“Phòng tuyến áo xanh”

Lời tòa soạn:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp khẩn về COVID-19 tháng 1/2020 đã khẳng định: Cuộc chiến chống lại dịch bệnh lần này phải được xác định như chống giặc. Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Mang theo tinh thần ấy, hàng chục vạn Đoàn viên, thanh niên Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đã bước vào cuộc chiến với “kẻ thù” mang tên COVID-19. Họ tự mình tạo lập thành một “phòng tuyến thứ ba” mang màu áo xanh bên cạnh các y bác sỹ, quân đội và công an đang ngày đêm làm nhiệm vụ.

Câu chuyện của Hà Nội chỉ là một lát cắt nhỏ trong bức tranh chung về nỗ lực của các đoàn viên, thanh niên cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Nhân dịp kỷ niệm Tháng Thanh niên, VietnamPlus đã thực hiện loạt bài “Phòng tuyến áo xanh trong cuộc chiến chống giặc COVID-19” nhằm ghi lại câu chuyện của chính những người đã, đang và sẽ tham gia vào mặt trận khó khăn và đầy thử thách này.

Nữ dân quân duy nhất xung phong

vào điểm nóng Trúc Bạch

Đêm 6/3, cả khu Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) trở nên ồn ào. Những thông tin về ca bệnh đầu tiên của Hà Nội khiến nữ dân quân Trần Hà Ly thấp thỏm không yên. Cô gái trẻ 28 tuổi hướng mắt đăm đăm nhìn về phía dãy phố ngay kế bên nhà đang được dựng hàng rào phong tỏa.

“Lúc ấy, tôi chỉ có ý nghĩ rất đơn giản là mình vốn sinh ra và lớn lên ở chính con phố này. Bà con, hàng xóm đang cần mình. Thế là, tôi quyết định sẽ xin vào vùng dịch để hỗ trợ anh em,” nữ dân quân duy nhất xung phong vào điểm nóng cách ly Trúc Bạch tâm sự.

Trần Hà Ly là một cô gái khá đặc biệt với nụ cười luôn thường trực. Kể về những ngày làm việc tại điểm cách ly Trúc Bạch, Ly bảo: Cô chưa bao giờ thấy sợ hãi hay lo lắng quá nhiều.

“Đêm ấy, một đoạn của tuyến phố bị phong tỏa. Do nhà nằm ngay cạnh khu vực này nên tôi không sao chợp mắt được. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ việc cách ly sẽ chỉ diễn ra ngắn thôi nhưng khi anh em từ chốt trực báo về thời gian sẽ kéo dài, tôi bắt đầu suy nghĩ,” Ly nhớ lại.

“Điều khó khăn nhất là phải thuyết phục được bố mẹ ủng hộ để vào ‘mặt trận’ này,” Ly cười nhớ lại.

Cô bảo, vì thương con gái, lại lo ngại tình hình dịch bệnh phức tạp, bố mẹ Ly nửa muốn cho con đi, nửa lại mong Ly sẽ ở nhà. Ly lại phải vận động tư tưởng cho phụ huynh đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho việc tự cách ly với chính gia đình trong suốt quá trình làm nhiệm vụ.

“Khu phố nơi mình sinh ra và lớn lên giờ gặp khó, là thanh niên, tôi không thể chỉ đứng nhìn. Có lẽ đó là động lực lớn nhất khiến tôi có được quyết tâm lớn đến thế,” cô gái bé nhỏ tâm sự.

“Lúc ấy, tôi chỉ có ý nghĩ rất đơn giản là mình vốn sinh ra và lớn lên ở chính con phố này. Bà con, hàng xóm đang cần mình. Thế là, tôi quyết định sẽ xin vào vùng dịch…”

Bắt đầu từ chính những suy nghĩ giản đơn ấy, Ly trở thành nữ dân quân đầu tiên xung phong vào vùng dịch của Hà Nội. Ngày ngày, 189 người dân “bên kia hàng rào” lại được thấy cô gái nhỏ thó gõ cửa từng nhà mang theo thức ăn, nhu yếu phẩm cần thiết. Cô ân cần hỏi thăm từng người, rồi động viên họ cố gắng giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào các biện pháp cách ly của Nhà nước.

Ngày làm việc bình thường của cô bắt đầu từ 9 giờ sáng. Ly sẽ cùng 5 nam dân quân trong tổ công tác nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài để đưa vào bên trong. Để đảm bảo tính chính xác, cô sẽ ghi rõ từng suất ăn và xin chữ ký của những người được phát.

“Chiều chiều, chúng tôi sẽ phát suất ăn vào 16 giờ. Khoảng thời gian còn lại, anh em chia nhau hỗ trợ trực chốt, tuyên truyền về cách phòng chống dịch COVID-19 cho bà con,” Ly kể.

Mặc dù là “bóng hồng” hiếm hoi làm nhiệm vụ trong khu cách ly, nhưng Ly vẫn tình nguyện làm mọi phần việc, dù là nặng nhọc nhất.

“Trông bé nhỏ thế này thôi, nhưng bê vác gì tôi cũng làm được đấy. Tôi nghĩ, sức ít thì mình mang ít, miễn là làm việc dân cần. Anh em trong tổ công tác thấy mình lăn xả vào làm lại động viên. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy rất ấm lòng và càng phải cố gắng hơn nữa,” Ly nói.

Trong suốt 14 ngày phong tỏa gần 70 hộ dân tại Trúc Bạch, Ly cùng các đồng đội luôn xác định tinh thần: Chỉ cần người dân cần là sẽ có mặt. Họ chia nhau thức suốt 14 đêm để canh cho giấc ngủ của gần 200 người.

– “Xung phong vào đây, chị có lo sợ không?”, chúng tôi hỏi.

– Chưa bao giờ tôi hay anh em lo sợ cả. Tất cả đã được trang bị kỹ trang thiết bị cũng như các kiến thức phòng chống dịch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định thanh niên phải đi đầu, xung kích, góp một phần công sức của mình vào cuộc chiến chống lại “giặc COVID-19” của cả nước.

Cô gái trẻ trả lời cùng cái cười nhẹ bẫng, giòn tan. Cô bảo, 14 ngày ở trong khu cách ly sẽ là quãng thời gian đặc biệt không thể quên của riêng mình./.

Trước khi xung phong vào đội dân quân phòng chống dịch, Trần Hà Ly làm công tác giáo dục mầm non đồng thời tham gia năng nổ vào công tác Đoàn, Hội và từng đảm nhiệm vai trò là Bí thư đoàn phường.
Đội dân quân của Ly trong những ngày ở Trúc Bạch bao gồm 10 thành viên, hầu hết là người trẻ xung phong hỗ trợ ở “trận chiến” Trúc Bạch. Anh em thay phiên nhau trực ca, sẵn sàng giúp dân khi dân cần. Riêng nữ dân quân Trần Hà Ly được ưu tiên đảm nhiệm trực ca ngày chừng 8 giờ/ngày, những lúc cần tăng cường sẽ lên đến 12 giờ/ngày.

“Phòng tuyến áo xanh” tại Ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp

Trong cuộc chiến chống lại “giặc COVID-19,” lực lượng Đoàn viên, thanh niên Hà Nội đã tình nguyện hóa thân thành phòng tuyến áo xanh để chung sức cùng các y bác sỹ, an ninh, quân đội đứng ở tuyến đầu.Một trong những hoạt động tiêu biểu nhất phải kể đến là việc đưa các đội xung kích xuống trực chốt tại các điểm cách ly dành cho người trở về từ vùng dịch.

Sẵn sàng “xung trận”

Sáng 24/3, từ trên các tầng cao, những người đang cách ly tại điểm Ký túc xá học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) loáng thoáng thấy màu áo xanh tình nguyện phía ngoài hàng rào.

Không lâu sau đó, một dãy bàn dài đã được kê ngay ngắn ngay cạnh điểm cách ly, phía trên bày biện hàng chục chai nước sát trùng, khẩu trang y tế các loại. Phòng tuyến thứ Ba đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu cách ly này đã được dựng nên bởi các Đoàn viên, thanh niên của Thành đoàn Hà Nội.

Lau vội mồ hôi đã lấm tấm đầy trán, Phạm Văn Diện (cán bộ Thành đoàn Hà Nội) cho biết: Từ ngày 22/3, Thành đoàn Hà Nội đã quyết định sẽ thành lập các tổ xung kích, bổ sung và hỗ trợ cho các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại điểm cách ly Pháp Vân – Tứ Hiệp.”

Gần như ngay lập tức, Diện cùng hơn 50 cán bộ trẻ khác đã xung phong nhận nhiệm vụ. Trước khi lên đường, toàn bộ các thành viên của tổ xung kích đều được trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch cũng như các nhiệm vụ cơ bản sẽ phải thực hiện.

“Tôi nghĩ, mình là thanh niên, việc càng khó thì càng cần mình. Các anh chị y bác sỹ, công an, quân đội đang căng mình ở tuyến đầu còn vất vả hơn chúng tôi nhiều. Vì thế, tôi cũng phải góp một phần nhỏ công sức vào cuộc chiến chung này của cả nước.”

Chỉ tay vào quyển sổ dày cộp đã chi chít chữ, Diện cho hay: Phòng tuyến thứ ba của các Đoàn viên, thanh niên Thủ đô sẽ nằm ở phía ngoài cùng với nhiệm vụ đón tiếp thân nhân của những người đang phải cách ly tập trung, kiểm tra các nhu yếu phẩm, đảm bảo không để các chất có cồn, vật dụng có khả năng gây nguy hiểm lọt vào bên trong.

“Từ sáng tới giờ, chúng tôi đã tiếp cả trăm lượt người. Mấy anh em làm không ngơi tay. Nhiều người không nắm rõ quy định nên vẫn gửi những vật không được phép như bia, rượu, chất kích thích. Với mỗi trường hợp như vậy, chúng tôi đều giải thích để họ hiểu và thông cảm,” Diện cho hay.

Cũng giống như Diện, Nguyễn Mạnh Duy là Đoàn viên trẻ đã tình nguyện tham gia làm nhiệm vụ ở Pháp Vân – Tứ Hiệp. Nhà ở tận Gia Lâm, nhưng ngày ngày, cậu trai trẻ măng 22 tuổi vẫn cặm cụi phi xe qua sông Hồng để làm việc.

Kể về quyết định “xung phong” của mình, Duy cho hay: Cậu chỉ mất đúng 1 tiếng để quyết định sẽ tham gia vào hoạt động lần này của Thành đoàn.

“Tôi nghĩ, mình là thanh niên, việc càng khó thì càng cần mình. Các anh chị y bác sỹ, công an, quân đội đang căng mình ở tuyến đầu còn vất vả hơn chúng tôi nhiều. Vì thế, tôi cũng phải góp một phần nhỏ công sức vào cuộc chiến chung này của cả nước,” Duy nói.

Làm việc ở vòng ngoài cùng khu cách ly, điều ấn tượng nhất với Duy là những cuộc… hội ngộ từ xa.

“Tôi sẽ không thể quên được cảnh một bác trung tuổi bắt xe ôm từ cao tốc vào khu cách ly. Bác chỉ mang theo 2 cuốn sách để gửi vào cho cô con gái hiện đang ở bên trong hàng rào. Gọi điện giục con ra hành lang tầng 6, hai bố con vẫy tay chào, cố nói to nhất có thể để cho nhau nghe. Nhìn cảnh ấy, các thành viên trong tổ xung kích không ai không chạnh lòng,” cậu cán bộ trẻ kể.

Phòng tuyến xanh ở khu cách ly

Đã quá trưa, nhưng đội xung kích vòng ngoài tại Ký túc xá học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp vẫn tất bật. Lượng người lên mỗi lúc một nhiều. Diện vừa kiểm tra xong một hộp các tông chứa đồ gửi đã lại bị một gia đình khác gọi với lại.

Qua chiếc khẩu trang bịt kín, những giọt mồ hôi đã thầm đầy. Quyển sổ trực cũng được lật mở, sột soạt liên tục. Được một lúc vắng người, Diện thở phào, khẽ gỡ chiếc găng y tế xuống. Tay người cán bộ trẻ đã đỏ ửng, nổi mề đay vì bị dị ứng.

“Thế này chưa ăn thua gì đâu,” Diện cười hiền, bảo.

Nói đoạn, cậu hướng mắt nhìn về phía tổ công tác công an quận Hoàng Mai cùng mấy anh em dân phòng đang ngồi sau hàng rào. Cậu bảo, phòng tuyến xanh của Thành đoàn vất vả một thì phòng tuyến số hai của công an, phòng tuyến số 1 của Bộ Tư lệnh Thủ đô vất vả mười.

“Thấy các anh như những con thoi đưa đồ, vận chuyển hành lý cho người cách ly từ tầng một lên các tầng cao, chúng tôi mới thấm thía hết công sức và tâm huyết họ đã bỏ ra. Càng vì thế, những thanh niên như chúng tôi càng cảm thấy cần cố gắng nhiều hơn nữa,” Diện tâm sự.

Mai Anh, cô cán bộ trẻ thuộc Ban tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội thì lại có một góc nhìn khác. Cũng xung phong tình nguyện ra “tiền tuyến,” Mai Anh ý thức được việc mình sẽ phải chịu rất nhiều sức ép từ khối lượng công việc khổng lồ tại điểm chốt.

“Tôi luôn tâm niệm: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Là lực lượng xung kích, chúng tôi muốn được tham gia vào cuộc chiến chống lại COVID lần này. Chúng tôi tự nhủ và vẫn nói với nhau sẽ bằng những phần việc nhỏ bé nhất để lập nên một phòng tuyến xanh của riêng lực lượng thanh niên,” Mai Anh nói.

Theo ông Ngô Văn Thiện, Trưởng Ban Thanh niên Trường học Thành đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hà Nội, đội xung kích của Thành đoàn Hà Nội bao gồm hơn 50 cán bộ chuyên trách. Đội sẽ phối hợp cùng lực lượng đoàn viên, thanh niên quận Hoàng Mai thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly Pháp Vân – Tứ Hiệp.

Thanh niên Thủ đô bằng những phần việc nhỏ bé đãlập nên một phòng tuyến xanh trong cuộc chiến chống COVID.

Các tổ xung kích sẽ được chia thành hai ca phục vụ từ 6 giờ sáng tới 18 giờ chiều. Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội cũng đã kêu gọi, đề xuất với các trường có chuyên ngành đào tạo y để hỗ trợ cử các sinh viên xuống hỗ trợ.

“Với tinh thần xung kích, thanh niên không ngại khó, ngại khổ, đi đầu trong mọi hoạt động, chúng tôi đã tuyên truyền tới đoàn viên, thanh niên, cùng giữ vững quyết tâm, niềm tin vào các phương án phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh. Sức khỏe của cộng đồng luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động,” ông Thiện nhấn mạnh./.

Niềm tin tuổi trẻ trong cuộc chiến chống COVID-19

Với tư cách là lực lượng xung kích, sẵn sàng đón nhận mọi nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn giữ vững vai trò đi đầu, tiên phong mọi hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã không ngừng rèn luyện, đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay, đối mặt với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vai trò này càng được thể hiện rõ nét.

Bên cạnh các lực lượng y tế, an ninh, quân đội, lực lượng đoàn viên, thanh niên của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung đang dồn toàn lực trong “cuộc chiến” chống lại dịch COVID-19.

Để hiểu rõ hơn về “rào chắn” COVID-19 mang màu áo thanh niên tình nguyện, VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với anh Ngô Văn Thiện – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Thanh niên Trường học Thành đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hà Nội.

Hòa mình vào “cuộc chiến” chung

– Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, lực lượng đoàn viên, thanh niên thành phố Hà Nội đã có những hoạt động cụ thể gì nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh, thưa anh?

Anh Ngô Văn Thiện: Ngay sau khi Chính phủ công bố dịch COVID-19, lực lượng đoàn viên, thanh niên thành phố đã phát huy vai trò xung kích, tổ chức tuyên truyền, cập nhật thông tin chính thống, chính xác về tình hình dịch cũng như những khuyến cáo của các cơ quan chức năng về các biện pháp phòng bệnh tới đông đảo quần chúng nhân dân.

Hoạt động tuyên truyền này được triển khai sâu rộng bằng nhiều biện pháp, hình thức và kênh thông tin khác nhau như phát thanh, mạng xã hội… Chúng tôi đã đề nghị tổ chức đoàn thanh niên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô thường xuyên cập nhật thông tin tại fanpage chính thức của cơ sở đoàn, dán các băng-rôn, biển cảnh báo tại khu vực ký túc xá, canteen…

Ngoài ra, ngay từ đầu dịch, Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội đã đề nghị các trường đại học khuyến cáo sinh viên hạn chế đi lại, tránh tập trung đông người, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, phát huy vai trò của sinh viên các trường đại học trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch.

Các cán bộ Thành đoàn Hà Nội tạo thành
Các cán bộ Thành đoàn Hà Nội tạo thành “phòng tuyến xanh” tại khu cách ly Pháp Vân – Tứ Hiệp (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Đối với một số trường có chuyên môn trong lĩnh vực y tế, sinh hóa (như Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế Công cộng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Công nghiệp Hà Nội…), sinh viên cùng với giảng viên chế tạo ra các loại dung dịch sát khuẩn, may khẩu trang vải để phát miễn phí cho nhân dân.

Đêm 6/3, thông tin về ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội đã gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống của người dân nói chung và đời sống của các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn Thủ đô nói riêng. Vào thời điểm đó, Thành đoàn Hà Nội và Hội Sinh viên thành phố đã có hoạt động cụ thể gì để động viên tinh thần đoàn viên, thanh niên tham gia vào công tác phòng chống dịch?

Anh Ngô Văn Thiện: Từ thời điểm cam go đó, chúng tôi đã tích cực đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền online, cầu truyền hình trực tiếp, ra quân tháng thanh niên, đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo của chính quyền, cơ quan chức năng về biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, chúng tôi đã đề nghị 110 cơ sở đoàn trực thuộc trên toàn thành phố tổ chức đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện truyền thông, fanpage của đoàn thanh niên, hội sinh viên cơ sở, tránh gây tâm lý hoang mang dư luận.

Trạm rửa tay dã chiến cũng là một hoạt động ý nghĩa khác của Thành đoàn Hà Nội.
Trạm rửa tay dã chiến cũng là một hoạt động ý nghĩa khác của Thành đoàn Hà Nội.

Ngoài ra, chúng tôi huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ nhân dân, thành lập các tổ phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn miễn phí, lắp đặt các trạm rửa tay dã chiến tại các quận, huyện.

Trong giai đoạn 1 chống dịch, Thành đoàn Hà Nội đã cử một đoàn cán bộ chuyên trách, đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ nhân dân, thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Phúc.

Màu áo xanh bên những trạm rửa tay dã chiến

– Việc lắp đặt các trạm rửa tay dã chiến, chủ động tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của lực lượng đoàn viên, thanh niên Hà Nội được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa anh?

Anh Ngô Văn Thiện: Đoàn thanh niên thành phố cùng các đơn vị tài trợ đã, đang và sẽ tiếp tục lắp đặt khoảng 100 trạm rửa tay dã chiến tại các địa điểm: vườn hoa Lý Thái tổ, khu cách ly tập trung tại điểm ký túc xá học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp, bến xe Nước Ngầm và một số địa điểm công cộng trên địa bàn Hà Nội.

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ Thủ đô, ngay từ ngày 24/3, hơn 50 cán bộ chuyên trách của cơ quan Thành đoàn Hà Nội đã cùng các bạn đoàn viên, thanh niên Quận đoàn Hoàng Mai thực hiện các nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung tại điểm ký túc xá học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi, đề xuất các trường có chuyên ngành đào tạo về y tế cử sinh viên cùng Đoàn thanh niên thành phố tiếp tục hỗ trợ nhân dân, những người đang cách ly tập trung.

Ở khu cách ly tập trung tại điểm ký túc xá học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp, mỗi ngày, có ít nhất 50 đoàn viên, thanh niên chia thành hai ca phục vụ, hỗ trợ các hoạt động trong thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, phát huy vai trò xung kích, tuổi trẻ Thủ đô quyết tâm cùng toàn thể nhân dân Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đẩy lùi dịch COVID-19.

– Công việc cụ thể của các đoàn viên, thanh niên khi tham gia hỗ trợ tại cách ly tập trung tại điểm ký túc xá học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp là gì, thưa anh?

Anh Ngô Văn Thiện: Các đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ vận chuyển các vật phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hành lý, đồ đạc của những công dân từ nước ngoài về Việt Nam đang cách ly tập trung tại đây.

Ngoài ra, các đoàn viên, thanh niên còn hướng dẫn nhân dân thực hiện cách rửa tay, các biện pháp phòng dịch theo chỉ dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trước khi tham gia hoạt động hỗ trợ, các cán bộ, đoàn viên, thanh niên đã được tập huấn đầy đủ kiến thức, kỹ năng về công tác vệ sinh, phòng dịch.

– Vai trò xung kích của thanh niên thể hiện trong suốt lịch sử dân tộc. Anh đánh giá thế nào về vai trò của lực lượng thanh niên cả nước nói chung và lực lượng thanh niên Thủ đô nói riêng trong những bối cảnh đặc biệt như hiện nay?

Anh Ngô Văn Thiện: Ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác thanh niên, thanh niên Thủ đô luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, phát huy vai trò xung kích, tuổi trẻ Thủ đô quyết tâm cùng toàn thể nhân dân Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đẩy lùi dịch COVID-19.

Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội kêu gọi toàn bộ cán bộ, đoàn viên, thanh niên Thủ đô chung tay cùng chính quyền, nhân dân để đẩy lùi nhanh nhất dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.

– Hiện nay, nhiều người có tâm lý lo ngại khi Hà Nội thành lập nhiều điểm cách ly. Với các đoàn viên thanh niên cử trực tiếp xuống khu vực Pháp Vân-Tứ Hiệp, thành đoàn đã giáo dục công tác tư tưởng thế nào để các bạn yên tâm?

Anh Ngô Văn Thiện: Với tinh thần xung kích, thanh niên không ngại khó, ngại khổ, đi đầu trong mọi hoạt động, chúng tôi đã tuyên truyền tới đoàn viên, thanh niên, cùng giữ vững quyết tâm, niềm tin vào các phương án phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh. Sức khỏe của cộng đồng luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động.

– Trân trọng cảm ơn anh!

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công bố dịch ngày 1/2 đến ngày 22/3),Thành đoàn Hà Nội đã phạt động hàng loạt phong trào hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực. Một số kết quả đạt được bao gồm:

1. Hỗ trợ giải cứu 383 tấn dưa hấu và nông sản các loại.

2. 22 đơn vị khối quận huyện thị xã tổ chức điểm hiến máu tình nguyện thu được 10.123 đơn vị máu an toàn.

3. Trong thời gian qua, tại các cơ sở Đoàn của Thành phố đã tổ chức: 

– 7.779 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, mạng xã hội; 

– Phát trên 1,2 triệu khẩu trang các loại đạt chuẩn các loại; trên 61.164 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn với sự tham gia của trên 43.977 lượt đoàn viên, thanh niên Thủ đô.

4. Trong 3 ngày (1/3, 8/3 và 15/3), có khoảng 19.320 lượt đoàn viên, thanh niên, sinh viên, cán bộ, hội viên, công nhân viên chức tham gia bóc xóa quảng cáo rao vặt trái phép tại 2.984 khu dân cư/tuyến phố và làm sạch 1.883 điểm mất vệ sinh.