Gout de France 2017

1611restaura-1490484157-2.jpg

Gout de France

Gặp gỡ và tôn vinh nền ẩm thực Pháp

Mai Anh – Doãn Đức

“Ngày hội ẩm thực Pháp” (Gout de France hay Good France) lần thứ 3 năm 2017 là sự kiện thường niên được tổ chức trên toàn thế giới, vừa đồng thời diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hội An vào ngày 21/3.

Nét đặc biệt và độc đáo của ngày hội tôn vinh nền ẩm thực Pháp là việc sử dụng cùng một thực đơn (có biến tấu đôi chút) cho nhiều thành phố trên khắp thế giới, trong cùng ngày 21/3. Năm nay, sự kiện quy tụ 2.000 đầu bếp, 150 sứ quán và hơn 250.000 thực khách.

Tại Việt Nam, có 24 nhà hàng của 5 thành phố phố tham gia Gout de France, trong đó có những khách sạn, nhà hàng nổi tiếng về món Pháp như: Sofitel Legend Metropole Hanoi, JW Marriott, Sheraton Hanoi, La Badiane, Press Club Hanoi, La Barrique, La Verticale, Pullman Beach Resort, La Ré sidence Hué Hotel &Spa, Fafo MGallery Hoi An, Le Bordeaux, Sofitel Plaza Saigon, Annamite, Le Cobalt, Le Corto, La Villa French, Pixel…

Các đơn vị tham gia chuẩn bị bữa ăn kiểu Pháp có tên gọi “Hương vị nước Pháp” với trình tự thực đơn: đồ uống khai vị và bánh mỳ, món khai vị, món chính, pho-mát, các món tráng miệng, rượu vang và champage Pháp.

Bữa tiệc ấm cúng trong sự kiện Gout de France 2017. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Bữa tiệc ấm cúng trong sự kiện Gout de France 2017. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Trong đó, đầu bếp Alain Dutournier (bếp trưởng nhà hàng La Table du Chef – Press Club Hanoi) và “MasterChef Pháp 2015” người Pháp gốc Việt Huỳnh Khánh Ly là “nhạc trưởng” của bữa tiệc đặc biệt diễn ra tối 21/3 trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội.

Alain Dutournier trở thành bếp trưởng năm 1996, được trao Huân chương Quốc công, Huân chương Văn học Nghệ thuật và năm 2011 tiếp tục được thăng hạng trong Huân chương Quốc công. Năm 2015, ông trình diễn kỹ nghệ và tình yêu của mình đối với ẩm thực Pháp và mở nhà hàng “La Table du Chef” tại Press Club Hanoi.

Các bạn trẻ tham dự Gout de France tự tay trang trí cho món bánh vừa làm. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Các bạn trẻ tham dự Gout de France tự tay trang trí cho món bánh vừa làm. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Hiện diện tại Gout de France 2017 còn có Huỳnh Khánh Ly, người chiến thắng chương trình “Vua đầu bếp Pháp” năm 2015. Cô đã xuất bản một cuốn sách bao gồm 45 công thức món ăn mang tên “Tôi làm Bếp trưởng!” vào tháng 4/2016.

Hiện Ly đang hoạt động tự do, là chuyên gia cố vấn và nhận được nhiều lời mời trên toàn thế giới. Đầu năm 2017, trước khi tới Việt Nam, cô đã ở Singapor và New York, để tổ chức chức những bữa tiệc tối đặc biệt, những lớp đào tạo nấu ăn và sáng tạo công thức món ăn.

“Gout de France/Good France” 2017 có chủ đề “Chất lượng sản phẩm và Đào tạo nghề,” nhằm kết nối các trường dạy nghề ẩm thực và sinh viên ưa thích lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng trên toàn thế giới. Hoạt động do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức.

Huỳnh Khánh Ly giới thiệu về cuốn sách nấu ăn. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Huỳnh Khánh Ly giới thiệu về cuốn sách nấu ăn. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

MasterChef Huỳnh Khánh Ly: “Tôi là người nấu ăn có cá tính”

Cô gái tuổi 9X người Pháp gốc Việt ấy từng chiến thắng cuộc thi Vua đầu bếp Pháp (MasterChef) năm 2015. Theo học luật và kinh doanh đồ hiệu, công việc của Huỳnh Khánh Ly chẳng liên quan gì tới chuyên môn ẩm thực, nhưng cô đã khiến tất cả bất ngờ.

Bỗng chốc nổi tiếng cả thế giới nhưng cô không để ánh hào quang dẫn lối. Bởi với Ly, hạnh phúc là được làm điều mình thích và thành công chỉ đến khi người ta dũng cảm theo đuổi nó bằng tất cả đam mê.

Trong lần trở lại Việt Nam tham gia sự kiện Ngày hội Ẩm thực Pháp (Gout de France/Good France) trên toàn thế giới, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn MasterChefHuỳnh Khánh Ly xung quanh câu chuyện nghề.

“Ý tưởng cũng có thể đến từ những lần ăn trong nhà hàng hay ngoài phố,nhất là ở Việt Nam có nhiều quán vỉa hè rất ngon. Tôi đã thấy một cụ bà với chiếc chảo rán trên phố và thưởng thức nhiều món ngon từ đó.”

“Hãy trân trọng thất bại thay vì sợ hãi chúng”

– Học ngành luật, kinh doanh đồ hiệu rồi trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, điều gì khiến Khánh Ly thay đổi như vậy?

Khánh Ly: Tôi đã học Luật, làm việc lĩnh vực kinh doanh đồ hiệu trong nhiều năm, nhưng đến một ngày tôi thấy những giây phút hạnh phúc nhất trong ngày là khi nấu ăn. Những lúc đó tôi cảm thấy việc làm hàng ngày trở nên quá nhàm chán.

Tôi bị ám ảnh bởi những ý tưởng trong đầu, thường thức dậy lúc 6 giờ sáng với một công thức nấu ăn mới và chúng đến với tôi ngày một nhiều, mỗi ngày một lớn hơn. Quan trọng nhất là xung quanh tôi trên con đường này.

Mọi người thường nói: “Ly ơi, Ly nấu ăn rất ngon. Ly thực sự là một tài năng. Tại sao Ly không trở thành đầu bếp nhỉ?” Việc xung quanh có người thân, bạn bè luôn ủng hộ, động viên như vậy đã góp phần không nhỏ cho thành công của tôi ngày hôm nay.

Ban đầu cũng khó khi học một lĩnh vực khác lại chuyển sang làm bếp nhưng đến giờ tôi hoàn toàn không tiếc nuối vì quyết định của mình.

Vua đầu bếp Pháp 2015 hướng dẫn các bạn trẻ yêu ẩm thực Việt Nam làm bánh

– Ly vừa nhắc đến các ý tưởng. Tôi muốn biết, các công thức món ăn mới của Ly thường xuất hiện vào thời điểm nào? Ví dụ, gần đây tôi có phỏng vấn một bếp trưởng người Pháp và anh ấy khá hóm hỉnh chia sẻ rằng ý tưởng về các công thức mới của anh ấy thường nảy ra khi anh ngâm mình trong bồn tắm. Ly thì sao?

Khánh Ly: Các ý tưởng của tôi không chỉ đến từ trong nhà tắm mà có thể đến từ bất cứ thời khắc nào, như khi đi dạo phố, vào chợ, siêu thị mua đồ… Ngay khi thấy một sản phẩm mới, thử vị thấy dậy mùi và bỗng có cảm hứng thì tôi nghĩ ngay đến một món ăn mới.

Mới đây sang Singapore, tôi thấy một loại rau giống như cà rốt xanh và đã làm món tráng miệng với món rau xanh này.

Với tôi, tình yêu ẩm thực có thể đến từ khắp mọi nơi.

– Có khi nào Ly thất bại trong việc nấu nướng không và Ly vượt qua nó như thế nào?

Khánh Ly: Dĩ nhiên rồi, đầu bếp thì không thể tránh được thất bại trong việc nấu nướng. Nhưng tôi luôn nghĩ, thất bại cũng là một phần của việc học, vì để tạo ra cái mới cũng phải làm nhiều lần và trải qua nhiều thất bại.

Có nhiều công thức nấu ăn ngày nay trở nên nổi tiếng được sinh ra từ những thất bại. Chính những thất bại giúp chúng ta lớn lên, thay vì sợ hãi thất bại thì tốt nhất là nên trân trọng chúng.

Khánh Ly chuẩn bị món khai vị cho sự kiện Goût de France tại Đại sứ quán Pháp (Hà Nội).(Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Khánh Ly chuẩn bị món khai vị cho sự kiện Goût de France tại Đại sứ quán Pháp (Hà Nội).(Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

“Văn hóa Việt giúp tôi tạo sự khác biệt”

– Có lẽ bước ngoặt lớn để mở ra một con đường mới với Ly là trở thành Vua đầu bếp Pháp năm 2015. Tôi được biết, món ăn Việt Nam đã giúp bạn chiến thắng trong cuộc thi đó?

Khánh Ly: Món ăn Việt trong hành trình chiến thắng Masterchef của tôi là món canh cá tại vòng thi ở Marseille, với thử thách làm món súp cá kiểu Pháp. Đối với người Pháp, đây là loại súp nhuyễn mịn và các nguyên liệu hòa trộn với nhau.

Tôi đã làm món canh cá giống như mẹ làm cho tôi ăn hồi bé, có vị chua ngọt, các gia vị như dứa, đầu cá, cà chua, rau thơm, gừng… Chính cách làm đặc biệt này đã khiến vị giám khảo 3 sao Michelin thực sự ấn tượng và trực tiếp cho tôi vé vào vòng sau luôn.

Có thể nói, nhờ văn hóa Việt Nam đã giúp tôi tạo ra sự khác biệt so với thí sinh khác và mang đến cho mọi người cách nhìn mới về ẩm thực Pháp.

Khánh Ly có buổi trò chuyện và cùng thưởng thức món ăn với các bạn trẻ Việt Nam. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Khánh Ly có buổi trò chuyện và cùng thưởng thức món ăn với các bạn trẻ Việt Nam. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

– Vậy sở trường của Ly là các món Âu, Á, Fusion hay là…?

Khánh Ly: Những món đặc trưng của tôi có sự ảnh hưởng nhiều yếu tố. Tôi là người rất cởi mở nên thường lấy cảm hứng từ những chuyến du lịch, những buổi gặp gỡ bạn bè hay từ nhiềuvùng đất khác nhau, từ châu Á như Việt Nam, Campuchia, Nhật Bản đến châu Âu, kể cả châu Phi, châu Mỹ…

Tôi nấu theo nhiều phong cách, có thể là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Maroc…và không giới hạn trong việc tìm cảm hứng.

– Thế còn với ẩm thực phân tử, Ly đã từng thử bao giờ chưa?

Khánh Ly: Với ẩm thực phân tử tôi đã được khám phá trong quá trình theo học ở Viện Paul Bocuse danh tiếng ở Lyon, rất thú vị nhưng cá nhân tôi không thích lắm.Tôi đánh giá rất cao những đầu bếp theo con đường ẩm thực phân tử và rất giỏi như đầu bếp Thierry Marx.

Còn tôi thì thích làm món ăn với đúng hương vị nguyên liệu của nó hơn là biến đổi chúng.

“Tôi cũng mong muốn có thể kết hợp cái đẹp, cái hay của hai nền ẩm thực Việt Nam-Pháp và cố gắng tìm sự hài hòa trong đó.” (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
“Tôi cũng mong muốn có thể kết hợp cái đẹp, cái hay của hai nền ẩm thực Việt Nam-Pháp và cố gắng tìm sự hài hòa trong đó.” (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

– Vậy có điều gì khác biệt và đặc biệt trong những món ăn mà Ly chế biến, để thực khách khi thưởng thức có thể nhận biết được đây là món ăn của Ly?

Khánh Ly: Tôi nghĩ, điều khác biệt trong các món ăn của mình là sử dụng một tập hợp các nguyên liệu rất khác biệt, tạo sự bất ngờ với kỹ thuật nấu ăn đến từ nhiều nguồn cảm hứng khác nhau. Ví dụ, tại vòng thi sau cùng thử thách tại Masterchef là làm một món tráng miệng, tôi đã làm món tráng miệng bằng rau và hoa quả gây ấn tượng với ban giám khảo.

Thật ra, để làm được một món ăn ngon với các nguyên liệu cao cấp không khó,như làm một món ngon với trứng muối cá hồi tương đối dễ, nhưng để làm món ngon từ nguyên liệu bình thường thì cần phải học. Điều tôi muốn cho mọi người thấy là làm bếp không quá phức tạp và cũng không cần phải đầu tư nhiều tiền mua nguyên liệu đắt để làm ra những món ăn ngon.

“Nấu ăn quên bản thân mình”

– Khi bước chân vào nghề bếp, khó khăn mà Ly gặp phải là gì và so với các đầu bếp chuyên nghiệp khác Ly thấy mình mạnh và yếu hơn họ ở điểm nào?

Khánh Ly: Tôi nghĩ rằng nghề làm bếp cũng như các nghề khác có nhiều thử thách phải vượt qua. Nhưng một cơ thể và tinh thần tốt thì phải luôn sẵn sàng, vì nghề này có rất nhiều sự cạnh tranh khi mở nhà hàng, ra công thức đồ ăn mới cũng như gặp cản trở về thời tiết, địa lý, nguyên liệu. Do đó tôi phải nỗ lực rất nhiều.

Ai cũng từng trải qua thời điểm tâm trạng không tốt, cảm xúc không vui, cơ thể mệt mỏi thìchắc chắn những lúc ấy nấu ăn sẽ không ngon bằng ở bình thường. Đây là kỷ luật tương đối khó, khi làm bếp chúng ta làm với tất cả trái tim, bằng cả tâm hồn, trí óc và hai bàn tay.

Để trở thành đầu bếp giỏi, chúng ta cần luôn giữ được mức năng lượng tốt, suy nghĩ tích cực, không sợ thất bại, quan trọng nhất là phải bền bỉ, rèn luyện tính kiên trì.

Sai lầm của một số người trên con đường trở thành đầu bếp giỏi là quan tâm quá nhiều đến sự cạnh tranh và muốn chứng tỏ mình, khi đó họ sẽ tập trung nhiều về kỹ thuật hơn là cảm xúc. Tôi nghĩ mọi người sẽ nhớ đến mình vì luôn cho mọi người thấy cảm xúc của mình hơn là kỹ thuật nấu ăn. Mọi người sẽ nghĩ đến tôi là người nấu ăn có cá tính, có sự độc đáo và luôn muốn làm cho mọi người bất ngờ.

Tôi cũng có điểm yếu là đôi khi tham vọng quá vì nghĩ là có thể cho đi được nhiều nhất. Cũng chính vì lý do đó nên Ly thường bị thiếu thời gian, thiếu năng lượng vì quên ăn uống, nấu ăn quên bản thân mình.

“Tôi nghĩ để có thể làm một đầu bếp giỏi là phải tìm được điểm cân bằng, đừng quên bản thân mình nhưng mà vẫn luôn luôn vì mọi người.”

– Chúng ta cứ tưởng nấu ăn là thế mạnh của phái nữ, nhưng hóa ra chẳng phải. Trong các khách sạn lớn hay ở nhiều cuộc thi…, tôi thấy dường như đàn ông mới thực sự làm chủ. Theo Ly vì sao, phụ nữ làm bếp có thế mạnh và hạn chế gì so với nam giới?

Khánh Ly: Một người phụ nữ khi làm bếp có rất nhiều khó khăn, ví dụ như trước đây ẩm thực cấp cao không có sự xuất hiện của phụ nữ nhiều lắm vì mọi người thường nghĩ chúng tôi không khỏe bằng đàn ông, nhạy cảm hơn và hay khóc.

Mọi người cũng từng nghĩ như vậy về tôi và tôi chứng minh không phải như thế. Đến thời điểm này, đã có rất nhiều nữ đầu bếp nổi tiếng đạt được 1 sao, 3 sao Michelin mà tôi thực sự ngưỡng mộ.

Tôi nghĩ rằng, chính nhờ sự cẩn thận, nhạy cảm của phụ nữ mà họ làm bếp rất giỏi, vì đây là nghề cần làm bằng cả trái tim.

Phụ nữ làm bếp cũng gặp khó khăn hơn đàn ông, vì họ có bước đi chậm hơn trong nghề nên phải đầu tư, nỗ lực về thời gian nhiều hơn. Có thể đấy cũng chính là sức mạnh của phụ nữ chăng. Ví dụ, đôi khi trong bếp, mọi người muốn giúp tôi bê đồ nặng nhưng tôi không ngại làm. Tôi không bê đồ nặng, không ngại nóng, bỏng hay cắt phải tay,vì nghĩ đó là một phần của nghề và luôn từ chối sự giúp đỡ.

Phỏng vấn Huỳnh Khánh Ly – Vua đầu bếp Pháp 2015

Đưa vẻ đẹp ẩm thực Pháp-Việt ra thế giới

– Ly có dự định mở nhà hàng ở Việt Nam không?

Khánh Ly:Nền ẩm thực Việt Nam rất giàu có, các món ăn sử dụng nhiều hương vị khác nhau, có cả chua, ngọt, cay…, cũng như sử dụng đa dạng các nguyên liệu. Các công thức thay đổi từ gia đình này đến gia đình khác, từ thành phố này sang thành phố khác và khác nhau giữa các vùng.

Tôi cũng mong muốn có thể kết hợp cái đẹp, cái hay của hai nền ẩm thực Việt Nam-Pháp và cố gắng tìm sự hài hòa trong đó. Nếu mở cửa hàng ở Việt Nam, tôi sẽ cố gắng cho mọi người khám phá vẻ đẹp của ẩm thực Pháp, còn mở nhà hàng ở Pháp thì tôi sẽ cho mọi người thấy cái hồn của ẩm thực Việt Nam như thế nào.

– Đối với những bạn trẻ yêu ẩm thực và muốn trở thành đầu bếp, Ly có thể chia sẻ bí quyết gì?

Khánh Ly: Bạn trẻ quan tâm đến nấu nướng và ẩm thực, tôi khuyên các bạn cần luôn luôn dũng cảm, mạnh mẽ, bền bỉ, đừng sợ thất bại vì đây là nghề tương đối vất vả, khó khăn. Dù sao thì hãy luôn giữ tinh thần ham học hỏi, tò mò, đừng ngần ngại thử công thức mới, nguyên liệu mới, vào các nhà hàng mới.

– Tôi tò mò muốn biết ngoài nấu ăn, Ly có đam mê, sở thích đặc biệt nào khác không?

Khánh Ly: Ngoài nấu nướng, tôi rất thích đọc sách, nhất là tiểu thuyết văn học. Khi rảnh rỗi tôi thường đi thăm các viện bảo tàng vì ở đó có nhiều hình thức nghệ thuật được diễn tả khác nhau.Tôi cũng yêu thích điện ảnh cổ điển Pháp, Mỹ. Tôi đã học đàn violon, thích đi xem hòa nhạc. Tôi luôn nấu ăn giữa không gian tràn ngập âm nhạc.

Chính những môn nghệ thuật này đã tạo cảm hứng và phong cách ẩm thực của tôi.

– Cảm ơn những chia sẻ của Ly.

Khánh Ly chuẩn bị món khai vị cho sự kiện Goût de France tại Đại sứ quán Pháp (Hà Nội). (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Khánh Ly chuẩn bị món khai vị cho sự kiện Goût de France tại Đại sứ quán Pháp (Hà Nội). (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)