Quân đội Nhân dân Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân tin yêu, đùm bọc.

72 năm qua, quân đội vừa xây dựng, vừa chiến đấu, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, lập nên những chiến công hiển hách.

Từ chiến thắng trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần, đến chiến dịch Ðiện Biên Phủ và đại thắng mùa Xuân 1975 là chặng đường chiến thắng vinh quang với những mốc son chói lọi, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển vượt bậc của quân đội ta, là biểu tượng sáng ngời về khí phách anh hùng, lòng dũng cảm, trí thông minh và lý tưởng cao đẹp của một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước.

Quân đội anh hùng của nhân dân

Tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký chỉ thị thành lập đội quân chủ lực đầu tiên, trong chỉ thị Người chỉ rõ: Tên đội là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự.

Ngày 22/12/1944 tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, Đội trưởng Hoàng Sâm, Chính trị viên Xích Thắng. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có chi bộ Đảng lãnh đạo. Lời thề Vì nhân dân quên mình vang lên giữa khu rừng Việt Bắc trở thành ý chí, niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trong Hồi ký “Từ Nhân dân mà ra,” Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:

“22 tháng 12 năm 1944.

5 giờ chiều. Lễ thành lập đội cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc.

(Video tài liệu của Nga do truyền hình Thông tấn xã Việt Nam mua bản quyền về đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân)

Giữa mùa Đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây cao thẳng tắp, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, lần đầu tập họp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm.

Đại diện Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Mán, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội.

Tôi [Đại tướng Võ Nguyên Giáp – bí danh Văn] được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc.”

“Tâm tư của chúng tôi trong những giờ phút thiêng liêng đó thực khó tả. Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sỹ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bỗng hiện ra rực rỡ trong ký ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp, làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động.”

“Thực là một đội quân kỳ lạ. Không người nào là không mang một một hận thù với đế quốc. Hoặc nhà cửa bị đốt, của cải bị tịch thu, hoặc cha anh chị em bị bắt, bị bắn, còn chính mình nếu chưa trải qua lao tù thì cũng là những kẻ đang bị truy nã, đầu bị treo thưởng hàng vạn đồng, hàng trăm đấu muối.”

Như vậy, Quân đội ta sinh ra và trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo, luôn gắn bó chặt chẽ máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu và tặng cho danh hiệu cao quý: Bộ đội Cụ Hồ.

Bảy thập kỷ qua, quân đội ta đã xây dựng nên bản chất, truyền thống tốt đẹp “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như lời tuyên dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lễ ra mắt Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Lễ ra mắt Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Tiến bước dưới lá cờ bách chiến bách thắng

Kế tục truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội Nhân dân đã làm nên những chiến công hiển hách ghi vào lịch sử dân tộc.

Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần – trận đầu đánh thắng

Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi,” 17 giờ ngày 25/12/1944 (ngay sau ngày thành lập), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng); 7 giờ sáng ngày 26/12/1944 lại đột nhập đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), giết chết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta.

Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã tạo đà cho quân đội ta không ngừng phát triển và trưởng thành cùng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đuổi phátxít Nhật, lật đổ chế độ phong kiến, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi đơn vị tiến về giải phóng Thủ Đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi đơn vị tiến về giải phóng Thủ Đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)

“Chín năm làm một Điện Biên – Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Vừa cùng dân tộc làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, Quân đội tiếp tục trở thành lực lượng chủ lực trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

9 năm anh dũng chiến đấu, những chiến sỹ can trường của đội quân anh hùng đã lập nên vô số chiến công to lớn mãi mãi không thể phai nhạt trong trang sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.

Dân tộc sẽ mãi không quên kỳ tích: Quân đội mưu trí dũng cảm bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, hay cuộc chiến 60 ngày đêm máu lửa “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” giam chân địch Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến lâu dài.

Và cuối cùng là những chiến thắng vang dội: Việt Bắc (7/10/1947), Biên giới (Tháng 6/1950, trận Đông Khê đánh dấu chuyển từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy), Tây Bắc (tháng 9/1952), Tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 để hội tụ nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ – sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch; trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneva về “đình chỉ chiến sự ở Việt Nam,” lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng tháng Tám. Miền Bắc được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, là bản anh hùng ca của một cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.” (Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr. 55-56)

Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries chiều 7/5/1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. (Ảnh: Triệu Đại/TTXVN)
Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries chiều 7/5/1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. (Ảnh: Triệu Đại/TTXVN)

Nghệ thuật quân sự trong chiến thắng Điện Biên Phủ với “quyết định khó khăn nhất” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong Tổng tập Hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình…”, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc.” Đây được coi là một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử. Bằng quyết định này, quân đội ta đã làm cho Bộ chỉ huy quân Pháp hoàn toàn bất ngờ: Việt Minh không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến trong 3 đêm 2 ngày với hơn 16.000 quân tinh nhuệ và thiện chiến của Pháp đang án ngữ trong 49 cứ điểm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ – một “siêu căn cứ quân sự” được cho là bất khả xâm phạm. Với quyết định này, ngày mở màn trận đánh “kinh điển” Điện Biên Phủ được lùi lại một tháng rưỡi so với kế hoạch (theo kế hoạch ban đầu thì ngày nổ súng mở màn chiến dịch là 20/1, sau đấy được lui lại đến 17 giờ ngày 26/1).

Điều khiến Đại tướng trăn trở nhất khi chuyển đổi phương châm tác chiến đó là khi mọi công tác chuẩn bị cho phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” đã đâu vào đó, pháo đã được kéo lên vị trí sẵn sàng và chỉ còn vài giờ là khai hỏa.

Vẫn trong hồi ký, Đại tướng viết: “Đêm 25 tháng 1 năm 1954, tôi không sao chợp mắt. Đầu đau nhức. Đồng chí Thùy, y sỹ, buộc trên trán tôi một nắm ngải cứu. Tôi đã hiểu vì sao mọi người đều lựa chọn phương án đánh nhanh? Vấn đề tiếp tế khó khăn chỉ là một lý do. Chúng ta không phải hoàn toàn không có cách khắc phục khó khăn này. Lý do chính là e thời gian chuẩn bị kéo dài, địch sẽ tăng thêm quân, tập đoàn cứ điểm ngày càng mạnh, sẽ làm ta mất cơ hội tiêu diệt địch!

(Video tài liệu màu tiếng Nga do Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam mua bản quyền về chiến thắng Điện Biên Phủ)

“Nhiều người cho rằng sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ sẽ làm quân địch choáng váng. Nhưng chúng ta chỉ có vài ngàn viên đạn? Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần.”

“Nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ với sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kỳ giá nào, vì phải giữ vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài.”

“…Nhưng giải quyết ra sao? Pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xuất phát xung phong. Quyết định hoãn trận đánh một lần nữa sẽ tác động tới tinh thần bộ đội như thế nào?… Tôi nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc.”

Quyết định thay đổi phương châm tác chiến (mà thực chất là quay về phương châm ban đầu) được Đại tướng đưa ra dựa trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn một cách khoa học và sự thấu triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy.

Thực tế lịch sử đã sớm khẳng định không thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” thì chiến dịch không thể kết thúc thắng lợi. Đó chính là ranh giới giữa thắng và thua, khiến nhà sử học Pháp G. Budaren viết bài, tựa đề: “Tướng Pháp suýt thua ở Điện Biên Phủ.”

Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm của tướng de Castries. Hơn một vạn quân địch ở Mường Thanh kéo cờ trắng đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng lợi.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đưa đến ký kết Hiệp định Geneva kết thúc chiến tranh Đông Dương (20/7/1954), miền Bắc và Thủ đô Hà Nội được giải phóng.

Những bại tướng Pháp ở Điện Biên Phủ đã nói gì về thất bại?

Chiến thắng bản lĩnh, trí tuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khiến những bại tướng Pháp là Navarre và De Castries phải tâm phục khẩu phục.

Trong cuốn hồi ký của mình, tướng Navarre đã buộc phải thừa nhận: “Trên mọi phương diện, sự kết hợp giữa chính trị, quân sự đã được Việt Minh tiến hành với một sự khéo léo bậc thày; đối phương tất cả đều luôn luôn cao hơn so với những gì chúng ta nghĩ.”

Trong khi đó, tướng De Castries trong lời phát biểu khi bị bắt làm tù binh đã nói: “Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương.” Và luôn tin rằng: “Nhất định Tướng Giáp đã tốt nghiệp tại học viện quân sự cấp cao ở Liên Xô hoặc ở Mỹ…”

“30 năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông”

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, miền Bắc được giải phóng nhưng một nửa đất nước từ vĩ tuyến 17 trở vào vẫn còn nằm dưới gót chân của quân xâm lược và tay sai. Sự nghiệp thống nhất đất nước vẫn còn dang dở.

Những mốc chính của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam)

Quân đội ta lại cùng với toàn dân tộc bước vào một cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, hoàn thành đại nghiệp thống nhất non sông.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Quân đội Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa làm tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa cùng toàn dân tiến hành đấu tranh chống Mỹ cứu nước, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chúng ta đã đánh bại 4 kế hoạch chiến tranh xâm lược của Mỹ được 5 tổng thống Mỹ (D. D. Eisenhower, John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, Richard Milhous Nixon và Gerald Ford) điều hành. Mỹ đã chi cho cuộc chiến này tới 920 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với các cuộc chiến tranh khác mà Mỹ đã tham gia.

Những chiến thắng bước ngoặt của quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Phong trào “Đồng khởi” (1959-1961): Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.

Làm phá sản “Chiến tranh đặc biệt”: Sau chiến thắng Bình Giã (2/12/1964-3/1/1965), Ba Gia (5/1965), Đồng Xoài (10/5-22/7/1965), chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ hoàn toàn bị phá sản.

Đại đội 2, Đơn vị quyết thắng pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tên lửa và không quân nhân dân, bắn rơi máy bay Mỹ trong ngày 25/10/1967. (Ảnh: Lâm Đồng/TTXVN)
Đại đội 2, Đơn vị quyết thắng pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tên lửa và không quân nhân dân, bắn rơi máy bay Mỹ trong ngày 25/10/1967. (Ảnh: Lâm Đồng/TTXVN)

Đánh thắng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của Mỹ: Trong 4 năm (1964-1968), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm và bắn cháy 143 tàu chiến.

Làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ (1965-1968): Bộ đội ta trên các chiến trường miền Nam đã “tìm Mỹ mà diệt,” “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh,” đánh bại kế hoạch hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” của địch.

Chiến thắng Vạn Tường (18/8/1965): Đánh giá về trận Vạn Tường, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nói: “Nếu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, trận Stalingrad là một bước ngoặt chứng minh quân phátxít Hitler không phải là không đánh được, thì chúng ta cũng có thể coi trận Vạn Tường là một bước ngoặt chứng minh một cách hùng hồn rằng quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí và hỏa lực so với quân giải phóng.”

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968): Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968 kết hợp với đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”: Chiến thắng trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam.

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (từ ngày 18 đến 29/12/1972).

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam và quân Mỹ buộc phải rút quân về nước.

Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: Chiến thắng Phước Long (6/1/1975), báo hiệu khả năng ta hoàn toàn có thể giành thắng lợi, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 với ba chiến dịch lớn: Tây Nguyên (4-24/3/1975); Huế-Đà Nẵng (21-29/3/1975); Hồ Chí Minh (26-30/4/1975).

Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng,” ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch.

Ngày 29/4/1975, quân ta tiến công tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực số 5, 7, 25, 18 và 22 của quân đội Sài Gòn. Các binh đoàn thọc sâu tiến vào cách trung tâm thành phố Sài Gòn từ 10 đến 20km. Đại sứ Mỹ và các nhân viên quân sự, binh lính cuối cùng của Mỹ lên máy bay trực thăng rút khỏi Sài Gòn (sáng 30/4). 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng.

Vào lúc 10 giờ 45 phút, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. (Nguồn:TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. (Nguồn:TTXVN)

Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Trong 2 ngày 30/4 và ngày 1/5, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các Quân khu 8 và 9 nắm thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, vùng biển và các đảo ở Tây Nam của Tổ quốc.

Hơn một triệu quân đội Sài Gòn và cả bộ máy chính quyền địch bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng trong hơn 20 năm với 5 đời tổng thống đã hoàn toàn sụp đổ. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ngày 12/5/1975, gần hai tuần sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, trên Tạp chí Time của Mỹ có đăng bài viết với tựa đề “Lời tạm biệt nghiệt ngã cuối cùng” bình luận về thắng lợi của nhân dân Việt Nam và vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã khẳng định: “Cuối cùng quân đội Giải phóng đã tràn vào Sài gòn, giương cao lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời, bắt giữ tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu của Nam Việt Nam. Đối với nhiều người Mỹ, đây là cái chết đã chờ đợi bao lâu, nhưng khi nó đến thì vẫn bị choáng váng. Sự nghiệp giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã chiến thắng. Nước Mỹ từ đây sẽ phải điều chỉnh lại đường hướng của mình trên thế giới, nhưng không dễ mà “bỏ Việt Nam lại phía sau.”

Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Đánh giá về ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng,” Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả rực rỡ của việc thực hiện ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế-Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh, kết hợp với các mũi tiến công quân sự, chính trị, binh vận sôi nổi của quân và dân miền Nam ngay từ đầu và trong cả quá trình Tổng tiến công và nổi dậy.

Còn phải kể đến hai mũi tiến công ngoài kế hoạch: Đó là sự hình thành và chiến đấu dũng mãnh, thần tốc của cánh quân phía đông, thúc đẩy tình hình chiến trường phát triển mau lẹ, kịp thời tăng cường lực lượng cho trận chiến đấu quyết định diệt địch ở sào huyệt cuối cùng. Đó là mũi tiến công sắc bén trên vùng lãnh hải, nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven biển, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Ở đây, các đòn tiến công quân sự mạnh mang ý nghĩa quyết định. Các cuộc nổi dậy của nhân dân sôi nổi, rộng khắp, muôn hình muôn ve là đòn chiến lược hết sức lợi hại, tiến công địch khắp nơi, làm cho thắng lợi đến nhanh.

Một sự trùng hợp lịch sử thú vị đã diễn ra: Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ XX cùng kết thúc bằng cuộc chiến đấu 55 ngày đêm. Nếu như ở Điện Biên Phủ, 56 ngày đêm là thời gian cần thiết cho một trận tiến công dài ngày vào một tập đoàn cứ điểm kiên cố theo phương châm “đánh chắc tiến chắc,” thì 55 ngày đêm Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam lại là bước kết thúc chiến tranh không ngừng rút ngắn, khẩn trương, “thần tốc,” nhanh đến không ngờ!”

***

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam lại cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (1975-1979); Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc (1979).

Trong các cuộc chiến tranh đấu vô cùng gian khổ, ác liệt từ 1945-1979, biết bao anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh hoặc để lại một phần máu, thịt của mình trên các chiến trường. Tên các anh đã trở thành tên đất nước.

***

72 năm chiến đấu dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Quân đội Nhân dân Việt Nam mãi mãi xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Lực lượng đặc nhiệm quân đội tham gia diễu binh kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. (Nguồn: TTXVN)
Lực lượng đặc nhiệm quân đội tham gia diễu binh kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. (Nguồn: TTXVN)