Nelson Mandela

Cố Tổng thống Nelson Mandela gọi Nam Phi, quê hương của ông, là “Quốc gia cầu vồng,” với mong ước về một đất nước, và rộng hơn là một thế giới, nơi sự đa dạng văn hóa và đa dạng chủng tộc là một nét đẹp được tôn trọng, chứ không phải bị biến thành “mồi lửa” cho những mâu thuẫn và xung đột.

Suối đời, nhà lãnh đạo kiệt xuất của nhân dân Nam Phi đã đấu tranh để biến mong ước cao cả ấy thành hiện thực, với câu nói bất hủ: “Đấu tranh là cuộc sống của tôi.”

Thế giới tôn vinh ông, bởi chính con đường đấu tranh mà nhà lãnh đạo Nelson Mandela trải qua để thực hiện giấc mơ vĩ đại ấy của mình cũng sống động và đầy tính nhân văn như khát vọng của ông. Ông là đại diện cho công lý, tự do và tôn trọng quyền con người.

Tại Nam Phi, hình ảnh Nelson Mandela là biểu tượng cao nhất cho tinh thần đoàn kết dân tộc. Với sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột giữa cộng đồng người da màu chiếm đa số và nhóm người da trắng thiểu số cầm quyền.

Sinh ngày 18/7/1918 trong một gia đình tù trưởng thuộc bộ tộc Thembu, người thanh niên Nelson Mandela tham gia các hoạt động chính trị từ khi học đại học, gia nhập đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), trở thành thành viên sáng lập của Liên đoàn Thanh niên trực thuộc ANC.

Sau khi phái dân tộc chủ nghĩa Afrikaner trong đảng Dân tộc lên nắm quyền năm 1948 ở Nam Phi và coi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid làm nền tảng cho mọi chính sách, người chàng thanh niên Nelson Mandela đã chọn con đường đứng về phía những người bị áp bức, kỳ thị.

Từ thành lập một hãng luật để bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, khi trở thành lãnh đạo ANC, Nelson Mandela đã đưa chính đảng này giữ vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh bền bỉ và gian khổ của nhân dân Nam Phi vì quyền bình đẳng của con người.

Người dân Nam Phi mang ảnh cố Tổng thống Nelson Mandela tới dự lễ tang của ông ngày 10/12/2013. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân Nam Phi mang ảnh cố Tổng thống Nelson Mandela tới dự lễ tang của ông ngày 10/12/2013. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc đời đấu tranh chống phân biệt chủng tộc mà nhà hoạt động chính trị kiệt xuất Nelson Mandela theo đuổi gắn với những năm tháng bị chính quyền Apartheid truy đuổi và cầm tù. Năm 1964, ông bị chính quyền kết án tù chung thân và bị giam giữ suốt 27 năm qua nhiều nhà tù. Suốt thời gian ấy, kiên định với mục tiêu vì quyền con người, nhiều lần từ chối các điều kiện trả tự do của nhà cầm quyền, Nelson Mandela đã trở thành biểu tượng, thành nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Như tên cuốn hồi ký mà cố Tổng thống Nelson Mandela xuất bản mà 1998 “Hành trình dài đến tự do” (A Long Walk to Freedom), cùng với việc nhà cầm quyền phải trả tự do cho ông năm 1990 dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, với cương vị Chủ tịch ANC, Nelson lại tiếp tục dẫn dắt nhân dân Nam Phi thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chế độ Apartheid bị xóa bỏ ở Nam Phi năm 1993, đánh dấu “sự cáo chung” của chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc bậc nhất trong lịch sử.

Với cuộc bầu cử dân chủ năm 1994, “người tù chính trị” nổi tiếng nhất thế kỷ 20, đã trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi. Chiến thắng này là kết tinh của hơn bốn thập niên đấu tranh của những người da màu dưới sự lãnh đạo của ANC. Song hành trình đấu tranh mới của nhà lãnh đạo Nelson Mandela cũng bắt đầu trên cương vị tổng thống, với hàng loạt thách thức. Một mặt ông phải giải quyết sự bất an và thù địch của cộng đồng thiểu số da trắng mất đi sự độc quyền chính trị nhưng vẫn còn kiểm soát nền kinh tế, quân đội và bộ máy quan liêu.

Mặt khác, ông đối mặt với nguy cơ của một vòng xoáy bạo lực mới xuất phát từ sự hận thù của người da đen, các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid suốt hàng chục năm.

Trước tình hình này, vị tổng thống mới đã đưa ra những chính sách quá độ nhằm xoa dịu cộng đồng người da trắng. Bên cạnh đó, Tổng thống Mandela cho ra đời Đạo luật đoàn kết hòa giải quốc gia theo tinh thần: “Sự tha thứ sẽ dẫn đến sự thú nhận, và sự hàn gắn sẽ đến.”

Với niềm tin này, ông Mandela thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải châu Phi nhằm kêu gọi sự chân thành và lòng khoan dung của người dân như là chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn sắc tộc. Chính nguyên tắc hòa giải này đã đem đến điều kỳ diệu cho đất nước Nam Phi, thúc đẩy một môi trường hòa thuận, yên bình đã trở thành nền tảng cho những thành công về kinh tế sau này. Nhờ đó, Tổng thống Mandela đã thành công thuyết phục các công ty đa quốc gia tiếp tục ở lại đầu tư và tích cực gây dựng hình ảnh Nam Phi với thế giới.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Chỉ trong vòng một thập niên, Nam Phi nhanh chóng vươn lên, trở thành nền kinh tế phát triển nhất châu Phi và gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Dưới sự lãnh đạo của ông Nelson Mandela, Nam Phi từng bước phá bỏ những tàn tích của nạn phân biệt chủng tộc, được công nhận là đất nước dân chủ, tiến bộ bậc nhất “Lục địa Đen.”

Những đóng góp to lớn của nhà lãnh đạo Nelson Mandela trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, chống đói nghèo, bất bình đẳng đã được đất nước Nam Phi cùng nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới vinh danh bằng rất nhiều giải thưởng, tiêu biểu là giải Nobel Hòa bình năm 1993, giải thưởng Lenin của Liên Xô và giải thưởng Tự do của Mỹ.

(Nguồn: UN)
(Nguồn: UN)

Đặc biệt, tháng 11/2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 đã thống nhất lấy ngày 18/7 là “Ngày quốc tế Nelson Mandela.” Khi ông mất tháng 12/2013, cộng đồng quốc tế nghiêng mình thương tiếc ông, “người chiến sỹ đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid không mệt mỏi” với lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn và nhân cách đáng ngưỡng mộ, truyền cảm hứng cho thế giới.

Giờ đây, chủ nghĩa Apartheid đã bị xóa bỏ hoàn toàn tại Nam Phi. Mặc dù vậy, những vấn đề như phân biệt, mâu thuẫn sắc tộc, bất bình đẳng vẫn đang nhức nhối hàng ngày trong xã hội hiện đại, giữa các quốc gia và trong mỗi quốc gia. Thành công của nhà lãnh đạo Nelson Mandela trong việc xóa bỏ chủ nghĩa Apartheid đã chỉ ra rằng những giá trị như tự do, bình đẳng và hòa bình phải bắt đầu từ chính con người, từ sự chân thành và lòng bao dung để cởi bỏ hận thù và hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau./.

Một tác phẩm điêu khắc bằng cát được dựng lên ở bờ biển Durban nhằm tôn vinh cố Tổng thống Mandela. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một tác phẩm điêu khắc bằng cát được dựng lên ở bờ biển Durban nhằm tôn vinh cố Tổng thống Mandela. (Nguồn: AFP/TTXVN)