Từ vụ phát hiện 39 thi thể trong container

ttxvnxetai-1572229050-59.jpg

Băng đảng buôn người, được cho là đứng sau cái chết bi thảm của 39 người châu Á nhập cư vào nước Anh, đã kiếm được hàng triệu USD từ việc buôn bán người trong suốt 20 năm tồn tại và được cầm đầu bởi một bà trùm khét tiếng người Trung Quốc.

Theo Daily Mail, bà trùm Ping đã chết trong một nhà tù ở Texas năm 2014 trong khi đang thụ án 35 năm với tội danh cầm đầu mạng lưới buôn người tinh vi nhất thế giới. Chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, băng đảng này đã đưa được tới 200.000 người nhập cư trái phép trót lọt.

Tại phiên tòa năm 2005 ở New York, bà trùm Ping được mô tả là một “ác quỷ” vì đã kiếm tiền bằng cách đưa nhiều thế hệ người Trung Quốc trên khắp thế giới nhập cư trái phép với mức giá 20.000 bảng Anh từ đầu những năm 1980.

Bà trùm Ping được mô tả là một “ác quỷ” vì đã kiếm tiền bằng cách đưa nhiều thế hệ người Trung Quốc nhập cư trái phép với mức giá 20.000 bảng Anh

Khoản nợ này sẽ được người nhập cư trả bằng tiền công từ những công việc tay chân họ làm ở trời Tây.

Cảnh sát cuối cùng cũng tóm được bà trùm Ping ở khu phố Tàu tại New York và đưa bà ta ra trước vành móng ngựa với tội danh buôn người. Nhưng bất chấp việc bà trùm bị bỏ tù và chết ở đó, băng Đầu rắn của bà ta vẫn hoạt động mạnh mẽ – mặc dù hiện chưa rõ kẻ cầm đầu mới là ai.

Mất đi sự lãnh đạo của Ping, băng đảng đã xuôi theo thời đại và sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội như MoMo – một ứng dụng tương tự như Tinder của Trung Quốc, cũng như ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat với lời hứa “di chuyển an toàn 100%.”

Những mẩu quảng cáo hấp dẫn như “Nhanh chóng vượt qua các cuộc kiểm tra ở biên giới! Thanh toán khi đến nơi!” được chạy đều trên các ứng dụng này.

'Bà trùm' Cheng Chui Ping. (Nguồn: Getty Images)
‘Bà trùm’ Cheng Chui Ping. (Nguồn: Getty Images)

Theo truyền thông địa phương, những người mơ ước rời Trung Quốc để có một cuộc sống mới phải trả một khoản đặt cọc trực tuyến ít nhất là 5.000 nhân dân tệ trước khi bị nhồi nhét vào những con thuyền hoặc container để bắt đầu một hành trình dài, tăm tối và đầy rủi ro.

Người Trung Quốc, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp, vẫn tiếp tục bị lôi kéo đến châu Âu và Bắc Mỹ bằng những lời hứa về mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với ở quê nhà, bất chấp những rủi ro đáng kể kèm theo.

Các nạn nhân sẽ rời quê hương với hy vọng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Anh – nhưng hành trình của họ sẽ đầy khốn khổ, khi phải mất tới một tháng trốn ở thùng sau xe tải trong những điều kiện nguy hiểm và tồi tệ.

Họ đa phần đi máy bay từ Trung Quốc tới Serbia, sau đó được vận chuyển bằng đường bộ qua Hungary, Áo, Pháp tới Bỉ hoặc Hà Lan trước khi lên tàu, thuyền tới Anh.

Mike Gradwell, cựu giám đốc cảnh sát tại Lancashire, người từng tham gia điều tra thảm kịch 23 người Trung Quốc nhập cư trái phép tử vong tại vịnh Morecambe, chia sẻ với chương trình BBC Breakfast rằng 39 nạn nhân trong xe container rất có thể đã bị buôn bán bởi các băng đảng Đầu rắn.

Ông nói: “Chúng thật sự là những đại lý du lịch tội phạm. Bạn gặp một tên Đầu rắn và nói rằng mình chấp nhận bị buôn bán để có một cơ hội đổi đời và thường là bạn sẽ mang theo một số tiền rất lớn cho chúng.”

Ông nói rằng những người thân có khả năng đã liên lạc được với những người bị buôn bán, vì họ mang điện thoại theo người. Theo ông, cảnh sát có thể dựa vào điều này để xác định danh tính các nạn nhân.

Lisa Yam, một luật sư chuyên về hoạt động nhập cư của người Trung Quốc, chia sẻ với chương trình: “Chúng tôi thấy thật khó mà tin là vẫn còn nhiều người Trung Quốc lựa chọn đến Anh (theo cách như vậy).”

Hai thảm kịch trước đó tại Anh đã cung cấp những manh mối về câu chuyện buồn phía sau cái chết của những nạn nhân mới nhất.

Năm 2000, thi thể của 58 người Trung Quốc đã được tìm thấy trong một container đã niêm phong kín và không có không khí tại cảng Dover. Khám nghiệm tử thi xác nhận họ tử vong vì ngạt khí.

Perry Wacker, một tài xế xe tải người Hà Lan, đã bị bỏ tù 14 năm vì tội ngộ sát những người nhập cư – những người này đã trả cho một băng đảng tội phạm hàng ngàn bảng để được đưa lậu vào Anh. Điều tra cho thấy Wacker đã đóng một lỗ thông hơi ở bên cạnh container khi chiếc xe tải lên phà vì sợ những người bên trong bị phát giác.

23 người Trung Quốc làm nghề bắt sò đã bị chết đuối sau khi kẻ cầm đầu băng đảng nhẫn tâm bỏ rơi họ trên bãi cát nguy hiểm ở vịnh Morecambe. (Nguồn: PA)
23 người Trung Quốc làm nghề bắt sò đã bị chết đuối sau khi kẻ cầm đầu băng đảng nhẫn tâm bỏ rơi họ trên bãi cát nguy hiểm ở vịnh Morecambe. (Nguồn: PA)

Bốn năm sau, 23 người Trung Quốc làm nghề bắt sò đã bị chết đuối sau khi kẻ cầm đầu băng đảng nhẫn tâm bỏ rơi họ trên bãi cát nguy hiểm ở vịnh Morecambe. Lin Liang Ren, chủ lao động tại Anh của họ, đã bị phạt 14 năm tù vì tội ngộ sát theo quyết định của tòa án Preston Crown.

Hai vụ việc ở Dover và vịnh Morecambe có ít nhất một điểm chung: tỉnh Phúc Kiến. Tất cả những người thiệt mạng đều đến từ vùng đất miền đông nam Trung Quốc đối diện với đảo Đài Loan này.

Phúc Kiến cũng là “đại bản doanh” của những băng Đầu rắn khét tiếng – được cho là một nhánh của hội Tam Hoàng.

Trở lại những năm 1990, hoạt động của các băng Đầu rắn tập trung ở Hong Kong. Chúng cung cấp lao động chợ đen chủ yếu cho khu bếp của các nhà hàng thuộc sở hữu của cộng đồng người Trung Quốc lâu đời ở Hong Kong.

Trong những năm qua, Đầu rắn đã mở rộng hoạt động sang buôn bán phụ nữ trẻ. Họ thường bị bắt cóc và ép buộc tham gia đường dây bán dâm ở Anh. Một số nạn nhân, trẻ nhất là 11 tuổi, đã tới Anh mà không có hộ chiếu hay thị thực và xin được tị nạn. Một khi đã tới nơi, họ sẽ biến mất khỏi các nhà trọ hay nhà chăm sóc mà cơ quan di trú Anh chỉ định cho họ.

Phúc Kiến cũng là 'đại bản doanh' của những băng Đầu rắn khét tiếng. (Nguồn: Xinhua)
Phúc Kiến cũng là ‘đại bản doanh’ của những băng Đầu rắn khét tiếng. (Nguồn: Xinhua)

Thống kê của Bộ Nội vụ Anh cho thấy có 3.641 phụ nữ đã bị tạm giữ di trú trong năm 2018, trong đó có 420 người Trung Quốc.

Số liệu hằng năm mới nhất từ Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh (NCA) cho thấy số lượng người Trung Quốc được báo cáo tới Cơ chế Tham chiếu Quốc gia, cơ quan phụ trách đánh giá các trường hợp nô lệ thời hiện đại, đã tăng hơn 50%, từ 293 người năm 2017 lên 451 người trong năm 2018.

Từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, 131 nô lệ người Trung Quốc khác đã được chỉ dẫn tới đây tìm sự giúp đỡ, một nửa trong số họ được phát hiện bởi Lực lượng Biên phòng Anh hoặc các đội nhóm thực thi di trú. Nhiều nạn nhân khác được đưa tới cảnh sát ở West Midlands, Gloucestershire, Cambridgeshire và London.

Khi NCA triển khai môt chiến dịch trên toàn châu Âu nhắm vào chế độ nô lệ và buôn người hồi tháng 6, số nạn nhân người Trung Quốc được phát hiện ở Anh nhiều hơn bất kỳ quốc tịch nào khác.

Những kẻ Đầu rắn buôn người đương nhiên nhắm mục tiêu vào những người di cư vì lợi ích kinh tế

Những kẻ Đầu rắn buôn người đương nhiên nhắm mục tiêu vào những người di cư vì lợi ích kinh tế. Chúng có liên quan đến thảm kịch tại Dover, sự cố tồi tệ nhất từng xảy ra tại Anh với nhiều điểm tương đồng đến lạnh người với vụ việc mới nhất tại Khu công nghiệp Waterglade ở Grays, Essex. Những chiếc xe tải trong cả hai vụ việc đều nhập cảnh vào Anh từ Zeebrugge, Bỉ.

Tính chất tàn bạo của sự việc và sự tuyệt vọng của các nạn nhân gợi nhắc lại những phát hiện của tổ chức từ thiện Diễn đàn người Trung Quốc tại Anh.

Wang Wei, một người từng là nạn nhân bị buôn bán, đã kể lại hành trình đầy đau đớn của mình. “Chúng [băng đảng tội phạm] đưa tôi vào một container và nói sẽ đưa tôi đến một nơi an toàn. Mất tới hơn một tháng, hơn 40 ngày. Tất cả mọi hoạt động đều diễn ra ở trong container. Tôi không biết mình đang ở đâu. Tôi đoán có thể là trên biển. Tôi chỉ cảm nhận được là container được nâng lên hay hạ xuống. Chúng có cho tôi thức ăn. Tôi phải đi vệ sinh ngay bên trong container và cứ như thế suốt hơn 40 ngày. Tôi đã trả cho chúng hơn 15.000 bảng Anh”./.