kimdung

untitled5-1540957838-85.png

15 bộ “Kim Dung chân phẩm”, không phải bộ nào cũng xứng đáng được xem là tuyệt tác. Trong những bộ được nhắc tên nhiều nhất, cũng không phải không có cảnh độc giả trung thành say đắm Lộc đỉnh ký hay Tiếu Ngạo giang hồ mà xem nhẹ Tuyết Sơn Phi Hồ hoặc Thiên Long Bát Bộ.

15 bộ ấy, bắt đầu từ 1972, Kim Dung mất 10 năm để sửa chữa, kiện toàn từ những bản thảo in nhật trình (feuilleton), với sự hỗ trợ của không ít “cao thủ”, ngõ hầu xác lập lại kết cấu và bố cục cho thật chặt chẽ.

Éo le thay, không phải nỗ lực trau chuốt gọt giũa nào trong số ấy cũng được độc giả tán đồng và đón nhận nồng nhiệt như kỳ vọng.

Ta hãy thử đơn cử một ví dụ: Số phận của Du Thản Chi ở Thiên Long Bát Bộ. Sau khi chỉnh sửa, Kim Dung quyết định để nhân vật phản diện ấy gieo mình xuống sườn Nhạn Môn Quan theo ý trung nhân A Tử, kết thúc một cuộc đời tội nghiệt bị giằng xé giữa thù hận xương tủy và tình yêu mù quáng. Nhưng, ở bản thảo trước đó, Du Thản Chi không chết. Kim Dung bắt y – mù lòa và không còn võ công – phải một mình lê lết nốt quãng đường đời còn lại. Ông không cần miêu tả quãng đời ấy sẽ nhục nhã ê chề đến mức độ nào. Độc giả hoàn toàn có thể tự liên tưởng. Và với rất nhiều người, cái dư vị cay đắng ấy mới “đã”, mới là hình phạt xứng đáng dành cho kẻ tiểu nhân đê tiện sẵn sàng nhận giặc làm cha, mang tâm ngồi trộm phương vị võ lâm, hoành hành ngang ngược. Chứ còn một cái chết đơn thuần thì lại là quá nhạt nhẽo.

Thế nhưng, như Trần Mặc – chuyên gia hàng đầu ngành Kim học (Jinology) – từng nhận xét trong cuốn Võ hiệp ngũ đại gia: “Chí ít cũng có thể nói rằng Kim Dung rất thận trọng và rất có trách nhiệm, khi dừng lại đúng lúc để cố gắng gọt giũa tác phẩm. Sự thành tâm ấy là điều đáng quý hiếm thấy trong các tác gia võ hiệp”.

Và nếu đặt nỗ lực này cạnh những thành tựu của Cổ Long – người đến giờ vẫn còn được so hơn so kém với Kim Dung bởi các thế hệ độc giả, sự khác biệt là hoàn toàn rõ rệt. Cổ Long viết nhanh, viết khỏe, viết ào ạt dễ dàng như thác đổ. Theo danh mục Cổ Long toàn tập của Châu Hải xuất bản xã, trong 25 năm sáng tác, Cổ Long đứng tên tới 69 bộ tiểu thuyết võ hiệp.

Song, khoan hãy bàn đến chất lượng hay chiều sâu, trong số đó không ít bộ có đầu mà không cuối (hoặc phần cuối phải do người khác chấp bút). Có nhiều bộ bút pháp và kết cấu lặp lại nhau y hệt. Cũng có những bộ đến giờ chẳng còn mấy ai nhớ tên. Câu đối nổi tiếng viếng ông: “Tiểu Lý phi đao thành tuyệt hưởng; Nhân gian bất kiến Sở Lưu Hương” gần như đã là sự cô đọng đầy đủ các đỉnh cao của “Cổ đại hiệp”.

Dĩ nhiên, vì nhiều lý do, ông chẳng bao giờ có thời gian cũng như điều kiện để chỉnh sửa dung mạo cho những đứa con tinh thần của mình như Kim Dung. Và dĩ nhiên, bởi vậy, Cổ Long chưa bao giờ thử tự mình “lên thêm một tầng lầu”, để truy cầu sự hoàn hảo. Thậm chí, ông còn chưa kịp dừng nghỉ, để lắng lại và gạn lọc chính những ước vọng của mình bao giờ. Cho dù, chính ông là người được Kim Dung “chọn mặt gửi vàng”, giao lại vị trí của mình trên mặt báo.

               Bản Thần điêu Hiệp lữ do TVB thực hiện năm 1983 với Lưu Đức Hoa và Trần Ngọc Liên
               Bản Thần điêu Hiệp lữ do TVB thực hiện năm 1983 với Lưu Đức Hoa và Trần Ngọc Liên

Nếu đọc Thư kiếm ân cừu lục (viết năm 1955, với những ảnh hưởng rõ ràng của không khí “tụ nghĩa” trong Thủy Hử) đầu tiên, rồi đọc Bích huyết kiếm (viết năm 1956, với những mối liên kết mang tính phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử cụ thể), cũng khó để tin rằng chỉ đến năm 1957, Kim Dung đã có thể làm nên một Xạ điêu Anh hùng truyện ở một tầm vóc hoàn toàn khác, tầm vóc mà giới phê bình văn học kiếm hiệp (đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ phong cách Lương Vũ Sinh) phải hạ bốn chữ: “Chân mệnh thiên tử”.

Ngộ nạn – đoạt bảo – phục cừu, cái motif quen thuộc ấy đã được triển khai cao rộng hơn hẳn, với một nhân vật chính chẳng nhận được bất cứ ưu đãi nào về mặt thiên tư, nhưng cuối cùng vẫn vươn cao lồng lộng bằng tư tưởng của một hiệp khách giúp nước cứu đời, xả thân vì nghĩa, và được tôn bật lên bằng cả một bối cảnh riêng đặc trưng của võ lâm giang hồ kỳ ảo. Một Dumas của phương Đông đã chính thức xuất hiện.

Tuy nhiên, đến khi phong bút bằng Lộc Đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo không còn mang chút hơi hướng tương đồng nào với Quách Tĩnh nữa. Y, một trong những nhân vật được yêu thích nhất dưới ngòi bút Kim Dung, đã thoát xác hoàn toàn khỏi chữ “hiệp”. Kẻ tiểu nhân đắc chí bất cố vô sỉ ấy chính là kết tinh của cả sự giễu nhại thâm thúy sâu cay lẫn những trăn trở về văn nghiệp của Kim Dung, suốt 15 năm. Xin lưu ý, 15 năm đó, Kim Dung không chỉ là một tác gia võ hiệp. Ông còn là một nhà báo, một cây bút bình luận thời sự quốc tế hàng đầu Hong Kong.

Từ Quách Tĩnh đến Vi Tiểu Bảo, Kim Dung không ngừng truy cầu, không ngừng thử nghiệm, không ngừng tránh xa khỏi con đường mà chính mình đã từng đi qua, đặc biệt là về mặt tư tưởng. Nếu Dương Quá của Thần điêu hiệp lữ hay Hồ Phỉ (Tuyết Sơn Phi Hồ và Phi Hồ ngoại truyện) có thể xem là những biểu tượng của chủ nghĩa tự do cá nhân, thì Trương Vô Kỵ (Ỷ Thiên Đồ Long ký) lại là một sự tìm về với thế nhân thường tình. Nếu Địch Vân là tận cùng u ám, là bước đột phá đầu tiên phủ nhận chữ “hiệp” trong nỗi hoang mang “đời là bể khổ”, thì Tiêu Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc là những cố gắng đi tìm sự giải thoát nhuốm màu Thiền. Nếu Thạch Phá Thiên của Hiệp khách hành là tuyên ngôn “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”, thì Lệnh Hồ Xung của Tiếu Ngạo giang hồ là tiếng kêu tuyệt vọng của lương tri giữa những ẩn dụ về các ván cờ địa chính trị gió tanh mưa máu.

Xuyên suốt hành trình đó, Kim Dung lật đi lật lại chính nhân sinh quan của mình. Và chính là bởi vì luôn luôn tự vấn như vậy, ngọn bút của ông cũng luôn luôn đặc sắc.

Trước ông và cả sau ông, thế giới võ hiệp không có nhiều nhân vật chính đầy khiếm khuyết đến vậy. Quách Tĩnh khù khờ, Dương Quá ích kỷ, Trương Vô Kỵ ủy mị, Kiều Phong bế tắc, Thạch Phá Thiên mù chữ, Vi Tiểu Bảo đê tiện…thảy đều không giống với những hình tượng mang tính ước lệ thập toàn thập mỹ quen thuộc. Đến cả Trần Gia Lạc cũng quá lụy tình. Đến cả Viên Thừa Chí cũng quá đa đoan.

Và Địch Vân. Gã trai làng bị đẩy vào giang hồ, bị vùi dập, bị tàn hại, bị tước đoạt tất cả những gì thân yêu nhất, vô tình nhận tuyệt kỹ mà chỉ mong chạy trốn khỏi giang hồ, cuối cùng cũng đành chạy trốn khỏi giang hồ.

Và Hồ Phỉ. Trang cuối Tuyết Sơn Phi Hồ, câu chuyện trăm năm để ngỏ. Một đao chém xuống đầu cha của người yêu bên miệng vực, thế nào là đúng? Thế nào là sai?

Trần Mặc gọi hành trình ấy của Kim Dung qua 17 năm và 15 tác phẩm là hành trình đi từ “Hiệp” qua “Phi hiệp” đến “Phản hiệp”. Nhưng có lẽ không chỉ vậy. Khi tiến lên và kể cả lúc dừng lại, Kim Dung đi tìm một thái độ sống cho chính mình. Trên con đường đó, qua những thể nghiệm, ông (cả vô tình và hữu ý) mang được đặc trưng văn hóa truyền thống Trung Hoa vào ngọn bút, để rồi trở thành một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất đến độc giả toàn cõi Á Đông.

Chỉ một đoạn Tổ Thiên Thu luận tửu trong Tiếu Ngạo giang hồ thôi, đã là sự kết đọng của bao nhiêu trầm tích. Và sẽ là thừa thãi nếu phải nhắc lại ở đây bao nhiêu danh vị, bao nhiêu hào quang, bao nhiêu lời xưng tụng suốt chừng ấy thập kỷ.

Có điều, danh vọng hẳn không phải là mục đích cuối cùng mà Kim Dung hướng tới. Nếu thực sự coi trọng danh tiếng của mình trên văn đàn kiếm hiệp (hoặc hơn thế, trên tư cách là một tiểu thuyết gia nói chung), ông đã không từ bỏ cuộc chơi sớm đến như vậy. Xuất phát điểm là nghề nuôi thân, kết thúc là cách bộc bạch tâm tư trước dâu bể, tiểu thuyết kiếm hiệp với Kim Dung, xét cho cùng, chỉ là một phương tiện.

Tuy nhiên, ông không bao giờ vô trách nhiệm với phương tiện ấy. Khi chọn dừng lại, ở Lộc Đỉnh ký – tác phẩm mà ông mất tới ba năm để hoàn tất (1969-1972), độc giả hiểu rằng ông khó có thể vượt qua được chính mình nữa. Và như vậy, thay vì cố cưỡng cầu để tự làm hoen ố danh tiếng của mình bằng những sản phẩm dưới tầm trên mặt báo, ông bỏ thêm 10 năm cho một quá trình hoàn thiện lần cuối.

Dù thành dù bại, đó cũng là sự biểu hiện phẩm cách của một bậc thức giả. Dù dở dù hay, đó cũng là cánh cửa giải thoát ông khỏi chính cái khung “minh chủ văn đàn kiếm hiệp” mà ông phải mang.

Cổ Long kế thừa vị trí của ông trên Minh báo với Lục Tiểu Phụng, như ông đã từng kế thừa Lương Vũ Sinh. Kể từ đó, ông thanh thản làm một Tra Lương Dung với lời nói mang sức nặng “cửu đỉnh”, không chỉ quanh Hong Kong mà vào tận đại lục. Một điểm dừng, một sự thoát xác. Một tâm thế thanh thản trong vòng xoáy cuộc đời, như hai câu thơ cổ ông mang vào Thư kiếm ân cừu lục ngày khởi bút:

“Đem quân trăm vạn Tây Hồ ruổi

Dừng ngựa Ngô Sơn ngắm núi sông…”

Bài: Đông Phong

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà