Chuyện chưa kể về giáo sư Phan Huy Lê

Nhường cho học trò từ manh áo mặc, đôi dép đi, sửa cho trò từng câu từng chữ, dạy trò từ tri thức, phương pháp nghiên cứu khoa học, đến nhân cách làm người, những câu chuyện về nhà giáo nhân dân, nhà sử học bậc nhất Việt Nam Phan Huy Lê cứ nối dài mãi theo miền ký ức, trong niềm tiếc thương vô hạn của giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong câu chuyện với phóng viên VietnamPlus, giáo sư Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ, ông rất tự hào khi được làm học trò của thầy Phan Huy Lê suốt 50 năm qua.

Ánh mắt xa xăm như nhìn về hoài niệm, ngoài kia là ánh sáng đèn đường buổi đêm vàng nhạt hắt hiu như lòng người buồn trĩu, giáo sư Nguyễn Quang Ngọc kể cho tôi nghe những kỷ niệm về người Thầy mình vô cùng yêu kính mà như kể cho chính ông để vơi đi nỗi nhớ: 

“Tôi là học trò của thầy Lê tính đến bây giờ là đúng 50 năm, bắt đầu từ năm 1969, khi tôi là cậu sinh viên đại học. Thầy Lê là người trực tiếp giảng dạy, giúp đỡ, dìu dắt, rồi giữ tôi lại làm trợ lý cho Thầy, hướng dẫn từ cử nhân lên đến tiến sỹ, sau này là lên phó giáo sư, giáo sư. Phải nói cả cuộc đời và sự nghiệp của mình tôi được Thầy nâng đỡ, tạo điều kiện, dạy cho đến ngày hôm nay, đến lúc thầy nhắm mắt.

Thầy rất bình dị, đôn hậu, tận tình và ân nghĩa, dạy học trò đến tận ngọn nguồn bằng cả bầu nhiệt huyết. Khóa luận tốt nghiệp đại học của tôi, tôi còn giữ đến tận bây giờ, bởi ở đó, Thầy chữa cho tôi từng câu, từng chữ, cẩn thận, chi tiết vô cùng. Thỉnh thoảng, tôi vẫn mang ra cho học trò xem. Những điều Thầy dạy, chúng tôi cũng học theo, rồi đem ra dạy học trò mình, nhưng tất nhiên không làm được như Thầy.

Một người đứng đầu ngành sử nói riêng và ngành khoa học xã hội nói chung, nhưng là một nhà sư phạm tuyệt vời, vị tha, nhân ái, hết lòng vì lớp kế cận. Chúng tôi là những người may mắn vì đã được là học trò của thầy Lê.

Thầy là người nghiêm khắc nhưng rất tế nhị và bao dung trong ứng xử rất với học trò. Chúng tôi khi đó tuổi còn trẻ, không tránh khỏi mắc lỗi, bồng bột, Thầy nhắc nhở nghiêm khắc, nhưng sau đó luôn cười hiền hậu. Tôi chỉ duy nhất một lần chứng kiến Thầy đuổi sinh viên ra ngoài lớp. Đó là lần Thầy đang say sưa giảng bài thì thấy một sinh viên cứ lúi húi đọc tiểu thuyết. Phải nói thời chúng tôi đi học sách ít lắm. Vì thế, có sách hay là chuyền tay nhau đọc, mỗi người một tiếng thôi. Thầy lên lớp thầy rất nhiệt tình, dốc hết bầu nhiệt huyết, nên khi phát thầy phát hiện ra, thầy rất bực mình và đuổi ra ngoài.

Giáo sư Phan Huy Lê cùng các chuyên gia khảo sát tại di tích Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Giáo sư Phan Huy Lê cùng các chuyên gia khảo sát tại di tích Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Nhưng sau khi cậu sinh viên xin lỗi thì Thầy lại vỗ vai, cho vào học và nhắc lần sau không được như thế nữa.

Lần đầu tiên tôi đứng lớp, Thầy cho cả bộ môn đến dự, tôi rất căng thẳng khi thấy tất cả các thầy cô ngồi bên dưới. Tôi giảng xong, Thầy họp bộ môn lại, yêu cầu tất cả mọi người cho ý kiến đóng góp về bài giảng.

Tôi nhớ mãi lần đó, Thầy bảo: “Cậu giảng thì được nhưng cậu trình bày trên bảng như thế thì không ai chấp nhận được. Cái bảng phải kẻ đôi ra, một bên ghi các đề mục chính, để học sinh thấy được lớp lang của bài giảng, một bên là phần thêm những từ, chữ, nội dung bổ trợ kèm trong bài giảng, bên đó thậm chí viết chồng lên cũng không sao.” Những điều đó tôi vẫn ghi nhớ và áp dụng đến bây giờ.

Thầy là người rất thương học sinh. Thời bao cấp khó khăn thiếu thốn đủ thứ, mua gì cũng phải có tem phiếu, chia nhau từ gói mì chính, từ tấm áo, manh quần. Thầy luôn bảo cán bộ trẻ cần phải ăn mặc chỉn chu, nên thường nhường hết cho chúng tôi. Có đôi dép nhựa Thầy cũng nhường.

Những bài học thầy Lê dạy cho chúng tôi không phải chỉ trên sách vở, mà ngay trong công việc hàng ngày. Đó là một người rất kỳ lạ, kỳ lạ vì ông là ở ông luôn toát lên nhân cách một nhà sử học. Ông luôn nói, nhà sử học phải đi đến tận cùng sự thật, đến tận nơi, nhìn tận mắt, chứ không chỉ ngồi đút chân gầm bàn mà viết.

Một lần gần đây, chúng tôi tổ chức một hội thảo về lịch sử ở Phú Yên. Lãnh đạo tỉnh muốn mời Thầy đi thăm một số danh lam của tỉnh, nhưng Thầy bảo chỉ có một chỗ Thầy muốn đi lắm, không đi không được: “Ở Việt Nam cứ nói mãi đến Thủy Xá-Hỏa Xá nhưng mình chưa đến bao giờ, cho mình đi đến đó”.

Đường đến Thủy Xá-Hỏa Xá phải xuyên vào rừng sâu, điều kiện khó vô cùng, trong khi Thầy đã ngoài 80 tuổi, nên tôi có ý can ngăn, nhưng thầy vẫn quyết đi. Đi đến Hỏa Xá chỉ còn là khu nghĩa địa, khu rừng cấm của tộc người Jrai, thế mà cụ mê mẩn chui vào trong rừng ma. Trời thì nóng, muỗi nhiều kinh khủng, đến tôi còn ngại, thế nhưng ông cụ sử học cứ mò mẫm nghiên cứu, mê mải đến mức tôi kéo đi cũng không đi. Mọi người thì mệt, nhưng dường như Thầy không hề thấy mệt.

Sau một hồi, Thầy ra vỗ vai tôi, bảo: “Làm nghiên cứu lịch sử phải đi như thế viết sử mới thật được. Mình hơn 80 rồi, chắc không đi được lần thứ hai, nhưng cậu thì nên cố gắng đi lần nữa”. Tôi vừa thở dốc vừa đáp: “Thôi em cũng sắp về hưu rồi, chắc em không đi được lần nữa đâu, để em sẽ bảo học trò của em đi.” Thầy nghe và cười hể hả.

Viết sử là phải đi, đó cũng là lý do để dù đã bước vào tuổi bát tuần rồi mà Thầy vẫn hăng hái dẫn đầu các đoàn khảo sát thực địa từ Thăng Long, Sơn La, Thái Nguyên, Tây Đô, Lam Sơn, Lũng Nhai, qua Triệu Phong, Ái Tử, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắc Lắc…, cho đến Mô Xoài, Bến Nghé, Đồng Nai, Óc Eo, Gò Tháp và ra đến Trường Sa.

Cách đây khoảng hơn một tháng, lúc Thầy chuẩn bị đi Trường Sa, tôi cũng ngại cho thầy, vì thầy cao tuổi. Chưa từng có ai ra Trường Sa khi đã 84 tuổi như Thầy. Thầy rất nghiêm nghị nói : “Làm sử đất nước mình thì không thể không ra Trường Sa cậu ạ. Ra để viết sử cho đúng, viết sử cho thật.”

Cho đến tận khi Thầy gần mất, tôi vẫn luôn được Thầy dạy dỗ như vậy, đã làm sử là phải đi đến tận cùng sự thật, đi đến tận nơi, nhìn tận mắt, thì mới có thể hiểu đúng được lịch sử.

Thầy đặc biệt quan tâm đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Đó cũng là lý do từ năm 1992, Thầy đã là người gợi ý tôi chủ nhiệm đề tài lịch sử về chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa, Hoàng Sa, dù khi ấy, vấn đề biển đảo vẫn chưa được đề cập nhiều như bây giờ. Đó là mẫn cảm lịch sử của một nhà lịch sử tâm huyết, tài năng.

Thầy Lê có lẽ là một trong số không nhiều những giáo sư cao tuổi nhưng vẫn sử dụng thành thục những công nghệ tin học hiện đại vào trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Ông lướt Macbook, dùng Power Point… Tôi biết nhiều người ở tuổi ông không biết dùng máy tính và Internet.

Đó là một người không ngừng học hỏi, không ngại tiếp cận những cái mới và luôn cập nhật công nghệ hiện đại.

Tôi nhớ khoảng năm 1989, Thầy đi nước ngoài về và bảo: “Họ có cái máy gì lạ lắm, đánh máy chữ xong lại xóa đi được,” rồi Thầy bắt đầu tìm hiểu và có thể nói Thầy là một trong những người tiên phong ở Việt Nam biết về thiết bị mới này. Năm 1990, tôi có dịp sang Hà Lan và biết đó là máy tính, khi đó máy tính còn rất đơn sơ và cồng kềnh.

Đã có nhiều tác phẩm viết về giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)
Đã có nhiều tác phẩm viết về giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)

Đầu những năm 90, Thầy hợp tác với Australia và phía bạn trang bị cho trường Đại học Quốc gia một phòng máy tính có kết nối Internet. Đây gần như là phòng máy tính kết nối Internet đầu tiên của Việt Nam.

Khi Thầy cử tôi đi học về máy tính và Internet ở nước ngoài, tôi đã tự hứa với mình phải nỗ lực học tập, vì thầy mình nhiều tuổi như vậy vẫn nỗ lực học công nghệ mới thì mình không thể không cố gắng. Tôi sử dụng được máy tính, các công nghệ hiện đại, đó cũng là học từ Thầy. Thầy luôn luôn là một tấm gương lớn về mọi phương diện như vậy.

Có lẽ vì luôn luôn tiếp cận những cái mới nên suốt hơn nửa thế kỷ, Thầy luôn là nhà sử học, nhà khoa học xã hội nhân văn hàng đầu Việt Nam, dẫn dắt nền sử học Việt Nam trong chặng đường 60 năm qua.

Thầy trở thành một trong những nhà sử học hàng đầu cả nước từ khi còn rất trẻ, chưa đầy 30 tuổi. Tầm của một người đứng đầu đã hình thành từ rất sớm, nhưng giữ được lâu như vậy trong khi nền sử học luôn luôn thay đổi, với nhiều sự tác động của xã hội, thì đó là điều rất đặc biệt. Đó là vì Thầy đã không ngừng nghiên cứu khoa học và liên tục cập nhật tri thức mới. Với hàng trăm công trình khoa học, có thể hình dung toàn bộ trước tác của Giáo sư Phan Huy Lê được chia ra thành 7 lĩnh vực khác nhau. Thật hiếm có một học giả có khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn như thế.

Khi Thầy 80 tuổi, tôi cùng một giáo sư người Nhật Bản và một giáo sư người Pháp soạn một cuốn sách về Thầy. Chúng tôi trao đổi, thảo luận và thống nhất dùng tên sách là “Nhân cách sử học”. Đó cũng là điều nổi bật nhất trong con người và sự nghiệp của giáo sư Phan Huy Lê, một nhân cách sử học cao cả, mẫu mực, điển hình  mà không phải một người có sự nghiệp lớn nào cũng có nhân cách lớn như thế. Nhân cách lớn làm nên sự nghiệp lớn, sự nghiệp lớn càng được nâng đỡ bởi nhân cách lớn.

Khi đặt vấn đề xây dựng bộ Quốc sử Việt Nam với 30 tập, không có giáo sư Phan Huy Lê thì không thể làm được bộ sử đồ sộ ấy, nên dù Thầy đã ngoài 80 tuổi, chúng tôi vẫn ra sức vận động Thầy đứng ra dẫn dắt, làm tổng chỉ huy. Thầy đã nhận lời với trách nhiệm lớn lao của một nhà sử học với đất nước. Dường như biết trước thời gian cho mình không còn nhiều, cụ đã dốc sức làm việc. Chưa bao giờ tôi làm các công trình, dự án với cụ mà cụ lại đôn đốc, thúc giục liên tục như vậy.

Bây giờ, khi Thầy đã ra đi, tuy bộ sử vẫn chưa hoàn thành, nhưng về cơ bản đã có bản thảo, Thầy cũng đã có những chuẩn bị và chỉ đạo. Chúng tôi sẽ cố gắng làm theo các chỉ đạo đó, chắc một, hai năm nữa thì sẽ hoàn thành.

Là người đi theo Thầy từ lúc còn rất nhiều khó khăn, tôi càng hiểu ở Thầy là một tấm gương lớn, một nhà sử học chân chính, một người thầy tuyệt vời. Tên ông đã trở thành niềm kiêu hãnh của biết bao thế hệ học trò, của đồng nghiệp trong nước và quốc tế.”

Giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà