Nhọc nhằn mưu sinh mùa lũ muộn

vnapotalph-1569638511-30.jpg

Lời tòa soạn

Sau thời gian dài chờ đợi, nước lũ đã về, tràn vào các cánh đồng ở nhiều địa phương miền Tây Nam Bộ. Hàng nghìn người dân vùng lũ lại được tất bật mưu sinh cùng con nước.

Thế nhưng, hiện tại thì mực nước lũ về rất nhỏ, kéo theo đó là các sản vật mùa lũ như tôm, cá, hẹ nước, bông điên điển… cũng ít đi khiến việc khai thác của người dân không được thuận lợi.

Bên cạnh đó, dự báo nước lũ về nhỏ, lượng nước ít dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn sớm ở nhiều địa phương cùng những diễn biến bất thường của thời tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân ở vùng sông nước này.

Để góp một cái nhìn toàn cảnh về mùa lũ năm 2019 ở Đồng bằng sông Cửu Long, Báo Điện tử VietnamPlus xin mời quý độc giả xem loạt bài viết của các phóng viên cơ quan thường trú TTXVN tại khu vực này./.

Khó khăn khi con nước về ít

Từ đầu tháng 9, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về chảy vào các kênh rạch, tràn vào những cánh đồng. Mặc dù vẫn còn ở mức thấp so với nhiều năm trước, những khi con nước tràn về mang theo phù sa và tôm cá cùng các loài sản vật thiên nhiên cũng là lúc người dân tất bật mưu sinh với hy vọng có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống.

Tất bật mưu sinh

Sau thời gian dài chờ đợi, con nước đỏ màu phù sa đã chạy vào các dòng kênh, tràn vào các cánh đồng. Đến các xã vùng thượng nguồn sông Cửu Long ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, dễ dàng nhìn thấy hình ảnh con nước nhảy bờ tràn vào các cánh đồng đã thu hoạch. Cùng với đó là cảnh người dân tất bật mưu sinh, khai thác các nguồn lợi thiên nhiên trong mùa lũ.

“Cứ nghĩ năm nay lũ không về, người dân sống bằng nghề giăng lưới, thả câu mất kế sinh nhai. Nhưng may thay, lũ cũng về, dù tôm cá thu hoạch chẳng được bao nhiêu.”

Mới hơn 4 giờ sáng, trong cái lạnh hanh hao của buổi sớm mai nơi đầu nguồn biên giới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Vĩnh, ở xã Phú Hữu (An Phú, An Giang) đã giong thuyền ra cánh đồng trước nhà thả câu, giăng lưới. Với hơn 900m lưới, mỗi ngày cũng giúp gia đình anh Vĩnh kiếm thêm thu nhập từ 200.000đ-300.000đ/ngày.

“Cứ nghĩ năm nay lũ không về, người dân sống bằng nghề giăng lưới, thả câu mất kế sinh nhai. Nhưng may thay, lũ cũng về, dù tôm cá thu hoạch chẳng được bao nhiêu nhưng cũng đỡ hơn là không có việc làm. Hy vọng một vài ngày nữa nước sẽ lớn hơn, cá tôm sẽ về nhiều hơn.” – anh Vĩnh chia sẻ.

Còn đối với vợ chồng anh Đặng Văn Đức, xã Thường Thới Hậu A (Hồng Ngự, Đồng Tháp), nghề đặt dớn bắt cá mang lại cho họ nguồn thu nhập kha khá trong mùa nước nổi. Vui mừng đón những mẻ cá đầu tiên, anh Đức cho biết sống trong vùng rốn lũ, mỗi năm khi con nước về, người dân ở đây tận dùng các ngư cụ như lưới, dớn, lợp, lờ, .. khai thác sản vật từ lũ.

Người dân xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, Long An thu hoạch cá trên sông. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Người dân xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, Long An thu hoạch cá trên sông. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Công việc tuy vất vả, thường bắt đầu từ đêm khuya cho đến rạng sáng nhưng đổi lại có thêm ít thu nhập giữa những tháng nông nhàn. Mỗi đêm đánh cá, người dân có thể kiếm khoảng chục kg cá đặc sản như cá linh, cá heo hay vài chục ký cá mồi (loài cá tạp dùng làm thức ăn chăn nuôi), bán ra cũng được vài trăm ngàn.

“Dù nước nhỏ hơn những năm trước, cá cũng ít đi nhưng có còn hơn không. Đặt lợp mỗi đêm cũng kiếm thêm ít thu nhập trang trải cuộc sống.”

Dạt qua các cánh đồng rộng lớn ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, không khí mưu sinh cùng con nước diễn ra khá rộn rã. Người đặt dớn, đặt lợp, người giăng lưới thả câu, ai ai cũng tranh thủ con nước để kiếm thêm thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống. Cảm tưởng như họ đang khá vội vã trong nỗi lo con nước về nhỏ, sẽ nhanh rút đi và nguồn lợi thủy sản cũng rút theo.

Anh Lâm Văn Đẳng (ngụ xã Vĩnh Đại, Tân Hưng, Long An), cho biết: “Đợi mãi thì nước cũng về, mấy trăm chiếc lợp xếp đống ở góc nhà nay cũng có chỗ đặt. Dù nước nhỏ hơn những năm trước, cá cũng ít đi nhưng có còn hơn không. Đặt lợp mỗi đêm cũng kiếm thêm ít thu nhập trang trải cuộc sống.”

Cá tôm ít dần

Dù con nước về đã phần nào đáp ứng sự mong đợi của hàng ngàn người dân bao năm mưu sinh trong mùa lũ, nhưng nước về nhỏ, tài nguyên theo đó cũng ít dần đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.

Theo kinh nghiệm của người dân vùng lũ, cứ vào độ tháng 4 (âm lịch) là bà con đã lo chuẩn bị ngư cụ, phương tiện khai thác thủy sản để chờ nước lũ về. Nhưng năm nay lũ về muộn, những ngư cụ như lợp, dớn, lưới… chuẩn bị xong lại được đem xếp vào góc nhà chờ đợi con nước. Mãi đến đầu tháng 8, nước lũ mới đổ về, các loại ngư cụ được ra “nằm đồng” những cá tôm thu về chẳng được bao nhiêu do lũ nhỏ.

Cá linh noi - đặc sản mùa nước nổi. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Cá linh noi – đặc sản mùa nước nổi. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Anh Nguyễn Văn Vĩnh (An Phú, An Giang) cho biết, với tình hình nước về muộn và thấp như hiện nay thì lượng cá tôm sẽ ít hơn so với các năm trước, nhất là cá linh một sản phẩm đặc trưng của mùa nước nổi. “Năm vừa rồi, vào tháng này nước sâu ngập đầu người luôn, tôm, cá rất nhiều; năm nay nước ít, sâu nhất chừng 7-8 tấc nước (70-80cm), nên tôm, cá cũng ít theo” – anh Vĩnh nói.

Gắn bó với nghề đặt lợp cua đồng hơn chục năm nay, chưa bao giờ anh giờ anh Lê Văn Lành, ở xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) thấy một mùa lũ “dị thường” như hiện nay.

“Chờ nước lũ về từ mấy tháng nhưng nay lũ về muộn hơn mọi năm và hiện nước đang thấp nên đặt cua cũng không được bao nhiêu; tôm, cua càng ngày càng ít, chắc phải chuyển đổi nghề khác mới sống nổi” – anh Lành than thở.

Người đánh bắt thất thu kéo théo người làm nghề sản xuất như cụ cũng bị ảnh hưởng. Tại xóm chuyên sản xuất lợp cá linh ở Cồn Cóc (xã Phước Hưng, An Phú, An Giang) không khí khá đìu hiu. Những năm trước đây, cứ mùa lũ về là cả Cồn Cóc nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà làm lợp, người người làm lợp. Cái nghề này đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp họ có thêm thu nhập. Năm nay, lũ về muộn, người đặt mua lợp không nhiều nên cả Cồn Cóc chỉ còn lại vài nhà làm.

“Chờ nước lũ về từ mấy tháng nhưng nay lũ về muộn hơn mọi năm và hiện nước đang thấp nên đặt cua cũng không được bao nhiêu; tôm, cua càng ngày càng ít, chắc phải chuyển đổi nghề khác mới sống nổi”

Ông Nguyễn Minh Hương, một hộ làm lợp cá linh lâu năm ở Cồn Cóc cho biết, khoảng chục năm trước thấy mà ham, mỗi năm làm mấy chục ngàn cái lợp, giao khắp các tỉnh, thành phố, có lúc bán sang tận Campuchia, lúc đó, cả xóm làm nhộn nhịp ngày đêm mới kịp giao hàng. Mấy năm nay lũ nhỏ và cá cũng ít dần nên người ta cũng bỏ nghề đặt lợp cá linh, ít người đặ mua lợp nên trong xóm chỉ còn vài nhà duy trì nghề.

Cũng như An Giang, nhiều người dân vốn quen nghề mưu sinh mùa lũ ở Long An cũng phải chịu cảnh khó khăn khi con nước ngày về càng ít, nguồn lợi thủy sản cũng vơi dần. Nhiều người phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống vốn đã khá eo hẹp. Người ở lại vẫn bám lấy con nước nhưng thu nhập ngày càng thấp dần do tài nguyên đang ít đi.

Anh Trần Văn Nghĩa (xã Vĩnh Đại, Tân Hưng, Long An) cho biết: “Những năm lũ về lớn, ba cha con tui đặt cả ngàn cái lợp thì mỗi ngày thu về cả triệu đồng. Mỗi mùa nước kiếm thêm vài chục triệu, cuộc sống cải thiện được phần nào. Nhưng năm nay lũ về muộn, đợi mãi không được nên hai thằng con trai phải đi nơi khác kiếm việc làm.”

Không dữ dội như ở miền Trung, miền Bắc, lũ ở miền Tây hiền hòa mang theo phù sa bồi tụ cho ruộng đồng và tôm cá cho người dân. Khi lũ về lớn, con nước dâng cao thì cá tôm, sản vật cũng nhiều. Trái lại, khi lũ nhỏ, nguồn lợi thủy sản vơi dần ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn người dân vùng sông nước. Năm nay, dự báo lũ sẽ về rất nhỏ, cùng với đó là nỗi lo âu của những người bao năm sống chung với lũ.

Sau một buổi băng đồng, vợ chồng anh Nguyễn Minh Ngà (Cồn Cóc, xã Phước Hưng, huyện đầu nguồn An Phú) cũng chỉ bắt được không đầy 0,5kg cá linh non, không bằng 1/10 so với mùa lũ năm trước. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Sau một buổi băng đồng, vợ chồng anh Nguyễn Minh Ngà (Cồn Cóc, xã Phước Hưng, huyện đầu nguồn An Phú) cũng chỉ bắt được không đầy 0,5kg cá linh non, không bằng 1/10 so với mùa lũ năm trước. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Mở đồng đón phù sa

Dù nước lũ tràn về muộn và thấp hơn so với các năm trước, nhưng các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng khai thác được phần nào để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại, nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An… đang triển khai kế hoạch ứng phó với lũ, bảo đảm sản xuất, đồng thời tiến hành xả đồng đón lũ nhằm bồi tụ thêm phù sa, cải tạo đất và vệ sinh đồng ruộng.

Không chủ quan với diễn biến bất thường

Tại tỉnh Đồng Tháp, phần lớn các diện tích lúa cơ bản đã thu hoạch xong, lũ về muộn nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên địa bàn có nhiều diện tích bãi bồi, vùng không có đê bao đang được người dân tận dụng để canh tác hoa màu. Các diện tích này có nguy cơ bị đe dọa bởi nước lũ.

Nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An… đang triển khai kế hoạch ứng phó với lũ, bảo đảm sản xuất, đồng thời tiến hành xả đồng đón lũ nhằm bồi tụ thêm phù sa, cải tạo đất và vệ sinh đồng ruộng.

Trên địa bàn huyện Hồng Ngự , tỉnh Đồng Tháp, có khoảng 280 ha đất bãi bồi nằm ven sông Tiền, tập trung ở thị trấn Thường Thới Tiền, Thường Phước 2, Long Khánh A, Long Khánh B, Phú Thuận B. Đây là khu vực không được khuyến khích sản xuất trong mùa lũ, do thường xuyên bị ngập khi triều cường bắt đầu dâng. Tuy vậy, nhiều người dân vẫn đang tận dụng để trồng các loại hoa màu. Nước dâng lên, đã khiến cho các diện tích này bị thiệt hại.

Ông Phạm Văn Đảo, ngụ ở thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho hay, những tưởng năm nay không nước, nên bà con có đất ven sông tranh thủ trồng các loại hoa màu ngắn ngày như đu đủ, ớt,… Tuy nhiên, khi cây bắt đầu ra trái, nước tràn về, các hộ dân cũng tranh thủ thu hoạch chạy lũ để kịp vớt vát được số vốn đã bỏ ra. Riêng ông Đảo, 1ha trồng đu đủ bị ngập nước xem như mất trắng vì trái quá non, thương lái không mua.

Thu hoạch xoài cát chu rải vụ ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)
Thu hoạch xoài cát chu rải vụ ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Trước tình hình này, ngành chức năng khuyến cáo người dân không chủ quan với diễn biến của lũ, tranh thủ thu hoạch các diện tích bị mực nước đe dọa, đối với các diện tích còn lại cần ngưng ngay việc gieo trồng để giảm thiểu thiệt hại.

Tại tỉnh Long An, ngành nông nghiệp giảm kế hoạch sản xuất lúa vụ Thu Đông xuống chỉ còn 38.000ha. Việc sản xuất, chỉ thực hiện tại những khu vực có đê bao kiên cố nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lũ gây ra.

Hiện tại, phần diện tích lúa Thu Đông đang vào thời kỳ trổ chín, một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch. Do đó, để bảo vệ và thu hoạch tốt các diện tích lúa Thu Đông 2019, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên; có kế hoạch kiểm tra, giám sát, gia cố đê bao, theo dõi tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất; kịp thời khắc phục ngập úng cục bộ và chủ động chuẩn bị phương tiện, máy móc để thu hoạch lúa kịp thời.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân không chủ quan với diễn biến của lũ, tranh thủ thu hoạch các diện tích bị mực nước đe dọa

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, Nguyễn Thanh Truyền, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân gieo sạ lúa vụ Thu Đông ở các khu vực có đê bao vững chắc an toàn, tránh bị ảnh hưởng của lũ. Những diện tích còn lại thì tận dụng nước về nhiều để khuyến khích nông dân xả lũ, lấy phù sa bồi đắp đồng ruộng, diệt mầm bệnh, cải tạo đất.

Các địa phương cần chủ động xây dựng phương án đón lũ, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, cống dưới đê, đặc biệt là các tuyến đê bao vùng thượng nguồn; chủ động tiêu úng bảo đảm an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ, nhất là trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ tốt những diện tích lúa Thu Đông đang trong giai đoạn thu hoạch.

Phát huy tối đa lợi thế từ lũ

Dù lũ về muộn, những nhiều địa phương ở vùng Tây Nam bộ đang tranh thủ để mở đồng xả lũ nhằm thau chua rửa phèn, giúp cho đất có thời gian nghỉ ngơi và bồi tụ thêm phù sa. Nhiều người dân ở vùng lũ cũng chủ động ngưng sản xuất nhằm tránh thiệt hại và tạo điều kiện cho đất đai được nghỉ ngơi.

Anh Phan Thanh Điền, ngụ xã Tân Thành, Tân Thạnh ( Long An), cho biết: “Rút kinh nghiệm từ các vụ lúa trước, vụ này, nông dân chủ động thực hiện các biện pháp tiêu thoát nước cho ruộng lúa trong giai đoạn lúa chín chuẩn bị thu hoạch, hạn chế tình trạng nền đất ruộng bị lún và sình lầy, tạo thuận lợi đưa máy gặt đập liên hợp và máy kéo lúa vào thu hoạch lúa. Năm nay, nước lũ về khá muộn. Do đó, ngay sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, tôi không gieo sạ vụ 3 mà dọn cỏ, xử lý rơm rạ và xới đất rồi mở bờ bao cho nước lũ vào ruộng để bồi đắp phù sa cho đất, giúp vụ sản xuất lúa tới đây trúng mùa.”

Thu hoạch lúa Hè Thu ở Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Thu hoạch lúa Hè Thu ở Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ông Trần Văn Ba, ngụ xã Phú Thành, huyện Phú Tân (An Giang), chia sẻ: “Tôi rất đồng tình với chủ trương xả lũ và thực hiện kế hoạch sản xuất “2 năm, 5 vụ” của huyện. Bởi vì thời gian qua, sản xuất kéo dài khiến đất đai cằn cỗi, bạc màu, nông dân buộc lòng bón phân, thuốc hóa học nhiều để “ép” cây lúa đạt năng suất. Việc làm này kéo dài, làm ảnh hưởng đến vấn đề môi trường rất lớn, liên đới tác hại cả sức khỏe con người. Năm nay, tuy nước lũ về muộn nhưng bà con vẫn thống nhất xã lũ để tẩy rửa đồng ruộng, cải tạo môi trường đất, hạn chế sâu bệnh, bồi tụ thêm phù sa,… cho những vụ sản xuất kế tiếp đạt năng suất cao hơn.”

Việc mở đồng đón nước lũ sẽ được thực hiện đến khoảng giữa tháng 10/2019, sau đó sẽ tiến hành sản xuất vụ Đông Xuân.

Hiện tại, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh vùng lũ đã mở cửa đón nước lũ. Toàn tỉnh Long An đã có 168.000ha đất lúa được xả lũ; tỉnh Đồng Tháp có hơn 90.000 ha… Việc mở đồng đón nước lũ sẽ được thực hiện đến khoảng giữa tháng 10/2019, sau đó sẽ tiến hành sản xuất vụ Đông Xuân.

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực, các địa phương tổ chức thực hiện việc xả lũ đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, hoa màu của người dân; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với lũ cao, mưa lớn bảo vệ sản xuất như: kiểm tra, tu sửa các điểm đê xung yếu, các công trình cống, bọng, trạm bơm điện bị hư hỏng, rò rỉ, tu sửa máy bơm sẵn sàng tiêu úng và xây dựng phương án chủ động đối phó với tình huống thời tiết bất thường xảy ra.

Người dân huyện Hồng Ngự mở cống xả lũ đón phù sa cho 90 nghìn ha đất lúa. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
Người dân huyện Hồng Ngự mở cống xả lũ đón phù sa cho 90 nghìn ha đất lúa. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lấy ý kiến người dân về kế hoạch xả lũ, công khai thời gian xả lũ từng ô bao, tuyên truyền rộng rãi về thời gian và mực nước xả lũ để tránh xung đột về lợi ích tại những ô đê bao có sự hiện diện cùng lúc của lúa, hoa màu, cây ăn trái…

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc xả lũ lấy phù sa được đa số người dân thống nhất cao. Thời gian xả lũ tương đối dài, các diện tích ngập sâu giúp cung cấp phù sa, cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt, giảm chi phí cải tạo đất.

Trong điều kiện đê bao chắc chắn, các địa phương vẫn có thể tiến hành xả lũ có kiểm soát nhằm lấy phù sa, tiêu diệt mầm bệnh, hạt cỏ dại lưu tồn trong đất. Tuy nhiên cần kiểm tra, rà soát các ô bao có kế hoạch xả lũ, xác định thời điểm xả lũ trên địa bàn, chủ động triển khai các giải pháp để tiến hành xả lũ đảm bảo an toàn sản xuất../.

Phòng, chống xâm nhập mặn

Sau thời gian dài chờ đợi, nước lũ đổ về mang theo phù sa và tôm cá đã phần nào khiến người dân miền Tây Nam Bộ vui mừng. Tuy nhiên, một dự báo đầy khó khăn được cơ quan chức năng đưa ra là lũ về rất nhỏ, nguy cơ xâm nhập mặn sớm đe dọa sản xuất của vựa lúa lớn nhất cả nước, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân.

Nếu như những năm trước đây, thời điểm này đã vào giữa mùa lũ, nhưng hiện tại nước lũ chỉ mới đổ về và mực nước đang ở rất thấp. Trên các cánh đồng vùng lũ ở Đồng Tháp, Long An… dù nước đã tràn vào nhưng bằng mắt thường vẫn có thể quan sát thấy những bờ ruộng cỏ mọc. Những ngày tới, chưa có tín hiệu cho thấy mực nước sẽ tăng lên.

Việc nước đổ về thấp không chỉ kéo theo nguồn lợi thủy sản ít đi mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với việc sản xuất, sinh kế của người dân.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về môi trường Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa ở thượng nguồn thấp khiến sông Mekong có mực nước thấp, kéo theo đó là lượng nước đổ về sông Cửu Long ít, lũ về nhỏ.

Việc nước đổ về thấp không chỉ kéo theo nguồn lợi thủy sản ít đi mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với việc sản xuất, sinh kế của người dân.

Điều đáng lo ngại là nếu lượng mưa ít và lũ về nhỏ thì nguy cơ xâm nhập mặn sẽ gia tăng, ảnh hưởng sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đồng thời, lượng phù sa đổ về cũng ít đi, không đủ bồi tụ cho ruộng đồng.

Cùng quan điểm đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, năm 2019, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ rất nhỏ. Cơ quan này nhận định nguồn nước mùa khô 2019-2020 sẽ ít thuận lợi, nguy cơ xâm nhập mặt sớm và hạn hán thiếu nước có thể xả ra. Mặn sẽ xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1-2 tháng. Đến khoảng tháng 12/2019, mặn có khả năng ảnh hưởng các cống lấy nước phạm vi cách biển đến 30-35km. Sang tháng 1 và 2/2020, ranh mặn 4g/l có khả năng lấn sâu vào nội địa từ 45-55 km tùy từng vị trí cửa sông.

Cống ngăn mặn ven biển huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang giúp nhà nông có nước ngọt sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Cống ngăn mặn ven biển huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang giúp nhà nông có nước ngọt sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Với nhận định nguồn nước thấp và xâm nhập mặn đến sớm, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo có khoảng gần 129.000 ha lúa vụ Đông Xuân ở các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh… có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Cơ quan này khuyến cáo các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn do các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp.

Các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động hơn việc sử dụng nguồn nước không nên để quá phụ thuộc nguồn nước từ thượng nguồn.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020; trong đó, xác định khả năng bị ảnh hưởng từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Các địa phương bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2019-2020 trong tháng 10/2019 ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến, tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt….

Triển khai nạo vét kênh mương nội đồng bằng nguồn vốn thủy lợi phí tại xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Triển khai nạo vét kênh mương nội đồng bằng nguồn vốn thủy lợi phí tại xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án đối phó với các diễn biến xấu của thời tiết, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập mặn sớm. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020; tiến hành xác định khả năng bị ảnh hưởng từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể, cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Về biện pháp lâu dài ứng phó với tình hình mực nước sông Mekong nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung, thạc sỹ Kỷ Quang Vinh, chuyên gia nghiên cứu môi trường Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động hơn việc sử dụng nguồn nước không nên để quá phụ thuộc nguồn nước từ thượng nguồn. Điều này cần có một hệ thống công trình và phi công trình đề chống lũ, chống hạn hán và xâm nhập mặn; đồng thời, bảo đảm nguồn nước sạch cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cơ bản của người dân chứ không phải chỉ là những khuyến cáo nên trồng gì, nuôi gì như chính sách hiện nay./.