Kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

Khai thác hiệu quả thị trường hơn 100 triệu dân đòi hỏi những “đầu tàu” thúc đẩy du lịch nội địa, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang từng bước khẳng định vai trò liên kết, xúc tiến du lịch với nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Với những chương trình hành động này, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ góp phần khoác lên “chiếc áo mới” cho ngành du lịch tại khu vực phía Nam, mà còn tạo “làn gió mới” cho thị trường du lịch cả nước, mang đến cho người dân cơ hội khám phá vẻ đẹp của mọi miền đất nước bằng những tuyến tour, sản phẩm, dịch vụ chất lượng, tiện ích và ưu đãi hơn bao giờ hết.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang khẩn trương xúc tiến liên kết, hợp tác phát triển du lịch với vùng Đông Nam Bộ. Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng ký thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác du lịch trong thời gian tới.

Vai trò đầu tàu

Thống kê cho thấy với số lượng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đứng đầu về cả số lượng lẫn chất lượng, các tỉnh, thành khu vực phía Nam có lợi thế phát triển những chương trình du lịch hướng đến việc xây dựng thương hiệu du lịch cho khu vực. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch.

Để kích cầu thị trường du lịch nội địa, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch cần những thành phố lớn, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh, phát huy vai trò đầu tàu trong liên kết địa phương, tạo nên chuỗi cung cầu, nhất là ở khâu phát triển sản phẩm, dịch vụ. Du lịch được đánh giá là ngành kinh tế tổng hợp, tác động và kéo theo những ngành kinh tế khác phát triển. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất nước.

Ngành du lịch cần những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu trong liên kết địa phương, tạo nên chuỗi cung cầu

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết Thành phố đã xúc tiến chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với nhiều địa phương trong thời gian qua. Điển hình, kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 cần tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, giữ ổn định thị trường truyền thống. Cùng với đó, các địa phương phối hợp tổ chức sự kiện chung để tăng cường liên kết, quảng bá xúc tiến sản phẩm mới, tuyến tour liên vùng.

Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực khẳng định vai trò là điểm kết nối và đầu mối liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Cùng với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, thông qua những hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra sản phẩm du lịch mới giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh và giữa những địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhau.

Ra mắt Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Ra mắt Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Liên quan đến vấn đề liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm, việc ký kết liên kết không nằm ngoài mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh đến nhiều địa phương trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó vì thiếu sản phẩm mới, phải tự tìm tòi, xây dựng… Đặc biệt, đầu mối kết nối từ phía chính quyền sẽ tạo ra cầu nối và thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Trong kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh… còn doanh nghiệp tập trung nguồn lực tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng xu hướng thị trường. Trên cơ sở đó, các địa phương thúc đẩy quá trình kết nối, khảo sát thị trường… giúp doanh nghiệp có thêm thông tin về những điểm đến mới và cùng nhau khai thác hiệu quả ngành du lịch tại địa phương.

Cũng như chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ sẽ hướng đến phối hợp hoàn thành mục tiêu xây dựng cho rõ thương hiệu du lịch vùng thông qua những chương trình hành động cụ thể. Mỗi tỉnh, thành muốn kêu gọi đầu tư đạt hiệu quả sẽ phải rà soát và lựa chọn một hoặc hai dự án tiêu biểu gắn với phát triển lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Lợi thế địa phương

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch mới, nhằm thu hút du khách, kích cầu du lịch địa phương. Tất cả địa phương tham gia liên kết hợp tác phát triển du lịch đều thống nhất cần có chính sách cụ thể trong xây dựng sản phẩm liên tuyến, nhất là đổi mới sáng tạo để phát huy được lợi thế cửa ngõ và thế mạnh của từng địa phương.

Các địa phương sẽ phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình kích cầu du lịch kết nối từ Thành phố Chí Minh đến 5 tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh, thành sẽ xây dựng chương trình du lịch gắn với tham quan các khu di tích lịch sử; du lịch sinh thái cộng đồng; văn hóa trải nghiệm ẩm thực, làng nghề truyền thống; du lịch đường thủy kết hợp với những phương tiện khác để phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Điển hình, vùng Đông Nam Bộ có ưu điểm về cơ sở hạ tầng du lịch, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Một số địa phương trong vùng còn có những tuyến tour, sản phẩm, dịch vụ đặc trưng văn hóa di sản, núi rừng, biển đảo… Cụ thể, các tỉnh, thành có thể xây dựng những tuyến tour liên kết kích cầu du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bà Rịa-Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Tây Ninh…

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã có những sản phẩm du lịch nhà vườn, sản phẩm du lịch đường sông, làng nghề… nên cần được đầu tư phát triển hơn. Nếu phát triển hiệu quả những mô hình này, các địa phương sẽ đảm bảo đáp ứng xu hướng thị trường có nhu cầu không chỉ dừng chân ở Thành phố Hồ Chí Minh mà đi về các tỉnh, thành khác.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Nguồn: TTXVN)
Phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Nguồn: TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà nhiều địa phương khác trên cả nước đã và đang tập trung phát triển du lịch, xem đây là ngành kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn thiếu và yếu ở khâu xây dựng những tuyến tour liên kết hay hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ mang lại tiện ích cho du khách và giữ chân du khách trong thời gian lâu hơn.

“Ghi thực tế, những sản phẩm, dịch vụ liên tuyến, liên vùng đã có và đang được phát triển, nhưng chưa chặt chẽ và phát huy được hiệu quả. Do đó, cần sự hợp tác của chính quyền địa phương, sở, ngành và sự đồng hành của doanh nghiệp trong thúc đẩy đầu tư vào du lịch, tăng cường hợp tác phát triển liên kết ngành,” bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm, đại diện một số tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ cho rằng thúc đẩy kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, mà cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, thị trường du lịch đang đòi hỏi hình thành sản phẩm liên tuyến, liên vùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chào bán sản phẩm, dịch vụ mới trong khai thác và tiếp cận du khách nội địa.

Giải pháp phát triển ngành du lịch

Cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương, nhiều tỉnh, thành, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành tại khu vực phía Nam đang tích cực hưởng ứng những chương trình kích cầu thị trường du lịch nội địa. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đầu ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần chia sẻ giải pháp phát triển ngành du lịch theo xu hướng thị trường và đảm bảo đáp ứng thị hiếu của khách du lịch.

Định hướng thị trường

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành của các tỉnh, thành đã và đang thể hiện thông điệp liên kết trong xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng xu hướng của thị trường và định hướng phát triển du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Vấn đề đặt ra là làm sao khi du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục di chuyển về các tỉnh, thành khác để kích cầu du lịch, hàng không về địa phương.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực tìm kiếm những giải pháp giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch trên địa bàn thành phố và từng bước mở rộng liên vùng.

TP.HCM không ngừng nỗ lực tìm kiếm những giải pháp giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch trên địa bàn thành phố và từng bước mở rộng liên vùng

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều hoạt động tổ chức kích cầu và tạo ra những sản phẩm kích thích du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh. Và từ đây, du khách tiếp tục hành trình khám phá, trải nghiệm ở những tỉnh, thành lân cận. Ngành du lịch thành phố kỳ vọng thị trường du lịch sẽ sôi động trở lại, đóng góp thiết thực vào ngành du lịch của nhiều địa phương và cả nước trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho rằng các địa phương cần chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để cùng nhau hình thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, cũng như phối hợp hiệu quả trong công tác quản lý ngành, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lục…

Nghi thức cắt băng khai mạc ngày hội kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Nghi thức cắt băng khai mạc ngày hội kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Tuy không phải tỉnh nào cũng xác định du lịch là ngành mũi nhọn, nhưng muốn xây dựng thương hiệu, tạo nên sự độc đáo cho du lịch địa phương hay từng bước tiến đến hình thành thương hiệu khu vực, trong bài toán liên kết hợp tác, định hướng thị trường cần khai thác hiệu quả tiềm năng của mỗi tỉnh, thành.

Với bối cảnh nhiều thách thức để phục hồi và phát triển ngành du lịch như hiện nay, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tập trung 4 nội dung, gồm: phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến; đầu tư vào phát triển hạ tầng hoặc các tuyến điểm dịch vụ về du lịch; liên kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, người dân trong nước đang có xu hướng ưu tiên tour ngắn ngày và những tuyến tour đến những tỉnh, thành lân cận Thành phố Hồ Chí Minh.

Dẫn chứng cụ thể, bà Tạ Thị Cẩm Tiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Bến Thành chỉ ra rằng muốn giữ chân du khách ở lại hay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp cần có tuyến tour sáng đi và chiều về đến những tỉnh, thành khác. Những tuyến tour này còn góp phần quảng bá, giới thiệu điểm đến đặc trưng của nhiều địa phương trong khu vực phía Nam hoặc những tỉnh, thành mà Thành phố Hồ Chí Minh có liên kết hợp tác phát triển du lịch.

Cùng quan điểm, một số doanh nghiệp khác đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế về thị trường, dân số đông, thu nhập bình quân cao… nên là thị trường lớn đối với lĩnh vực du lịch nội địa và là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành khai thác những điểm đến tiềm năng. Do đó, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cần tiên phong phát triển những chương trình kích cầu du lịch nội địa, thu hút khách du lịch đến những điểm đến an toàn trên địa bàn thành phố.

Đa dạng ưu đãi

Mặc dù ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh không “ngủ đông,” mà tận dụng cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp, quản trị công ty… Ngoài ra, ngay khi đại dịch được kiểm soát, nhiều đơn vị đã tung ra những gói kích cầu du lịch, chương trình ưu đãi hấp dẫn…

Ghi nhận thực tế trong tháng 6/2020, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động chương trình Kích cầu du lịch nội địa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020. Đây là một trong những hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu về một Thành phố Hồ Chí Minh an toàn-sống động-thân thiện-nghĩa tình nhằm triển khai chủ đề năm 2020 của Thành phố Hồ Chí Minh: “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị,” đồng thời hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam.”

Tuy vừa mới khởi động, chương tình thu hút hàng trăm doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển (hàng không, đường sắt, đường bộ), cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm và các điểm tham quan trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tham gia. Theo thống kê, chương trình đã có gần 260 chương trình tour và 280.000 vé ưu đãi giảm từ 10 đến 70%, áp dụng từ nay đến cuối năm 2020.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đưa website kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (tại địa chỉ www.kichcaudulichtphcm.vn) vào vận hành, phục vụ du khách đến thành phố. Website này cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết và kịp thời cho du khách về chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp tham gia chương trình Kích cầu du lịch nội địa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020.

Website được kết nối trực tiếp với website của doanh nghiệp và trang mạng xã hội, nhằm tăng tính tương tác giữa du khách và nhà cung cấp dịch vụ. Theo đó, du khách có thể tìm kiếm những chương trình tour theo điểm đến hoặc theo giá với đầy đủ thông tin về đơn vị tổ chức, chương trình chi tiết và thời hạn áp dụng.

Kích hoạt website kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ www.kichcaudulichtphcm.vn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Kích hoạt website kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ http://www.kichcaudulichtphcm.vn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Sở Du lịch và Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát động Cuộc thi ảnh đẹp online với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh xin chào.” Cuộc thi này khuyến khích tác giả, tác phẩm dự thi thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh quan, kiến trúc của Thành phố Hồ Chí Minh; sự đa dạng văn hóa của thành phố trong ẩm lực, lễ hội, nếp sống…

Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist, doanh nghiệp luôn cam kết đồng hành với nhiều chương trình kích cầu du lịch của bộ, ngành. Bên cạnh đó, những chương trình kích cầu du lịch mà Saigontourist tham gia sẽ luôn được đảm bảo chất lượng và tăng tiện ích dịch vụ.

Ông Võ Thành Tài cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh nên phát động những chương trình như người Việt Nam đi du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, người Thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch Thành phố Hồ Chí Minh… Bộ, ngành nên xác định mục tiêu phải đạt từ nay đến cuối năm 2020 cho từng nhóm lĩnh vực du khách. Từ đó, Bộ, ngành cùng doanh nghiệp xây dựng cho ngành du lịch những chương trình hành động cho từng chỉ tiêu cụ thể và chính sách phù hợp với diễn biến thị trường, thị hiếu du khách.

Một số chuyên gia nhận định trong tình hình hiện nay, không thể nào không thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch, cùng với đó là giải quyết tâm lý quan ngại đại dịch. Ngành du lịch sớm xây dựng chương trình nội dung cụ thể kích cầu du lịch đối với từng nhóm du lịch nội địa, khách quốc tế và giải pháp truyền thông.

Tại Việt Nam, thị trường du lịch đang chia rõ ba nhóm cao cấp, trung cấp và bình dân, trong đó khách cao cấp hưởng ứng du lịch kích cầu khá tốt, nhưng khách trung và bình dân lại khá ảm đạm. Vì vậy, kích cầu du lịch, sở, ngành và doanh nghiệp phải hướng đến được cả 3 đối tượng khách cao cấp, trung lưu, thu nhập thấp.

Chợ Bến Thành nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Chợ Bến Thành nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Tín hiệu khả quan cho ngành ‘công nghiệp không khói’

Nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh cho những tháng cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tổ chức những chuyến tham quan, du lịch kết hợp khen thưởng, thi đua, hội nghị, hội thảo, họp mặt khách hàng… Đây là tín hiệu khả quan cho ngành “công nghiệp không khói” của Thành phố Hồ Chí Minh giữa bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức sau khi đại dịch được kiểm soát. Đặc biệt, dự báo được xu hướng này, các doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch đã và đang từng bước vào cuộc tái khởi động mạnh mẽ thị du lịch gắn với thương mại, dịch vụ.

Đáp ứng thị hiếu du khách

Kết quả khảo sát thị trường du lịch của một số doanh nghiệp, công ty lữ hành cho thấy, tổ chức du lịch thường niên đã trở thành hoạt động cần thiết của mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh. Du lịch được xem là một hoạt động thư giãn, chăm lo đời sống an sinh xã hội hiệu quả nhất đối với người lao động, không chỉ đáp ứng đơn thuần nhu cầu vui chơi giải trí mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội và an sinh xã hội.

Các doanh nghiệp cho rằng sau mỗi chuyến đi, hầu hết thành viên trong công ty sẽ hăng say và có tinh thần làm việc cao hơn. Đây là dịp để mọi người thấu hiểu, gắn bó với nhau hơn, hiệu quả công việc cũng được tăng lên. Do đó, du lịch được đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất đem lại đời sống tinh thần cho người lao động và hiệu quả tích cực trong công việc, giúp người lao động tái tạo năng lượng.

Nhân viên Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát khẩu trang miễn phí cho khách du lịch nước ngoài. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Nhân viên Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát khẩu trang miễn phí cho khách du lịch nước ngoài. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho biết chỉ tính riêng trong tháng 5/2020, doanh nghiệp đã phục vụ 24 đoàn khách và tháng 6/2020 là 124 đoàn khách. Dự kiến trong tháng 7/2020 sẽ có 168 đoàn và số lượng khách sẽ tăng mạnh vào giai đoạn cuối năm. Vietravel còn phục vụ thành công nhiều đoàn khách M.I.C.E lớn khác… Hiện tại, lượng khách M.I.C.E chiếm đến 70% tổng lượng khách tham gia tour của Vietravel.

Tương tự, bên cạnh dấu hiệu khởi sắc từ thị trường khách lẻ, thị trường khách đoàn nội địa của Lữ hành Saigontourist cũng đã bắt đầu đón nhận những dấu hiệu tích cực trở lại khi các đoàn khách công ty, cơ quan, xí nghiệp đã liên hệ tư vấn và ký hợp đồng du lịch cho các tour dự kiến khởi hành trong tháng 6 và tháng 7/2020.

Đáp nhu cầu đi du lịch của du khách, cũng như đánh dấu việc chính thức khởi động lại hoạt động kinh doanh, Lữ hành Saigontourist triển khai đa dạng gói sản phẩm du lịch trong nước dành cho nhóm khách nhỏ, nhóm khách gia đình với mức giá ưu đãi so với giá bình thường. Song song với đó, Saigontourist cam kết đảm bảo sự an toàn cho du khách đi tour, với chất lượng dịch vụ không đổi, hành trình tham quan mới lạ và lịch khởi hành linh hoạt.

Cùng với các gói tour truyền thống, tour Free and Easy hay Combo nghỉ dưỡng cao cấp, Lữ hành Saigontourist còn triển khai dịch vụ cung cấp Travel Voucher. Với tính năng tiện dụng và linh hoạt phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện đại, phiếu du lịch Saigontourist Travel Voucher là món quà ý nghĩa, hữu ích để doanh nghiệp dành tặng nhân viên hay khách hàng, đối tác như một hình thức tri ân, mừng ngày khai trương, khen thưởng…

Từ nay đến ngày 30/9, khách hàng tại ba khu vực thị trường miền Bắc, miền Trung và miền Nam sẽ nhận được ưu đãi lên đến 50% khi sử dụng dịch vụ lưu trú, lữ hành, ẩm thực, giải trí và đào tạo của hệ thống Saigontourist Group. Đây cũng là chương trình khuyến mãi quy mô lớn lần thứ 2 trong năm 2020 của Saigontourist, nhằm góp phần chung tay phục hồi thị trường nội địa trong nỗ lực hưởng ứng chiến dịch “Người Việt Nam ưu tiên đi du lịch Việt Nam,” cũng như những chương trình kích cầu du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh.

Gắn với thương mại, dịch vụ

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Phòng Truyền thông-Marketing Công ty TST tourist, hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, TST tourist không những đã xây dựng hệ thống tuyến tour du lịch trong nước đa dạng, chất lượng, hướng đến những điểm đến an toàn, mà còn tập trung vào công tác tập huấn, đào tạo. Trong đó, văn hóa ẩm thực là một đề tài có sức hút đặc biệt. Vì món ăn ngon không chỉ thu hút thực khách mà còn chứa đựng những kiến thức bổ ích, gắn với văn hóa và lối sống của người dân từng vùng miền.

“Với mỗi món ăn gắn liền với những câu chuyện thú vị, tạo nên hương vị đặc trưng của vùng miền đó, du khách sẽ thêm yêu thích hành trình khám phá, trải nghiệm du lịch nội địa từ Bắc chí Nam. Trên cơ sở đó, hướng đến mục tiêu của chương trình kích cầu du lịch chính là khuyến khích khách du lịch chu du khắp Việt Nam từ việc khơi nguồn cảm xúc,” ông Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hàng giới thiệu ứng dụng du lịch thông minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hàng giới thiệu ứng dụng du lịch thông minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi nhu cầu thị trường du lịch, thương mại, dịch vụ và tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương thành phố đã và đang triển khai hàng loạt chương trình kích cầu tiêu dùng dành cho người dân, cũng như khách du lịch trên địa bàn thành phố. Có thể kể đến chương trình 60 ngày vàng khuyến mãi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra từ nay đến hết ngày 30/7/2020 hay chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 2-5/7/2020.

Đây là lần đầu tiên Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình 60 ngày vàng khuyến mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hướng đến mục tiêu vừa mang đến những hoạt động khuyến mại đa dạng, vừa tạo điều kiện cho người tiêu dùng, du khách mua sắm với mức khuyến mại hàng hóa, dịch vụ… lên tới 100%. Đồng thời, chương trình này cũng là hoạt động khuyến mại tập trung kéo dài và mở đầu cho chương trình “Tháng khuyến mại năm 2020” của thành phố.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay tất cả chương trình kích cầu tiêu dùng luôn phân bổ thành hai khu vực chính, gồm: sản phẩm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước. Điều này đảm bảo mục tiêu của chương trình hướng đến tổ chức kết nối trực tiếp đơn vị sản xuất-cung ứng-phân phối-xuất khẩu thông qua hoạt động xúc tiến, triển lãm giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc sản.

Những chương trình kích cầu đã và đang diễn ra thu hút sự tham gia của gần 1.300 doanh nghiệp, với hơn 1.700 chương trình

Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, những chương trình kích cầu đã và đang diễn ra thu hút sự tham gia của gần 1.300 doanh nghiệp, với hơn 1.700 chương trình được thực hiện tại 235 chợ truyền thống, 217 siêu thị, 45 trung tâm thương mại, hàng ngàn cửa hàng và nhiều kênh thương mại điện tử đang hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá những chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với nhiều lĩnh vực như thương mại, dịch vụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là một sáng kiến đạt mục tiêu kép, vừa mang lại cơ hội cho ngành du lịch phục hồi và phát triển, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Đáng chú ý hơn, những chương trình này tạo được sự kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia định hướng thị trường du lịch, tiêu dùng, mua sắm…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng doanh nghiệp cần hiểu rõ kích cầu với mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sự hấp dẫn về giá, điểm đến, dịch vụ, tiện ích… nên đòi hỏi sự liên kết chuỗi cung ứng với sự tham gia của tất cả thành phần liên quan trong ngành. Doanh nghiệp có thể triển khai đa dạng kế hoạch giảm giá, khuyến mãi và thực hiện ưu đãi nhưng tránh tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng, nhất là cần khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của doanh nghiệp lớn./.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)