Vì sao các ông chủ mạng xã hội không dùng mạng xã hội?

Các nhà phát triển những nền tảng như Facebook đã thừa nhận rằng chúng được thiết kế để gây nghiện. Chúng ta có nên noi gương họ và “cai nghiện” không – và xét cho cùng, điều đó có khả thi với những người bình thường như chúng ta hay không? VietnamPlus xin giới thiệu bài viết trên trang The Guardian của tác giả Alex Hern.

Mark Zuckerberg không sử dụng Facebook như bạn hay tôi. Theo Bloomberg, vị giám đốc điều hành 33 tuổi này có một nhóm 12 nhà kiểm duyệt chuyên việc xóa các bình luận và spam khỏi trang riêng của ông.

Ông chủ Facebook cũng có “nhiều” nhân viên giúp viết các bài đăng và phát biểu, cũng như các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp những bức ảnh hoàn hảo về mình trong cuộc gặp các cựu chiến binh ở Kentucky, các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Missouri hay các chủ tiệm bánh kẹp bít tết phô mai.

Bản chất đóng cửa của Facebook có nghĩa là những người thường không thể nhìn thấy những bài đăng riêng tư của Zuckerberg trên dòng thời gian, nhưng khó mà tưởng tượng ra việc ông tranh cãi về một dòng trạng thái chống nhập cư đăng bởi một người phân biệt chủng tộc.

Và không chỉ riêng Zuckerberg. Chẳng ai trong bộ máy lãnh đạo chủ chốt của Facebook có một sự hiện diện “bình thường” trên Facebook. Bạn không thể thêm họ vào danh sách bạn bè, họ cũng hiếm khi đăng bài công khai, và họ giữ riêng tư những thông tin mà nền tảng này gợi ý nên công khai theo mặc định, ví dụ như số lượng bạn bè của họ.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Twitter. Trong số 9 lãnh đạo cấp cao nhất của công ty, chỉ có 4 người tweet trung bình nhiều hơn 1 lần mỗi ngày. Ned Segal, giám đốc tài chính của công ty đã tham gia nền tảng này hơn 6 năm nhưng mỗi tháng tweet chưa đầy 2 lần.

Đồng sáng lập kiêm CEO Twitter Jack Dorse. (Nguồn: Mainichi)
Đồng sáng lập kiêm CEO Twitter Jack Dorse. (Nguồn: Mainichi)

Nhà đồng sáng lập Jack Dorsey, một người được xem là hay tweet đã gửi khoảng 23.000 tweet từ khi trang mạng này được thành lập, nhưng như vậy vẫn ít hơn nhiều so với số lượng những người dùng nửa chừng đã gửi trong cùng khoảng thời gian. Dorsey hiếm khi trả lời người lạ và tránh những cuộc thảo luận hay tranh cãi trên Twitter. Ông cũng không tweet trực tiếp các chương trình tivi hay thể thao. Thực tế, ông không thực sự “sử dụng” Twitter, ông chỉ thỉnh thoảng đăng vài thứ lên đó.

Đó là một kiểu mẫu chung trong cả ngành này. Trái với việc tập trung “dùng sản phẩm do mình làm ra,” những người dùng tận tâm nhất trên mạng xã hội hiếm khi là những người ngồi ở vị trí quyền lực.

Trong số 9 lãnh đạo cấp cao  nhất của Twitter, chỉ có 4 người tweet trung bình nhiều hơn 1 lần mỗi ngày.

Tôi là một người tận tụy với việc dùng mạng xã hội. Tôi đã gửi khoảng 140.000 tweet từ khi gia nhập Twitter hồi tháng 4 năm 2007 – nhiều gấp 6 lần so với Jack. Tôi dùng Instagram, Snapchat và Reddit hàng ngày. Tôi có tài khoản trên Ello, Peach và Mastodon (các bạn nhớ chúng là gì không? Không à? Không sao). Ba năm trước, tôi đã bỏ được Facebook. Tôi dừng hoạt động và xóa tài khoản trong một khoảnh khắc đầy minh mẫn khi nhận ra nó đã khiến tôi cảm nhận và hành động như thế nào. Tôi chưa bao giờ hối hận về chuyện đó, nhưng tôi cũng chưa thể lặp lại thành công đó thêm lần nữa.

Tôi từng nhìn vào những lãnh đạo các mạng xã hội và thấy bực bội vì họ chẳng hiểu chính trang mạng của mình. Những người dùng bình thường gặp phải những lỗi (bug), sự lạm dụng hoặc những quyết định thiết kế tồi tệ mà các lãnh đạo này sẽ không thể hiểu được nếu không tự mình trải nghiệm. Tôi từng tự hỏi, làm thế nào họ xây dựng được dịch vụ tốt nhất có thể nếu họ chẳng bao giờ dùng mạng xã hội như người bình thường?

Bây giờ, tôi lại tự hỏi một điều khác: họ biết gì mà chúng ta không biết?

Sean Parker, chủ tịch sáng lập của Facebook, đã phá lời thề im lặng hồi tháng 10 năm ngoái khi phát biểu trong một hội nghị ở Philadelphia rằng đối với mạng xã hội, ông giống như “một kẻ đào ngũ vì thấy lương tâm cắn rứt.”

“Quá trình suy nghĩ dẫn đến việc xây dựng các ứng dụng này, trong đó Facebook là sản phẩm đầu tiên, … đều xoay quanh việc: ‘Làm thế nào chúng tôi bắt bạn tiêu tốn nhiều thời gian và sự chú ý có ý thức hết mức có thể?’ Điều đó có nghĩa là chúng tôi thỉnh thoảng phải cho các bạn một liều dopamine nhẹ dưới dạng một ai đó thích hay bình luận dưới bức ảnh hay bài đăng của bạn. Và điều đó sẽ khiến bạn đóng góp thêm nội dung, và lại tiếp tục nhận được nhiều lượt thích và bình luận hơn, “ ông nói.

“Đó là một vòng lặp phản hồi xác minh xã hội… chính xác là thứ mà một hacker như tôi sẽ nghĩ ra, vì bạn đang khai thác một điểm yếu trong tâm lý con người. Những nhà sáng chế, những đấng sáng tạo – tôi, Mark [Zuckerberg], Kevin Systrom của Instagram, tất cả những người đó – hoàn toàn hiểu được điều này. Và chúng tôi vẫn cứ tạo ra những nền tảng đó.”

Một tháng sau, cựu phó chủ tịch tăng trưởng người dùng của Facebook, Chamath Palihapitiya, đã nối gót Parker “đào ngũ.” “Những vòng lặp phản hồi ngắn hạn có sự thôi thúc của dopamine mà chúng tôi đã tạo ra đang hủy hoại cách xã hội hoạt động. Không có những cuộc đàm luận văn minh, không có sự hợp tác; thay vào đó là những thông tin sai lệch, những sự hồ nghi,” Palihapitiya phát biểu tại một hội nghị ở Stanford, California.

“Đây không phải là chuyện về những quảng cáo của người Nga. Đây là một vấn đề toàn cầu. Nó đang làm xói mòn những nền tảng cốt lõi về cách mọi người ứng xử với nhau. Tôi có thể kiểm soát quyết định của mình về việc không dùng thứ nhảm nhí đó. Tôi có thể kiểm soát quyết định của các con mình, tức là chúng không được phép dùng thứ nhảm nhí đó.”

Những phát biểu của Palihapitiya đã gây náo loạn Facebook tới nỗi công ty phải đưa ra một phản hồi thừa nhận những thất bại trong quá khứ – một động thái hiếm gặp ở một doanh nghiệp mà, bất chấp nhiệm vụ “kết nối con người,” khét tiếng là kín miệng về những thiếu sót của mình. “Khi Chamath còn ở Facebook, chúng tôi đã tập trung xây dựng những trải nghiệm mạng xã hội và phát triển Facebook trên toàn thế giới,” một người phát ngôn của công ty cho hay. “Facebook hồi đó từng là một công ty rất khác… và khi chúng tôi phát triển, chúng tôi nhận ra những trách nhiệm của mình cũng lớn theo. Chúng tôi rất nghiêm túc với vai trò của mình và chúng tôi đang nỗ lực hết mình để cải thiện.”

Vài ngày sau, Facebook lại có một động thái còn thú vị hơn là công khai các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng Facebook không khiến người dùng cảm thấy tồi tệ – miễn là họ không đăng quá nhiều thứ lên đó. “Nói chung, khi mọi người dành quá nhiều thời gian để tiêu thụ thông tin một cách thụ động – đọc, nhưng không tương tác với người khác – họ sẽ cảm thấy tồi tệ hơn về sau,” hai nhà nghiên cứu của Facebook phát biểu trong một đánh giá các tài liệu nghiên cứu hiện có.

Mặt khác, “tương tác tích cực với mọi người – nhất là chia sẻ các tin nhắn, bài đăng và bình luận với bạn bè thân thiết và hồi tưởng lại những tương tác trước đây – có liên hệ với những cải thiện về tâm trạng.” Thật tiện.

Với Adam Alter, một nhà tâm lý học kiêm tác giả của Irresistible (tạm dịch: Không thể cưỡng lại), một khảo cứu về mức độ nghiện công nghệ, điều đó gần như không liên quan đến việc mạng xã hội khiến bạn thấy hạnh phúc hay buồn bã trong ngắn hạn. Vấn đề ở tầng sâu hơn là việc sử dụng của bạn có tính cưỡng chế – thậm chí là gây nghiện.

Facebook và Twitter đã tạo ra những sản phẩm “dính như keo” khiến chúng ta muốn quay lại hết lần này đến lần khác. 

“Khái niệm nghiện được áp dụng ở diện rộng hơn nhiều, và với nhiều hành vi hơn chúng ta từng nghĩ, và do đó cũng áp dụng với nhiều người hơn trong xã hội,” Alter chia sẻ. “Có khoảng một nửa dân số trưởng thành có ít nhất một sự nghiện ngập mang tính hành vi. Không nhiều người trong chúng ta nghiện ma túy, nhưng cách thế giới vận hành ngày nay dẫn đến rất, rất nhiều hành vi mà chúng ta khó cưỡng lại được, và rất nhiều người trong số chúng ta hình thành những sự ràng buộc hạ thấp bản thân với những hành vi gần với hoặc trở thành những cơn nghiện.”

Theo Alter, những sự nghiện ngập này không ngẫu nhiên xảy ra. Thay vào đó, chúng là kết quả trực tiếp từ ý định của các công ty như Facebook và Twitter, đó là tạo ra những sản phẩm “dính như keo” khiến chúng ta muốn quay lại hết lần này đến lần khác.

“Các công ty đang sản xuất những sản phẩm này, cụ thể là những công ty công nghệ lớn, đang sản xuất chúng với ý định làm cho chúng ta nghiện. Họ đang làm hết mình để bảo đảm rằng không chỉ hạnh phúc của chúng ta được bảo toàn, mà chúng ta cũng sẽ dành thời gian cho các sản phẩm, chương trình và ứng dụng của họ nhiều hết mức có thể. Đó là mục tiêu chính của họ: không phải là làm ra một sản phẩm khiến mọi người yêu thích và từ đó thu về lợi nhuân, mà làm ra một sản phẩm mà mọi người không thể ngừng sử dụng và từ đó thu về lợi nhuận.”

“Điều mà Parker và Palihapitiya đang nói là những công ty này, những công ty họ đã tiếp xúc ở những cấp cao nhất và từ rất sớm, đã được thành lập trên những nguyên tắc này – rằng chúng ta nên làm mọi điều chúng ta có thể để xâm nhập vào tâm lý con người, hiểu được điều gì cuốn hút họ và sử dụng những kỹ thuật đó để tối đa hóa sự ràng buộc thay vì tối đa hóa hạnh phúc. Và đó rõ ràng là những gì họ làm.”

Parker và Palihapitiya không phải là những cư dân duy nhất tại Thung lũng Silicon công khai thể hiện sự không thoải mái của họ với bản chất tạo dựng thói quen của công nghệ hiện đại. Như tờ Guardian đã đưa tin hồi tháng 10 năm ngoái, ngày càng có nhiều người viết mã và nhà thiết kế bỏ việc do vỡ mộng với công việc của họ.

Từ Chris Marcellino – một trong số các nhà sáng chế hệ thống thông báo đẩy của Apple, người đã ra khỏi ngành để học làm bác sĩ thần kinh – tới Loren Britcher – người đã tạo ra chuyển động kéo-để-làm-mới đã biến rất nhiều ứng dụng thành những chiếc máy đánh bạc tí hon và hiện đang dành thời gian xây một ngôi nhà ở New Jersey – rất nhiều người làm công tác thiết kế giao diện đã phải suy nghĩ lại về quyết định nghề nghiệp của họ.

Những người khác cũng đã nhận ra, nhưng lại quyết định chấp nhận sự ngượng nghịu đó – như công ty tư vấn Dopamine Labs ở LA. Công ty này cung cấp một dịch vụ plugin giúp cá nhân hóa những “khoảnh khắc vui vẻ” trong các ứng dụng sử dụng nó. Dịch vụ này hứa hẹn với khách hàng rằng: “Người dùng của bạn sẽ khao khát nó. Và họ sẽ khao khát bạn.”

Nếu đây là sự thực, vậy thì lãnh đạo các mạng xã hội chỉ đang làm theo quy tắc của những tay buôn ở khắp nơi, quy tắc thứ tư trong bài hát Ten Crack Commandments của Notorious BIG: “Đừng say thuốc của chính mình.”

“Nhiều gã khổng lồ công nghệ cực kỳ, cực kỳ cẩn trọng về cách họ sử dụng công nghệ một cách riêng tư, và cách họ cho phép con cái mình sử dụng nó, cũng như giới hạn họ cho phép con cái tiếp cận màn hình điện thoại và vô số ứng dụng và chương trình,” Alter cho hay. “Một số người sẽ lên sân khấu và nói những điều như là: ‘Đây là sản phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại,’ nhưng khi đào sâu vào, bạn sẽ thấy họ không cho phép con cái mình tiếp xúc với sản phẩm đó.”

Tuần trước, Tim Cook, giám đốc điều hành Apple, đã trả lời tờ Guardian: “Tôi không có con, nhưng tôi có một đứa cháu trai và tôi đặt ra một vài giới hạn cho nó. Có những thứ tôi không cho phép. Tôi không muốn chúng xuất hiện trên mạng xã hội.”

Ông nói thêm: “Bản thân công nghệ không muốn làm điều tốt, nhưng nó cũng không muốn làm điều xấu. Cần có sự can thiệp của con người để bảo đảm rằng những điều bạn làm với công nghệ là điều tốt. Và cũng cần có sự can thiệp của con người trong quá trình phát triển để bảo đảm việc tạo ra sản phẩm là một điều tốt.”

Alter nói rằng ví dụ kinh điển của cách tiếp cận này là người tiền nhiệm của Cook, Steve Jobs, “người nói về mọi điểm tốt của iPad rồi không bao giờ để con cái đến gần nó.” (“Chúng chưa dùng đến nó,” Jobs trả lời một phóng viên của tờ New York Times vài tháng sau khi ra mắt iPad. “Chúng tôi giới hạn số lượng công nghệ mà con cái chúng tôi dùng ở nhà.”)

Không chỉ có trẻ con. “Bạn có thể thấy điều đó trong hành vi của họ,” Alter cho hay. “Jack Dorsey, cách ông ta dùng Twitter, dường như ông ta rất cẩn thận với lượng thời gian mình bỏ ra. Ông ấy rõ ràng là một người rất bận rộn và có trí tuệ rất cao, kết quả là có thể ông ấy bị phân tâm bởi rất nhiều thứ khác và có thể dứt mình khỏi nền tảng đó.

“Nhưng điều đó không đúng với tất cả người dùng Twitter – nhiều người đã, nói một cách thông tục, bị nghiện. Dù sự nghiện ngập đó có tính lâm sàng hay không, thì với họ, dường như họ muốn làm ít hơn; và cảm giác đó hạ thấp sự hạnh phúc của họ. Và tôi nghĩ điều đó hoàn toàn đúng: với nhiều người dùng Twitter, ứng dụng này giống như một hố đen hút bạn vào, và rất khó để dừng việc sử dụng nó lại.”

Đó chắc chắn là cảm nhận của tôi về Twitter. Tôi đã cố hạn chế sau khi nhận ra mình đã bỏ ra bao nhiêu thời gian nhìn chằm chằm và kéo màn hình để đọc những bài đăng cách ngôn, từ thú vị tới đau buồn. Tôi đã xóa 133.000 tweet trong một nỗ lực để giảm đi cảm giác tôi không thể từ bỏ một thứ mà tôi đã lún sâu vào quá lâu. Tôi đã gỡ ứng dụng khỏi điện thoại và máy tính của mình, buộc mọi tương tác phải được thực hiện qua trình duyệt web. Tôi đã có những đợt nghỉ dùng liên tục. Nhưng tôi vẫn cứ quay lại.

Là một đứa trẻ có bố mẹ bảo bọc và cách ly công nghệ khỏi mình là một chuyện. Sống như một giám đốc công nghệ, đánh bại nỗ lực hiệp đồng của hàng nghìn người thông minh nhất thế giới để truyền dần ham muốn mở ứng dụng của mình mỗi ngày lại là chuyện khác. Tôi không cô đơn trong cuộc đấu tranh này.

Kevin Holesh, một nhà phát triển ứng dụng tự do, là một trong những người đang cùng nỗ lực. Anh đã viết một chương trình có tên Moment để theo dõi xem bạn dành bao nhiêu thời gian nhìn vào điện thoại mỗi ngày. Với người dùng bình thường, con số này là hơn 3 tiếng một ngày. Số liệu thống kê của Holesh là đủ để tạo động lực cho sự thay đổi.

“Một khi đã có số liệu vững chắc, bản thân chúng sẽ giúp tôi bớt dùng điện thoại. Tôi đã có vài bước tiến theo hướng đó, nhưng tôi biết nhìn vào những con số mới là một nửa cuộc chiến. Việc nhìn vào những con số đã thực sự thay đổi cách tiếp cận của tôi… Tôi đã dành một tiếng mỗi ngày không làm được việc gì có năng suất mà chỉ phí thời gian.”

Holesh cuối cùng đã gỡ toàn bộ các mạng xã hội và tài khoản email công việc khỏi điện thoại.

“Đây là bước giúp đỡ tôi nhiều nhất, chỉ đơn giản không tiếp cận được chúng là được. Ban đầu, nhiệm vụ của tôi rất chân chính: tìm hiểu xem bao nhiêu thời gian dùng điện thoại sẽ khiến bạn hạnh phúc. Nhưng giờ tôi đã bắt đầu một cách tiếp cận hơi cực đoan một chút, và tôi thấy đỡ căng thẳng hơn về những bài đăng tin tức hay ông chú tôi đăng thứ gì đó kích động lên Facebook. Tôi thấy mình khá hơn khi giao tiếp theo những cách cũ kỹ.” – Holesh nói.

Nếu bạn không thể cắt giảm việc dùng mạng xã hội, bạn có thể làm theo tấm gương của Zuckerberg và thuê một đội 12 người làm việc đó cho bạn. 

Alter nói rằng sức mạnh ý chí có thể giúp đỡ ở một mức nhất định, và đặt các ứng dụng ra ngoài tầm với để dành thời gian cho những hoạt động bình thường và không cần suy nghĩ còn có tác dụng hơn. Thế nhưng, khó mà phá bỏ sự nghiện ngập một mình.

“Có thể là trong 20 năm nữa, chúng ta sẽ nhìn lại thế hệ trẻ em ngày nay và nói: ‘Trông kìa, xã hội của chúng khác với mọi thế hệ loài người khác trước chúng, và đây là một vấn đề lớn, và có lẽ chúng ta cần đưa ra những quy định hành vi cho chúng.’ Hoặc có thể chúng ta sẽ nhìn lại và nói: ‘Tôi không hiểu mọi người cứ cuống hết lên làm gì – tôi không chắc tại sao chúng ta lại lo lắng thế.’ Tới khi có được vài bằng chứng, tới khi có được thứ gì đó hữu hình, tôi nghĩ sẽ rất khó để khiến nhiều người thay đổi cách hành xử của họ.”

Nếu bạn không thể cắt giảm việc dùng mạng xã hội, bạn có thể làm theo tấm gương của Zuckerberg và thuê một đội 12 người làm việc đó cho bạn. Cách đó có thể không rẻ và dễ như xóa Facebook, nhưng có lẽ là dễ làm hơn.