Một đời làm Thơ và… Chia

bia-1546916494-3.jpg

“Đôi mắt Đò ngang” đã vĩnh viễn khép lại, “Đồng dao cho người lớn” sẽ không bao giờ còn được chính cái giọng hơi khê khê đậm âm sắc Nghệ ấy cất lên. Dòng Sông quê đã đón ông về, mãi mãi.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã ra đi chiều muộn ngày 7/1/2019, sau 1 năm dài chống chọi với cơn tai biến cùng căn bệnh ung thư. Một kết cục đã biết, nhưng vẫn làm tất cả độc giả, khán thính giả, bạn văn, người hâm mộ ông đau đớn bàng hoàng.

“Chia cho em một đời thơ”

Chắc chắn, dù công chúng biết đến ông nhiều hơn với tư cách một nhạc sỹ của những ca khúc vấn vương các làn điệu dân ca từ quan họ Bắc Ninh, chèo, tới dân ca Nghệ An quê ông, Nguyễn Trọng Tạo vẫn trước hết và vĩnh viễn là một Nhà Thơ, một nhà thơ từ trong máu thịt, trong cốt cách. Và giờ đây khi ông đã ra đi, có thể nói mà không hề sợ thậm xưng:

Thơ của ông là thơ của một người lính xuất thân từ làng quê, nó mộc mạc, khỏe khoắn và say đắm. Nhưng càng về sau, thơ ông càng vượt lên trên những từ đẹp vần đắt, vượt lên những day dứt yêu đương thuờng nhật, nó là thứ tình yêu. Hướng đến sự tinh khiết và vĩnh hằng. Đọc thơ ông, lúc nào cũng thấy có tình yêu, nhưng không chỉ là như vậy. Như là định mệnh đời ông, mà ông đã tự bạch từ 30 năm trước…

Chia cho em một đời tôimột cay đắng,Một niềm vuiMôt buồn…Chia cho em một đời saymột cây siVớiMột cây bồ đềTôi còn đâu nữa đam mêTrời chang chang nắng tôi về héo khôChia cho em một đờiThơMột lênh đênhMột dại khờMột tôiChỉ còn có mọc bên trờiMột bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm

(Chia. 1989)

Thơ ông đau đời, một chuyện thời sự thật nhỏ cũng làm ông đau, nhưng ông không làm “thơ nhật trình” như nhiều bạn thơ. Bất cứ một một nỗi đau thế sự nào vào thơ ông cũng được chưng cất qua trái tim để thành những vần thơ mà ai cũng có lần phát hiện mình đang lẩm nhẩm một mình:

Bất cứ một một nỗi đau thế sự nào vào thơ ông cũng được chưng cất qua trái tim để thành những vần thơ. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Bất cứ một một nỗi đau thế sự nào vào thơ ông cũng được chưng cất qua trái tim để thành những vần thơ. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

“Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôicó con người sống mà như qua đờiCó câu trả lời biến thành dấu hỏicó kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cướicó cha có mẹ có trẻ mồ côicó ông trăng tròn nào phải mâm xôicó cả đất trời mà không nhà ởcó vui nho nhỏ có buồn mênh môngmà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏMà đời vẫn say mà hồn vẫn gióCó thương có nhớ có khóc có cườicó cái chớp mắt đã ngàn năm trôi”

(Đồng dao cho người lớn.1992)

Cũng có những khi, vì quá đau đớn, xót thương đồng bào mình, nỗi đau của một “người mang gene Tố Như” mà ông hét lên trực diện.

“Có thể thay quan, không thay được nhân dânThay tên nước, không thay được Tổ quốcnhững sự thật khó tin mà có thậtKhông thể thay quan, dù quan đã thành sâu!quan thành dòi đục khoét cả đất đaiVòi bạch tuộc ăn dần biển đảođêm nằm mơ thấy bển Đông hộc máunhững oan hồn xô dạt tận Thủ đô…Ôi những ông quan không dân trên chót vót đỉnh trờicó nhận ra tôi đang kêu gào dưới đáycó một tỷ tôi sao ông không nhìn thấy?Vì tôi vẫn là người mà ông đã là sâu?…”

(Nhân dân)

Nhưng rồi bền bỉ hơn lặng lẽ lại quay về thương mến, hàm ơn, thương xót.Thương người, thương bạn, thương thân, thương đời…“Đêm cộng lại nợ nầnthấy mình hóa kiếncái chốn nương thân bạn bè thương mếncao tít sáu tầng trờiở đây tôi nghe tiếng cười mặt đất

tiếng kẻng leng keng đúng giờ gọi: Rác!

tiếng rao bán chiếu gon tiếng khóc trẻ lạc đườngcầu thang bước chân ngườikhe khẽ trở về trờiđêm hôm khuya khoắtquán mặt tiền thương tôi khi có kháchcho sẵn số “phôn”anh bạn làm quan xa lâu nămgọi điện thoại cầm tay từ ngã tư tìm ngõem tiếp thị thả xà bông qua cửacon tôi đi học về xe đạp sáu tầng thangôi ngày tháng gian nantôi như kiến gặp mưa bò nhanh về tổở trên cao biết mình là con nợkhi nước dưới đất nâu thương nhớ chảy lên trời!”

(Nương thân-1999)

Giới văn nghệ có câu cửa miệng “văn nghệ không có Tạo-Kha thì buồn.” Nguyễn Trọng Tạo cùng người bạn chí cốt của mình là Nguyễn Thụy Kha đã từ hơn 30 năm nay tự nhận lấy vai trò “bày những cuộc vui” cho đời nghệ sỹ vốn không mấy vui ở một xứ mà đồng nhuận bút luôn là nỗi ám ảnh bữa cơm của các gia đình văn nhân nghèo như nước mình.

Ông Tạo cùng với những người bạn của mình như ông Ngô Thảo, ông Thụy Kha luôn nghĩ ra đủ các sân chơi lớn bé cho các nhà văn nhà thơ nhạc sỹ họa sỹ. Nhưng cuộc gặp gỡ nho nhỏ, những chuyến đi, những diễn đàn trực diện hay trên báo, trên tạp chí…

Cả đời chỉ có “chức vụ” cao nhất là Trưởng ban thơ của báo văn nghệ, nhưng ông đã tìm kiếm để đăng bao nhiêu ngàn bài thơ của các cây bút trẻ mà ông hy vọng đãi cát tìm vàng được một tài năng trẻ, ông không nề hà vẽ minh họa tạp chí Âm nhạc, cũng bất chấp lời ngăn cản hay thị phi mà xông vào vẽ “cờ thơ,” vẽ “biểu tượng ngày thơ Việt Nam.” Tất cả những việc ông làm ngoài thơ nó đều nghiệp dư thậm chí vụng về. Nhưng sau hết, những người tiếp xúc với ông, đọc thơ ông, hưởng thụ cái sự tổ chức rất nghiệp dư nhận ra cái tình nghệ sỹ mênh mông, sâu thăm thẳm của người đàn ông sinh ra để làm thơ này dành cho mình- điều mà rất nhiều bộ máy công kềnh tiêu tốn ngân sách và tiền thuế lẽ ra phải làm nhưng chẳng bao giờ làm được.

Nếu ai đó còn chút xíu hoài nghi về cái “tình người thơ” của ông Tạo, chắc là vì chưa nghe ông đọc thơ ...người khác. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Nếu ai đó còn chút xíu hoài nghi về cái “tình người thơ” của ông Tạo, chắc là vì chưa nghe ông đọc thơ …người khác. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nếu ai đó còn chút xíu hoài nghi về cái “tình người thơ” của ông Tạo, chắc là vì chưa nghe ông đọc thơ… người khác. Trong mọi cuộc gặp bạn bè, thế nào ông cũng tìm được cơ hội để bắt mọi người nghe một bài thơ ông mới đọc của một nhà thơ trẻ nào đó: Lê Trúc Anh, Văn Cầm Hảo, Đoàn Ngọc Thu, Đặng Thanh Hương, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh… ngày xưa hay bao nhiêu tên tuổi mới bây giờ, ông đều “quảng bá” ở bất cứ chỗ nào có người chịu nghe thơ.

Cũng như thế, ông thuộc thơ bạn, thơ ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông Kha, ông Thanh Thảo, ông Ngô Minh … ông thuộc nằm lòng. Bạn cao hứng đọc thơ mà quên mất thì ông lên tiếng đọc giùm rất hồn nhiên. Lại còn bình luận, nhấn nhá. Ở cái môi trường mà người ta vẫn bảo “không ai chịu đọc của ai, ai cũng thấy mình là nhất” thì cái sự thuộc thơ, thẩm thơ và bình thơ người khác hồn nhiên nồng nhiêt như ông Tạo quả thực có một ý nghĩa lớn hơn nhiều cái sự “đọc và thuộc.”

Sự “quên mình” của Nguyễn Trọng tạo còn có một dấu ấn đặc biệt trong ca ca khúc của ông.

Là người làm thơ hay đến thế, khi viết bài hát, ông hầu như toàn phổ thơ… người khác. Làng quan họ quê tôi – bài hát bất hủ làm nên tên tuổi Nguyễn Trọng Tạo từ thuở 20 ông phổ thơ Nguyễn Phan Hách. Còn “Khúc hát sông quê,” “Nghệ Tĩnh ca” mới của người Nghệ xa xứ toàn thế giới được ông phổ thơ Lê Huy Mậu. Hỏi ông sao thế? Ông cười hiền thật hiền “vì thơ của người ta hay!”

Ông Tạo mất rồi, bao nhiêu người sực nhớ ra những câu thơ hay nhất mình từng đọc lúc buồn nhất là của ông, bao nhiêu người xa xứ bất chợt bâng quơ lẩm nhẩm một câu hát ‘quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê…”.

Còn tôi, tôi nhớ một chiều rất lâu rồi trên sông Hương, có một người đàn ông xứ Nghệ mặc một chiếc áo lính đã rất bạc, ngồi đọc cho một lũ đầu xanh tuổi trẻ nghe thơ Hoàng Cầm: “ Ông Cầm lớn lắm, Việt Nam lắm, tình lắm. Đọc ông Cầm lúc nào tôi cũng thấy tôi trong ấy “ta-con chào mào khát nước-về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm” có lẽ tôi cũng về vườn xưa lúc quá muộn mất rồi’.

Vĩnh biệt Nguyễn Trọng Tạo, vĩnh biệt Người cả đời làm Thơ để… Chia!

Nguyễn Trọng Tạo (sinh 1947) là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách Việt Nam; nguyên Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) từ 2003-2004. Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), những bài hát Làng Quan Họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, tác giả Biểu tượng Ngày thơ Việt Nam, cờ thơ.

Nguyễn Trọng Tạo sáng tác bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi, xuất bản tập thơ đầu tiên (Tình yêu sáng sớm, in chung cùng Nguyễn Quốc Anh) năm 1974. Cho đến năm 2008, ông đã xuất bản gần 20 đầu sách gồm thơ, văn, nhạc, phê bình tiểu luận và đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật.

Bài: Thu Hà

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà