Modern Talking

Năm 2016 có thể được coi là năm của dòng âm nhạc hoài niệm khi hàng loạt nhóm nhạc, ca sĩ yêu thích của người Việt những năm 1980 lần lượt đến Việt Nam biểu diễn, từ Boney M, Chris Norman, Scorpions và nhất là Thomas Anders của Modern Talking.

Không quá lời khi nói rằng chính âm nhạc của Modern Talking đã “khai hóa” cho người Việt biết thế nào là nhạc “Disco,” mà thế hệ yêu nhạc ở miền Bắc thời bao cấp còn gọi là “nhạc xập xình” hay “nhạc đám cưới.” Đám cưới thời đó có thể thiếu bánh kẹo hạt dưa chứ không thể thiếu nhạc Modern Talking!

Ban nhạc Đức bán nhiều đĩa nhất trong lịch sử

Tới Việt Nam để tham gia hai đêm diễn “Modern Talking ft. Thomas Anders Live In Concert” vào ngày 26 và 27/11 tới đây sẽ chỉ có giọng ca chính Thomas Anders. Ở tuổi 53, Anders giờ đã mang vẻ từng trải, phong trần của một người đàn ông đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp lẫn cuộc đời, chứ không còn là một lãng tử tóc dài hào hoa từng làm hàng triệu người say mê ba thập niên trước. Dẫu vậy, giọng ca này vẫn giữ nguyên được nụ cười thường trực trên môi và niềm say mê đứng trên sân khấu thuở nào.

Thomas Anders thực chất chỉ là nghệ danh, còn tên thật của người đàn ông này là Bern Weidung. Weidung sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả với cha làm trong lĩnh vực tài chính. Khi còn bé, anh thường xuyên phụ giúp mẹ trong cửa hàng của gia đình. Năm Weidung lên 7 tuổi, một vị khách đã hỏi cậu bé này rằng khi lớn lên cậu thích làm nghề gì. Weidung đã trả lời không ngần ngại: “Cháu muốn trở thành một ca sĩ nổi tiếng!”

Năm lên 7 tuổi cũng là lần đầu Weidung đứng trên sân khấu ca nhạc và bộc lộ những tố chất ca hát. Dù gia đình ra sức khuyên ngăn anh không nên theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng Weidung vẫn kiên quyết theo đuổi đam mê khi bắt đầu đi hát vào năm 17 tuổi. Anh tự hứa với bản thân rằng sẽ tự đứng trên đôi chân mình và thành danh trước năm 25 tuổi.

Ca khúc bất hủ “You’re My Heart, You’re My Soul”

Sau một thời gian hát ở các sàn nhảy khắp nước Đức, số phận đã đưa đẩy cho Weidung gặp gỡ Dieter Bohlen. Khi đó Bohlen đang là giọng hát chính của nhóm Sunday và muốn đổi gió bằng cách thành lập một ban nhạc mới trong đó anh sẽ đóng vai trò của người viết nhạc kiêm cả ông bầu. Tên ban nhạc đã có (Modernes Gesprach) nhưng thành viên còn lại thì vẫn chưa thấy đâu.

Cho tới một ngày nọ, Weidung tìm tới phòng thu gặp Bohlen và thể hiện giọng hát. Ngay sau khi nghe giọng hát của Weidung, Bohlen đã nhận ra đây chính là cộng sự mà mình hằng tìm kiếm bấy lâu. Weidung được nhận vào nhóm nhạc và đổi tên thành Thomas Anders. Ban nhạc Modernes Gesprach cũng chính thức được đổi tên thành Modern Talking nhằm phù hợp hơn với mộng vươn xa tầm quốc tế của hai thành viên.

Đĩa đơn đầu tiên “You’re My Heart, You’re My Soul” nằm trong album ra mắt của nhóm là “The 1st Album” thành công muộn nhưng rực rỡ. Đĩa đơn này được trình làng vào cuối tháng 10/1984 nhưng mãi cho tới đầu năm 1985 mới thực sự tạo ra một cơn sốt. Vào ngày 28/1/1985, “You’re My Heart, You’re My Soul” lọt vào danh sách 10 đĩa nhạc bán chạy nhất nước Đức. Năm tuần sau đó, đĩa đơn này vươn lên ngôi vị đầu bảng và bám trụ tại đó tận sáu tuần liền. Cho tới nay, đĩa đơn này vẫn là sản phẩm bán chạy nhất của Modern Talking với số lượng đĩa bán ra trên toàn cầu ước đạt khoảng 8 triệu bản!

Một bản remix các nhạc phẩm nổi tiếng của Modern Talking

Thành công của “You’re My Heart, You’re My Soul” đã mở đường cho Modern Talking tấn công hàng loạt bảng xếp hạng âm nhạc và những vũ trường của thập niên 1980. Giai đoạn từ 1985 tới 1987, Modern Talking là đại diện tiêu biểu nhất của thể loại Euro Disco với đĩa nhạc được bán như tôm tươi không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều quốc gia khác như Thụy Sĩ, Áo, Na Uy hay Thụy Điển… Trong hơn hai năm ngắn ngủi ấy, đã có 65 triệu đĩa nhạc của Modern Talking được tiêu thụ!

Theo một thống kê vào năm 2010 thì lượng đĩa bán ra của Modern Talking trên toàn cầu đã lên tới con số 120 triệu đĩa và giúp bộ đôi Bohlen-Anders trở thành nhóm nhạc thành công nhất lịch sử nước Đức xét về lượng đĩa được tiêu thụ!

Modern Talking là đại diện tiêu biểu nhất của thể loại Euro Disco
Modern Talking là đại diện tiêu biểu nhất của thể loại Euro Disco

Làn gió mới từ phương Tây

Những ca khúc với giai điệu rộn ràng khiến người nghe khó có thể đứng yên mà không nhún nhảy như “Cheri, Cheri Lady”, “Brother Louie” hay “You Can Win If You Want” được bật ở khắp mọi nơi. Modern Talking là một trường hợp đặc biệt khi vô danh tại Mỹ vì chưa từng lọt vào bảng xếp hạng các ca khúc ăn khách dù singler “Brother Louie” từng có vị trí cao tại Anh, Canada.

Chẳng sao cả, bộ đôi huyền thoại người Đức nhưng lại có hàng triệu fan ở những thị trường khác như Châu Âu, Châu Á, Nam Phi và cả ở Iran. Tại quốc gia Hồi giáo ấy, âm nhạc phương Tây đã bị cấm kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979. Song bằng cách nào đó, thứ âm nhạc disco của Modern Talking vẫn len lỏi được vào thị trường bị đóng cửa này.

Nhưng nếu nói đến thị trường âm nhạc ưa chuộng Modern Talking hơn cả thì phải nói tới Liên Xô, thậm chí là vào thời điểm bức tường Berlin vẫn tạo ra ngăn cách giữa Đông và Tây. Làn sóng “disco new wave” tràn tới Liên Xô đúng vào thời điểm các sàn nhảy bùng nổ tại quốc gia này. Modern Talking được ưa chuộng nhất không chỉ vì âm nhạc của họ bắt tai, chủ yếu đề cập đến tình yêu mà còn bởi Dieter Bohlen cũng mang trong mình dòng máu Nga (bà ngoại của anh là người Nga, vẫn sống ở Kaliningrad)!

Có một giai đoạn hầu như mọi đám cưới đều bật nhạc Modern Talking, tới mức nhiều người còn ngỡ Modern Talking là… tên một thể loại nhạc.

Disco New Wave ở Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay có sức sống lâu bền đến nỗi cho đến tận bây giờ, những đại diện tiêu biểu của dòng nhạc này như Modern Talking (và cả Boney M nữa) vẫn được mời tới Moskva biểu diễn ở sân vận động! Đám đông khán giả hầu hết đã ngoại ngũ tuần vẫn cuồng nhiệt nhảy múa “để nhớ một thời ta đã yêu”.

Từ Liên Xô, những đĩa nhạc than hay băng cassette của Modern Talking tiếp tục lan toả đến Việt Nam, theo chân những du học sinh hoặc dân lao động xuất khẩu về nước. Có một giai đoạn hầu như mọi đám cưới đều bật nhạc Modern Talking, tới mức nhiều người còn ngỡ Modern Talking là… tên một thể loại nhạc.

Vào cuối thập niên 1980s và đầu 1990s, đi khắp đường làng ngõ xóm đều có thể bắt gặp hình ảnh của Thomas Anders với mái tóc dài lãng tử với giọng mềm mại như rót mật bên tai cùng người đàn anh Dieter Bohlen trong bộ đồ da và chiếc guitar quen thuộc. Chương trình ca nhạc quốc tế (nhạc Nga có chương trình riêng) được phát tối thứ Năm hàng tuần của Đài Truyền hình Việt Nam hầu như bao giờ cũng có “Modern Talking” xen kẽ với ABBA, Boney M hay Joy.

Thời điểm đó không phải ai cũng biết rõ và hiểu lời những ca khúc của Modern Talking. Thậm chí suốt một thời gian dài, nhiều người Việt gọi họ là “Mô-đen Tắc-kinh.” Song âm nhạc là thứ ngôn ngữ toàn cầu. Từ trẻ em, thanh niên cho tới cả người già đều không thể ngồi yên khi nghe những đoạn nhạc dạo xập xình quen thuộc của “Geromino Cadillac,” “Atlantis is Calling (S.O.S for Love),” “You Can Win If You Want,” “Cheri Cheri Lady,””Brother Louie” và đặc biệt là “You’re My Heart, You’re My Soul” được bật lên.

Đông đảo khán giả Việt Nam đang trông ngóng một lần chứng kiến thần tượng bằng xương bằng thịt và hòa mình vào những giai điệu disco vang bóng một thời...
Đông đảo khán giả Việt Nam đang trông ngóng một lần chứng kiến thần tượng bằng xương bằng thịt và hòa mình vào những giai điệu disco vang bóng một thời…

Chưa phải là kết thúc

Ở đỉnh cao của danh vọng vào năm 1987, hai thành viên của Modern Talking đã bất ngờ đường ai nấy đi và để lại nuối tiếc cho hàng triệu người hâm mộ. Nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Modern Talking, dù cho vẫn đang làm mưa làm gió tại các bảng xếp hạng lẫn những vũ trường, được cho là sự xuất hiện của Nora-Isabelle Balling.

Người đẹp này là vợ của Thomas Anders và được Anders ưu ái tới mức anh luôn đeo chiếc dây chuyền gắn tên Nora khi lên sân khấu. Bohlen cho rằng Nora khiến Anders chểnh mảng chuyên môn và thọc sâu vào nội bộ của nhóm nhạc, và nhất là xâm phạm tới những đặc quyền của “ông bầu” Bohlen. Kết quả là Bohlen dứt áo ra đi và dùng tài năng sản xuất của mình để thành lập nhóm nhạc mới Blue System.

Trong khi đó, Anders chuyển sang ca hát solo và lưu diễn với cái tên Modern Talking tại nhiều quốc gia. Sau một thời gian, Anders chuyển tới Los Angeles với mục đích chuyển hướng sự nghiệp sang… đóng phim truyền hình.

Gần một thập niên kể từ sau khi tan rã, hai thành viên có số phận rất khác nhau: Bohlen vẫn gặt hái những thành công với nhóm Blue System và vai trò ông bầu của nhiều ca sĩ khác, còn Anders vẫn níu kéo hào quang của Modern Talking và lạc lối khi thiếu đi sức sáng tạo của Bohlen. Điểm chung của họ là cả hai đều không thể nào đạt tới đỉnh cao như khi cùng đi hát dưới cái tên Modern Talking.

Thomas Anders của Modern Talking đã tự quay một đoạn video thay lời chào gửi đến khán giả Việt Nam. (Nguồn: BTC)

Vào năm 1994, Anders quyết định chào tạm biệt Los Angeles và trở về sống tại Koblenz (Đức). Ngày trở về, anh đã nhận được một cú điện thoại từ Bohlen với chủ đích dàn hòa, quên đi những cãi vã nổ ra trên mặt báo khi Modern Talking tan rã và ngỏ lời tái hợp.

Bốn năm sau đó, Anders và Bohlen lại một lần nữa đứng trên sân khấu dưới cái tên Modern Talking như năm nào. Dù nhóm có thêm thành viên Eric Singleton hát rap cho… hợp xu hướng mới, nhưng người hâm mộ vẫn chỉ để ý tới bộ đôi huyền thoại nói trên.

Màn tái xuất đầu tiên diễn ra vào tháng 3/1998 trên chương trình “Wetten, dass…?” của Đức và được tiếp nối bởi album “Back for Good”. Album này bao gồm những ca khúc mới kèm theo những bản nhạc cũ được phối lại theo phong cách mới mẻ hơn.

Cộng đồng fan của Modern Talking nhanh chóng hưởng ứng thần tượng và giúp “Back for Good” trụ ở ngôi đầu bảng xếp hạng những album bán chạy nhất trong năm tuần liên tiếp. Album này còn đứng đầu ở 15 quốc gia khác và được tiêu thụ ba triệu bản chỉ tính riêng tại Châu Âu.

Modern Talking cho ra đời thêm năm album khác trước khi một lần nữa tuyên bố tan rã vào năm 2003 ngay trên sân khấu. Lần này, Bohlen chuyển sang làm nhà sản xuất và kiếm tìm tài năng âm nhạc trong khi Anders một lần nữa theo đuổi nghiệp hát solo. Vào năm 2006, ca khúc “Bizarre Bizarre” của Bohlen có một thông điệp ngầm “Sẽ không bao giờ có điểm kết thúc với Modern Talking.”

Đêm nhạc “Modern Talking ft. Thomas Anders Live In Concert” sẽ diễn ra vào hồi 20 giờ ngày 26 và 27/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi các chương trình “VP Bank Concert” gây được nhiều tiếng vang trong những năm qua, khi lần lượt đưa các huyền thoại âm nhạc như Richard Clayderman, Kenny G tới Việt Nam biểu diễn. Sáng 25/11, Thomas Anders đã đặt chân đến sân bay Nội Bài để chuẩn bị cho đêm diễn. Theo dự kiến, Anders sẽ dành 30 phút trước đêm diễn để gặp mặt người hâm mộ Việt Nam, những người đã đắm mình với âm nhạc của Modern Talking trong suốt tuổi thanh xuân. 

Khi được người hâm mộ khám phá ra và đặt câu hỏi về khả năng của một lần tái hợp nữa, Bohlen đã giải thích: “Khi viết ra thông điệp đó, tôi muốn nói rằng âm nhạc của Modern Talking sẽ sống mãi”.

Bohlen đã không sai, ít nhất cho tới thời điểm này. Theo dự kiến thì chương trình ”Modern Talking ft. Thomas Anders Live In Concert” mà người bạn Thomas Anders mang tới Việt Nam sẽ chỉ có duy nhất một đêm diễn, song ban tổ chức đã phải tăng thêm một đêm diễn nữa để phục vụ nhu cầu của đông đảo khán giả Việt Nam muốn được một lần chứng kiến thần tượng bằng xương bằng thịt và hòa mình vào những giai điệu disco vang bóng một thời./.

Cùng nghe một số ca khúc bất hủ của Modern Talking