‘Đãi cát’ tìm nhân lực chất lượng cao

Một bệnh viện tuyến huyện ở vùng cao tỉnh Cao Bằng, suốt 18 năm qua chưa có thêm bác sỹ chính quy nào đăng ký về bệnh viện công tác.

Nhiều tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn hiện đưa ra chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc ở ngành y tế, tuy nhiên mấy năm qua không hề có một bộ hồ sơ nào gửi về bằng hình thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này.

Đó là những thực trạng đầy rẫy khó khăn về nguồn nhân lực ở tuyến y tế cơ sở.

Để khắc phục những “lỗ hổng” về nguồn nhân lực ở tuyến y tế cơ sở, Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo đang được ngành y tế khắc phục với chiến lược “tuyển mộ” bác sỹ trẻ chất lượng cao cho những vùng trọng điểm trên.

Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm cách thành phố Cao Bằng 170km. Chặng đường núi khúc khủyu, quanh co.

Người nữ giám đốc bệnh viện trầm ngâm kể, bệnh viện 18 năm nay không có một bác sỹ chính quy nào đăng ký về công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm.

Những bệnh nhân cấp cứu mà vận chuyển một chặng đường dài về thành phố như vậy cơ hội sống rất mong manh một phần vì chặng đường vận chuyển xa nên không thể nói trước được điều gì.

“Chính vì vậy, tôi chỉ mong sao có được bác sỹ trẻ tình nguyện về với bệnh viện để người dân bớt được phần nào nỗi vất vả phải đi xa, để chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên,” bác sỹ Nguyễn Thị Minh – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm bày tỏ niềm trăn trở.

Bác sỹ Nguyễn Thị Minh (đứng phát biểu)  -  Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ Nguyễn Thị Minh (đứng phát biểu)  –  Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm đóng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng. Tại bệnh viện có 16 bác sỹ, nhưng chỉ có 1 bác sỹ chính quy, đa phần đào tạo chuyên tu, liên thông.

Theo bác sỹ Minh, nguồn nhân lực của bệnh viện chưa đảm bảo, thiếu số lượng, yếu chất lượng, thực hiện chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Đặc biệt, hiện nay 1 bác sỹ phẫu thuật viên đang đi học nên tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến nhiều lên, nhất là những ca sản. Do vậy, bệnh viện mong muốn được các bác sỹ trong Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo (Dự án 585) đến công tác tại huyện Bảo Lâm.

“Từ khi thành lập đến nay chưa có thêm 1 bác sỹ chính quy nào đăng ký về bệnh viện. Trong khi đó, bác sỹ cử tuyển không đáp ứng được nhu cầu của bệnh viện, chính vì vậy, bệnh viện đang thiếu nhân lực chất lượng cao ở tất cả các chuyên khoa,” bác sỹ Minh tâm sự.

Vừa qua, đoàn công tác Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc, đi thực tế khảo sát, giám sát việc thực hiện dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn tại tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn để kịp thời có các giải pháp bổ sung nguồn nhân lực cho y tế cơ sở các huyện vùng cao của hai tỉnh này.

Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, Lai Châu đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ. (Ảnh: TTXVN)
Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, Lai Châu đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ. (Ảnh: TTXVN)

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng Lục Văn Đại cho hay, những năm qua tỉnh đã ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng giai đoạn 2016-2018 chưa có một trường hợp nào đến công tác trong ngành y tế thông qua việc thu hút, tình nguyện.

Có thể do chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn cán bộ công chức, viên chức có trình độ cao về công tác trong ngành y tế. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự đối với tỉnh Lạng Sơn.

Như một vị lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cũng phải thừa nhận, rất nhiều bác sỹ nộp đơn, chờ đợi về bệnh viện tỉnh chứ nhất quyết không về bệnh viện tuyến huyện. Chính vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao ở tuyến này rất khó.

Thống kê của Sở Y tế Cao Bằng cho thấy, 100% bệnh viện đa khoa tuyến huyện thiếu bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng phân tích, hiện nay tỉnh Cao Bằng đang gặp vướng mắc chưa thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi cho viên chức được cử đi học bác sỹ chuyên khoa cấp 1 theo Dự án 585 do các định liên quan đến chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Thống kê của Sở Y tế Cao Bằng cho thấy, 100% bệnh viện đa khoa tuyến huyện thiếu bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ có trình độ chuyên môn kỹ thuật.  

Đại diện Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ và ưu tiên cho công chức, viên chức công tác ở vùng miền núi, khó khăn đi ôn và dự thi vào các trường đại học, đi học sau đại học.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, ưu tiên xét tuyển cho các bác sỹ đang công tác tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh được tham gia các khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp 1 theo Dự án 585 của Bộ Y tế với số lượng lớn hơn; Mở rộng vùng tuyển chọn bác sỹ ở vùng 2 và vùng 3 cho bác sỹ công tác tại vùng 2 có thêm cơ hội được tham gia dự án vì tại tỉnh có nhiều huyện vùng 2 có điều kiện kinh tế xã hội, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp tương đương vùng 3.

Bác sỹ trẻ tình nguyện thực hiện phẫu thuật nội soi ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, Lào Cai. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ trẻ tình nguyện thực hiện phẫu thuật nội soi ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, Lào Cai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chưa bao giờ, câu chuyện về tìm nguồn nhân lực chất lượng cao ở tuyến y tế cơ sở lại được đẩy mạnh như hiện nay.

Hiện nay, y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe và giảm thấp nhất chi phí cho người dân.

Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (Nghị quyết số 20) xác định, y tế cơ sở vẫn là nền tảng để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.

Bác sỹ trẻ tình nguyện khám chữa bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng, Cao Bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ trẻ tình nguyện khám chữa bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng, Cao Bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chưa bao giờ, câu chuyện về tìm nguồn nhân lực chất lượng cao ở tuyến y tế cơ sở lại được đẩy mạnh như hiện nay.

Tại Việt Nam, mạng lưới y tế cơ sở bao gồm: y tế thôn, bản, xã, phường, quận, huyện, thị xã đã được kiện toàn, củng cố đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Như Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh về vai trò của y tế cơ sở muốn vững và tạo được lòng tin cho người dân, trước tiên phải là yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực ở tuyến y tế gần dân nhất, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân…

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tại 62 huyện nghèo trên cả nước còn thiếu khoảng 600 bác sỹ thuộc 15 chuyên khoa.

Tại các buổi làm việc, ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ cho hay, thời gian qua trung ương đã ban ngành các nghị quyết liên quan đến nhân lực và hệ thống ngành y tế. Trong đó Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã coi y tế cơ sở gồm huyện và xã làm nòng cốt. Nghị quyết 21-NQ/TW về dân số kế hoạch hóa gia đình, công tác dân số trong tình hình mới. Chính vì vậy, để y tế cơ sở thực hiện tốt sứ mệnh là nền tảng, là tuyến ban đầu hiệu quả thì phải có nền tảng về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chính sách tương đồng và vững chắc.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tại 62 huyện nghèo trên cả nước còn thiếu khoảng 600 bác sỹ thuộc 15 chuyên khoa.

Dự án Thí điểm đưa Bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở các địa phương còn khó khăn.

Các bác sỹ trẻ tình nguyện của dự án được đào tạo chuyên khoa I lên vùng cao bảo đảm chất lượng, vững vàng chuyên môn sẽ là hoạt động thiết thực để hỗ trợ y tế tuyến cơ sở, góp phần giảm tải trong công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên.

Bác sỹ trẻ tình nguyện khám chữa bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng, Cao Bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ trẻ tình nguyện khám chữa bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng, Cao Bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau thời gian tuyển chọn từ hàng trăm hồ sơ đăng ký tình nguyện lên vùng cao, đến nay đã có 210 bác sỹ trẻ được đào tạo bác sỹ chuyên khoa I ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Trong đó, có 14 bác sỹ trẻ đã hoàn thành khóa đào tạo này và đã về các địa phương khó khăn công tác.

Tại tỉnh Lạng Sơn, trước khó khăn về nguồn nhân lực ở tuyến y tế cơ sở, nhiều ý kiến từ Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện tuyến huyện đưa ra đề xuất dự án có thể “nới lỏng” lựa chọn đối tượng là bác sỹ chuyên tu tại các trạm y tế xã đi học để nâng cao trình độ.

Vụ trưởng Vụ tổ chức Cán bộ Phạm Văn Tác nhấn mạnh: “Đại diện Bộ Y tế cho hay, việc đào tạo này là đào tạo năng lực thật sự, dù nhân lực tuyến y tế cơ sở đang rất thiếu, tuy nhiên Bộ Y tế rất lo ngại về trình độ của các bác sỹ chuyên tu, không đáp ứng được những yêu cầu của đề án, không làm được phải “mổ mồm”, không làm được thật. Do vậy, dự án vẫn chưa xem xét đến các đối tượng được đào tạo chuyên tu.”

Việc đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở sẽ làm xương sống trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, góp phần giải quyết được những vấn đề lớn của ngành y tế như các bệnh không lây nhiễm, vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em, về tuổi thọ và tầm vóc người Việt Nam.

Phòng chụp X-Quang tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch An, Cao Bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phòng chụp X-Quang tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch An, Cao Bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở sẽ làm xương sống trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Trong đợt khảo sát thực tế để tiếp nhận thêm các bác sỹ trẻ tham gia vào dự án, tại tỉnh Cao Bằng có 23 hồ sơ bác sỹ trẻ tình nguyện đăng ký tham gia vào dự án, tại tỉnh Lạng Sơn có 5 hồ sơ bác sỹ trẻ tình nguyện đăng ký. Đây đều là những bác sỹ trẻ ở địa phương và được các bệnh viện cử tham gia dự án. Các bác sỹ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại huyện.

Trước những khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao ở tuyến y tế cơ sở, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ Phạm Văn Tác cho hay, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định các sinh viên y khoa khi ra trường đều phải đào tạo thêm một thời gian nhất định, phải đi tuyến cơ sở, ưu tiên 62 huyện nghèo trên cả nước.

“Hy vọng lâu dài, chúng tôi tiến tới xây dựng Luật về trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế. Tất cả các sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp phải đi nghĩa vụ ở y tế cơ sở từ 3-5 năm, sau đó quay về mới được quyền thi và cấp chứng chỉ hành nghề” – ông Phạm Văn Tác nhấn mạnh.

Việc đi thực tế ở tuyến dưới được coi là “nghĩa vụ” để các bác sỹ trẻ cống hiến sức trẻ cho y tế tuyến cơ sở, cọ sát với thực tiễn, với nhiều mô hình bệnh tật để nâng cao tay nghề, được thực hành lâm sàng nhiều cũng như học các kỹ năng quản lý và điều hành. Đây cũng là một trong những điều kiện để những nhân viên y tế này được nhận chính thức vào các cơ sở y tế công lập./.

Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, Lai Châu. (Nguồn: TTXVN) 
Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, Lai Châu. (Nguồn: TTXVN) 

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà