75 năm thực hiện lời thề độc lập

Cách đây 75 năm, trong những ngày mùa thu lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập,” khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

75 năm qua, thực hiện lời thề thiêng liêng tại Lễ Tuyên ngôn độc lập “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy,” nhân dân ta đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, hy sinh biết bao xương máu để giữ vững thành quả và thực hiện các mục tiêu cao cả của Cách mạng Tháng Tám: độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Qua gần 35 năm đổi mới, đất nước đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên, ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, vượt qua ngưỡng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết “75 năm thực hiện lời thề độc lập.”

“Bệ đỡ” để phát triển

Quỳnh Hoa

Cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống pháp luật của đất nước đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc, là nền tảng, cơ sở để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Ngay từ những ngày đầu tiên sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tịch đã xác định, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp dân chủ.

Hệ thống pháp luật của đất nước đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc, là nền tảng, cơ sở để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau mười tháng chuẩn bị, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng Tháng Tám, xác lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Mục tiêu chiến lược của Hiến pháp là hoàn thành độc lập dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ nhân dân, chuẩn bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.
Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.

Cùng với quá trình phát triển của đất nước, pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng được hoàn thiện với sự ra đời của các bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Hiến pháp năm 2013.

Mỗi bản Hiến pháp ra đời đều có bối cảnh và ở những thời điểm lịch sử nhất định nhằm thể chế hóa đường lối cách mạng của Đảng cho mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Hiến pháp năm 2013 ra đời phản ánh thành quả của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 8 năm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa, phát triển và hình thành nhiều tư duy pháp lý mới mang tính nền tảng, cơ bản, chủ đạo, tạo cơ sở pháp lý – chính trị cao nhất cho quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ mới.

Một mục tiêu quan trọng nhất của Hiến pháp năm 2013 là tiếp tục phát huy dân chủ, bảo đảm chủ quyền nhân dân, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Nhấn mạnh bản chất nhà nước ta là nhà nước thực hiện chủ quyền nhân dân, thực hành dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và bảo đảm quyền lực của nhân dân, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…”

Cùng với Hiến pháp – luật gốc, một hệ thống các văn bản luật và dưới luật đã được khẩn trương xây dựng để cụ thể thi hành hiến pháp. Hệ thống pháp luật được xây dựng và ngày càng được hoàn thiện, là cơ sở pháp lý xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bước sang giai đoạn đổi mới, hệ thống pháp luật của Việt Nam phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, mà còn bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), được thông qua ngày 28/11/2013. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), được thông qua ngày 28/11/2013. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Số lượng các đạo luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ năm 1986-2016 gấp gần 8 lần số lượng luật, pháp lệnh ban hành trong 41 năm về trước.

Cụ thể trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng đã ban hành 483 luật, pháp lệnh. Đặc biệt trong 4 năm 2016-2020, Quốc hội đã ban hành 65 luật và 99 nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nhìn vào số lượng các văn bản luật và dưới luật đã được ban hành để cụ thể hóa hiến pháp để thấy sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống pháp luật, là nền tảng, “bệ đỡ” cho mọi quan hệ xã hội từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng phát triển.

Đặc biệt sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bổ sung, hoàn thiện, trong đó các quyền con người được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.

Tôn trọng, bảo vệ quyền con người

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về pháp luật, một trong những thay đổi lớn nhất của Hiến pháp 2013 là chế định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Các quyền này được đề cao, thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Giờ học tiếng Mông của học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lao Chải, huyện Sa Pa (Lào Cai). (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Giờ học tiếng Mông của học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lao Chải, huyện Sa Pa (Lào Cai). (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết tháng 6/2019, Quốc hội đã ban hành 11/16 luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các quyền con người, quyền công dân thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị như quyền ứng cử, bầu cử; quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý… đã được quan tâm cụ thể hóa thông qua việc ban hành mới Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trưng cầu ý dân.

Các Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã được ban hành để bảo đảm hệ thống pháp luật về các quyền con người, quyền công dân ngày càng hoàn thiện, đủ cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện và bảo đảm, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát, ngày 22/1/2019, tại Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát, ngày 22/1/2019, tại Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Các quyền con người, quyền công dân trong nhóm quyền kinh tế, văn hóa xã hội đã được cụ thể hóa trong các đạo luật thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hôn nhân và gia đình… đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời để bảo đảm ghi nhận và quy định cụ thể cơ chế tổ chức thực hiện, bảo vệ tốt hơn nữa các quyền con người trong lĩnh vực dân sự, lao động, hôn nhân, gia đình.

Trong đó, phải kể tới các quyền về nhân thân, quyền tài sản, quyền về an sinh xã hội, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế; quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

Đối với nhóm quyền con người, quyền công dân trong tư pháp như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bào chữa của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, quyền bình đẳng trước pháp luật… đã được cụ thể hóa trong các đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự…

Đặc biệt, việc ban hành Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đã giúp cho Nhà nước và nhân dân có thêm công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong phòng, chống tội phạm, đề cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Qua triển khai Luật cùng nhiều biện pháp đồng bộ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2019, số vụ tội phạm đã được kéo giảm 7,39%. Đây là con số ấn tượng so với chỉ tiêu Bộ Công an đã đăng ký với Chính phủ, Quốc hội là từ 3-5%.

Điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội

Theo nhận định của Chính phủ, trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định mô hình tổng thể tổ chức bộ máy nhà nước đã được quy định tại Hiến pháp năm 1992, đồng thời có một số phát triển mới trong các quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chính quyền địa phương và một số thiết chế khác bảo đảm phù hợp hơn với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, các luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy đã được ban hành trên tinh thần cụ thể hóa nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước; đổi mới cơ chế hoạt động, phân công, phối hợp và kiểm soát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương theo hướng phân cấp, phân quyền, ủy quyền rành mạch, rõ ràng hơn nhằm hướng tới xây dựng một bộ máy nhà nước gọn về tổ chức và hiệu quả trong hoạt động.

Tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, đồng thời đổi mới mô hình tổ chức, hình thức, phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương theo chủ trương của Đảng nhằm hướng tới một bộ máy nhà nước tinh gọn về tổ chức, hiệu quả trong hoạt động và tăng cường trách nhiệm giải trình, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương…

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ quan trọng để xây dựng hệ thống pháp luật khoa học, hiệu quả.

Theo đánh giá của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Với quan điểm phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định mang tính khái quát về mục tiêu, định hướng và các chính sách cơ bản làm cơ sở để hoàn thiện và thực thi hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, pháp luật trong các lĩnh vực này đã được hoàn thiện một bước quan trọng. Tính đến hết tháng 6/2019, Quốc hội đã ban hành các đạo luật về thuế và 31/37 luật, pháp lệnh khác thuộc lĩnh vực này.

Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các đạo luật thuộc lĩnh vực này đã tập trung góp phần tạo nền tảng pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh, các quyền về an sinh xã hội của công dân, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Các đạo luật về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội đã kịp thời được sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp và yêu cầu của tình hình mới.

Tính đến hết tháng 6/2019, Quốc hội đã ban hành 06 luật, pháp lệnh về bảo vệ Tổ quốc trong Danh mục và 05 luật, pháp lệnh ngoài Danh mục.

Những nỗ lực trong công tác lập pháp thời gian quan đã từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá việc triển khai thi hành Hiến pháp đã góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới./.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nền kinh tế chuyển mình

Chu Thanh Vân

Từ nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém vào năm 1945, trong 75 năm qua, nền kinh tế nước ta đã qua nhiều bước chuyển mình, phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử, để đến hôm nay, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình.

Quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. GDP bình quân đầu người đạt gần 2.800USD/người, gấp 1,32 lần năm 2015. Dự kiến năm 2020, GDP bình quân đầu người sẽ vượt 3.000 USD, đạt mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 đề ra.

Thoát ra từ nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến, thấp kém

Giai đoạn 1945-1954 là giai đoạn đầu tiên xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam và cũng là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước. Nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong thế bị bao vây, cô lập, phải đối phó với nhiều loại kẻ thù.

Từ nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém vào năm 1945, trong 75 năm qua, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình.

Đảng, Chính phủ đã nêu cao thiện chí và chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, nỗ lực tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực, các lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam.

Cùng với nhiệm vụ thực hiện cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp, Việt Nam đã thực hiện chuyển nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém thành nền kinh tế dân chủ, độc lập phục vụ nhu cầu kháng chiến và kiến quốc.

Các chính sách về ruộng đất, giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng từng bước được cải thiện. Sản lượng lương thực quy thóc năm 1954 ở vùng giải phóng đạt trên 2,9 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946.

Công nhân xưởng dệt Vinatexco chủ động khôi phục lại sản xuất từ tháng 10/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Công nhân xưởng dệt Vinatexco chủ động khôi phục lại sản xuất từ tháng 10/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Giai đoạn 1955-1975, đất nước bị chia cắt, nền kinh tế hai miền Nam, Bắc có nhiều điểm khác nhau. Kinh tế miền Bắc thực hiện hàng loạt nhiệm vụ như: khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất, tạo cơ sở kinh tế và chính trị vững chắc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội (thời kỳ 1955-1957); cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế (thời kỳ 1958-1960); thực hiện đường lối phát triển kinh tế trong bối cảnh miền Bắc có chiến tranh (thời kỳ 1961-1975).

Trong khi đó nền kinh tế miền Nam phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ nhưng hết sức yếu ớt, trống rỗng; tình trạng lạm phát, giá cả hàng hóa tăng với tốc độ cao.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960) đã xác định: “Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ ở nước ta.” Thu nhập bình quân đầu người của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp năm 1970 đã tăng 20% so với năm 1965.

Năm 1975, ở miền Bắc, tổng sản phẩm xã hội gấp 2,3 lần so với năm 1960, thu nhập quốc dân gấp 1,9 lần. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp gấp 3,4 lần.

Quan hệ thương mại giữa miền Bắc nước ta với các nước trên thế giới cũng được mở rộng, từ 10 nước (trong đó có 7 nước xã hội chủ nghĩa) trong năm 1955, đến năm 1965, đã tăng lên 35 nước (trong đó có 12 nước xã hội chủ nghĩa).

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (giai đoạn 1976-1985), cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân ta.

Nhân dân sôi nổi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) và kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985). Mặc dù đạt được một số thành tựu, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta thời kỳ trước đổi mới có nhiều hạn chế, thậm chí có những dấu hiệu khủng hoảng.

Bước chuyển mình thực sự của Việt Nam, tạo được dấu ấn và nhiều thành tựu bước đầu quan trọng là vào năm 1986, sau khi công cuộc đổi mới đất nước được Đảng ta khởi xướng.

Sản xuất linh kiện điện tử tại công y EVA trong khu công nghiệp Vsip. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Sản xuất linh kiện điện tử tại công y EVA trong khu công nghiệp Vsip. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Thời điểm đó, Việt Nam bị khó khăn bủa vây. Cuộc tổng điều chỉnh giá-lương-tiền trước đó bộc lộ nhiều khuyết điểm khiến nền kinh tế xuống dốc, lạm phát có thời gian lên tới trên 700% khiến hơn 7 triệu người thiếu đói.

Đất nước bị cấm vận, nguồn viện trợ từ các nước trong khối xã hội chủ nghĩa bị cắt giảm.

Nhìn thấu yêu cầu đổi mới, không có con đường nào khác là phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế, phát huy vai trò của khoa học kỹ thuật, mở rộng nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, trên cương vị là Tổng Bí thư từ năm 1986-1991, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Đại hội VI đã quyết định tập trung đổi mới từ nền kinh tế quốc doanh, tập thể chuyển sang kinh tế nhiều thành phần; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Khâu lưu thông, phân phối được đổi mới. Nhiều mô hình mới xuất hiện, đặc biệt là Nghị quyết 10 (Khoán 10) về khoán sản phẩm đã tạo ra một cú hích mạnh mẽ làm nông nghiệp bừng tỉnh; bãi bỏ chế độ tem phiếu thúc đẩy nhiều mô hình làm ăn được “bung” ra, đời sống nhân dân dần khởi sắc.

Từ một nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới. Đến năm 1995, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1991-1995) hoàn thành vượt mức, sự nghiệp đổi mới đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 10 năm 1990-2000 đạt 7,5%.

Bước vào nền kinh tế mở và hội nhập quốc tế

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô trong giai đoạn 2006-2010 cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng nhanh.

Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 101,6 tỷ USD (gấp 3,26 lần so với năm 2000).

Những kết quả này đã tạo đà cho giai đoạn 2011-2020 duy trì ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Nút giao thông trọng điểm giao giữ đường Võ Nguyên Giáp - đường Bùi Viện góp phần giảm thiểu thời gian lưu thông giữa khu vực phía Đông thành phố hải Phòng. (Ảnh: Nguyễn Tuấn/TTXVN)
Nút giao thông trọng điểm giao giữ đường Võ Nguyên Giáp – đường Bùi Viện góp phần giảm thiểu thời gian lưu thông giữa khu vực phía Đông thành phố hải Phòng. (Ảnh: Nguyễn Tuấn/TTXVN)

Từ năm 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,8%/năm.

Dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4 tỷ USD năm 2010 lên trên 80 tỷ USD vào năm 2020. Sức cạnh tranh của nền kinh tế và năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Năm 2013-2014, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 70/148 quốc gia trong bảng xếp hạng.

Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm. Xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo của nước ta những năm gần đây tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của Việt Nam; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế.

71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tăng 20,3% so với giai đoạn 2014-2016.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN trước thềm Xuân Canh Tý, đồng chí Vương Đình Huệ ( lúc đó giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ) nhận định, năm 2019, bất chấp những biến động bất thường của kinh tế thế giới, sự suy giảm của đầu tư và thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển rất ấn tượng, năm thứ 3 liên tiếp hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu phát triển về kinh tế-xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Đặc biệt ấn tượng có thể nói là vấn đề tăng trưởng.Tăng trưởng GDP năm 2019 là 7,02%, là một trong những nước có tăng trưởng cao nhất của khu vực cũng như trên thế giới. Trong điều kiện nhiều nước, nhiều nền kinh tế lớn suy thoái, không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm, chúng ta đã có mức tăng trưởng rất ấn tượng.

Cùng với quá trình ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập quốc tế, các chính sách xã hội cũng được quan tâm hơn, đời sống nhân dân được cải thiện, không ngừng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm, kể cả khu vực nông thôn và thành thị, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015), từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332 USD/người năm 2010 lên khoảng 3.000 USD/người năm 2020.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 90%, dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh ước đạt 96%.

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ước năm 2020 là 90%. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2020.

Con đường đi tới một Việt Nam thịnh vượng

6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta, toàn bộ hệ thống chính trị đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân.

Kiểm tra chất lượng xe ôtô tại nhà máy sản xuất ôtô Vinfast. (Nguồn: TTXVN) 

Kiểm tra chất lượng xe ôtô tại nhà máy sản xuất ôtô Vinfast. (Nguồn: TTXVN) 


Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện trong từng tháng, từng quý.

Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng. Trong khi nhiều nước rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng 1,81%.

Trong Báo cáo Điểm lại tháng 7/2020, một ấn phẩm bán thường niên đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 30/7, cơ quan này nhận định, dù chịu cú sốc lớn do dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia năng động, nền kinh tế vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi.

Quyền Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Stefanie Stallmeister nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới.

Theo dự báo mới nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% vào năm 2020 và sẽ phục hồi lại mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo trên cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Nhờ thoát được quỹ đạo dịch bệnh trong khủng hoảng COVID-19 sớm hơn, Việt Nam có cơ hội đặc biệt nhằm nâng tầm dấu ấn của mình trong nền kinh tế toàn cầu cả về thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy nghị trình cải cách trong nước.

Con đường đi tới một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới như mong muốn của Bác Hồ đã được hoạch định với từng mốc thời gian.

Chiến lược cho 10 năm tới, với mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập ở nhóm nước trung bình cao trên thế giới với GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt 8.000-9.000 USD/người.

Đến năm 2045, với dấu mốc 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và có mức thu nhập cao trên thế giới./.

 Cầu Hoàng Văn Thụ là cây cầu hiện đại, do Việt Nam hoàn toàn thiết kế và thi công, một trong những công trình trọng điểm mang dấu ấn lớn của Hải Phòng. (Ảnh: Trọng Luân/TTXVN)  
 Cầu Hoàng Văn Thụ là cây cầu hiện đại, do Việt Nam hoàn toàn thiết kế và thi công, một trong những công trình trọng điểm mang dấu ấn lớn của Hải Phòng. (Ảnh: Trọng Luân/TTXVN)  

Kiên định mục tiêu giảm nghèo,an sinh xã hội bền vững

Hạnh Quỳnh

Thực hiện giảm nghèo, chăm lo an sinh-phúc lợi xã hội cho nhân dân đang đưa đến nhiều thành tựu cho Việt Nam. Công cuộc đó cũng thể hiện bản chất tốt đẹp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định chính trị-xã hội và phát triển bền vững của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên chặng đường 75 năm qua, nhất là sau hơn ba thập kỷ đổi mới.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Năm 2020, giữa đại dịch COVID-19, khoản tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng từ gói 62 nghìn tỷ theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ khiến ông Đặng Gia Định, thương binh hạng 3/4, ở ngõ 43 phố Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cảm thấy ấm lòng.

Thành tựu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam chính là sự thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong suy nghĩ của ông Định, đó là nguồn động viên to lớn, không chỉ là thể hiện rõ tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà còn là sự khẳng định của Chính phủ về việc “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Cũng như người thương binh ở phố Nguyễn Phong Sắc, chị Phùng Thị Ngọc Anh, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) cảm kích và phấn khởi khi đón nhận khoản hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ từ cơ quan chức năng. Số tiền 1,5 triệu đó như chiếc “phao” giúp gia đình chị – một hộ cận nghèo, trang trải cuộc sống.

Những hạt gạo nghĩa tình giúp bà con gặp khó khăn vượt qua giai đoạn gian nan của đại dịch. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Những hạt gạo nghĩa tình giúp bà con gặp khó khăn vượt qua giai đoạn gian nan của đại dịch. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Điểm chung trong suy nghĩ của ông Đặng Gia Định và chị Phùng Thị Ngọc Anh khi nhận số tiền hỗ trợ của Chính phủ là, họ không chỉ tiếp nhận những động viên kịp thời, có giá trị về vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần, thấy cuộc sống thêm ý nghĩa.

Bởi lẽ, họ đã được chứng kiến Đảng, Nhà nước dốc tổng lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và dành mọi nguồn lực để hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do COVID-19.

Đợt dịch bệnh này, họ chỉ là hai trong số 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng trong diện được thụ hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ như người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh.

Cảm nhận tinh thần về ý nghĩa cuộc sống trong đại dịch COVID-19 của hai người dân đó, như khái quát của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hồi tháng 7 mới đây: “Thông qua gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng, các nước trên thế giới cũng như người dân trong nước ghi nhận, đồng tình ủng hộ. Qua đó, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ được nâng lên. Đây là cái được vô giá !”

Dẫn chứng từ ông Đào Ngọc Dung là, dù dịch bệnh bùng phát gây xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động, người nghèo và những đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội, nhưng Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra vừa đảm đảm nhiệm vụ chống dịch, đảm bảo sức khỏe vừa phục hồi kinh tế, ổn định kinh tế xã hội, những kết quả đạt được là rất đáng mừng và đáng trân trọng.

Đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh, tỷ lệ thiếu đói giảm 74,6% so cùng kỳ. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân theo đầu người tăng lên đạt 4,3 triệu đồng.

Đặc biệt mới đây trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với việc đề xuất điều chỉnh các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động cho phù hợp với thực tiễn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 là 18.600 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do đại dịch này.

Đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lần 2 là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh; người lao động tại khu vực nông thôn.

Vững vàng niềm tin

Không phải đến những khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra mới thấy niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thực hiện các chính sách an sinh-phúc lợi xã hội và xóa đói giảm nghèo. Mà vốn dĩ niềm tin ấy đã vững vàng bao trùm suốt chặng đường 75 năm qua, nhất là sau hơn ba thập kỷ đất nước đổi mới…

Những thành quả tốt đẹp từ hàng loạt các chủ trương, chiến lược xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức quốc tế đã cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương.

Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn phát triển kinh tế. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn phát triển kinh tế. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Những nỗ lực to lớn, không ngừng nghỉ nhằm đầu tư nguồn lực và đổi mới cơ chế, chính sách để thực hiện an sinh xã hội đã cải thiện không ngừng cuộc sống của người dân. Phát triển dân sinh được đặt trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội; quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo.

Thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cho thấy điều đó, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước tiếp tục giảm xuống, chỉ còn 3,75%.

Trên 1,35 triệu hộ trong tổng số hơn 2,33 triệu hộ nghèo vào cuối năm 2015 đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước tiếp tục giảm xuống, chỉ còn khoảng 2,75%. Thu nhập bình quân hộ nghèo dự kiến đến cuối năm nay cũng tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra.

Việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, nhất là giai đoạn 2016-2020 đã góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Thành tựu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam chính là sự thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thành tựu đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, nhìn nhận Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất thế giới, đạt được tiến bộ ấn tượng nhất trong các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện.

Bình đẳng trong phát triển kinh tế, xã hội

Trước những thành tựu về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận trong báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam”: Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ, những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài.

Các bệnh viện đầu tư trang thiết bị hiện đại khám, chữa bệnh cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Các bệnh viện đầu tư trang thiết bị hiện đại khám, chữa bệnh cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đánh giá về những kết quả mà Việt Nam đạt được trong Việt Nam đã đạt được tiến bộ tốt trong phát triển con người, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã kiên định chọn hướng phát triển lấy con người làm trọng tâm và sự bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người kể từ năm 1990 với mức độ bất bình đẳng tăng chậm.

Thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, được nhân dân trong nước đồng tình, dư luận quốc tế đánh giá cao, nhưng công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là xoá đói giảm nghèo chưa thật sự bền vững, khoảng cách giàu nghèo vẫn rộng và có xu hướng gia tăng.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã và đang đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Đáng chú ý là đề xuất khung chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đề xuất này, giảm nghèo và an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Để thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững có hiệu quả, giải pháp tổng thể được xác định từ đối tượng, phạm vi đến đề ra mục tiêu cần đạt được trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp tác động đến giảm nghèo và an sinh xã hội, bao gồm: hệ thống các chính sách và Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá.

Chương trình được xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng, Chính phủ và các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Chương trình này đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững. Phấn đấu từng bước xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người ở mọi nơi; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người; góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội./.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: CTV)
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: CTV)

Bảo vệ Tổ quốc bằng hòa bình bền vững

Hiền Hạnh

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn coi trọng giữ ổn định bên trong và hòa hiếu, hữu nghị với các quốc gia, dân tộc khác để xây dựng, phát triển đất nước.

 75 năm qua, thành tựu lớn nhất trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh là đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhân dân Việt Nam, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, đã xây dựng nền quốc phòng-an ninh vững chắc, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về quốc phòng-an ninh, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ nền hòa bình bền vững, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời duy trì sức mạnh quốc phòng-an ninh cần thiết, sẵn sàng đánh bại mọi hình thái chiến tranh xâm lược.

Xây dựng toàn diện nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân

Nhiều năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã triển khai xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Đảng, Nhà nước, Quân đội tích cực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở mang tính lưỡng dụng đáp ứng kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới.

 Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
 Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Công tác phối hợp giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến đơn vị cơ sở. Các đơn vị Quân đội, Công an đã chủ động phối hợp để tham mưu với Đảng, Nhà nước giải quyết nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được xây dựng thông qua việc củng cố vững chắc hệ thống chính trị để làm hạt nhân lãnh đạo, quản lý, tập hợp và huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp quốc phòng; xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được nâng cao. Nhân dân đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết và không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ngày càng được hoàn thiện.

Đảng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, đường lối quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới;” “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam;” “Chiến lược Quân sự Việt Nam;” “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng;” “Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia;” “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia.”

Nhà nước đã xây dựng, ban hành mới và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh: Luật An ninh quốc gia, Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân.

Đây là những bước tiến quan trọng, nhằm thể chế hóa đồng bộ các quan điểm của Đảng, nhất là những tư duy, quan điểm mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc bằng các văn bản quy phạm pháp luật – cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.

Củng cố tiềm lực an ninh-quốc phòng

Với tiền thân là các đội vũ trang của quân khởi nghĩa Nam Kỳ, các đội Cứu quốc quân ở Việt Bắc… xuất hiện trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, lực lượng Quân đội và Công an đã ra đời.

Chiến sỹ đảo Trường Sa thường xuyên nâng cao cảnh giác, ngày đêm tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Chiến sỹ đảo Trường Sa thường xuyên nâng cao cảnh giác, ngày đêm tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang nhân dân đã lớn mạnh, trưởng thành và lập nên nhiều kỳ tích trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược (1945-1975) cũng như trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng trung kiên bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cũng là lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp sức xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường “trận địa lòng dân”, chủ động giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa-dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa,” xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.

Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đồng thời làm tốt vai trò tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, tấn công làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình,” hoạt động gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đấu tranh, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hoạt động cơ hội chính trị, các loại tội phạm hình sự; tham gia tích cực, có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống và khắc phục thiên tai.

Cùng với xây dựng bộ đội chủ lực vững mạnh, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu, rộng khắp.

Lực lượng dân quân tự vệ biển được tập trung xây dựng, củng cố, thực sự trở thành lực lượng quan trọng phối hợp cùng các lực lượng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Bên cạnh đó, dân quân tự vệ, công an viên là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở cơ sở.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh

Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng-an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng đóng góp vào quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam đã có quan hệ, hợp tác về quốc phòng, an ninh với các đối tác chủ chốt, phù hợp với các quan hệ song phương theo các khuôn khổ của đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện, tập trung vào những lĩnh vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm.

Việt Nam rất tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. (Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc)
Việt Nam rất tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. (Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc)

Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực quốc phòng, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Tính đến năm 2019, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế; có 50 nước đặt tùy viên quân sự tại Việt Nam, trong đó 28 nước thường trú và 22 nước kiêm nhiệm.

Đến nay, Quân đội đã cử 40 lượt cán bộ và tổ chức hai bệnh viện dã chiến cấp 2 (mỗi bệnh viện trên 60 quân nhân) sang tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.

Các sỹ quan của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và đang hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, được Liên hợp quốc đánh cao, đồng thời tạo được hiệu ứng tốt trong Quân đội cũng như trong quần chúng nhân dân. Sắp tới, Việt Nam tiếp tục cử 10 sỹ quan lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Cục Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ), Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.

Bên cạnh hợp tác quốc phòng song phương, Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương trên kênh quốc phòng ASEAN (ADMM/ADMM+), kênh hợp tác quân sự ASEAN, kênh hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN) và một số diễn đàn đa phương khác, trong đó có thể kể đến một số chương trình quan trọng như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM hẹp); Hội nghị các quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN (ACDFIM), Các cuộc họp nhóm giữa kỳ ARF về xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa (ISG-CBM&PD), Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, Diễn đàn Hương Sơn…

75 năm là cả một quá trình phấn đấu hy sinh đầy gian khổ, không tiếc của cải và cả xương máu của dân tộc, vừa kháng chiến vừa kiến quốc để bảo vệ, xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Ngày nay, đất nước đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, Việt Nam trở thành một quốc gia ngày càng có uy tín trên trường quốc tế.

Có thể nói, 75 năm qua, thành tựu lớn nhất trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh là đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị-xã hội, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình để tập trung xây dựng, phát triển đất nước.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Môi trường chính trị, an ninh, kinh tế xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn mới, tác động nhanh, mạnh và bất ngờ. Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.Trong bối cảnh đó, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam gắn kết chặt chẽ hòa bình, lợi ích quốc gia-dân tộc với hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới. Đồng thời với mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam quyết tâm duy trì chính sách quốc phòng có tính chất hòa bình, tự vệ; kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; chủ trương củng cố, phát triển sức mạnh quốc phòng, trong đó sức mạnh quân sự là nòng cốt, đủ khả năng răn đe, đánh thắng mọi hành động xâm lược và chiến tranh.

Để trở thành lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thời gian tới, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục được đầu tư các nguồn lực cần thiết để làm nòng cốt cho nền quốc phòng toàn dân, củng cố thế trận an ninh nhân dân, đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia-dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng-an ninh; tìm kiếm giải pháp lâu dài để giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa vì mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững./.

Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nâng tầm vị thế Việt Nam

Nguyễn Hồng Điệp

Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại đã ra đời và vinh dự được Bác Hồ, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp chỉ đạo, dìu dắt.

Trong suốt 75 năm qua, ngành Ngoại giao đã luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và có những bước trưởng thành vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước kia cũng như sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.”

Nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng

Đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta được hình thành rõ nét và phát huy mạnh mẽ ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, các hoạt động đối ngoại được xúc tiến nhằm đề cao chính nghĩa, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Pháp, chính phủ và nhân dân các nước khác đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Ngay từ những ngày đầu lập nước, dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng tiền bối, ngoại giao đã khéo léo, bản lĩnh thể hiện vai trò tiên phong trong việc giữ vững độc lập nước nhà, góp phần quan trọng bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ.

75 năm qua, ngành Ngoại giao đã luôn đồng hành cùng dân tộc,góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc,sự nghiệp đổi mới, hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mặt trận ngoại giao đã sát cánh cùng mặt trận quân sự “vừa đánh vừa đàm” và cụ thể hóa những thắng lợi ở chiến trường trên bàn đàm phán tại Geneva năm 1954, tại Paris năm 1973.

Tại Hội thảo khoa học “75 năm Ngoại giao Việt Nam: bài học kinh nghiệm và định hướng,” Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ ngoại giao đã đi đầu trong việc vận động các nước ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, công nhận nền hòa bình và độc lập của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến lễ ký kết mua 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways tháng 2/2019. (Ảnh: Vietnam+) 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến lễ ký kết mua 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways tháng 2/2019. (Ảnh: Vietnam+) 

Trong sự nghiệp đổi mới, ngoại giao Việt Nam có sứ mệnh mới, góp phần quan trọng tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm phương cách mới thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quan trọng nâng cao thế và lực cho đất nước.

Từ những năm 50 của thế kỷ 20, hoạt động đối ngoại được triển khai gồm ba kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân cùng bổ sung, hỗ trợ cho nhau, làm cho hoạt động đối ngoại thêm phong phú, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại chung, phục vụ đắc lực và thiết thực nhất mục tiêu cách mạng ở từng thời kỳ, góp phần vào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Ngoại giao Việt Nam là nền ngoại giao toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của ba kênh chủ lực. Mỗi kênh có chức năng, nhiệm vụ riêng với phương thức hoạt động khác nhau nhưng có sự phối hợp nhuần nhuyễn, bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho nhau, tạo thế “chân kiềng” vững chắc trên mặt trận ngoại giao, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối chính sách đối ngoại và các mục tiêu cách mạng của dân tộc qua các thời kỳ.

Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, tình hình thế giới có những biến đổi sâu sắc và phức tạp. Đại hội VII của Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế” với tinh thần “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.”

Đại hội IX đề ra tiếp tục “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.”

Thực hiện đường lối đó, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (năm 1991), với Mỹ (năm 1995).

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ 7 nước G7 và 17/20 nước thành viên G20. Thiết lập và nâng cấp nhiều mối quan hệ lên đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện.

Chỉ riêng trong 5 năm (2016-2020), Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược với 3 nước, nâng đối tác chiến lược lên đối tác toàn diện với 1 nước, thiết lập đối tác toàn diện với 5 nước, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 30 nước.

Số lượng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng lên (91 cơ quan) với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, một văn phòng kinh tế văn hóa. Quan hệ với các đối tác hàng đầu không chỉ phát triển mạnh trên kênh Nhà nước, mà còn được đẩy mạnh trên cả kênh Đảng với nhiều hoạt động cấp cao vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa có nhiều nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả.

Việt Nam duy trì mối quan hệ tốt với các nước láng giềng và khu vực. Mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp trên Biển Đông nhưng chúng ta đã khéo léo, kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, vừa bảo vệ được độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, vừa giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Việt Nam cùng ASEAN và Trung Quốc tích cực tham gia đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đẩy mạnh trao đổi về phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia, tiếp tục duy trì các cơ chế đàm phán với Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực nghiên cứu các khả năng hợp tác cùng phát triển.

Việt Nam cũng đã hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo mốc giới với Lào; đang triển khai việc thực hiện Nghị định thư và Hiệp định Quy chế biên giới Việt – Lào. Với Campuchia, hai nước cũng đã hoàn thành 84% việc phân giới cắm mốc và đang xúc tiến hoàn tất văn kiện ghi nhận những kết quả đã đạt được.

Công tác đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với công tác bảo vệ pháp luật trong việc đẩy lùi, vô hiệu hóa các âm mưu và hành động chống phá Đảng, Nhà nước ta về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài; đấu tranh bảo vệ quyền và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng, để đạt được và bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc, trong mọi chính sách và hoạt động đối ngoại đòi hỏi phải giữ vững độc lập, tự chủ.

Chỉ có độc lập, tự chủ mới chủ động tránh được sức ép bên ngoài, đảm bảo được lợi ích của dân tộc. Điều này không có nghĩa là ta chủ trương theo đuổi một chính sách dân tộc vị kỷ vì trong khi đấu tranh bảo vệ lợi ích dân tộc mình thì chúng ta đồng thời góp phần tích cực vào đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đối ngoại quốc phòng, an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tích cực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước

Việt Nam chủ động tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2007.

Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ASEAN, duy trì và củng cố quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Cộng đồng ASEAN) và Hiến chương ASEAN; tham gia tích cực, có trách nhiệm với các diễn đàn khu vực và quốc tế như Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, Ủy ban Kinh tế-xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013-2017, Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (PKO), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Không chỉ tham gia các hoạt động đa phương đơn thuần, Việt Nam còn tích cực đóng góp để xây dựng, định hình các thể chế, luật lệ, chuẩn mực đa phương, đóng vai trò tích cực hơn trong các cơ chế quản trị toàn cầu và xây dựng quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với nhiều cơ chế, tổ chức, sáng kiến quốc tế. Các nước lớn ngày càng coi trọng vị thế của Việt Nam trong chiến lược ở khu vực và trên thế giới.

Gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới Chính phủ và người dân Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977.

Lực lượng Quân đội Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và vai trò đầu tàu trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp Việt Nam triển khai Chương trình Phát triển bền vững 2030.

Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.

Việt Nam chủ động và tích cực trong việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Việc ký các hiệp định thương mại đã mở rộng và đa dạng hóa thị trường, quan hệ bạn hàng với nhiều nền kinh tế phát triển và không để nền kinh tế đất nước rơi vào tình trạng bị lệ thuộc vào một thị trường, góp phần đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện vào chiều sâu.

Tính đến tháng 7/2000, Việt Nam ký Hiệp định thương mại với 61 nước, trong đó có Mỹ, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại thương với nước ta từ 50 nước năm 1990 lên 170 nước năm 2000.

Đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của Việt Nam; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tăng 20,3% so với giai đoạn 2014-2016.

Vị thế trong các tổ chức và các mối quan hệ đối ngoại đã góp phần làm cho đất nước đạt được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và đi vào triển khai hàng trăm thỏa thuận hợp tác quốc tế ở các cấp từ Trung ương tới địa phương, thu hút nguồn lực to lớn cho phát triển đất nước.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không ngừng tăng cao. Riêng giai đoạn 2016-2020, dòng vốn FDI tính đến 20/2/2020 có 31.434 dự án có hiệu lực của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ với tống số vốn đăng ký là 370 tỷ USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng, cải thiện đáng kể cán cân thương mại. Văn hóa, du lịch, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ … đều đạt những thành quả quan trọng.

Trong bài viết với tiêu đề: “Thành tựu đối ngoại 2019: Bản lĩnh và tinh thần Việt Nam,” Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, năm 2020 là thời điểm lịch sử rất quan trọng với đối ngoại Việt Nam, nhất là đối ngoại đa phương.

Việt Nam sẽ lần đầu tiên cùng lúc đảm đương đồng thời hai trọng trách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đó là những trọng trách khu vực và quốc tế có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng lớn của bạn bè quốc tế vào Việt Nam.

Đó là cơ hội quan trọng để chúng ta đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; là dịp để ta khẳng định tâm thế của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, đang hội nhập quốc tế sâu rộng.

Những trọng trách đa phương này cũng là thời cơ để Việt Nam tranh thủ thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa ta và các nước, tạo ra những động lực mới cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.

Những thành tích vẻ vang đã đạt được trong chặng đường 75 năm trưởng thành và phát triển đã thể hiện rõ nét vị trí, vai trò của ngành Ngoại giao nói riêng và công tác đối ngoại nói chung trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định “Công tác đối ngoại đã trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước”./.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)