Bảo vệ biên cương

nhacsypham-1550131598-54.jpg

Cứ mỗi độ Xuân về, con dân đất Việt nghe câu hát ấy lại lặng đi, rưng rưng nhớ về những ngày tháng Hai kiêu hùng năm 1979. Bốn thập kỷ đã qua, cả dân tộc đã đi qua một chặng đường nhiều đau thương, mất mát nhưng cũng đầy vinh quang, kiêu hãnh.

Tháng Hai đến vừa mang theo cả sự ngưỡng vọng về những giá trị thiêng liêng của những ngày chiến sỹ, đồng bào nơi biên cương anh dũng chiến đấu gìn giữ từng tấc của Tổ quốc – một miền ký ức không thể lãng quên, đánh đổi bằng tuổi trẻ, máu xương và hạnh phúc của cha anh vừa chứa đựng cả ước vọng về sự đổi thay, vươn mình cùng cả dân tộc.

Với những con người từng bước qua cuộc chiến, nỗi ám ảnh, xót xa vẫn chưa nguôi… Cảm thức chung ấy nối dài từ những sáng tác về biên cương ra đời từ những ngày khói lửa 1979.

Khu nhà lắp ghép 4 tầng của cán bộ, công nhân tại thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai) bị địch dùng mìn đánh phá. (Ảnh: TTXVN)
Khu nhà lắp ghép 4 tầng của cán bộ, công nhân tại thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai) bị địch dùng mìn đánh phá. (Ảnh: TTXVN)

Rạng sáng 17/2/1979, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Thực hiện Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, quân và dân Việt Nam đã cầm súng, anh dũng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

“Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sỹ Phạm Tuyên được coi là một trong những ca khúc mở đầu cho phong trào sáng tác về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Trong thời gian từ cuối năm 1978-đầu năm 1979, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, được cử đi tìm hiểu thực tế tình hình ở các tỉnh biên giới phía Bắc để sáng tác cổ vũ, động viên chiến sỹ, đồng bào.

“Bên khuông nhạc, tôi ứa trào nước mắt. Bạn hãy thử hình dung, một đất nước vừa trải qua bao năm dài chiến tranh, những vết thương còn rách toác, chưa liền miệng lại phải gồng mình lên tiếp tục trận mạc, bảo vệ biên cương…”

Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể, thực tế, sự xung đột đã diễn ra từ trước 17/2/1979. Đi thực địa, ông được nghe đồng bào kể, cuộc sống của họ bị quấy phá. Ruộng nương, cây cối, hoa màu gieo trồng sắp thu hoạch bị những người bên kia biên giới phá sạch.

“Sáng 17/2/1979, khi nghe tin biên giới phía Bắc có quân xâm lược tràn sang, tôi nghẹn giọng, cảm giác uất ức, căm phẫn bao trùm tâm trí. Vậy là sau hai cuộc trường chinh ‘sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa,’ tiếng súng chưa ngưng được lâu, dân tộc lại phải bước vào một cuộc chiến đấu mới. ‘Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới…’ Lời ca ấy bật ra trong tâm trí tôi,” nhạc sỹ nhớ lại.

Cầu Hồ Kiều ở thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai) bị địch dùng thuốc nổ phá sập khi rút lui, cuối tháng 3/1979. (Ảnh: TTXVN)
Cầu Hồ Kiều ở thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai) bị địch dùng thuốc nổ phá sập khi rút lui, cuối tháng 3/1979. (Ảnh: TTXVN)

Mang trên mình còn lắm vết thương, người vẫn hiên ngang ra chiến trường…”

Từ sự thôi thúc ấy, ngay trong đêm 17/2/1979, bài hát được hoàn thành dưới dạng hành khúc, sục sôi khí thế ra trận bảo vệ Tổ quốc: “Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa… đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca/ Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương! Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng/ Mang trên mình còn lắm vết thương, người vẫn hiên ngang ra chiến trường…”.

Địch huy động 600.000 quân bộ binh được yểm trợ bằng tăng vào pháo (hơn 500 tăng thiết giáp, 1.200 súng cối và dàn hỏa tiễn) tạo thành những “đợt sóng” người, chia thành hai mũi tấn công, tràn sang Việt Nam. Hướng cánh Tây của địch nhắm vào địa bàn Lai Châu, Hoàng Liên Sơn và Hà Tuyên; hướng cánh Đông của địch tấn công Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Trong khi đó, lực lượng của ta chỉ bằng 1/10 của địch với vũ khí thô sơ hơn.

“Bên khuông nhạc, tôi ứa trào nước mắt. Bạn hãy thử hình dung, một đất nước vừa trải qua bao năm dài chiến tranh, những vết thương còn rách toác, chưa liền miệng lại phải gồng mình lên tiếp tục trận mạc, bảo vệ biên cương. Cảm giác sục sôi căm phẫn khiến tôi không thể chợp mắt,” nhạc sỹ nghẹn giọng.

Kho thóc ở Bến Đền ở thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai) bị địch dùng thuốc nổ phá sập khi rút chạy. (Ảnh: TTXVN)
Kho thóc ở Bến Đền ở thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai) bị địch dùng thuốc nổ phá sập khi rút chạy. (Ảnh: TTXVN)

Ngay sau khi bài hát hoàn thành, Đài Tiếng nói Việt Nam tiến hành thu thanh và phát sóng rộng rãi. Điểm tựa tinh thần của chiến sỹ, đồng bào là lịch sử hào hùng của dân tộc.

“Sau đó, nhiều anh em, bạn bè, đồng chí từ mọi miền Tổ quốc đã nhắn gửi đến tôi rằng, nghe xong bài hát, họ có cảm giác muốn được khoác balô lên vai, chắc tay súng hòa vào dòng chiến sỹ hướng về biên cương phía Bắc ngay lập tức. Họ muốn lập tức được lên đường, không cần thêm bất cứ sự chuẩn bị nào…

Trong giai đoạn này, tác giả Dương Soái là phóng viên Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn. Ông được cử vào mặt trận để ghi lại những hình ảnh tư liệu, phản ánh thực địa và tinh thần chiến đấu của quân dân ta ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến.

“Những từ những ngày đầu của cuộc chiến, tôi có mặt ở Lào Cai, khi ấy thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, nằm trên hướng tấn công cánh Tây của địch. Khung trời phía Bắc rền tiếng đạn pháo,” nhà thơ Dương Soái kể.

Các chiến sỹ chuẩn bị khí tài chiến đấu trên mặt trận Hà Tuyên. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sỹ chuẩn bị khí tài chiến đấu trên mặt trận Hà Tuyên. (Ảnh: TTXVN)

“Chết sao được! Còn phải đánh đuổi quân thù rồi về quê với mẹ cha và cưới vợ nữa chứ!”

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt nhà thơ khung cảnh chiến trường biên giới phía Bắc cách đây đúng 40 năm. Nhiều chiến sỹ bị thương, những mảnh đạn xé toạc nhiều bộ phận trên thân thể, máu trộn lẫn bùn đất, thấm bết quần áo.

Dẫu vậy, họ vẫn tếu táo, động viên nhau: “Chết sao được! Còn phải đánh đuổi quân thù rồi về quê với mẹ cha và cưới vợ nữa chứ!” Giữa tiếng đạn pháo vang nổ, họ dằn lòng, nhà cửa, vườn tược có thể bị phá hủy nhưng một tấc đất quê hương cũng không thể để mất!

“Không ít chiến sỹ trong số ấy vẫn mang giấc mơ giảng đường, hình dung về ngày hòa bình, họ sẽ trở về với đèn sách. Khi biết tôi là phóng viên tới ghi nhận, phản ánh không khí trận địa, các chiến sỹ nói rằng: ‘Anh nhà báo hãy kể, viết để đồng bào vững tin rằng, biên cương không thể mất vì chúng em sẽ kiên định bám trụ ở đây!’ Nói rồi, họ hướng ánh mắt đầy quyết tâm lên nhìn trời xanh, đôi bàn tay nắm chặt,” nhà thơ Dương Soái nhớ lại.

Dân quân huyện Văn Quán (Lạng Sơn) vừa bám trụ chiến đấu vừa tổ chức vận chuyển đạn kịp thời đến trận địa phục vụ bộ đội pháo binh tiêu diệt địch. (Ảnh: TTXVN)
Dân quân huyện Văn Quán (Lạng Sơn) vừa bám trụ chiến đấu vừa tổ chức vận chuyển đạn kịp thời đến trận địa phục vụ bộ đội pháo binh tiêu diệt địch. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi thu thập đủ tư liệu, phóng viên Dương Soái lên đường trở về trạm phát thanh thị xã Lào Cai để xử lý, truyền thông tin. Ông kể: “Thời kỳ ấy, cơ sở vật chất còn hạn chế, vật dụng tác nghiệp thiếu thốn. Điện thoại đường dài chỉ dùng trong công tác thông tin quân sự. Để gửi được thông tin đi, tôi phải trở về điểm thu phát của đài.”

Các chiến sỹ gửi ông rất nhiều lá thư, nhờ gửi về quê gia đình, người thân. Phần lớn địa chỉ nhận thư đều thuộc các tỉnh: Hà Sơn Bình (sau này tách thành hai tỉnh Hà Tây, Hòa Bình), Vĩnh Phú (sau này là Vĩnh Phúc và Phú Thọ), Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam Ninh (Hà Nam và Ninh Bình sau này), Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên)…

“Ngày 20/2/1979, khi ngồi đợi tàu ở Phố Lu (Bảo Thắng, Lào Cai), tôi cứ nghĩ mãi về những dòng địa chỉ với sự thích thú đặc biệt. Có những bức thư viết vội, chưa kịp dán bao thư. Anh em chiến sỹ nhắn nhủ nhờ tôi ghi địa chỉ. Vẫn là những làng quê nơi hạ nguồn con sông Hồng… Một sự trùng hợp thật bất ngờ, lý thú. Đó đều là những nơi dòng sông Hồng chảy qua. Vậy là chúng tôi đang ở đầu nguồn, gửi gắm tâm sự xuôi theo dòng nước về với người thân. Cái tứ ấy thôi thúc tôi phải viết ngay một cái gì đó,” nhà thơ Dương Soái nhớ lại.

Vậy là chúng tôi đang ở đầu nguồn, gửi gắm tâm sự xuôi theo dòng nước về với người thân. Cái tứ ấy thôi thúc tôi phải viết ngay một cái gì đó…” 

Vậy là, “Gửi em ở cuối sông Hồng” ra đời khoảng một tiếng sau đó, ngay trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến.

Từ miền biên viễn xa xôi – “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt,” tác giả hình dung về những tâm sự, nỗi niềm thương nhớ của những chiến sỹ gửi theo dòng nước về quê hương – nơi có hình ảnh người thương năm tháng thủy chung ngóng chờ.

“Tôi tin, sức mạnh tình yêu, lời hứa thủy chung son sắt là một trong những điểm tựa tinh thần quan trọng để người lính vững tay súng nơi chiến hào. Với những chàng trai mười tám, đôi mươi khi ấy, tình yêu lứa đôi đã hòa cùng tình yêu Tổ quốc. Tôi mượn sắc đỏ của dòng nước để biểu lộ niềm tin, chiến công cùng nỗi nhớ thương da diết của người lính biên cương gửi về quê nhà,” tác giả bày tỏ.

Sau đó, bài thơ được in trên tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn và Báo Văn Nghệ. Đến năm 1980, nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc cho “Gửi em ở cuối sông Hồng.” Từ thơ đến nhạc, “Gửi em ở cuối sông Hồng” đã có một số thay đổi và được phổ biến rộng khắp. Đó là tiếng lòng chung của những chiến sỹ nơi biên thùy, nhẹ nhàng mà da diết, sâu lắng.

“Ban đầu, tôi viết ‘Anh ở Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.’ Sau đó, khi phổ nhạc, cố nhạc sỹ Thuận Yến đã đổi hai chữ ‘Lào Cai’ thành ‘biên cương.’ Tôi thực sự biết ơn ông vì điều đó bởi nhờ vậy, tác phẩm có sức phổ quát hơn. Chiến trường khi ấy không chỉ ở Lào Cai mà khắp các tỉnh biên giới phía Bắc. Hai chữ ‘biên cương’ giúp ‘Gửi em ở cuối sông Hồng’ mang âm hưởng mênh mang, rộng mở hơn. Ngoài ra, ‘nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt’ cũng là lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc Việt,” tác giả Dương Soái nhấn mạnh./.

Chiến sỹ xe tăng Trung đội 1, Đại đội 2, Đoàn 407 truy kích quân địch ở thị xã Lạng Sơn.(Ảnh: TTXVN)
Chiến sỹ xe tăng Trung đội 1, Đại đội 2, Đoàn 407 truy kích quân địch ở thị xã Lạng Sơn.(Ảnh: TTXVN)