Lão nghệ sỹ già

4d4a8855-1556197741-89.jpg

Trong căn nhà nhỏ bé trên gác 2 phố Đào Duy Từ (Hà Nội) treo đầy những… mặt nạ đủ màu. Có gương mặt mắt sáng quắc, mày rậm rì như đang trừng trừng nhìn thẳng vào người đối diện. Cũng có cái như nửa cười, nửa khóc, mếu máo ngó đăm đăm ra xa xăm…

Ông lão 74 tuổi Nguyễn Kim Kê khà khà cười khi thấy mấy vị khách đứng sững lại khi nhìn bộ sưu tập có một không ai ấy của mình mà bảo: “Cả đời tôi đã gắn với tuồng nên đến khi về nghỉ, những gương mặt trong các lớp tuồng cổ vẫn ám ảnh không nguôi. Thôi thì mình làm mặt nạ này để lưu giữ lại cho con cháu về sau này vậy.”

“Tắm trong tuồng” từ bụng mẹ

Lão nghệ sỹ tuồng Kim Kê năm nay đã 74 tuổi nhưng vẫn hoạt bát và đặc biệt rất… “mặn chuyện.” Dẫn chúng tôi men theo một cầu thang nhỏ tối thui dẫn lên lầu hai, ông hóm hỉnh: “Làm được bao nhiêu năm, vợ chồng tôi dồn hết vào tuồng cả. Nên đến giờ về già vẫn chỉ có căn gác nhỏ này thôi.”

Mặc dù khá chật chội nhưng căn phòng của lão nghệ sỹ già rất ngăn nắp. Đặc biệt, phần tường sát mé cửa sổ được dùng để treo hàng chục chiếc mặt nạ tuồng cổ do chính tay ông tỉ mẩn làm. Mỗi một chiếc là một sắc thái khác nhau, khi vui mừng, lúc giận giữ, lúc đăm chiêu…

Phần tường sát mé cửa sổ được dùng để treo hàng chục chiếc mặt nạ tuồng cổ do chính tay ông tỉ mẩn làm. Mỗi một chiếc là một sắc thái khác nhau, khi vui mừng, lúc giận giữ, lúc đăm chiêu… (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phần tường sát mé cửa sổ được dùng để treo hàng chục chiếc mặt nạ tuồng cổ do chính tay ông tỉ mẩn làm. Mỗi một chiếc là một sắc thái khác nhau, khi vui mừng, lúc giận giữ, lúc đăm chiêu… (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhấp một chén chè sen thơm ngát, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với loại hình nghệ thuật đặc biệt này.

Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 3 đời làm tuồng, ngay từ những ngày còn tấm bé, những câu ca, tích chuyện của cá vở diễn đã thấm sâu vào trong từng giấc ngủ của cậu bé Kim Kê.

“Nhà tôi kế ngay rạp hát Lạc Việt vốn là nơi biểu diễn tuồng, chèo đầu tiên của Việt Nam được xây từ thời Pháp cũ. Tối tối, mỗi suất diễn đều đông nghịt người. Bà con từ khắp nơi đổ về, chen kín có khi chỉ để xem đi xem lại một vở đã thuộc lòng,” ông nheo nheo mắt kể.

Thuở ấy, cậu bé Kim Kê đã “mắt tròn mắt dẹt” khi thấy cha, ông mình trong một chốc đã hóa thân thành những võ tướng lẫm liệt như Quan Công, Triệu Đình Long, Trương Phi… Tiếng hát bội, tiếng trống chiến, kèn la… đêm đêm vọng vào ô cửa sổ bé tí hon trên phố Đào Duy Từ, trở thành một điệu ru đặc biệt đưa Kim Kê vào giấc ngủ.

Tuồng – theo cách ấy đã thấm sâu vào tâm hồn cậu bé lúc nào không hay. Cậu chỉ mong đến tối để được sang rạp hát, được đắm mình trong những giai điệu đầy mê hoặc của những điệu ai, điệu xuân [Những lối hát trong nghệ thuật tuồng cổ-PV]… trên sân khấu.

Đến năm 12 tuổi, nhận thấy con trai có tố chất và đam mê, cha của Kim Kê đã quyết định dẫn dắt ông vào nghiệp diễn.

“Ngày đó không có trường lớp chuyên nghiệp như bây giờ. Việc học tuồng chủ yếu là cha truyền, con nối. Các bậc tiền bối đi trước dạy tôi từ cách tự vẽ mặt theo từng lớp nhân vật, cách hát nói, hát bội thế nào cho biểu cảm. Thậm chí, tôi còn phải học võ, học cho người được dẻo dai để có thể phù hợp với các vai diễn đặc thù,” lão nghệ sỹ già kể lại.

Theo nghệ sỹ Kim Kê, trong tất cả các bộ môn nghệ thuật truyền thống, tuồng là môn đòi hỏi nhiều kỹ năng nhất. Loại hình này yêu cầu diễn viên vừa phải biết hát, diễn, kịch câm, hình thể, vũ đạo. Ngay trong vũ đạo, nghệ sỹ cũng phải biết đi quyền, sử dụng binh khí.

Trong tất cả các bộ môn nghệ thuật truyền thống, tuồng là môn đòi hỏi nhiều kỹ năng nhất. Loại hình này yêu cầu diễn viên vừa phải biết hát, diễn, kịch câm, hình thể, vũ đạo.

Phức tạp hơn, trên sân khấu, trên một mặt phẳng trống trải, người diễn tuồng phải làm thế nào để thể hiện cho người xem cả địa hình mà mình đang diễn như sông, suối, đồi núi, rừng cây…

Cũng ngay trong “niên học đầu tiên” ấy, Kim Kê được giao vai diễn đầu tiên trong đời. Đó là vai quân bắt ngựa trong vở “Hạng Võ bại Ô gia,” – một vai rất nhỏ nhưng đã khiến cậu bé 12 tuổi thao thức mất mấy ngày.

Đêm đó, vẫn như thường lệ, khán giả đã kéo kín rạp hát. Tiếng người cười nói, tiếng bàn tán về vở diễn náo động cả khán phòng. Kim Kê vừa lóng ngóng tô lại lớp màu trên mặt, vừa chộn rộn nhìn ra phía ngoài cánh gà. Cậu lẩm nhẩm lại từng câu hát mà mình đã lặp đi lặp lại không biết bao lần…

“Lúc ấy tôi run lắm, nhưng cứ nghĩ, mình đã ‘nằm lòng’ vai này rồi, không có gì phải sợ hết. Thế là tôi bước ra diễn. Khi đó, trước mắt tôi không còn hàng trăm khán giả ở dưới nữa, mà chỉ còn những diễn biến nối tiếp nhau của vở Hạng Võ…,” ông bồi hồi nhớ lại.

Không ai nghĩ cậu bé mới 12 tuổi đang chạy, hát mê say trên sân khấu kia lại có thể diễn “nhập thần” đến vậy. Cũng từ vai “bé xíu” này, cuộc đời làm nghệ thuật của ông chính thức được bắt đầu.

Ông bảo: Đã có một giai đoạn, Tuồng bước vào thời kỳ hoàng kim. Những nghệ sỹ như ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ khán giả. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông bảo: Đã có một giai đoạn, Tuồng bước vào thời kỳ hoàng kim. Những nghệ sỹ như ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ khán giả. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhưng, theo nghiệp được vài năm, chàng trai trẻ Kim Kê lại xếp giấc mơ sang một bên để theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường ra mặt trận. Tới năm 1968, ông bị thương nặng rồi được chuyển từ chiến trường Tây Ninh về hậu phương chữa trị. Bị mất tới 50% sức khỏe, ông ra quân và quay lại với tuồng khi được Giám đốc nhà hát tuồng khi đó đánh công văn “xin” đích danh.

Từ khói đạn chiến trường, Kim Kê một lần nữa được đắm mình trong giấc mơ ca kịch của riêng mình. Đó cũng là thời kì hoàng kim trong sự nghiệp của ông với những suất diễn đông nghẹt người, những đêm phải ở lại để giao lưu với bà con mến mộ.

“Nhiều lúc, tôi đi ra ngoài chợ, có người vẫn nhận ra còn tặng cho cả cá với thịt. Thứ tình cảm ấy là thứ mà cả đời chúng tôi sẽ không thể quên được,” ông cười bảo.

Thậm chí, ông và đoàn diễn còn được mời đi diễn ở các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Đức, Hungari. Tại các nước bạn, do bất đồng về ngôn ngữ nên ông Kê phải cải biên vở diễn, giảm bớt lời nói và tăng hành động giúp người xem có thể hiểu được nội dung vở diễn hơn.

“Năm 1981, chúng tôi có sang Liên Xô biểu diễn. Khi đó các đạo diễn nước bạn nói với tôi rằng, để đào tạo được một nghệ sĩ diễn tuồng như chúng tôi thì họ cần phải đào tạo qua năm bộ môn nghệ thuật khác nhau. Trong ca hát họ có opera, có kịch nói đối thoại, âm nhạc biểu diễn và kịch câm. Nhưng tuồng Việt Nam có cả kịch nói, kịch câm, âm nhạc và vũ đạo phân lẫn vào nhau. Thế là đủ biết tuồng của Việt Nam là một bộ môn nghệ thuật đặc biệt khó như thế nào,” ông kể.

Mặc dù đã hơn 70 tuổi, thế nhưng những ký ức về giai đoạn vàng son của Tuồng Việt vẫn vẹn nguyên trong ông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mặc dù đã hơn 70 tuổi, thế nhưng những ký ức về giai đoạn vàng son của Tuồng Việt vẫn vẹn nguyên trong ông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giữ tuồng cổ qua những lớp mặt nạ giấy bồi

Nhiều năm sau, thời kỳ hoàng kim của tuồng dần dần khép lại. Lão nghệ sỹ Kim Kê giờ cũng đã lui về hậu trường, thảnh thơi bên căn gác nhỏ nép mình bên con phố Đào Duy Từ. Thế nhưng mối duyên của ông với Tuồng thì chưa bao giờ ngừng lại.

“Ngày về hưu, tôi có đi tư vấn về võ thuật, kỹ năng biểu diễn cho nhiều đoàn. Càng về sau, tôi lại càng nhận ra, người ta đang đi quá xa khỏi cái gốc của tuồng cổ. Những nét biểu cảm được vẽ trên mặt nghệ sỹ đã không còn đúng thần thái như ngày xưa nữa. Điều ấy làm tôi rất buồn,” nghệ sỹ Kim Kê khẽ thở dài.

Không thể để Tuồng phai nhạt. Càng không thể ngồi yên mặc cho những giá trị vốn đã trường tồn cả trăm năm qua bị mất đi, ông lão ngoài lục tuần lọ mọ làm mặt nạ giấy và tự khắc họa những gương mặt tuồng cổ lên trên.

Từ ngày về hưu, ông lão bắt đầu tỉ mẩn với công việc không giống ai: Vẽ lại gương mặt Tuồng cổ lên những chiếc mặt nạ giấy bồi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Từ ngày về hưu, ông lão bắt đầu tỉ mẩn với công việc không giống ai: Vẽ lại gương mặt Tuồng cổ lên những chiếc mặt nạ giấy bồi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mặt nạ giấy sau khi được mua về từ Hàng Mã sẽ được nghệ sỹ Kim Kê sử dụng sơn ta tô vẽ lại.

“Nét mặt trong tuồng cổ chỉ bao gồm 4 màu cơ bản là trắng, đỏ, đen và xám. Cái khó nhất là phải vẽ thế nào để người xem chỉ cần nhìn sơ qua đã biết được đây là lớp nhân vật nào,” nghệ sỹ Kim Kê giải thích.

Nói đoạn, ông với tay lấy xuống một chiếc mặt nạ được phết đỏ au, lông mày đen đậm, uy nghiêm với hàng râu dài cả gang tay.

“Đây là nét mặt của Quan Vũ, một trong những lớp nhân vật anh hùng của tuồng cổ. Đối với lớp này, gam màu đỏ sẽ là chủ yếu với những điểm nhấn như râu hùm, hàm én, mày ngài. Ánh mắt phải lẫm liệt, các hình khối trên mặt cũng rõ nét,” ông nói.

Cái khó nhất là phải vẽ thế nào để người xem chỉ cần nhìn sơ qua đã biết được đây là lớp nhân vật nào.

Hay như vẻ mặt của gian thần thì phải dùng màu trắng; mắt ti hí, kéo dài thể hiện rõ tính cách ti tiện, hèn mọn. Nhân vật nịnh thần thì ngoài gam trắng còn phải được “đặc tả” bởi gương mặt gầy gò, bần tiện, tính cách “gió chiều nào theo chiều đó.” Nhân vật phản thần, đặc trưng là đường nét rằn ri dữ tợn, giỏi nhưng luôn có mưu đồ.

“Thông thường, phải mất tới vài ngày tôi mới có thể hoàn thành một mặt nạ như thế. Phải tỉ mẩn từng chút một, vì chỉ cần sai sót nhỏ, toàn bộ thần thái của nhân vật sẽ bị phá hỏng,” ông kể.

Tính tới thời điểm hiện tại, bộ sưu tập của ông đã có khoảng gần 100 gương mặt được “ghi lại” trên những mặt nạ giấy bồi. Ông trang trọng treo tất cả lên trên bức tường nằm sát bên ô cửa sổ nhỏ. Có gương mặt mắt sáng quắc, mày rậm rì như đang trừng trừng nhìn thẳng vào người đối diện. Cũng có cái như nửa cười, nửa khóc, mếu máo ngó đăm đăm ra xa xăm…

Trong nỗ lực níu giữ lại cái gốc của Tuồng, vài năm trở lại đây, nghệ sỹ Nguyễn Kim Kê đã nhận lời giảng dạy bộ môn hóa trang cho nhà hát Tuồng Việt Nam và trường Đại học Sân khấu điện ảnh.

Ngừng lại một chút, người nghệ sỹ già khẽ thở dài. Ông bảo: Vẽ, thật ra cũng chỉ là một cách đặng chừng đừng để lưu lại những tinh hoa của tuồng xưa. Điều quan trọng hơn là mỗi người diễn viên phải biết tự vẽ lên khuôn mặt của chính mình. Thế nhưng, thế hệ diễn viên bây giờ lại dường như đang quên mất những nét ước lệ cổ truyền của cha ông…

Ngôi nhà nhỏ giờ đã hóa thành một bảo tàng thu nhỏ để lưu giữ những gương mặt tuồng xưa của lão nghệ sỹ già giản dị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngôi nhà nhỏ giờ đã hóa thành một bảo tàng thu nhỏ để lưu giữ những gương mặt tuồng xưa của lão nghệ sỹ già giản dị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)