánh sáng thì vẫn phải được châm chước, vì điều kiện Việt Nam vẫn còn chưa theo kịp

Khán giả Việt Nam có thói quen so sánh, cảm tính và định kiến, nói chung là khắt khe. Trong khi những cái cần khắt khe là về kỹ thuật , âm thanh thì lại chẳng màng. Bây giờ mình làm mà cứ phải đi so sánh với những người khác vừa vô nghĩa, lại cũng không vui. Điều quan trọng, không ai bắt tôi phải làm Monsoon. Tôi làm Monsoon cũng không vì mục đích để ai thấy tôi có công, buộc họ phải đối xử tử tế, thậm chí đền bù thích đáng. Tôi nghĩ, thay vì so sánh và được ghi công, hãy cứ cống hiến và làm những điều mình cho là có ích. Nếu nhìn ra ngoài, bạn sẽ thấy âm nhạc khu vực và thế giới phát triển từng giây. Tôi chỉ kể một ví dụ, năm ngoái Monsoon ngỏ ý mời một DJ nhưng bất thành vì nghệ sỹ đó vướng lịch biểu diễn. Năm nay, tôi muốn mời lại thì không còn cơ hội nữa vì cát xê của họ đã lên gấp 10 lần

– Monsoon năm nay mới tăng giá vé lên chút đỉnh vì có Scorpions thì ngay lập tức bán rất chật vật. Thậm chí trong dịp Trung Thu vừa qua nhà tổ chức phải giảm chỉ còn một nửa để kích cầu?

Nhà sản xuất Quốc Trung:  Thị trường âm nhạc Việt Nam không tạo thói quen cho khán giả đón nhận cái mới, giá trị đang hiện diện. Khán giả phải có thói quen đi hỏi chất lượng biểu diễn về âm thanh, kỹ thuật, hát live. Và cả thói quen, nghệ thuật thì phải bỏ tiền ra mua vé đi thưởng thức. Nếu không có thói quen thưởng thức của khán giả, thì các nhà tổ chức không bao giờ mời được ngôi sao quốc tế ngoài dựa vào nhãn hàng, truyền hình thực tế… Mà như vậy thì nhà tổ chức phải thỏa hiệp.  Cả thành phố trung tâm của một quốc gia không gom nổi 10-20 nghìn người bỏ 500-1 triệu đồng đi xem một ngôi sao âm nhạc quốc tế. Đó mới là vấn đề.

Monsoon không phải sân chơi thử nghiệm cho người trẻ

– Hôm họp báo , tôi có hỏi anh “tại sao Monsoon năm nay không dành cho những nghệ sỹ trẻ Việt Nam?” nhưng chưa được trả lời thỏa đáng. Tiện đây, xin đề cập lại. Là do không có ban nhạc trẻ nào đủ tiêu biểu hay vì năm nay anh định hướng đến phân khúc khán giả lớn tuổi…?

Nhà sản xuất Quốc Trung: Trước khi công bố khách mời nghệ sỹ Việt Nam sẽ chơi Monsoon năm nay, tôi cũng lăn tăn trước vài ban nhạc trẻ được xem là triển vọng. Tôi đã cử người đi xem và mới dám kết luận các ban đó còn đánh live rất kém. Với các ban nhạc, một ngày tập 4 tiếng và đều như vắt chanh thì mới đánh được 80% như hiệu ứng đĩa, và biểu diễn được sân khấu lớn như Monsoon.

Đối với ban nhạc trẻ Việt Nam hiện nay, họ vẫn hoạt động bằng đam mê mà đam mê thì chỉ được một thời gian. Thậm chí, có những ban nhạc triển vọng nếu không biết nuôi dưỡng bản năng và đam mê, chỉ một thời gian sau sẽ biến tướng thành “công quạ showbiz” ngay, hoặc rơi vì bất mãn.

Các ban nhạc trẻ của Việt Nam rất thiếu kỹ năng và nền tảng âm nhạc căn bản. Họ không có chiến lược, đường hướng, và rất lười tập luyện. Và tôi thì không thể để Monsoon ra làm sân chơi thử nghiệm cho các bạn ấy được.

– Monsoon trở lại và sẽ tiếp tục cầm cự 5 năm nữa nhờ nhà tài trợ, nhưng dường như anh vẫn chưa thở phào nhẹ nhõm. Năm nay, tôi thấy anh già đi trông thấy và nhiều dấu hiệu mỏi mệt?

Nhà sản xuất Quốc Trung: (Cười) Tôi mà mệt, tức là khi tôi không làm việc nữa, cũng tức là đến lúc tôi chết. Tôi không bao giờ để mình rơi vào hoàn cảnh đấy. Tôi sẽ dừng lại khi mình không còn giỏi, không còn năng lực. Thực ra, Tôi cũng từng nản và bất mãn.

Nói sòng phẳng thì tôi lỗ về tiền nhưng lãi niềm vui, lãi uy tín, dẫu sao cũng là người đẻ ra cái festival âm nhạc đầu tiên của Việt Nam… Từ tiếng tăm đó, tôi trúng thầu được các chương trình khác, coi như lấy chỗ này vá chỗ kia, lấy ngắn nuôi dài. Monsoon cho tôi niềm vui, được chơi trọn và đốt hết cho âm nhạc. Tìm được lý do để mình chịu tiêu tiền, cái sướng ấy không phải ai cũng có được.

(Ảnh: Thanh Việt)
(Ảnh: Thanh Việt)

Sẵn sàng mời Sơn Tùng M-TP, nếu…

– Hẳn là sướng… đến mức một người cực đoan và khó thỏa hiệp như Quốc Trung chịu để đứa con tinh thần “Lễ hội Âm nhạc Gió mùa” đầu tiên của Việt Nam “lai Tây” thành tên gọi mới “Monsoon by Tuborg” cơ mà. 5 năm đổi lại cũng không rẻ nhỉ?

Nhà sản xuất Quốc Trung: (Cười buồn) Chua chát quá đúng không? Bạn nghĩ đi, tôi cũng thuộc  hàng kiếm tiền tốt trong đội nhạc sỹ bây giờ nhưng cũng chẳng đủ để nuôi Monsoon. Chưa năm nào tôi kiếm được một đồng từ Monsoon cả, thậm chí còn phải cầm cố nhà cửa bù lỗ. Nếu năm nay mà Monsoon lỗ nữa, bạn nghĩ có nên thôi không? Bạn tôi và cả cơ quan quản lý còn khuyên, tổ chức hai năm một lần cho đỡ vất vả. Nhưng làm gì có kiểu festival trên thế giới 2 năm tổ chức một lần.

Vì vậy, khi có đơn vị chịu bỏ 2/3 ngân sách sản xuất và trong suốt 5 năm thì quá quý chứ. Việc cho người đồng hành đứng cùng tên, cá nhân tôi cho là cuộc chơi đẹp. Nhà tài trợ không can thiệp vào nội dung và chất lượng âm nhạc. Bên cạnh đó, tên chương trình cũng không phải Tuborg festival. Chưa kể, bia cũng là gia vị rất phù hợp với không khí festival.

Tôi còn cho rằng, hãy cảm ơn họ vì giúp chúng ta giữ được không gian Monsoon trong 5 năm nữa. làm văn hóa và giữ gìn giá trị văn hóa, nó là câu chuyện không chỉ mình tôi, mà còn cơ quan quản lý, cộng đồng.  Nếu tôi được hậu thuẫn từ các đơn vị có thẩm quyền, khán giả có thói quen mua vé thưởng thức, để nhà sản xuất có chi phí sản xuất thì tôi sẽ chẳng phải chia sẻ hay bán bất cứ cái gì cả.

– Trộm nghĩ, vẫn còn nhiều cách đồng hành khác mà không phải đánh đổi hay mất mát. Ví như, tôi thấy anh mời hơi “tham” nghệ sỹ nước ngoài, lại không có hiệu ứng bán vé. Thay vào đó, không mời Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP… Cùng với Scorpions chắc chắn sốt vé cả ba đêm ấy chứ?

Nhà sản xuất Quốc Trung: Được thôi. Tôi sẵn sàng. Tôi chẳng ngại ngần gì cả.  Ở đây, chúng ta không nói về câu chuyện tự trọng, vì tôi quá thừa tự trọng rồi. Có điều, hãy hỏi những người đó, họ có sẵn sàng đồng lòng đứng cùng tôi không? Có đồng ý làm theo tư duy âm nhạc của tôi không? Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, hay Sơn Tùng M-TP thì có chịu lăn xả, tập luyện hàng tháng trời để hát live trên sân khấu 1 tiếng không? Họ có chấp nhận hát nhạc “sạch” không?

Hay như, có lần Thanh Lam bảo tôi, sao không cho con gái lên hát. Đó chính là giới hạn thỏa hiệp và cực đoan của tôi. Nói thẳng ra, tôi chẳng cần khán giả đến đông, hò hét, quẩy vì bất cứ cái tên nào, vì nó không bền. Cách làm đó chộp giật lắm, chỉ mang tính chất vớt vát. Đó không phải mục đích tôi muốn xây dựng thói quen thưởng thức thật sự.

Còn về lý do năm nay tôi vung tay mời nhiều nghệ sỹ nước ngoài, dù họ không được nhiều khán giả Việt Nam biết đến. Năm ngoái, rất nhiều khán giả thì đâu biết đến Samsaya và Samaris đâu, nhưng đó lại là hai ban nhạc gây ấn tượng đặc biệt. Rồi thì việc tôi mời Lê Cát Trọng Lý, nhiều người lắc đầu bảo không hợp với lễ hội. Nhưng đó lại là một trong những màn biểu diễn để lại dư âm đẹp.

Vì vậy, âm nhạc thì đừng võ đoán, cũng đừng tưởng. Hãy thưởng thức âm nhạc như nhu cầu tự thân, mua vé và tiếp nhận cái mới với sự cởi mở và kiên nhẫn. Hãy tăng tính tò mò và bớt hồ nghi./.