‘Cú đòn ngoạn mục’ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không những thành công trong việc dàn xếp đưa Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông được tổ chức ở PyeongChang mà còn thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng việc ông hành động như vậy xuất phát từ ý tưởng của chính ông Trump.

Với cú đòn Olympic ngoạn mục này, ông Moon Jae-in vừa giải quyết được mối đe dọa Triều Tiên đối với Thế vận hội, vừa tránh được bất cứ phản ứng cực đoan nào từ phía Mỹ.

Christopher R. Hill, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, hiện là Cố vấn trưởng bên cạnh Hiệu trưởng danh dự Viện Global Engagement, giáo sư về thuật ngoại giao thuộc Đại học Denver, tác giả cuốn “Outpost” nhận định như vậy trong bài viết đăng trên Project Syndicate.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có một khởi đầu khá tốt đối với Năm mới. Ông không những thành công trong việc dàn xếp đưa Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông được tổ chức ở PyeongChang mà còn thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng việc ông hành động như vậy xuất phát từ ý tưởng của chính ông Trump.

Với cú đòn Olympic ngoạn mục, Tổng thống Moon Jae-in vừa giải quyết được mối đe dọa Triều Tiên đối với Thế vận hội, vừa tránh được bất cứ phản ứng cực đoan nào từ phía Mỹ. Tuy nhiên, thỏa thuận mà hai miền Triều Tiên đạt được tại làng biên giới Panmunjom trước đó không có khả năng dẫn tới việc sẽ nối lại các cuộc thảo luận giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung (phải) và Trưởng đại diện đàm phán của Triều Tiên, Phó Chủ tịch Ủy ban tái thống nhất hòa bình Jon Jong Su (trái, phía trước) trao đổi văn kiện tại cuộc đàm phán ở làng đình chiến Panmunjom ngày 17/1. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung (phải) và Trưởng đại diện đàm phán của Triều Tiên, Phó Chủ tịch Ủy ban tái thống nhất hòa bình Jon Jong Su (trái, phía trước) trao đổi văn kiện tại cuộc đàm phán ở làng đình chiến Panmunjom ngày 17/1. (Nguồn: THX/TTXVN)

Có vẻ sau khi Thế vận hội kết thúc, Triều Tiên có khả năng sẽ tận dụng việc mở cửa ngoại giao hiện tại để thăm dò những lĩnh vực khác không liên quan gì đến chương trình hạt nhân của nước này và điều này sẽ làm nổi lên một loạt những vấn đề đang được thử thách và quen thuộc đối với quan hệ Mỹ-Hàn Quốc.

Suy cho cùng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chắc chắn không hề bị thúc đẩy bởi quyết tâm chân thành khi ông lên tiếng kêu gọi có những quan hệ tốt đẹp hơn với Hàn Quốc vào ngày 1/1. Trái lại, nước cờ mà ông thực hiện phù hợp với chính sách lâu nay của Triều Tiên là cố tìm cách làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn Quốc.

Bằng việc chìa bàn tay ra với Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn thể hiện rằng Triều Tiên có thể chung sống hòa bình với các nước láng giềng của mình, thậm chí khi nước này vẫn đang duy trì một kho vũ khí hạt nhân. Nhìn rộng hơn, ông Kim đang tìm cách bình thường hóa tư thế của Triều Tiên như là một cường quốc hạt nhân tự nhận, giống như các cường quốc khác trong con mắt thế giới.

Ông Kim Jong-un hy vọng rằng việc đạt được những mục tiêu này sẽ chia rẽ được Mỹ và Hàn Quốc. Ông Kim biết rằng tỷ lệ thiện cảm đối với Trump ở Hàn Quốc thấp hơn nhiều so với những tỷ lệ vốn đã tồi tệ đối với ông này ở nước Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đang khai thác điều này nhằm hỗ trợ cho mục tiêu bình thường hóa hạt nhân của mình.

Ông Moon Jae-in đã giải quyết ổn thỏa “cuộc tấn công hòa bình” của ông Kim Jong-un

Về phần mình, ông Moon Jae-in đã giải quyết ổn thỏa “cuộc tấn công hòa bình” của ông Kim Jong-un. Những vận động viên và cổ động viên Olympic của Triều Tiên chắc chắn sẽ được chào đón nồng nhiệt khi họ đặt chân tới Hàn Quốc bằng tàu hỏa, và đám đông người sẽ hò reo khi các vận động viên của hai nước tiến vào sân vận động dưới một lá cờ chung.

Chắc chắn là, người Triều Tiên sẽ nghĩ rằng họ được mời tham gia Thế vận hội không phải vì chương trình hạt nhân của mình, mà chính là vì chương trình đó. Theo nhận định của họ, người Hàn Quốc đã có một sự tôn trọng – hay lo ngại – mới đối với vị thế mới của Triều Tiên. Việc tham gia Thế vận hội cho thấy rằng việc bị quốc tế cô lập là một thực tế cuộc sống tạm thời, một thiệt hại phải chịu trên con đường tiến tới quy chế hạt nhân được công nhận hoàn toàn. Họ có thể nghĩ rằng, sẽ sớm thôi, các nước khác sẽ xếp hàng để đề nghị trao cho Triều Tiên một ghế ngồi tại bàn thương lượng ngoại giao.

Đoàn tiền trạm Triều Tiên thị sát trung tâm thể thao Kwandong ở thành phố Gangneung ngày 25/1. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Đoàn tiền trạm Triều Tiên thị sát trung tâm thể thao Kwandong ở thành phố Gangneung ngày 25/1. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Tuy nhiên, ông Moon Jae-in đã nói rõ rằng chính phủ của ông sẽ không để bị cám dỗ bởi tinh thần Olympic. Nếu các nhà lãnh đạo Triều Tiên trông chờ việc tham gia Thế vận hội sẽ dẫn tới chỗ công nhận quy chế hạt nhân của nước họ thì họ sẽ phải chờ đợi lâu. Mục tiêu của Hàn Quốc là chủ trì một kỳ Thế vận hội thành công, sau một năm bị nhiều quốc gia đặt câu hỏi là liệu có an toàn để cử phái đoàn tới tham dự hay không. Một khi Thế vận hội kết thúc, Triều Tiên sẽ lại đối mặt với một mùa Đông dài tiếp tục bị cô lập.

Điều này có nghĩa là Triều Tiên sẽ sai lầm nếu cho rằng Hàn Quốc sẽ cầu xin miền Bắc mở cửa trở lại Tổ hợp công nghiệp Kaesong, một trong những nỗ lực hợp tác Nam-Bắc tham vọng nhất trong kỷ nguyên hòa hoãn 2003-2009. Cho đến nay, ông Moon Jae-in không thể hiện sự quan tâm nào đến những điều này. Ông hiểu rằng những hành động nhượng bộ đơn phương sẽ không giúp cải thiện tư thế của Hàn Quốc trước các quốc gia khu vực và toàn cầu đang phản ứng với hành vi của Triều Tiên.

Giống như Saudi Arabia và các nước khác trước ông, Moon Jae-in biết rằng con đường đi tới trái tim của Trump là đi qua cái tôi của ông này. Nhưng ông cũng phải tìm cách giải quyết một mặt trận rộng lớn gồm nhiều quốc gia khác đang tham gia các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Về mặt này, thử thách to lớn đầu tiên của ông Moon Jae-in sẽ diễn ra ngay sau Thế vận hội, khi Bộ Tư lệnh Các lực lượng hỗn hợp Hàn-Mỹ sẽ quyết định những kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận trong tương lai.

Thử thách to lớn đầu tiên của ông Moon Jae-in sẽ diễn ra ngay sau Thế vận hội, khi Hàn-Mỹ quyết định những kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận trong tương lai

Dĩ nhiên Triều Tiên sẽ phản đối các cuộc tập trận đó, như nước này vẫn thường làm. Nhưng có thể cả Trung Quốc và Nga cũng lên tiếng phản đối, với việc hai nước sẽ lên tiếng tố cáo Mỹ tìm cách đảo ngược quá trình tan băng Olympic. Như vậy, một liên minh quân sự mà không tiến hành các cuộc tập trận cũng giống như một dàn nhạc mà không có nhạc cụ vậy. Rất có khả năng Moon hiểu rõ điều nay, giống như ông nhận thức được rằng mối quan hệ của nước ông với Mỹ, bất chấp còn nhiều vấn đề gây đau đầu và tính chất phức tạp của nó, là quan trọng hơn rất nhiều so với bất kỳ mối quan hệ nào của nước này với các nước khác trên thế giới.

Cuối cùng, một chính quyền Hàn Quốc tiến bộ như chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in thường thể hiện trước công chúng rằng họ có thể giải quyết và bảo vệ mối quan hệ với nước Mỹ. Cho đến giờ, Tổng thống Moon Jae-in đã thể hiện rõ điều đó./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập