Cơn lốc ‘Áo vàng’

ttxvnaovan-1544419998-66.jpg

Nước Pháp đang chao đảo bởi các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” phản đối kế hoạch tăng giá xăng dầu của chính phủ và cuộc sống đắt đỏ.

Báo chí Pháp bình luận về tình huống “đơn độc” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đối phó với ‘cơn lốc’ này, trong khi đó, trang mạng Thời báo Hoàn cầu phiên bản tiếng Anh lại cho rằng sự kiện này là phép thử đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Sự cô đơn của Tổng thống Macron

Trang nhất của Libération đăng ảnh Tổng thống và Thủ tướng Pháp, với tựa đề “Lùi bước” hàm ý mỉa mai đảng của ông Emmanuel Macron (En marche, tức Tiến bước). Sau ba tuần lễ đấu tranh kèm theo bạo lực của “cơn lốc” áo vàng, rốt cuộc, chính quyền Pháp đã loan báo nhiều nhượng bộ, nhưng chưa chắc có thể làm dịu đi cơn giận dữ của những người biểu tình.

Tương tự, Le Figaro nhận định “Chính quyền dịu giọng, Áo vàng dấn tới.” Le Monde chạy tựa trang nhất “Áo vàng: Macron và Philippe thụt lùi,” đăng ảnh các thành viên Chính phủ Pháp đang họp với khuôn mặt đầy đăm chiêu. Les Echos nhận xét “Chính quyền đặt cược để ra khỏi khủng hoảng” và nhấn mạnh nên “Nhượng bộ để cứu vãn những gì cốt yếu.”

Trong bài “Boomerang của sự nghi ngờ” đăng trên trang Ý kiến của Le Monde, tác giả Gérard Courtois cho rằng điều hành theo chiều thẳng đứng, nhanh chóng, hiệu quả, đó là chủ trương của nhiệm kỳ tân tổng thống. Ông Macron tin rằng sự cai trị thông minh của ông hoàng trẻ tuổi đủ để giải giáp những người kháng cự, thu phục người ủng hộ. Nhưng nay, những người “Áo vàng” lại muốn xóa đi tất cả: không công nhận quyền lực của ông, thậm chí còn đòi ông Macron từ chức. Đối với Emmanuel Macron, tác động boomerang là khủng khiếp.

Ôtô bị thiêu cháy trong cuộc biều tình của phe 'Áo vàng' tại thủ đô Paris, Pháp ngày 8/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ôtô bị thiêu cháy trong cuộc biều tình của phe ‘Áo vàng’ tại thủ đô Paris, Pháp ngày 8/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đương kim tổng thống không phải là người duy nhất bị chống đối. Nhưng tất cả các tổng thống tiền nhiệm, ngay cả lúc ở trung tâm cơn lốc xoáy, vẫn có được sự hỗ trợ của phe mình: các đảng chính trị kinh nghiệm, các đại biểu cắm rễ sâu trong dân chúng, các bộ trưởng đầy kinh nghiệm… Còn ông Macron khác hẳn: một đảng lơ lửng trên mặt đất, dân biểu lần đầu bước vào Quốc hội, chính phủ ít kinh nghiệm và các nghiệp đoàn đứng ngoài lề, thiếu vắng một cơ chế trung gian để đối thoại.

Tổng thống Macron ấp ủ thực hiện một chiến lược năng lượng xanh cho tương lai của Pháp. Đó là lý do vì sao ông tăng thuế đối với giá dầu để thu được khoản tài chính hỗ trợ cho các chính sách đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu trong tương lai. Tuy nhiên, người dân Pháp lại muốn ông trước tiên giải quyết vấn đề cấp bách hơn liên quan chi phí sinh hoạt tăng cao.

Mặc dù các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực nhưng khoảng 80% người dân Pháp vẫn thông hiểu cho những chỉ trích của người biểu tình về chi phí sinh hoạt tăng cao trong khi đồng lương không thay đổi. Mức lương tối thiểu chỉ nhích lên không đáng kể, không đủ để bù đắp cho chi phí thuế gia tăng và phúc lợi xã hội giảm dần.

Áp lực của một bộ phận trong công luận Pháp đã buộc chính phủ phải lùi bước

Áp lực của một bộ phận trong công luận Pháp đã buộc chính phủ phải lùi bước. Paris thông báo bãi bỏ kế hoạch tăng giá xăng dầu cho cả năm 2019, qua đó dời lại một số tham vọng về môi trường và có nguy cơ gây thêm thâm hụt từ 2-4 tỷ euro trong cán cân chi tiêu của Nhà nước.

Vấn đề đặt ra là Tổng thống Emmanuel Macron đã được bầu lên nhờ một chương trình cải tổ đầy tham vọng, nhưng sau vụ khủng hoảng “áo vàng,” ông Macron có còn khả năng thi hành các chương trình cải tổ nữa hay không?

Phép thử đối với quyết tâm cải tổ

Làm thế nào để dập tắt cơn bão “Áo vàng” là một phép thử không hề nhỏ đối với Chính quyền Macron, nhất là khi lễ Giáng sinh đang đến gần. Các cuộc biểu tình diễn ra hàng tuần qua sẽ vẫn tiếp tục. Lực lượng “Áo vàng” đã làm rung động chính quyền Macron và sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của xã hội Pháp trong thời gian tới.

Trong một năm rưỡi qua, Tổng thống Macron đã nhanh chóng bắt tay vào việc, đem lại một bộ mặt mới cho nước Pháp nhưng đó mới chỉ là một phần trong chương trình của vị tổng thống không thuộc cánh tả cũng như cánh hữu này. Phần còn lại trong cương lĩnh của ông từ nay đến cuối nhiệm kỳ năm 2022 còn quan trọng hơn thuế xăng dầu hay bãi bỏ thuế ISF cho người giàu.

Người biểu tình ‘Áo vàng’ gây bạo loạn trên Đại lộ Champs Elysees ở Paris nhằm phản đối tăng giá nhiên liệu, ngày 1/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người biểu tình ‘Áo vàng’ gây bạo loạn trên Đại lộ Champs Elysees ở Paris nhằm phản đối tăng giá nhiên liệu, ngày 1/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong lĩnh vực kinh tế, ông Macron muốn Pháp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, có một nền kinh tế năng động hơn và qua đó giải quyết nạn thất nghiệp.

Ngoài khía cạnh kinh tế, ông Macron còn muốn đem lại những thay đổi sâu rộng cho xã hội Pháp. Trong số này bao gồm nhiều hồ sơ, từ chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu đến kế hoạch cải tổ y tế, giải quyết tình trạng các bệnh viện bị quá tải, cải cách ngành giáo dục hay guồng máy tư pháp…

Vế cải tổ thứ ba quan trọng không kém liên quan đến các dự án sửa đổi Hiến pháp phù hợp với những đòi hỏi của xã hội hiện nay.

Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, chính quyền Macron trong 18 tháng qua đã cải tổ theo đường lối tự do: Chính phủ đã sửa đổi luật lao động, giảm thuế cho doanh nghiệp, khuyến khích việc đào tạo và học nghề, bãi bỏ “Thuế nhà giàu) (ISF) với mục đích khuyến khích doanh nhân nước ngoài đến Pháp hoạt động.

Tổng thống Macron đã phải tạm thời rút lại kế hoạch tăng thuế xăng dầu kể từ ngày 1/1/2019 để xoa dịu sự công phẫn trong xã hội

Nhưng cũng chính biện pháp bãi bỏ ISF “vụng về” này đã khiến ông Macron mang tiếng là “Tổng thống của người giàu.” Song song với việc giảm thuế cho doanh nghiệp và những thành phần giàu có, chủ nhân Điện Elysée và Chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe còn giảm một số khoản trợ cấp xã hội, ví dụ như cắt giảm trợ cấp nhà ở APL cho người có thu nhập thấp, tăng các khoản đóng góp cho Quỹ an sinh xã hội (CSG) của cả những người còn đi làm và nghỉ hưu…

Trong 18 tháng qua, Hạ viện đã làm việc với một nhịp độ dồn dập đến nỗi nhiều đại biểu than phiền “kiệt sức” vì phải liên tục nghiên cứu, soạn thảo, thảo luận các dự luật cải tổ. Nhịp độ cải tổ của chính quyền trong năm thứ hai của nhiệm kỳ Macron được dự báo còn “tăng nhanh hơn nữa.”

Hiện tại, Paris đang lao vào một loạt hồ sơ gai góc và nhạy cảm không kém như dự luật cải tổ y tế, giáo dục và tư pháp… giải quyết tình trạng quá tải liên tục tại các bệnh viện, trường đại học và nhà tù. Thế nhưng nhịp độ dồn dập mà Điện Elysée áp đặt từ tháng 5/2017 tới nay đã bị cuộc xuống đường của phe “áo vàng” chặn lại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa, phía trước) và các quan chức Chính phủ thị sát một tuyến phố ở thủ đô Paris, nơi nổ ra các cuộc biểu tình bạo loạn của lực lượng 'Áo vàng' nhằm phản đối tăng giá nhiên liệu. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa, phía trước) và các quan chức Chính phủ thị sát một tuyến phố ở thủ đô Paris, nơi nổ ra các cuộc biểu tình bạo loạn của lực lượng ‘Áo vàng’ nhằm phản đối tăng giá nhiên liệu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Macron đã phải tạm thời rút lại kế hoạch tăng thuế xăng dầu kể từ ngày 1/1/2019 để xoa dịu sự công phẫn trong xã hội dù trước đó, ông còn tuyên bố quyết tâm cải tổ “đến cùng.”

Bước nhượng bộ đầu tiên của Điện Elysée liệu có nguy cơ chôn vùi tất cả những dự án cải cách còn dang dở của ông Macron hay không? Hai trong số các hồ sơ nóng nhất chờ đợi chính quyền là dự luật cải tổ hệ thống hưu bổng và trợ cấp thất nghiệp. Liệu chính quyền Macron có còn đủ can đảm cải tổ đến nơi đến chốn hai vế nhạy cảm trên nữa hay không?

Thêm vào đó, sau khi Thủ tướng Pháp thông báo “tạm hoãn” biện pháp gây bất bình trong xã hội này, Điện Elysée còn đi xa hơn với quyết định “hủy” tăng thuế xăng dầu trong cả năm 2019. Điện Elysée hy vọng xoa dịu dư luận bằng cách đáp ứng đòi hỏi ban đầu của phe “áo vàng.” Trước mắt, dường như phe này vẫn chưa thỏa mãn. Vậy câu hỏi đặt ra là chính phủ sẽ còn phải nhượng bộ tới mức nào trước sức mạnh của biểu tình đường phố

Một số nguồn tin thông thạo cho biết Tổng thống Macron yêu cầu tất cả các bộ trưởng đặc trách những hồ sơ nhạy cảm tạm thời “đóng băng” các dự án cải tổ. Liệu rằng từ nay đến cuối nhiệm kỳ, mỗi đợt cải cách có là một cuộc đọ sức với công luận, dẫn tới những cảnh tượng đập phá như vừa qua hay không?

Cuối cùng, lo ngại cũng xuất phát từ cách ứng xử, những thông báo vụng về của bên hành pháp và những tuyên bố “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” từ ngay trong thành phần chính phủ. Điển hình là những phát biểu trái ngược nhau về khả năng Paris rút lại luật bãi bỏ thuế ISF. Có một điều chắc chắn là trước mắt, hành pháp cần nối lại đối thoại với đường phố. Điện Elysée nhìn nhận “cần rà soát lại từ A đến Z” phương pháp làm việc và điều hành đất nước./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)