Điều kỳ diệu

3-1545276468-5.jpg

Thuộc thế hệ phóng viên ảnh chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã từng đứng dưới những làn đạn bom, giữa ranh giới mong manh giữa sống và chết để ghi lại bao khoảnh khắc sống động của Hà Nội một thời hoa lửa.

Ngay cả khi B52 Mỹ oanh tạc bầu trời Thủ đô năm 1972 trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không lịch sử, ông cũng ghi lại được nhiều hình ảnh quý giá -những tác phẩm sau này đã được nhà nước vinh danh bằng nhiều giải thưởng cao quý.

– Có thể nói nhiệm vụ của những nhà báo, phóng viên ảnh chiến trường cũng giống như những người lính, họ có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Xin hỏi, tâm thế của ông với mỗi lần nhận nhiệm vụ thời đó ra sao?

Các phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam những năm chiến tranh giống như những người lính. Chúng tôi ngoài Bắc còn một số anh em ở trong Nam. Thời đó, bộ đội và nhà báo gắn bó khăng khít. Chúng tôi lăn lộn với các đơn vị thanh niên xung phong, giao thông vận tải và bộ đội pháo cao xạ – tên lửa – không quân.

Những người lính hứng chịu bom đạn đối phương như nào thì chúng tôi cũng hứng chịu như vậy. Các anh phấn khởi với chiến thắng thì chúng tôi cũng hứng khởi tương tự. Chúng tôi còn có nhiệm vụ nhiếp ảnh nên rất sung sướng và tự hào khi được ghi lại những chiến công lịch sử, chân dung những con người anh hùng của đất nước.

Các chiến sỹ pháo cao xạ đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ vùng trời thủ đô Hà Nội, tháng 12/1972. (Ảnh: Chu Chí Thành)
Các chiến sỹ pháo cao xạ đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ vùng trời thủ đô Hà Nội, tháng 12/1972. (Ảnh: Chu Chí Thành)

Chúng tôi vào trận với tâm thế rất ung dung, vui vẻ, và không ngại hy sinh. Mặc dù cái chết luôn cận kề nhưng chúng tôi luôn lấy hình ảnh những người lính cụ Hồ chiến đấu hăng say để noi gương. Bộ đội và phóng viên ảnh chiến trường gắn bó máu thịt trên mặt trận.

Tôi từng đi vào mặt trận Vĩnh Linh, Quảng Bình, các đơn vị bộ đội thường cử một chiến sỹ đi bảo vệ nhà báo. Họ dẫn nhà báo ra thực địa, tình hình nguy hiểm mà thấy nhà báo vẫn say sưa tác nghiệp sẽ cảnh báo hoặc đẩy nhà báo xuống hầm kịp thời, tránh nguy hiểm.

– Trận chiến Điện Biên Phủ trên không năm 1972 còn in đậm nét nhất trong ký ức ông là gì? Và ông đã ghi lại được những hình ảnh nào ấn tượng?

Phải nói đây là kỷ niệm không bao giờ quên với cá nhân tôi và những ai từng ở Hà Nội giai đoạn đó. Bởi đây là chiến thắng rất rực rỡ, quyết định vận mệnh chiến tranh của Việt Nam, quyết định hòa bình lập lại ở Việt Nam và Đông Dương. Nếu chúng ta thua thì đúng như Tổng thống Richard Nixon tuyên bố lúc đó, đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá.

Trận địa pháo cao xạ ở khu vực hồ Trúc Bạch bảo vệ Thủ đô, tháng 12/1972. (Ảnh: Chu Chí Thành) 
Trận địa pháo cao xạ ở khu vực hồ Trúc Bạch bảo vệ Thủ đô, tháng 12/1972. (Ảnh: Chu Chí Thành) 

Vì chúng ta đã chiến thắng nên những đổ nát của Hà Nội chỉ là một phần nhỏ chứ không phải toàn bộ Hà Nội sụp đổ dưới B52 của địch. Để làm được vậy là nhờ mưu mẹo chiến đấu gan dạ của những người lính sử dụng pháo cao xạ pháo và không quân tên lửa.

Tôi còn nhớ, ngày 16/4/1972 Mỹ đánh Hải Phòng, phía ta phóng lên hơn 90 quả tên lửa nhưng không hạ được máy bay địch nào. Cho đến tháng 12/1972, khi Mỹ cho B52 ném bom Hà Nội thì không quân hạ được 34 chiếc máy bay, làm rung chuyển cả Lầu năm góc và cuộc chiến phải dừng. Đó là chiến thắng kỳ diệu của quân hội Việt Nam.

“Tôi vẫn nhớ hình ảnh của những phi công hôm ấy, tác phong ngông nghênh kiểu ‘người hùng của Mỹ’ nhưng ẩn đằng sau đó lại là sự phấn khởi, mừng vui vì họ biết mình đã may mắn thoát chết giữa bầu trời B52 Hà Nội…”

Chúng ta đã hy sinh rất lớn nhưng nước Mỹ cũng chịu nhiều tổn thương. Nên tôi rất mừng là sau đó hai nước đã ký kết được Hiệp định Paris.

Trong trận chiến đó, tôi chụp được hai đối tượng là cảnh đổ nát, tang thương của khu vực Khâm Thiên-Bạch Mai, và tham gia cuộc họp báo quốc tế đưa các phi công Mỹ ra trước các nhà báo trong nước và quốc tế để tố cáo với thế giới rằng Mỹ ném bom Hà Nội với nhân chứng là các phi công này. “Đòn” tâm lý quan trọng hơn là những hình ảnh đó được phóng viên quốc tế đưa lên sóng truyền hình, gia đình, người thân các phi công Mỹ thấy con, em mình còn sống thì rất mừng và đấu tranh đòi ngừng chiến.

Người dân phố Khâm Thiên đi sơ tán sáng ngày 27/12/1972. (Ảnh: Chu Chí Thành)
Người dân phố Khâm Thiên đi sơ tán sáng ngày 27/12/1972. (Ảnh: Chu Chí Thành)

Tôi vẫn nhớ hình ảnh của những phi công hôm ấy, tác phong ngông nghênh kiểu “người hùng của Mỹ” nhưng ẩn đằng sau đó lại là sự phấn khởi, mừng vui vì họ biết mình đã may mắn thoát chết giữa bầu trời B52 Hà Nội…

Trong trận Điện Biên Phủ trên không tôi cũng chụp được hình ảnh một phi công chết bên xác B52 ở Định Công. Trong tư trang theo người anh ta có bức hình gia đình với cô vợ trẻ đẹp và trí tuệ, đứa con xinh xắn, ngây thơ. Tôi đã tự hỏi, anh ta chiến đấu vì điều gì để phải chết nơi đất khách quê người? Vì với tôi đây là cái chết vô nghĩa.

Thời điểm đó, chúng ta đã phải đấu tranh trên cả hai mặt trận là quân sự kết hợp chính trị, ngoại giao nên chỉ sau 12 ngày đêm Việt Nam đã có được chiến thắng lừng lẫy.

– Nhiều nhân chứng lịch sử nói với tôi rằng, trong trận chiến đó, Hà Nội dẫu tang thương, hoang tàn và đổ nát thì điều lạ lùng là người Hà Nội vẫn bình tĩnh đến kinh ngạc, lãng mạn và đầy tình người. Với ông lúc đó thì sao?

Tôi thấy đây cũng là điều kỳ diệu trong cuộc đời mà tôi và những người cùng thế hệ được trải qua, mà bây giờ nói thì các bạn khó có thể hình dung.

“Tất cả bước vào cuộc chiến một cách điềm nhiên như mọi sự phải thế, không hề lo lắng, sợ sệt bởi tin tưởng rằng mình sẽ chiến thắng.”

Người Hà Nội lúc đó bình tĩnh lắm, các chiến sỹ và cả chúng tôi cũng vậy. Tất cả bước vào cuộc chiến một cách điềm nhiên như mọi sự phải thế, không hề lo lắng, sợ sệt bởi tin tưởng rằng mình sẽ chiến thắng. Tin tưởng mình chiến thắng và mình chính nghĩa thì không sợ gì cả. Còn mất mát và hy sinh là đương nhiên, rơi vào ai người đó phải chịu, đó là thực tế.

Nên người ta vẫn nói trong cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không vẫn thấy chút gì đó hào hoa, lãng mạn của người Hà Nội là đúng. Họ rất tin chiến thắng, ở đâu cũng vui dù có nhiều hy sinh, dù thiếu ăn, dù chết chóc. Chôn cất người thân xong lại gạt nước mắt lao vào cuộc chiến đấu… Tôi thấy đó là điều kỳ diệu, lạ lùng nhưng có thật ở Việt Nam.

Bác sỹ, y tá và tổ dân quân chuẩn bị cứu người bị kẹt dưới hầm Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Chu Chí Thành)
Bác sỹ, y tá và tổ dân quân chuẩn bị cứu người bị kẹt dưới hầm Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Chu Chí Thành)

– Chờ đợi những khoảnh khắc bấm máy trong nguy hiểm, dưới cơn mưa bom B52, khi ấy tâm trạng ông thế nào?

Khi ấy tôi là nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam nên ý thức rất rõ ràng, tôi phải ghi lại thực tế này để lịch sử không bao giờ quên, rằng chính quyền Mỹ lúc đó đã có những quyết định rất sai lầm trong chiến tranh. Tôi cũng muốn gửi đi những hình ảnh cuộc chiến đó ra quốc tế để nhân dân thế giới biết được sự thật về cuộc chiến ở Việt Nam.

Chính những bức ảnh của chúng tôi đã góp phần thức tỉnh người Mỹ, là vũ khí trực tiếp đồng thời là tài liệu lâu dài cho lịch sử. Những bức ảnh là minh chứng cho hai phía, một là sự tàn bạo của chiến tranh do Mỹ gây ra, hai là tinh thần quật khởi của nhân dân Việt Nam, rằng “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ,” không bao giờ chịu cúi đầu đúng như câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong bản Tuyên ngôn độc lập.

Tinh thần đó đã giúp Việt Nam chiến thắng chứ lúc đó so sánh tiềm lực quân sự, vũ khí… ta đều thua xa Mỹ.

– Thế hệ những phóng viên ảnh như ông dù phải trải qua cuộc chiến tàn khốc với phương tiện làm nghề nghèo nàn, nhưng nhìn ở một góc độ khác, có thể lại là may mắn. Vì ông và các đồng nghiệp được sống trong những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc với nhiều “chất liệu” nghề quý giá, từ đó để lại những tác phẩm để đời mà thế hệ phóng viên trẻ như chúng tôi không bao giờ có được. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi thì nghĩ khác các bạn. Thế hệ sau khi nhìn lại thế hệ đi trước thường vừa khâm phục vừa ngưỡng mộ và đề cao, đó là tâm lý rất đáng trân trọng. Nhưng quả thực chúng tôi lúc đó không ai nghĩ rằng mình đi chụp ảnh và làm báo để trở thành anh hùng hay trở thành những người lưu danh, mà chỉ đơn giản là làm nhiệm vụ mà thôi.

Người lính trực tiếp cầm súng ra mặt trận thì chúng tôi cũng cầm máy ảnh và cây bút ra mặt trận. Đơn giản như thế nên chúng tôi rất thoải mái.

Bệnh viện Bạch Mai bị B52 đánh sập. (Ảnh: Chu Chí Thành)
Bệnh viện Bạch Mai bị B52 đánh sập. (Ảnh: Chu Chí Thành)

Sau này, khi nhà nước có xem xét lại các tác phẩm chụp thời chiến và có tôn vinh, đánh giá chúng tôi là thế hệ phóng viên vàng, thì tôi nghĩ “vàng” đó là nhờ được tôi luyện trong lửa đạn.

Không ai mong có chiến tranh để chụp ảnh, viết báo để rồi trở thành những người lưu danh thiên cổ cả bởi đó là sự đánh đổi bằng máu và nước mắt của hàng triệu người dân mình, nó đau đớn lắm. Nên các bạn có ngưỡng mộ thì đó là điều hiển nhiên của lịch sử thôi, chứ chúng tôi mong là chỉ có hòa bình và chụp ảnh trong hòa bình mới sung sướng và hạnh phúc.

Lịch sử đã chọn chúng tôi làm phóng viên ảnh chứ chúng tôi cũng không chọn cuộc chiến tranh ấy. Chúng tôi khi đó là những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, nếu không có cuộc chiến chúng tôi cũng chỉ là những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo bình thường… Nhưng vì sự cố lịch sử xảy ra đã cuốn tất cả vào và cái chất anh hùng truyền thống của dân tộc đã thấm vào người nên chúng tôi đã may mắn làm được một số việc.

“…thế hệ phóng viên trẻ bây giờ tài năng và giỏi hơn chúng tôi nhiều, có kiến thức hơn, có ngoại ngữ tốt hơn, có phương tiện làm nghề hiện đại hơn và cái nhìn về thế giới, con người cũng rộng rãi hơn chúng tôi…”

– Ông nghĩ sao về những thế hệ phóng viên ảnh sinh sau thời bình? Và theo ông, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không có ý nghĩa thế nào với thế hệ trẻ hôm nay?

Trận chiến 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không là trận chiến vĩ đại của lịch sử Việt Nam, là đỉnh cao chói lọi của chiến thắng dân tộc.

Với thế hệ trẻ sau này, chúng tôi mong muốn các bạn và con cháu chúng tôi sống trong hòa bình, được học hành, giao lưu với thế giới rộng mở. Tôi nghĩ thế hệ phóng viên trẻ bây giờ tài năng và giỏi hơn chúng tôi nhiều, có kiến thức hơn, có ngoại ngữ tốt hơn, có phương tiện làm nghề hiện đại hơn và cái nhìn về thế giới, con người cũng rộng rãi hơn chúng tôi… Đó là thực tế.

Dàn phi công Mỹ bị bắt sau trận Điện Biên Phủ trên không trong cuộc họp báo công bố trước truyền thông Việt Nam và thế giới, tháng 12/1972. (Ảnh: Chu Chí Thành)
Dàn phi công Mỹ bị bắt sau trận Điện Biên Phủ trên không trong cuộc họp báo công bố trước truyền thông Việt Nam và thế giới, tháng 12/1972. (Ảnh: Chu Chí Thành)

Còn những tác phẩm có hay hay không thì vấn đề hãy chờ thời gian trả lời, đánh giá và tôi nghĩ rằng trong thời bình sẽ có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh hay bài báo, tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị. Vấn đề là các bạn đã đào sâu suy nghĩ hay chưa, có chiến thắng nổi những hạn hẹp của mình không. Hãy tự “cởi trói.” Nếu vẫn bị những tư tưởng cũ chi phối, ràng buộc, không dám hành động, không dám suy nghĩ, không dám đột phá thì không thể có tác phẩm hay.

Tôi vẫn nhớ một câu vô cùng chí lý của ông Các Mác, rằng “tư tưởng của những người đã chết đè nặng trên vai những người đang sống.” Tư tưởng tiến bộ sẽ kích thích ta đi lên nhưng tư tưởng lạc hậu, hạn chế sẽ đè nặng và kéo ta xuống. Đó cũng là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm tới thế hệ phóng viên trẻ bây giờ.

– Vâng, xin cám ơn những chia sẻ của ông./.

Phi công Mỹ thừa nhận sự thất bại của mình sau khi đánh vào khu dân cư Hà Nội trước truyền thông quốc tế, tháng 12/1972. (Ảnh: Chu Chí Thành)
Phi công Mỹ thừa nhận sự thất bại của mình sau khi đánh vào khu dân cư Hà Nội trước truyền thông quốc tế, tháng 12/1972. (Ảnh: Chu Chí Thành)