Chuyện những người ‘gác cửa’

vnapotaltp-1584949511-31.jpg

Sân bay Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh – một trong những cửa ngõ lớn nhất Việt Nam, nơi mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách quốc tế đến Việt Nam những ngày qua, luôn trong tình trạng quá tải.

Ở đó, có những con người vẫn ngày đêm giữ chắc phòng tuyến chống dịch – những nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế. Hơn 2 tháng qua, không một phút nghỉ ngơi, không có thời gian cho riêng mình, họ căng mình “gác cửa,” trở thành chốt chặn tin cậy phát hiện dịch COVID-19 xâm nhập, hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Những “lá chắn” ở tuyến đầu

Hai giờ ngày 16/3, sân bay Tân Sơn Nhất, một chuyến bay từ Anh vừa hạ cánh, anh Nguyễn Tạ Minh Quang, nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cùng với một số đồng nghiệp khác được phân công đứng giữa khu vực hải quan và khai báo y tế để hướng dẫn hành khách đến khu vực khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt, giải đáp thắc mắc cho hành khách vừa từ máy bay xuống.

Hơn 2 tháng qua, không một phút nghỉ ngơi, không có thời gian cho riêng mình, họ căng mình “gác cửa,” trở thành chốt chặn tin cậy phát hiện dịch COVID-19 xâm nhập, hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Những người khác phụ trách công tác khai báo tờ khai sức khỏe cho hành khách. Nhiệm vụ của nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế là kiểm soát hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Tất cả hành khách xuống máy bay được kiểm dịch COVID-19 và tầm soát các bệnh khác như Ebola, Mers-CoV, Lassa… Chỉ đến khi hành khách đảm bảo các yếu tố an toàn mới được nhân viên y tế kiểm dịch hướng dẫn đến khu vực công an cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh.

Trong đêm 16/3, một số hành khách có thân nhiệt cao hơn bình thường, ngay lập tức được đưa vào khu vực sàng lọc để đội ngũ y bác sỹ kiểm tra, thăm khám. Tại khu vực kiểm dịch, nhiều nhân viên trong ca trực mặc đồ chuyên dụng kín từ đầu đến chân, đeo kính bảo hộ, liên tục kiểm tra, đo nhiệt độ và hướng dẫn khách làm tờ khai y tế. Dù gần về sáng, nhiệt độ đã giảm thấp nhưng bên trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi các nhân viên này vẫn tuôn từng đợt. Cứ như thế, giải quyết xong hành khách của chuyến bay này thì một chuyến bay khác lại hạ cánh, một quy trình khác được lặp lại, nhân viên kiểm dịch không lúc nào được ngơi tay.

Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế kiểm tra sức  khỏe của hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí  Minh. (Nguồn: TTXVN phát)
Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế kiểm tra sức khỏe của hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN phát)

Bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, từ khi dịch COVID-19 bùng phát cũng là thời điểm mở ra chuỗi ngày căng thẳng chưa từng có của 80 nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, từ ngày 23/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và bắt đầu ghi nhận người nhiễm bệnh nhập cảnh vào Việt Nam, toàn bộ 80 nhân viên của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế được huy động.

Không nghỉ Tết, không về quê thăm gia đình, một “lệnh giới nghiêm” được đưa ra cùng dồn toàn lực chống dịch. Mỗi ngày, các nhân viên kiểm dịch y tế trực 24 giờ ở sân bay, mỗi ca trực có 20 nhân sự nhằm đảm bảo tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đều được giám sát y tế.

Tình hình dịch bệnh diễn biến càng ngày càng phức tạp, hành khách nhập cảnh mỗi ngày một đông hơn, có lúc nhân viên kiểm dịch y tế rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí có lúc dù đã hết ca làm việc nhưng vẫn phải nán lại để cùng đồng đội giải quyết các sự cố, tình huống khẩn cấp.

Mỗi ngày, các nhân viên kiểm dịch y tế trực 24 giờ ở sân bay, mỗi ca trực có 20 nhân sự nhằm đảm bảo tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đều được giám sát y tế.

Đặc biệt từ ngày 6/3, khi Chính phủ bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế đối với tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, công việc của nhân viên kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất càng trở nên căng thẳng.

Bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm cho hay: “Bình thường chúng tôi phải thực hiện việc giám sát y tế khoảng 3.500-4.500 người nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng lên thì con số tăng lên đến 7.000 lượt người, có những thời điểm lên đến 11.000 người. Chúng tôi phải ‘cầu cứu’ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh xin chi viện thêm nhân sự nhằm đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho nhân viên kiểm dịch.”

Nỗi niềm “người gác cổng”

Ngày 25/2, một tài khoản có tên Harry Nguyen livestream “khoe” cách trốn bị cách ly khi từ Hàn Quốc về sân bay Tân Sơn Nhất. Dù trước đó cô gái này có sống tại thành phố Daegu (tâm dịch COVID-19 tại Hàn Quốc) nhưng đã đi qua thành phố Busan để đáp máy bay về Thành phố Hồ Chí Minh nhằm qua mặt bộ phận kiểm dịch ở sân bay.

Ngay lập tức, dư luận lên án hành động thiếu ý thức này nhưng cũng đồng thời bắt đầu có sự nghi ngờ về hệ thống kiểm soát phòng dịch tại sân bay – nơi mà Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đang “đứng mũi chịu sào.”

“Sau khi điều tra, chúng tôi biết được do cô gái này có 2 quốc tịch Hàn Quốc và Việt Nam, khi đến cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, cô gái chỉ trình hộ chiếu Việt Nam nên cơ quan chức năng nắm sót thông tin cô gái từng đến Deagu, vì vậy trường hợp này không thuộc diện cách ly tập trung,” bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm giải thích.

Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát thân nhiệt của hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN phát)
Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát thân nhiệt của hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN phát)

Bỏ sót, bỏ lọt đối tượng nguy cơ là áp lực lớn nhất mà các nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế phải đối mặt trong những ngày qua. Lượng hành khách về Việt Nam mỗi ngày một nhiều, công việc quá tải là có thật nhưng nhân viên kiểm dịch y tế tại sân bay không cho phép xảy ra một chút sai sót, lơ là nào bởi các anh chị hiểu rõ chỉ cần để lọt một trường hợp nguy cơ cao cũng có thể khiến nhiều người trong cộng đồng nhiễm bệnh.

“Đôi khi việc để sót, lọt người về từ vùng dịch do lý do khách quan nhưng dư luận không hiểu khiến chúng tôi bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều,” bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm bộc bạch.

Ngoài ra, kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, danh sách vùng dịch ngày càng mở rộng, các quy định về kiểm dịch y tế vì thế cũng liên tục thay đổi khiến nhân viên kiểm dịch y tế ở đây phải thích ứng trong thời gian ngắn ngất.

Bỏ sót, bỏ lọt đối tượng nguy cơ là áp lực lớn nhất mà các nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế phải đối mặt trong những ngày qua.

Ban đầu, kiểm dịch sân bay được yêu cầu kiểm soát gắt gao khách đến từ Trung Quốc, đặc biệt là từ thành phố Vũ Hán, sau đó tới khách Hàn Quốc, Iran, Italy và bây giờ là một loạt nước châu Âu, Mỹ… Điều này đồng nghĩa quy định kiểm dịch tại các cửa khẩu, sân bay liên tục mở rộng đòi hỏi nhân viên kiểm dịch thường xuyên cập nhật.

Đặc biệt, một áp lực vô hình khác mà nhân viên y tế cửa khẩu luôn phải đối mặt, đó là nỗi lo mình có thể mắc bệnh, mang virus về cho người thân, gia đình. Công việc đòi hỏi thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người về từ vùng dịch khiến nhân viên kiểm dịch luôn phải đề cao cảnh giác, chú ý giữ gìn an toàn cho chính bản thân.

“Dù đã mặc đồ bảo hộ, dù tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như giữ khoảng cách với hành khách nhưng có đôi lúc công việc cuốn mình theo những thắc mắc của hành khách nên đứng hơi gần họ so với quy định. Mỗi lúc như thế bọn mình cũng lo lắng lắm,” một nhân viên kiểm dịch cửa khẩu chia sẻ.

Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế hướng dẫn hành khách  thực hiện tờ khai y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Tân  Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN phát)
Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế hướng dẫn hành khách thực hiện tờ khai y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN phát)

Sau mỗi ca trực, nhân viên kiểm dịch phải tắm rửa, khử khuẩn rồi mới về nhà, nhưng cũng có người có con nhỏ, nhà xa đành phải thuê khách sạn ở,… Cũng có những người tan ca trực đi ngay về nhà, tự cách ly mình tại nhà, không tiếp xúc nhiều với những người xung quanh. Như trường hợp của chị Huỳnh Thị Mỹ Ngọc, do cả hai vợ chồng đều công tác tại Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế nên kể từ khi dịch bùng phát chị buộc phải gửi hai đứa con về cho ông bà ngoại chăm sóc. Nhiều khi nhớ con chị cũng không dám về thăm, chỉ nói chuyện qua điện thoại.

“Thiệt thòi đủ thứ nhưng đây là lúc chúng ta cần hy sinh những lợi ích cá nhân vì lợi ích của cả cộng đồng.” bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm bày tỏ.

“Hai tháng qua, nhân viên của tôi đã phải tạm quên đi hạnh phúc riêng tư chỉ để tập trung phòng dịch, Tết không được sum vầy với người thân, phải xa con cái, có người không dám về nhà, cũng có người cưới xong cũng không được hưởng tuần trăng mật… thiệt thòi đủ thứ nhưng đây là lúc chúng ta cần hy sinh những lợi ích cá nhân vì lợi ích của cả cộng đồng,” bác sỹ Tâm bày tỏ.Những ngày này, người Việt Nam ở nước ngoài, du học sinh “hồi hương” tấp nập ở các sân bay. Điều này đồng nghĩa với việc các nhân viên kiểm dịch lại vẫn tiếp tục căng mình giám sát. Dù không ít áp lực, dù nhiều khó khăn vất vả nhưng họ luôn tự nhủ, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 vẫn còn dài, chỉ có “bền gan vững chí” mới có thể cùng cả dân tộc chung tay phòng chống đại dịch nguy hiểm này./.