Donald Trump

trump2-1491115221-74.jpg

Nhóm Davos đã phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo trong nhiều năm. Giờ đây, giới tinh hoa toàn cầu đang lo lắng đầy chính đáng về những điều sắp xảy đến.

Trong hơn 3 thập kỷ, Donald Trump đã thể hiện rõ rằng nếu có bao giờ đắc cử tổng thống, ông sẽ xoay chuyển chính sách thương mại của Mỹ theo một hướng hoàn toàn khác. Và bản thân ông sẽ là người chỉ huy. “Điều tôi sẽ làm nếu đắc cử tổng thống sẽ là sự bổ nhiệm bản thân vào vị trí Đại diện thương mại Mỹ”, ông đã viết trong cuốn sách mang tên “Nước Mỹ mà chúng ta xứng đáng” của mình vào năm 2000, khi đang xem xét việc tranh cử tổng thống bằng tấm vé của đảng Cải cách. “Các luật sư của tôi đã kiểm tra rồi, và tổng thống có quyền đó. Cá nhân tôi sẽ chịu trách nhiệm đàm phán… Các đối tác thương mại của chúng ta sẽ phải ngồi đối diện với Donald Trump trên bàn đàm phán và tôi bảo đảm với các bạn rằng tình trạng bắt chẹt nước Mỹ sẽ chấm dứt”.

Giờ đây, bất chấp những bất lợi, ông Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ, và ông có cơ hội phi thường để lật đổ sự đồng thuận của giới tinh hoa vốn đã định hình chiến lược toàn cầu của Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Ông Trump đã hoàn thành việc bổ nhiệm bộ ba vị trí sẽ làm nên êkíp về chính sách thương mại của Mỹ của ông, khi thêm luật sư thương mại Robert Lighthizer ở Washington với tư cách Đại diện thương mại Mỹ vào cùng với nhà quản lý quỹ kiêm tỷ phú Wilbur Ross ở vị trí Bộ trưởng Thương mại và người có thái độ hiếu chiến với Trung Quốc Peter Navarro ở vị trí Chủ tịch mới của Hội đồng Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng. Các nhà vận động hành lang của giới doanh nghiệp và các phái viên ngoài nước đang bận rộn lùng sục các bài viết và hồ sơ của từng người để cố gắng đánh giá xem sự bổ nhiệm này có ý nghĩa gì đối với phương hướng trong tương lai của chính sách thương mại Mỹ.

Ông Trump có cơ hội phi thường để lật đổ sự đồng thuận của giới tinh hoa vốn đã định hình chiến lược toàn cầu của Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Họ sẽ không phải tìm kiếm quá vất vả: ông Trump đã đắc cử vì nhiều lý do, nhưng nỗi thất vọng ngày càng tăng về các tác động tiêu cực của thương mại đã đóng một vai trò lớn. Ông đã chiến thắng cuộc bầu cử ở các bang chuyên ngành chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu, bao gồm Michigan, Bắc Carolina, Ohio, Pennsylvania và Wisconsin. Và ông cũng giành được tỷ lệ phần trăm cử tri nghiệp đoàn cao nhất so với bất kỳ tổng thống đảng Cộng hòa nào kể từ Ronald Reagan vào năm 1984 đến nay.

Từ khi ông đắc cử, các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn đã cố gắng lấy lòng ông. Người đứng đầu Liên đoàn lao động và đại hội tổ chức công nghiệp Mỹ (AFL-CIO) Richard Trumka, người đã tới thăm tòa Tháp Trump, gần đây cho biết ông sẽ ủng hộ những lời kêu gọi của ông Trump về việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada, cùng với các thỏa thuận thương mại khác. Ông nói: “Nhiều cộng đồng đã mất đi mục đích và bản sắc của họ, và chúng ta phải sửa chữa điều đó. Người lao động đang tìm kiếm một con đường mới tiến lên phía trước trong thương mại”.

Việc ông Trump đắc cử quả thật hứa hẹn một con đường mới tiến lên phía trước mà sẽ là con đường mang màu sắc dân tộc và có khả năng theo chủ nghĩa bảo hộ đậm nét nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến trong gần một thế kỷ qua. Hệ thống chính trị Mỹ – chứ chưa nói tới giới tinh hoa xuyên quốc gia tại Davos, Thụy Sỹ – chưa chấp nhận được việc những thay đổi này có khả năng trở nên to lớn đến mức nào: Các chính sách của ông Trump sẽ gây ra sự hoài nghi đối với những chiến lược đầu tư toàn cầu của các công ty đa quốc gia Mỹ trong các ngành công nghiệp từ xe hơi cho tới chất bán dẫn, việc tìm nguồn cung ứng toàn cầu của các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Wal-Mart và Target, và các quy tắc thương mại toàn cầu được xây dựng dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Chúng có thể làm lung lay các liên minh của Mỹ trên toàn thế giới, mang lại cơ hội cho các đối thủ như Trung Quốc hay Nga.

Lời hứa của ông Trump là các thỏa thuận thương mại tốt và công bằng hơn sẽ mang về nhiều việc làm và cơ hội hơn cho người lao động Mỹ. Nếu được thực hiện một cách thông minh và mang tính ngoại giao, cách tiếp cận của ông có thể là một sự sửa đổi lẽ ra phải được thực hiện từ lâu đối với các chính sách thương mại và kinh tế đã bỏ quá nhiều người Mỹ lại đằng sau. Nếu được thực hiện qua loa, nó có thể đẩy thế giới trở lại các cuộc chiến thương mại gây nhiều tổn thất của những năm 1930, khiến cho người Mỹ và thế giới khốn khó hơn trước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, phía trước) ký ban hành một sắc lệnh tại Washington DC ngày 27/3. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, phía trước) ký ban hành một sắc lệnh tại Washington DC ngày 27/3. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ta phải nhìn lại quá khứ rất xa – từ trước Luật Thỏa thuận thương mại tương hỗ của Franklin Roosevelt vào năm 1934 – mới tìm ra một tổng thống Mỹ từng nghĩ về thương mại giống như Donald Trump theo bất kỳ cách nào. Từ khi trở thành người khổng lồ về kinh tế và quân sự của thế giới, các tổng thống Mỹ đã nhìn nhận thương mại như một trong số những thứ “lợi cả đôi bề” dễ dàng trong thế giới phức tạp của chính sách đối ngoại. Họ lập luận rằng việc hạ thấp các rào cản thương mại là tốt cho các công ty Mỹ mà có thể đầu tư trên khắp thế giới, tốt cho các đồng minh của Mỹ đang xuất khẩu hàng hóa tới Mỹ, tốt cho người tiêu dùng Mỹ thích những chiếc tivi và áo phông giá rẻ hơn, và tốt cho người lao động Mỹ mà các sản phẩm của họ có thể tìm thấy những thị trường mới ở nước ngoài.

Các tổng thống đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã tỏ ra nhiệt tình như nhau. John F. Kennedy tin rằng “chúng ta không thể bảo vệ nền kinh tế của mình bằng cách đình trệ sau những bức tường thuế quan”. Năm 1988, Ronald Reagan đã nhìn thấy trước một kỷ nguyên sắp đến mà trong đó “các công nghệ mới, các cơ hội mới vượt xa mọi tưởng tượng cách đây chỉ vài năm đang dần xuất hiện”. Nhưng ông cảnh báo rằng “không có điều gì sẽ chắc chắn rút ngắn kỷ nguyên này hơn việc bắt đầu vội vàng dựng lại các rào cản thương mại trên khắp thế giới”.

Ngay cả một người hoài nghi như Barack Obama, người đã theo chủ trương chống lại NAFTA trong chiến dịch tranh cử năm 2008, cũng đã thay đổi quan điểm để đón nhận thương mại như một lĩnh vực thành công đối với nền kinh tế và chính sách đối ngoại của Mỹ, và đã đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) quy mô lớn với Nhật Bản và 10 quốc gia vành đai Thái Bình Dương khác.

Ông Trump khó có thể dễ bị thuyết phục như vậy. Vào giữa những năm 1980, khi ông Reagan đang tán dương các ưu điểm của thương mại tự do hơn, ông Trump đã tự đặt mình vào một thiểu số lớn tiếng tin rằng Mỹ đã trở thành kẻ thua cuộc lớn do sự tự do hóa thương mại toàn cầu. Ông đã bước chân vào chính trường vào năm 1987 với một trang quảng cáo trọn vẹn trên tờ New York Times, trong đó công kích người Nhật vì đã dựa vào sự bảo vệ về mặt quân sự của Mỹ trong khi họ “đã xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh và sôi động với những thặng dư chưa từng có tiền lệ”.

Hơn bất kỳ vấn đề nào khác, ông Trump có một quan điểm từ lâu và nhất quán về thương mại Mỹ với phần còn lại của thế giới: Họ đang thắng còn nước Mỹ đang thua.

Ông thẳng thừng hơn vào năm sau trên chương trình của Oprah Winfrey: “Chúng ta để cho Nhật Bản tới và đổ đống mọi thứ vào các thị trường của chúng ta. Đó không phải là thương mại tự do. Nếu có bao giờ bạn tới Nhật Bản và cố gắng bán thứ gì đó, hãy quên điều đó đi, nó gần như là không thể. Họ không có các đạo luật chống lại việc đó, họ chỉ khiến cho việc đó trở nên bất khả thi. Họ tới đây, bán những chiếc xe hơi và đầu VCR của họ, họ đã hạ đo ván các công ty của chúng ta”.

Hơn bất kỳ vấn đề nào khác, ông Trump có một quan điểm từ lâu và nhất quán về thương mại Mỹ với phần còn lại của thế giới: Họ đang thắng còn nước Mỹ đang thua. Ông theo dõi tình hình bằng việc tính thâm hụt thương mại của Mỹ – sự chênh lệch giữa những gì nước Mỹ bán và mua. Trong 3 năm trở lại đây, kết quả gần như không có gì thay đổi – Mỹ thua lỗ khoảng 500 tỷ USD mỗi năm. Lần gần đây nhất Mỹ có thặng dư thương mại là vào năm 1975. Và mặc dù ông chưa chính thức bổ nhiệm mình vào vị trí Đại diện thương mại Mỹ, ông Trump hiện đã đóng vai trò người đàm phán thương mại chính bằng việc đe dọa và “phỉnh phờ” các công ty Mỹ như Ford, GM và Carrier – và thậm chí các công ty nước ngoài như Toyota và BMW – để giữ lại việc làm và hoạt động sản xuất trong phạm vi nước Mỹ hoặc chịu rủi ro của các mức thuế quan tốn kém đánh vào các mặt hàng nhập khẩu của họ.

Sự hoài nghi về thương mại của ông Trump từ lâu đã là một lập trường thiểu số, nhưng nó hoàn toàn không phải là một lập trường yếu ớt. Ross Perot đã có một nỗ lực mạnh mẽ thuộc đảng thứ ba để tranh chức tổng thống vào năm 1992 trong một chiến dịch tranh cử nhằm gạt bỏ NAFTA, cảnh báo về “tiếng động lớn” của việc việc làm “bị hút” sang Mexico nếu hiệp định này được thông qua. Các nghiệp đoàn lao động, từng là những chủ thể ủng hộ kiên định thương mại tự do hơn vào những năm 1960, tới đầu những năm 1970 đã đổi phe khi sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức và các quốc gia khác trong các ngành công nghiệp như trang phục, xe hơi và thép tăng vọt. Các nghiệp đoàn cũng đã cảnh báo về tình trạng thuê ngoài ở Mexico ngày càng gia tăng, một điều rõ ràng ngay từ năm 1968 khi tập đoàn RCA bắt đầu chuyển dịch dây chuyền sản xuất tivi của mình sang Juarez sau một loạt các cuộc đình công tại nhà máy lớn nhất của họ ở Bloomington, Indiana.

Ngày 24/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump (trong ảnh) đã đề nghị không đưa dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) do phe Cộng hòa bảo trợ ra bỏ phiếu tại Hạ viện khi nội dung của văn kiện này gần như chắc chắn sẽ không nhận đủ số phiếu tối thiểu cần thiết để được thông qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 24/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump (trong ảnh) đã đề nghị không đưa dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) do phe Cộng hòa bảo trợ ra bỏ phiếu tại Hạ viện khi nội dung của văn kiện này gần như chắc chắn sẽ không nhận đủ số phiếu tối thiểu cần thiết để được thông qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi phần lớn giới kinh doanh Mỹ ưu ái thương mại tự do, từ lâu đã có những lời phàn nàn từ các ngành công nghiệp bị tổn hại bởi sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu, nổi bật nhất là ngành thép, nhưng ngoài ra còn có ngành dệt may và may mặc, đôi khi là các ngành xe hơi và chất bán dẫn, và thậm chí là các nông dân cạnh tranh với trái cây và rau củ tươi nhập khẩu.

Không phải là trùng hợp khi các cố vấn hàng đầu của ông Trump đều có liên hệ với ngành thép. Lighthizer từng là Phó Đại diện thương mại Mỹ dưới thời Reagan, và đã dẫn dắt các cuộc đàm phán thuyết phục Nhật Bản hạn chế xuất khẩu thép và xe hơi vào Mỹ (những niềm tin về thương mại tự do của ông Reagan chịu ảnh hưởng thay đổi của chủ nghĩa thực dụng chính trị, một công thức mà những người kế nhiệm ông không phải lúc nào cũng tuân theo). Sau đó, Lighthizer đã trở thành luật sư được tìm đến bởi các công ty thép đang sử dụng các điều luật chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Mỹ để hạn chế hàng nhập khẩu.

Ông Ross đã gây dựng được một gia tài khi đầu tư vào các công ty thép của Mỹ được phát mại vào đầu những năm 2000, và sau đó khôi phục hoạt động của họ một phần không nhỏ nhờ các khoản thuế mà Chính quyền George W. Bush đã áp đặt lên thép nhập khẩu. Dan DiMicco, người đã dẫn dắt êkíp chuyển giao cho ông Trump, là cựu giám đốc điều hành của nhà sản xuất thép Mỹ Nucor, và là tác giả của cuốn sách năm 2015 mang tên “Sản xuất tại Mỹ: Vì sao sản xuất hàng hóa sẽ đưa chúng ta trở lại sự vĩ đại”.

Tuy nhiên, chủ nghĩa hoài nghi thương mại đang được hiện thân bởi êkíp của ông Trump đã phải mất thời gian để thẩm thấu vào chính trị quốc hội, và thậm chí nhiều thời gian hơn để có dấu ấn của nó trong nền chính trị tổng thống. Chẳng hạn, khi Quốc hội bỏ phiếu vào năm 1979 về vòng đàm phán Tokyo cho thỏa thuận thương mại thế giới, nó đã được thông qua ở Hạ viện với tỷ lệ phiếu 395-7 và ở Thượng viện với tỷ lệ 90-4. Ngày nay, sẽ khó có thể có được sự ủng hộ lớn đến vậy cho việc đổi tên một bưu điện. Thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Canada, một thỏa thuận từng gây nhiều tranh cãi ở phía Bắc biên giới đến mức cuộc bầu cử quốc gia đã được tranh cử dựa trên vấn đề này vào năm 1988, đã dễ dàng được Quốc hội Mỹ thông qua trong cùng năm, với tỷ lệ phiếu bầu 366-40 ở Hạ viện.

Tuy nhiên, đến khi diễn ra cuộc bỏ phiếu cho NAFTA vào năm 1993, hoạt động chính trị đã bắt đầu thay đổi. Ông Clinton đã có thể giành được sự ủng hộ với tỷ lệ phiếu bầu 234-200 ở Hạ viện, nhưng chưa đến một nửa Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ bỏ phiếu theo ông, thậm chí sau khi ông đã cố gắng nhượng bộ đảng của chính mình bằng việc buộc Mexico chấp nhận các thỏa thuận bổ sung để củng cố các quy định môi trường và tiêu chuẩn lao động của nước này.

Các thỏa thuận như NAFTA đã liên kết Mỹ với các nền kinh tế có tiền công thấp hơn nhiều đã tỏ ra khó thuyết phục hơn nhiều ở Mỹ, với việc công chúng lo sợ rằng đầu tư sản xuất sẽ săn đuổi các mức tiền công thấp – và không phải là không có lý do chính đáng. Ông Clinton đã không thể thu được sự chấp thuận của Quốc hội để đàm phán thêm các thỏa thuận thương mại khác. Tổng thống George W. Bush đã có được cái gọi là “quyền đàm phán nhanh” từ phía Quốc hội vào năm 2002 – và đặt lại tên cho nó một cách lạc quan là “quyền xúc tiến thương mại” – nhưng chỉ sau khi các nhà lãnh đạo Hạ viện của đảng Cộng hòa đã giữ cho cuộc bỏ phiếu kéo dài 1 giờ và dùng sức mạnh ép một vài Hạ nghị sỹ chuyển lá phiếu của họ. Thỏa thuận thương mại của Chính quyền Bush với Trung Mỹ cũng được Hạ viện thông qua theo cách tương tự chỉ với chênh lệch 2 phiếu vào năm 2005.

Việc Trung Quốc gia nhập WTO đã đánh dấu sự nổi lên của nước này như đối thủ cạnh tranh kinh tế đáng gờm nhất mà Mỹ từng gặp phải.

Tuy nhiên, bước ngoặt thật sự là việc Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001. Các tổng thống từ lâu đã mắc sai lầm là đề cao quá mức các lợi ích của các thỏa thuận thương mại. Chẳng hạn, khi NAFTA được trình lên Quốc hội, êkíp của Tổng thống Bill Clinton đã hứa hẹn rằng sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Mexico sẽ giảm bớt tình trạng di cư trái phép vào Mỹ – điều này diễn ra ngay trước một thập kỷ mà trong thời gian đó số lượng người di cư trái phép đã tăng gấp 4 lần từ 3 triệu lên 12 triệu người.

Với Trung Quốc, ông Clinton đã thuyết phục rằng nó là một “thỏa thuận thương mại một chiều” sẽ buộc Trung Quốc phải hạ các rào cản nhập khẩu cao của nước này trong khi Mỹ giữ nguyên các mức thuế quan của mình. Ông Clinton gọi đó là “một thỏa thuận 0 đổi lấy 100 cho Mỹ khi nói về các hệ quả kinh tế”. Thay vào đó, việc Trung Quốc gia nhập WTO đã đánh dấu sự nổi lên của nước này như đối thủ cạnh tranh kinh tế đáng gờm nhất mà Mỹ từng gặp phải. Với việc các công ty đa quốc gia tự tin rằng Mỹ không còn có thể đe dọa áp thuế trừng phạt lên Trung Quốc nữa, đầu tư đã tăng vọt, và theo đó là hàng xuất khẩu. Từ năm 2001 đến 2015, thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ về hàng hóa với Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần từ 83 tỷ USD lên gần 370 tỷ USD.

Sự cạnh tranh về nhập khẩu ngày càng tăng này có những tác động nghiêm trọng nhất ở các bang ngành chế tạo mà ông Trump đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử. Ngay cả với sự trỗi dậy của sự cạnh tranh từ Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980, công ăn việc làm ngành chế tạo của Mỹ vẫn giữ ở mức tương đối không đổi là khoảng 17 triệu việc làm, và đã duy trì ở mức này trong những năm 1990 ngay cả khi sản lượng đã tăng vọt nhờ kỹ thuật tự động hóa tốt hơn. Nhưng vào những năm 2000, khoảng 6 triệu việc làm ngành chế tạo đã biến mất – nạn nhân của kỹ thuật tự động hóa tốt hơn, 2 cuộc suy thoái, và sự cạnh tranh hàng nhập khẩu ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Hoạt động giao dịch tại sàn chứng khoán New York, Mỹ ngày 6/1/2017. (Ảnh:THX/TTXVN)
Hoạt động giao dịch tại sàn chứng khoán New York, Mỹ ngày 6/1/2017. (Ảnh:THX/TTXVN)

Nghiên cứu học thuật chính xác nhất cho thấy thương mại gần như chắc chắn là nguyên nhân của từ 20% đến 30% số việc làm bị mất đi này. Và chúng không chỉ là những việc làm bất kỳ – chúng là những việc làm trả lương khá, ở mức trung lưu cho những người có trình độ giáo dục vừa phải, và đổi lại tiền lương đó giúp hỗ trợ nền kinh tế của hàng trăm cộng đồng trên khắp đất nước.

Mặc dù Chính quyền Obama đã cố gắng giải quyết một số thách thức mà những người lao động này phải đối mặt – chẳng hạn bằng việc mở rộng phạm vi chăm sóc y tế và đẩy mạnh các chương trình tái đào tạo thông qua dự luật Hỗ trợ điều chỉnh thương mại – những nỗ lực này chưa bao giờ chạm đến được nhiều hơn một phần nhỏ những người bị ảnh hưởng. Kết quả là, việc Obama bảo vệ các thỏa thuận thương mại tự do hơn nữa, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với Nhật Bản và 10 quốc gia vành đai Thái Bình Dương khác, đã ngày càng trở nên khó gây thuyết phục đối với các cử tri.

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders đã đưa ra một thách thức đáng gờm trong các cuộc bầu cử chọn ứng cử viên của đảng một phần bằng cách phản đối TPP và các thỏa thuận thương mại khác, nhấn mạnh mối nguy hiểm ngày càng tăng của một phản ứng dữ dội chống thương mại thậm chí trước khi ông Trump bảo vệ vấn đề này trong chiến dịch vận động tổng tuyển cử.

Sự suy thoái của những năm 2000 đã đủ để khiến nền chính trị thương mại nghiêng về phía ông Trump và những người hoài nghi thương mại. Trong số 10 bang chịu tác động mạnh nhất của tình trạng mất việc làm ngành chế tạo trong thập kỷ đó, đã có 8 bang ủng hộ ông Trump. Nghiên cứu của Mark Muro và các cộng sự của ông ở Viện Brookings cũng chỉ ra điều tương tự rằng sự ủng hộ dành cho ông Trump được tập trung ở những nơi bị nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng bỏ lại đằng sau. Ông Trump đã chiến thắng ở nhiều hạt hơn so với Clinton – khoảng 2600 so với 500 hạt – nhưng các hạt này chỉ chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng kinh tế Mỹ.

Cách tiếp cận của ông Trump đối với thương mại hoàn toàn là về việc mang hoạt động sản xuất và công ăn việc làm trở lại cho những cộng đồng gặp khó khăn, cho các thị trấn và thành phố nhỏ hơn như Youngstown hay Flint vốn từng được xây dựng dựa trên việc làm ngành chế tạo. Đây là một cách tiếp cận có thể giúp một số nơi đã bị bỏ mặc quá lâu, nhưng nó cũng tạo ra những mối nguy hiểm lớn đối với nền kinh tế hiện đang bị ràng buộc sâu sắc với thị trường toàn cầu, đặc biệt là các thành phố lớn vốn là những động cơ tăng trưởng của đất nước.

Cách tiếp cận của ông Trump đối với thương mại có thể giúp một số nơi đã bị bỏ mặc quá lâu, nhưng nó cũng tạo ra những mối nguy hiểm lớn đối với nền kinh tế hiện đang bị ràng buộc sâu sắc với thị trường toàn cầu.

Chiến lược thương mại của ông Trump đòi hỏi phải gây sức ép lên các tác nhân thị trường, thuyết phục các công ty ra quyết định xác định địa điểm đầu tư mà nếu không thì họ có thể sẽ không đưa ra. Mặc dù điều này có vẻ là “chính sách công nghiệp” mà các đảng viên Cộng hòa từ lâu đã chỉ trích, nó có thể là một bước ngoặt tích cực. Các chuyên gia Michael Porter và Jan Rivkin thuộc Trường kinh doanh Harvard đã lập luận rằng các công ty của Mỹ nên làm nhiều hơn để xây dựng sự hiện diện của họ ở trong nước – chẳng hạn, bằng việc đầu tư vào Mỹ và tìm nguồn cung từ các nhà cung cấp địa phương, và bằng việc cung cấp nhiều thời gian học nghề và đào tạo hơn cho người lao động Mỹ.

Những lời công kích của ông Trump trên Twitter là một cách nhằm theo đuổi những mục đích tương tự đầy thô lỗ. Ông Trump cũng có thể giúp đỡ bằng cách làm nhiều hơn để thẳng tay ngăn chặn tiền trợ cấp của chính phủ nước ngoài cho các công ty; chẳng hạn, không có gì bất ngờ khi gần đây tờ New York Times cho biết rằng việc sản xuất điện thoại iPhone của Apple ở Trung Quốc được “bôi trơn” bằng hàng tỷ USD tiền trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc giúp giảm bớt các chi phí sản xuất, vận chuyển, năng lượng và thậm chí việc tuyển dụng lao động.

Và mặc dù những khẳng định của ông Trump rằng Trung Quốc đã giảm giá trị đồng tiền của nước này vì lợi thế cạnh tranh đã lỗi thời, đó là từ hồi những năm 2000 và có thể một lần nữa trở thành một vấn đề lớn. Cựu đại diện thương mại của George W. Bush là Robert Zoellick – hiện thân của chính sách thương mại của bộ máy chính quyền – gần đây đã ra mặt ủng hộ việc Mỹ sử dụng những sách lược quyết liệt hơn nhằm đàn áp thẳng tay việc thao túng tiền tệ.

Ông Trump cũng sẽ cần nhiều sự giúp đỡ từ Quốc hội. “Củ cà rốt” lớn nhất được đưa ra thảo luận nhằm đẩy mạnh sản lượng trong nước là bản kế hoạch chi tiết của đảng Cộng hòa về cải cách thuế doanh nghiệp, đã hứa hẹn đưa “khả năng điều chỉnh biên giới” vào luật thuế. Mục tiêu là nhằm bắt chước những lợi thế mà Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico và các nền kinh tế châu Âu có được khi sử dụng “thuế giá trị gia tăng”, được hoàn lại đối với hàng xuất khẩu và đánh vào hàng nhập khẩu. Nhưng những nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Wal-Mart và Target hiện đã trì hoãn, cảnh báo rằng khả năng điều chỉnh biên giới “sẽ san bằng những loại thuế cao hơn đối với những hàng hóa hàng ngày như thực phẩm, cà phê, đồ chơi, và thậm chí là điện thoại di động”. Cuộc chiến về thuế hứa hẹn sẽ lâu dài và khó khăn.

Mối nguy hiểm lớn hơn là chủ nghĩa dân tộc kinh tế của ông Trump sẽ chuyển thành chủ nghĩa bảo hộ hoàn toàn. Việc lấy những thuế quan hạn chế làm mồi nhử như một sách lược buộc các thị trường nước ngoài mở cửa cho hàng nhập khẩu do Mỹ sản xuất là một chuyện; ông Reagan và ông Clinton đều đã làm như vậy với Nhật Bản, với một số ảnh hưởng tích cực. Nhưng việc Nhà Trắng sử dụng thuế quan theo cách nhắm mục tiêu và có tính trừng phạt nhằm vào các quốc gia hoặc công ty được lựa chọn, như ông Trump đã đe dọa, lại là một chuyện khác. Và không giống như trong kỷ nguyên Reagan và thời kỳ đầu Clinton, một động thái như vậy hiện nay rõ ràng vi phạm các cam kết Mỹ đã đưa ra khi nước này giúp thành lập Tổ chức thương mại thế giới vào năm 1994 và khi nhất trí chuyển các tranh chấp thương mại cho tòa án quốc tế ở Geneva phân xử.

Các nước khác sẽ không chờ đợi trong yên lặng. Thậm chí trước khi ông Trump nhậm chức, Trung Quốc đã cảnh báo rằng nước này sẽ “ăn miếng trả miếng” nhằm vào bất kỳ hành động thương mại hung hăng nào của chính quyền mới bằng cách cấm các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ như đậu nành hay máy bay Boeing.

Một cuộc chiến tranh thương mại sâu rộng sẽ gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Mỹ; Viện kinh tế quốc tế Peterson đã dự báo rằng nếu ông Trump áp đặt các mức thuế quan cao lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc và Mexico, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, trả giá bằng việc mất đi khoảng 4 triệu việc làm. Thiệt hại sẽ đặc biệt lớn đối với các thành phố lớn và những người nông dân bán các sản phẩm và dịch vụ của họ trên khắp thế giới.

Thiểu số lớn tiếng gồm những người bị thiệt hại trong thương mại mà ông Trump đã bảo vệ đột nhiên sẽ phải đối mặt với một phần đa số lớn tiếng gồm những người thu lợi nhờ thương mại, những người nhận thấy sự phát đạt của mình đang bị đe dọa.

Có một lý do khiến các tổng thống từ Roosevelt trở đi ủng hộ thương mại tự do hơn: Mỹ và các quốc gia khác đã thử những lựa chọn thay thế mang tính dân tộc chủ nghĩa vào cuối những năm 1920 và 1930, và thiệt hại là vô cùng lớn. Ông Trump có thể có khả năng chế tác một phiên bản hiện đại làm nghiêng sân chơi thương mại nhiều hơn về phía có lợi cho Mỹ mà không phá hủy hoàn toàn sân chơi này. Nhưng ông đang chơi một trò chơi nguy hiểm./.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố tập đoàn SoftBank của Nhật Bản sẽ đầu tư 50 tỷ USD vào các doanh nghiệp và tạo việc làm tại Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố tập đoàn SoftBank của Nhật Bản sẽ đầu tư 50 tỷ USD vào các doanh nghiệp và tạo việc làm tại Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)