Du lịch Phú Quốc

ttxvn1106ph-1591847607-99.jpg

Phú Quốc (Kiên Giang) được mệnh danh là “Đảo ngọc” – điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt đối với rất nhiều du khách, được định vị rõ nét trên bản đồ du lịch không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới.

Với diện tích 589,27km2, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của nước ta với đường bờ biển trải dài, nhiều bãi biển cát trắng mịn và những ngọn núi, cánh rừng nguyên sinh… tạo nên cho đảo bức tranh “sơn thủy hữu tình” không nơi nào có được.

Phát huy hiệu quả các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với tài nguyên biển đảo, hệ sinh thái rừng nguyên sinh để nhanh chóng phục hồi “ngành công nghiệp không khói” sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đồng thời có định hướng, chiến lược gắn phát triển du lịch với bảo tồn tài nguyên sinh thái rừng và biển là những giải pháp đồng bộ đang được chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Kiên Giang nói chung, huyện đảo Phú Quốc nói riêng chú trọng thực hiện.

Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua chùm 3 bài viết với chủ đề “Du lịch Phú Quốc: Khẳng định thương hiệu, nâng tầm điểm đến”./.

Sự trở lại ấn tượng

Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, từ cuối tháng 4 đến nay, các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch tại Phú Quốc đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng đón khách để phòng, chống dịch COVID-19.

Du lịch Phú Quốc đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, góp phần tạo nên những “làn sóng” du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm biển đảo, thu hút lượng lớn du khách đến với đảo ngọc phía Tây Nam Tổ quốc.

Trở lại hoạt động trong trạng thái trạng thái bình thường mới, trước mắt là tập trung kích cầu du lịch nội địa, sẵn sàng các điều kiện đón khách quốc tế trở lại khi được phép, du lịch Phú Quốc đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, góp phần tạo nên những “làn sóng” du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm biển đảo, thu hút lượng lớn du khách đến với đảo ngọc phía Tây Nam Tổ quốc.

Phục hồi nhanh chóng

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến Phú Quốc vào những ngày đầu tháng 6 này là không khí tấp nập tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, nhiều chuyến bay cất, hạ cánh, du khách đến từ các tỉnh, thành phố của cả ba miền Bắc-Trung-Nam đều háo hức, phấn khích với chuyến du lịch biển đảo.

Điều này phần nào cho thấy du lịch Phú Quốc đang nhanh chóng phục hồi ấn tượng, hứa hẹn sự “bùng nổ” tiếp theo trong thời gian tới.

Toàn cảnh thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc). (Ảnh: Bùi Trường Giang/TTXVN)
Toàn cảnh thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc). (Ảnh: Bùi Trường Giang/TTXVN)

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc khẳng định Phú Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là trung tâm du lịch của quốc gia.

Hoạt động du lịch tại huyện đảo trong những năm gần đây hết sức sôi động. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong quý 1 và đầu quý 2 năm nay, du lịch Phú Quốc coi như “tê liệt.”

Từ đầu tháng 5, đặc biệt là những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, dù mới chỉ đón du khách trong nước song du lịch ở huyện đảo đã thể hiện sự phục hồi rất nhanh chóng. Tần suất các chuyến bay từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… đến Phú Quốc tăng dần trở lại.

Hiện bình quân mỗi ngày có khoảng 60-70 lượt máy bay hạ, cất cánh tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc và khoảng 7.000-8.000 du khách trong nước đến Phú Quốc.

Khu vực nuôi ngọc trai tại vùng biển An Thới, Khu bảo tồn biển Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Khu vực nuôi ngọc trai tại vùng biển An Thới, Khu bảo tồn biển Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Thời điểm từ giữa tháng 6 và tháng 7 lượng khách dự kiến sẽ tăng lên dần khoảng 10.000-12.000 khách mỗi ngày. Như vậy, trong năm nay, Phú Quốc sẽ đón khoảng hơn 3 triệu du khách, trong đó chủ yếu là du khách trong nước.

Cũng theo ông Huỳnh Quang Hưng, để nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, lãnh đạo huyện đã có kế hoạch cùng Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc bàn thảo, xây dựng các giải pháp kích cầu du lịch, tạo điều kiện cho cơ sở dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí đón khách trở lại sau khi đã đảm bảo các biện pháp phòng dịch, tạo sự an toàn, tin tưởng cho du khách.

Lãnh đạo huyện Phú Quốc cũng đã trao đổi với đại diện nhiều tập đoàn đang đầu tư, khai thác những khu dịch vụ du lịch lớn, chất lượng cao như Vingroup, Sun group… có chính sách kích cầu bằng cách giảm giá, gia tăng giá trị sản phẩm hoặc giới thiệu sản phẩm mới tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách trở lại nhanh chóng.

Cơ hội để nhiều du khách đến với Đảo Ngọc

Giá nhiều tour du lịch đến Phú Quốc chưa bao giờ rẻ như hiện nay là khẳng định của đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn trong nước.

Theo thông tin từ Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist – một trong những doanh nghiệp đang thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa nhằm tạo cơ hội cho nhiều du khách đi du lịch vào dịp cao điểm mùa Hè năm nay, doanh nghiệp này đã thiết kế nhiều tour phù hợp, trong đó có nhiều điểm đến là những thành phố biển, huyện đảo khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh hữu tình.

Khách tham quan du lịch tại cảng biển quốc tế An Thới-Phú Quốc. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN) 
Khách tham quan du lịch tại cảng biển quốc tế An Thới-Phú Quốc. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN) 

Tiếp theo gần 200 sản phẩm du lịch kích cầu đang được triển khai đến du khách từ đầu tháng 5, trong đó có nhiều tour khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội đi Phú Quốc với giá ưu đãi, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist vừa có thêm chùm Combo (gói dịch vụ) nghỉ dưỡng tại các khách sạn, resort cao cấp đưa du khách đến Phú Quốc, Nha Trang… với mức giá rất ưu đãi.

Các gói du lịch kết hợp sinh hoạt tập thể, du lịch kết hợp khen thưởng, tri ân, hội nghị… tại nhiều điểm đến hấp dẫn mà một trong những điểm nhấn chính là đảo ngọc Phú Quốc, cũng được đưa ra.

Từ góc độ doanh nghiệp trực tiếp thiết kế, khai thác nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc thù vùng biển đảo, ông Hồ Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Namaste Phú Quốc chia sẻ dù chưa hết những khó khăn do mới chỉ có khách du lịch nội địa, song chắc chắn thời gian tới sẽ ngày càng nhiều du khách lựa chọn Phú Quốc cho chuyến du lịch bởi nhiều ưu điểm như an toàn dịch bệnh, cảnh đẹp hiếm có, khí hậu trong lành và đang có nhiều chương trình giảm giá dịch vụ, gia tăng các giá trị trải nghiệm…

Từ đầu tháng 5 đến nay, mỗi ngày đã có khoảng 100-150 du khách trải nghiệm hoạt động đi bộ dưới đáy biển, ngắm san hô, cá biển và đều có cảm nhận hết sức hài lòng, thú vị.

Chị Nguyễn Thị Liên Hương, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, gia đình chị có trẻ nhỏ nên sau 3 tháng nghỉ ở nhà gia đình rất muốn cho các con đi du lịch, tham quan giải trí để được thay đổi không khí, tạo tâm lý thoải mái.

Vé máy bay, các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng đều giảm trong khi vẫn đảm bảo chất lượng các dịch vụ, biển đảo phong cảnh tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ là lý do khiến gia đình chị chọn điểm đến là Phú Quốc.

Đến tham quan Công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc – nơi có khu bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất Việt Nam với trên 2.000 cá thể và 1.200 loài thực vật, được trải nghiệm theo hình thức “thả thú nhốt người,” các thành viên trong gia đình chị Liên Hương, nhất là các cháu nhỏ cảm thấy hết sức thích thú khi lần đầu tiên được nhìn thấy hổ, gấu, sư tử, hươu cao cổ… ở cự ly rất gần song vẫn đảm bảo sự an toàn cần thiết./.

Khách du lịch tham quan gành đá Dinh Cậu, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) 
Khách du lịch tham quan gành đá Dinh Cậu, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) 

Hoàn thiện nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp

Thời điểm này, dù mới chỉ đón du khách nội địa trở lại, song du lịch Phú Quốc đã khá sôi động. Đón nhận những tín hiệu vui, tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm chất lượng cao để cạnh tranh sòng phẳng với nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới, đang tiếp tục được các doanh nghiệp du lịch ở Phú Quốc đẩy mạnh thực hiện, góp phần khẳng định nơi đây luôn xứng tầm một thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp quốc tế.

Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp quốc tế

Tỉnh Kiên Giang đã xác định trong thời gian tới phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong đó xây dựng đảo Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ du lịch giao thương quốc tế hiện đại, chất lượng cao trong khu vực.

Tếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm chất lượng cao đang được các doanh nghiệp du lịch ở Phú Quốc đẩy mạnh thực hiện nhằm đưa địa điểm này xứng tầm một thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp quốc tế.

Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản giao Sở Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới qua Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Nguồn: TTXVN)
Tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới qua Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Nguồn: TTXVN)

Theo đó, Kiên Giang xác định tăng cường thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch sau dịch COVID-19 là yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch đồng bộ với định hướng xúc tiến thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch.

Theo đó, tỉnh xây dựng đảo Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ du lịch giao thương quốc tế hiện đại, chất lượng cao trong khu vực; đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ như mua sắm, vui chơi giải trí, thể dục thể thao… chất lượng cao phục vụ du lịch tại Phú Quốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết: Thời gian qua, Phú Quốc đã tập trung xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các cơ sở lưu trú, tăng cường phát triển các phương tiện vận tải… góp phần phát triển du lịch của huyện đảo.

Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhiều dự án dịch vụ du lịch được xây dựng đưa vào khai thác, sử dụng, nhiều khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được đưa vào phục vụ du khách như khu Vinpearl Phú Quốc – hệ thống phức hợp khu vui chơi-giải trí với khu tổ hợp khách sạn, resort sang trọng và hiện đại, Vinpearl Safari Phú Quốc, cáp treo An Thới-Hòn Thơm…

Hệ thống nhà hàng, khách sạn đầy đủ từ bình dân đến sang trọng cao cấp đã đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ ngơi và ẩm thực của khách du lịch đến đảo ngọc.

Hiện nay rất nhiều thương hiệu khách sạn danh tiếng quốc tế đều đã có mặt ở đảo ngọc, như JW Marriott, Hyatt, InterContinental, Regent, Best Western, Novotel…

Du khách tham quan dưới đáy biển ngắm san hô tại vùng biển Phú Quốc. (Nguồn: TTXVN)
Du khách tham quan dưới đáy biển ngắm san hô tại vùng biển Phú Quốc. (Nguồn: TTXVN)

Du khách đến Phú Quốc không chỉ được ngắm những bãi biển cát trắng nắng vàng tuyệt đẹp, mà còn có cơ hội thưởng thức nhiều sản phẩm độc đáo, đẳng cấp, tạo sự khác biệt, thu hút rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp du lịch, khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí, trải nghiệm tại Phú Quốc liên tục có sự đầu tư, đổi mới, hoàn thiện sản phẩm phù hợp với nhiều phân khúc thị trường du khách khác nhau.

Theo ông Hồ Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Namaste Phú Quốc, đi bộ dưới đáy biển, ngắm công viên san hô là sản phẩm chính được doanh nghiệp đầu tư và ngày càng có sự hoàn thiện tạo sự hấp dẫn, bất ngờ, đảm bảo tuyệt đối an toàn hoạt động trải nghiệm cho du khách.

Với diện tích hơn 10.000m2, có trên 200 loài san hô và 100 loài cá sắc màu, vào đầu năm 2020, điểm đến đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là Công viên san hô đầu tiên ở Việt Nam.

Hiện sản phẩm du lịch này được coi là một trong những điểm nhấn phù hợp với du khách trong nước và quốc tế yêu thích du lịch khám phá, tìm hiểu sự huyền bí, kỳ diệu của đại dương bao la. Trải nghiệm hoạt động này, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bí ẩn của đại dương mà không cần phải biết bơi, cả người lớn cũng như trẻ em đều có thể xuống biển trải nghiệm hoạt động thú vị này với sự trợ giúp của đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tạo sự an toàn, thoải mái và tin cậy trong từng bước đi dưới đáy đại dương cho du khách.

Không những vậy, du khách còn có thể đến tham quan những hòn đảo nhỏ thuộc huyện đảo Phú Quốc, với những cái tên rất ấn tượng như hòn Móng Tay, hòn Mây Rút Trong, hòn Mây Rút Ngoài, hòn Gầm Gì, được thiết kế trong cùng một hành trình tour với sản phẩm đi bộ dưới đáy biển.

Cũng tại Phú Quốc, vào đầu tháng 6/2020, công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam, hàng đầu châu Á mang tên VinWonders Phú Quốc đã được khai trương, góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường du khách, mang lại cho du khách những trải nghiệm, vui chơi, giải trí và cả mua sắm, thưởng thức ẩm thực trong một tổ hợp hoàn chỉnh, trọn vẹn và hấp dẫn.

Còn nguyên cảm giác sảng khoái, thú vị sau buổi tham quan, trải nghiệm tại Công viên chủ đề VinWonders Phú Quốc, anh Trần Long – du khách đến từ quận Đống Đa, Hà Nội, hào hứng chia sẻ anh chọn Phú Quốc là điểm đến cho chuyến du lịch đầu tiên trong mùa Hè năm nay vì nhận thấy đây là điểm đến phù hợp với tất cả các thành viên trong gia đình.

Đến Phú Quốc vào đúng dịp công viên chuyên đề vừa khai trương giai đoạn 1, anh Long rất ngỡ ngàng và thích thú vì với một chuyến du lịch trong nước, không cần ra nước ngoài anh đã có cơ hội khám phá khu Đại lộ châu Âu với những con phố dáng vẻ cổ kính, những căn nhà mái nhọn đúc gạch mang đến cảm giác như đang được du lịch ở châu Âu, quay ngược thời gian đến với một châu Âu thời trung cổ, hay khu Thế giới lốc xoáy để được hòa mình vào những trò chơi mang cảm giác mạnh được đặt tên là sóng thần Oahu, cuồng phong thịnh nộ, nọc độc mãng xà, cơn mưa nhiệt đới, truy tìm kho báu…

Đẩy mạnh kinh tế đêm, phát triển làng nghề truyền thống

Đối với hoạt động du lịch, một trong những vấn đề nhiều địa phương đang gặp phải chính là bài toán sản phẩm du lịch, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm, giải trí vào ban đêm.

Bởi lẽ, theo nhiều chuyên gia du lịch, các hoạt động trải nghiệm về đêm tại những điểm đến, nếu được khai thác phù hợp, đúng hướng sẽ góp phần đáng kể vào việc thu hút du khách, “giữ chân” du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, qua đó tăng doanh thu từ hoạt động du lịch.

Phú Quốc là một trong những địa phương bước đầu đã có được sản phẩm du lịch đêm, tạo cơ hội cho du khách tối ưu hóa lịch trình, tăng thời gian trải nghiệm, tham quan trong mỗi chuyến đi.

Khách du lịch tham quan chợ đêm Phú Quốc, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Khách du lịch tham quan chợ đêm Phú Quốc, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Sau một thời gian đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chợ đêm Phú Quốc khá hiệu quả, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn cho rằng chợ đêm là một trong những mô hình rất phù hợp để thu hút du khách, góp phần tăng sự trải nghiệm, thu hút du khách ở lâu hơn khi đến Phú Quốc.

Hầu hết du khách cả trong nước và quốc tế đến đảo ngọc Phú Quốc đều không thể bỏ qua địa chỉ này trong hành trình của mình. Du khách đến chợ đêm Phú Quốc có thể thưởng thức nhiều đặc sản mang hương vị đặc trưng của biển khơi, chọn mua các đặc sản ẩm thực dân dã như nước mắm, hạt tiêu, rượu sim, cá khô, đậu phộng chou chou với hàng chục vị khác nhau, bánh thốt nốt, kẹo chỉ Phú Quốc… hay những món quà lưu niệm như đồ trang sức từ ngọc trai, ốc biển, các sản phẩm thời trang cao cấp. Mô hình chợ đêm Phú Quốc hoạt động hiệu quả đã tạo ra thu nhập ổn định cho khoảng 300 hộ kinh doanh trực tiếp tại chợ và tạo điều kiện cho khá nhiều hộ có nhà ở quanh khu vực chợ, những người làm dịch vụ lái xe… có thêm thu nhập đáng kể hàng đêm từ các dịch vụ cho thuê nhà, thuê chỗ để xe bán hàng, dịch vụ taxi.

Khẳng định chủ trương khai thác hết tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cả trong khung thời gian ngày và đêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết huyện luôn tạo thuận lợi hết sức cho các nhà đầu tư phát triển kinh tế đêm.

Đối với sản phẩm kinh tế đêm, huyện đang tập trung phát triển, khai thác chợ đêm Phú Quốc. Thời gian tới, Phú Quốc tiếp tục mở thêm các chợ đêm như ở thị trấn An Thới, các xã Gành Dầu, Dương Tơ, Cửa Dương.

Hiện nay, một số khu nghỉ dưỡng, các nhà đầu tư cũng đã có những mô hình chợ đêm ngay trong khu resort, gắn các hoạt động văn hóa với các hoạt động ẩm thực, tạo điều kiện cho du khách tận dụng tối đa thời gian để khám phá, vui chơi khi đến du lịch Đảo ngọc.

Bên cạnh quan tâm phát triển mô hình chợ đêm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Phú Quốc còn đẩy mạnh hoạt động của các làng nghề truyền thống.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, đặc sản nước mắm Phú Quốc chính là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đạt chỉ dẫn địa lý được Liên minh châu Âu (EU) công nhận.

Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc sẽ quy hoạch làng nghề sản xuất nước mắm vào một khu nhất định để tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan mô hình sản xuất truyền thống, hiểu hơn về mặt hàng truyền thống, đặc sản của một làng nghề sản xuất có từ hàng trăm năm nay.

Huyện cũng quan tâm duy trì làng chài Bãi Thơm, làng chài Hàm Ninh, tạo sản phẩm du lịch đặc thù, có sức cạnh tranh cao của Phú Quốc. Đến những ngôi làng này, du khách sẽ hiểu hơn về những nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng biển, thưởng thức những món ăn đặc sản gắn với nguồn hải sản từ biển khơi./.

Khách du lịch tham quan khu sản xuất nước mắm tại Nhà thùng nước mắm Khải Hoàn trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Khách du lịch tham quan khu sản xuất nước mắm tại Nhà thùng nước mắm Khải Hoàn trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Sở hữu nguồn tài nguyên quý giá từ chính hệ sinh thái biển-đảo, núi-rừng nguyên sinh, thời gian qua Phú Quốc đã phát triển mạnh nhiều loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá.

Nhận thức rõ việc bảo vệ môi trường, gìn giữ bầu không khí trong lành là giải pháp quan trọng góp phần phát triển du lịch bền vững, Sở Du lịch Kiên Giang, Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc đã sớm xây dựng Bộ tiêu chí du lịch xanh Phú Quốc.

Để phát triển du lịch bền vững, gắn phát triển với bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên, qua đó vừa tạo sự bứt phá cho kinh tế du lịch, đảm bảo sinh kế người dân vừa giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường đảo ngọc là việc làm hết sức cần thiết.

Làm được như vậy, Phú Quốc chắc chắn sẽ luôn là điểm đến có sức thu hút đặc biệt đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế.

Bảo tồn hệ sinh thái biển đảo, núi rừng nguyên sinh

Theo thông tin từ Khu Bảo tồn biển Phú Quốc, Vườn Quốc gia Phú Quốc, huyện đảo này có hệ sinh thái biển đảo vô cùng phong phú với đường bờ biển bao quanh đảo, có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ như bãi Giếng, bãi Khem, bãi Sao, bãi Vòng, bãi Thơm, bãi Dinh Cậu…

Các biệt thự nghỉ dưỡng được xây trên các đảo nhỏ thuộc huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Các biệt thự nghỉ dưỡng được xây trên các đảo nhỏ thuộc huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Đây là những bãi tắm lý tưởng có bờ cát vàng trải dài với nước biển trong xanh, êm đềm, cùng nhiều loài tảo biển mang màu sắc hấp dẫn.

Bên cạnh đó, vùng biển Phú Quốc ấm, là môi trường thuận lợi cho các loài hải sản sinh sôi, phát triển nên sản vật biển của Phú Quốc rất phong phú; trong vùng biển quanh đảo Phú Quốc có nhiều rạn san hô.

Đặc biệt đây cũng là một trong hai vùng biển ở Việt Nam hiện còn tồn tại loài bò biển (Dugon) thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch và các nhà khoa học.

Không chỉ có hệ sinh thái biển đảo, hệ sinh thái núi rừng nguyên sinh ở Phú Quốc gồm nhiều dãy núi; hệ thực vật, động vật phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong sách Đỏ.

Rừng Phú Quốc có nhiều loại gỗ quý như sao đen, dầu rái, kim giao, cẩm lai, nhiều loài dược liệu; trong đó rừng nguyên sinh Phú Quốc còn có cây dó bầu bên trong có lõi trầm hương rất quý.

Ngoài hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nông nghiệp ở Phú Quốc với loại cây trồng chủ yếu là hồ tiêu, dừa, điều cũng là một dạng tài nguyên du lịch tự nhiên đặc biệt, được nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa vào khai thác trong các hành trình tour.

Loài bò biển. (Nguồn: glogster.com)
Loài bò biển. (Nguồn: glogster.com)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, huyện xác định rừng có ý nghĩa sống còn đối với chiến lược phát triển dịch vụ du lịch cũng như phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Huyện đảo đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, chống chặt phá rừng. Huyện cũng đã có kế hoạch trồng rừng thay thế để đảm bảo độ che phủ rừng ở địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua dù các cấp, ngành, các xã, thị trấn của huyện đã rất nỗ lực song tình trạng bao chiếm, lấn chiếm đất rừng thực tế vẫn xảy ra.

Hiện nay, các cấp chính quyền ở Phú Quốc cùng các lực lượng chức năng đang kiên quyết xử lý những trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép, bao chiếm đất rừng để bảo vệ rừng, tài nguyên rừng. Phú Quốc cũng sẽ kiến nghị, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, các bộ, ngành Trung ương để có kế hoạch, mở loại hình du lịch dưới tán rừng, tạo điều kiện để du khách khám phá, trải nghiệm được nhiều hơn, qua đó nâng cao ý thức chung tay bảo vệ tài nguyên sinh thái, bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Đối với việc bảo tồn hệ sinh thái biển-đảo, bên cạnh nhiều hoạt động quy hoạch, nghiên cứu bảo tồn được duy trì trong thời gian qua, mới đây vào giữa tháng 5/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt dự án điều tra, khảo sát hiện trạng đa dạng sinh học, điều chỉnh phạm vi diện tích các phân khu trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Đây là yêu cầu cấp bách từ thực tiễn ở Phú Quốc, đảm bảo duy trì các quá trình sinh lý và sinh thái của các hệ sinh thái, bảo tồn các quần xã sinh vật đặc trưng liên quan đến các hệ sinh thái đặc thù cũng như các khía cạnh về sinh học, sinh thái và kinh tế-xã hội.

Theo đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư duy trì sinh kế hiện tại và có cơ hội phát triển kinh tế liên quan đến nuôi trồng hải sản, hình thành các vùng có khả năng tái tạo phục hồi sinh thái cũng như phát triển du lịch.

Tỉnh cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia bảo tồn, phục hồi và sử dụng hợp lý tài nguyên để phát triển du lịch, các hoạt động nghiên cứu khoa học và giám sát môi trường biển.

Chung tay gìn giữ môi trường Đảo ngọc

Nhận thức rõ việc bảo vệ môi trường, gìn giữ bầu không khí trong lành là giải pháp quan trọng góp phần phát triển du lịch bền vững cho đảo ngọc, thời gian qua, Sở Du lịch Kiên Giang, Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc đã sớm xây dựng Bộ tiêu chí du lịch xanh Phú Quốc.

Canô và du thuyền đưa khách du lịch tham quan vùng biển An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Canô và du thuyền đưa khách du lịch tham quan vùng biển An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Các tiêu chí được đưa ra là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; hỗ trợ năng lực cạnh tranh với phát triển bền vững; nâng cao nhận thức, thực hành về du lịch xanh; đầu tư nguồn nhân lực; bảo tồn, nâng cao các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng khẳng định giải pháp quan trọng hàng đầu của ngành Du lịch Kiên Giang là phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Những sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đa dạng, đồng bộ có giá trị cao được xây dựng đáp ứng nhu cầu của du khách. Kiên Giang tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và sinh thái, chú trọng những sản phẩm du lịch xanh tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương.

Tỉnh xây dựng nhãn du lịch xanh cấp cho các khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành… đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, tháng 11/2019, lãnh đạo huyện Phú Quốc đã chính thức ký cam kết tham gia thực hiện chương trình hành động Đô thị giảm nhựa-một chương trình được thực hiện xuất phát từ sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa.

Phú Quốc là một trong ba địa phương đầu tiên của Đông Nam Á, cùng với thành phố Patong (Thái Lan) và Donsol (Philippines) cam kết loại bỏ ô nhiễm nhựa bằng cách xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý Dự án Phú Quốc hướng tới hòn đảo không còn rác thải nhựa (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) cho biết thực hiện hiệu quả các nội dung đã cam kết, nhiều chủ cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc đã có các hoạt động thiết thực như giảm việc sử dụng chai nhựa, ống hút nhựa, trang bị túi thân thiện môi trường cho du khách nghỉ tại khách sạn, resort của mình khi đi chợ đêm…

Đặc biệt, từ tháng 6/2019 đến nay, Phú Quốc đã duy trì hoạt động rất ý nghĩa là chọn ngày thứ Bảy tuần đầu tiên của mỗi tháng thực hiện “Ngày vì môi trường Phú Quốc” với phương châm “Mỗi tổ chức, cá nhân một hành động vì môi trường đảo ngọc Phú Quốc thêm xanh, sạch, đẹp và an toàn, thân thiện.”

Trong ngày này, chính quyền, người dân và cả du khách cùng tham gia làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, làm sạch bờ biển… góp phần gìn giữ môi trường đảo ngọc xanh, sạch, đẹp, tạo ấn tượng đẹp trong lòng khách du lịch trong và ngoài nước./.

Tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới qua Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Nguồn: TTXVN)
Tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới qua Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Nguồn: TTXVN)