Yosakoi

yosakoi1-1572576053-59.jpg

Với những người yêu thích văn hóa Nhật Bản, Yosakoi không phải là một điều gì quá xa lạ. Tại Việt Nam, nhiều đội múa Yosakoi đã ra đời ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết về lịch sử của vũ điệu độc đáo đã giúp gắn kết và vực dậy tinh thần của người Nhật thời hậu chiến này.

Khởi nguồn của Yosakoi

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nền kinh tế Nhật Bản trở nên kiệt quệ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nước này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, năm 1954, các nghệ sỹ ở tỉnh Kochi đã sáng tạo ra một vũ điệu vui nhộn dựa trên Awa Odori, một điệu múa truyền thống khởi nguồn từ tỉnh Tokushima. Đó là vũ điệu Yosakoi.

Yosakoi bắt nguồn từ khẩu ngữ “yosshakoi,” có nghĩa là “Đêm nay mời bạn đến”

Theo tiếng địa phương của vùng Tosa (ngày nay là Kochi), Yosakoi bắt nguồn từ khẩu ngữ “yosshakoi,” có nghĩa là “Đêm nay mời bạn đến.” Ngay từ khi ra đời, Yosakoi đã được đông đảo người dân đón nhận và hưởng ứng.

Lễ hội Yosakoi đầu tiên được tổ chức ở tỉnh Kochi vào năm 1954, với sự tham gia của 21 đội và khoảng 750 người. Từ Kochi, Yosakoi đã được phổ biến ra nhiều tỉnh, thành khác trên khắp đất nước Nhật Bản.

Naruko là đạo cụ không thể thiếu khi nhảy Yosakoi. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)
Naruko là đạo cụ không thể thiếu khi nhảy Yosakoi. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)

Cuộc cách mạng đầu tiên liên quan tới Yosakoi bắt đầu từ năm 1970 khi đội múa Yosakoi của Kochi được mời biểu diễn tại Nice (Pháp). Tại đây, đội đã trình diễn vũ điệu Yosakoi Naruko theo kiểu samba. Sau đó, âm nhạc và vũ đạo của vũ điệu Yosakoi đã bắt đầu thay đổi tùy thuộc vào từng đội múa và sự kiện.

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, các lễ hội Yosakoi bắt đầu được tổ chức trên khắp “đất nước Mặt Trời mọc,” trong đó đáng chú ý có Lễ hội Yosakoi Soran ở thành phố Sapporo thu hút hàng trăm đội với hàng chục ngàn người tham gia nhảy Yosakoi. Cho đến nay, các lễ hội Yosakoi đã được tổ chức hàng năm ở hơn 200 địa điểm trên khắp đất nước Nhật Bản.

Vũ điệu tràn đầy năng lượng

Điểm độc đáo của Yosakoi là người tham gia múa không phân biệt giới tính hay tuổi tác. Trong một đội múa, ta có thể bắt gặp những em bé hay những cụ già. Một khi đã hòa mình vào Yosakoi, tất cả đều cùng chung nụ cười và niềm vui khi nhảy. Vì vậy, không ít người cho rằng Yosakoi đã thực sự giúp vực dậy tinh thần người dân Nhật Bản và giúp họ trở nên gắn kết hơn trong thời hậu chiến.

Các vũ điệu Yosakoi thường có phần nhạc nền rất sôi động và mạnh mẽ. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của Yosakoi. Nhạc nền của phần lớn các vũ điệu Yosakoi được sáng tác dựa trên bài hát gốc có tên gọi “Yosakoi Naruko Odori” của ông ông Takemasa Eisaku. Đây là bài hát kết hợp các yếu tố từ 3 bản nhạc khác mang tên “Yosakoi-bushi” (giai điệu Yosakoi), “Yocchore” (một bài hát thiếu nhi) và “Jinma-mo” (một bài dân ca tỉnh Kochi).

  • yosakoi2-1572577138-11.jpg
  • ttxvnyosako-1572577193-71.jpg
  • quangbayos-1572577312-35.jpg
  • vnpdieumua-1572577379-98.jpg

Đi kèm với nhạc nền, Yokosai có phần vũ đạo tràn đầy sinh lực. Bên cạnh đó, Yosakoi là vũ điệu mang tính tập thể, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những người nhảy. Các động tác trong vũ điệu này thường mô phỏng hoạt động lao động và sản xuất hằng ngày như đánh cá, quăng lưới… nên hầu hết đều đơn giản, dễ học. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Yosakoi, ngày nay, các đội múa đã tự sáng tạo những bài múa với động tác khó dần và tạo ra những phong cách riêng.

Một nét hấp dẫn của Yosakoi chính là trang phục của người nhảy

Một nét hấp dẫn khác của Yosakoi chính là trang phục của người nhảy. Trước đây, trang phục của những người nhảy Yosakoi chủ yếu là yukata và happi. Yukata là trang phục truyền thống thường mặc vào mùa Hè của người Nhật, trong khi happi là y phục của người bán hàng tại các lễ hội ở Nhật. Một chiếc áo khoác happi thông thường được in hoa văn (kiểu làn sóng, hình dãy núi, mặt trời…) và đặc biệt là thường in chữ kanji (thường là chữ 祭, nghĩa là “lễ hội”) ở sau lưng và viền cổ áo.

Ngoài ra, các đội múa cũng tự thiết kế trang phục theo phong cách đội và phù hợp với bài múa, dựa trên các sự kiện lịch sử, xu thế thời trang hoặc trang phục dân tộc.

Yosakoi có phần vũ đạo tràn đầy sinh lực. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)
Yosakoi có phần vũ đạo tràn đầy sinh lực. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)

Một trong những đạo cụ không thể thiếu khi nhảy Yosakoi là Naruko – vật dụng bằng gỗ, có cán cầm với 3 thanh gỗ nhỏ gắn ở trên để khi lắc sẽ phát ra tiếng kêu. Naruko có xuất xứ từ tỉnh Kochi, vốn là dụng cụ được nông dân sử dụng để đuổi chim chóc tránh xa khỏi ruộng lúa. Ngoài Naruko, những người nhảy Yosakoi có thể sử dụng đèn lồng, quạt hay các dụng cụ khác.

Nỗ lực quảng bá Yosakoi ra khắp thế giới

Sau khi phổ biến trên khắp Nhật Bản, Yosakoi từng bước du nhập vào nhiều nước trên thế giới. Phát biểu tại sự kiện giới thiệu Yosakoi ở thủ đô Tokyo hôm 28/10, ông Masanao Ozaki, Thống đốc tỉnh Kochi, cho biết tính đến tháng 10/2019, Yosakoi đã có mặt tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Để phổ biến vũ điệu này trên khắp thế giới, Thống đốc Ozaki cho biết năm 2016, tỉnh Kochi bắt đầu công nhận các đại sứ Yosakoi chính thức ở các nước. Đây là những đội Yosakoi đã góp phần thúc đẩy và quảng bá vũ điệu Yosakoi ở nước sở tại. Cho đến nay, tỉnh đã công nhận 23 đội Yosakoi ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ là đại sứ Yosakoi.

Đội Yosakoi Việt Nam tham dự lễ hội Yosakoi ở Tokyo năm 2011. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)
Đội Yosakoi Việt Nam tham dự lễ hội Yosakoi ở Tokyo năm 2011. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)

Yosakoi bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ giữa những năm 2000. Núi Trúc Sakura Yosakoi là đội múa Yosakoi đầu tiên được thành lập tại Việt Nam. Đội được thành lập vào năm 2007, trực thuộc Trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc Sugi Ryotaro và Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Nhật Bản (VIJACA). Đây là một trong hai đội Yosakoi của Việt Nam được tỉnh Kochi công nhận là đại sứ Yosakoi.

Năm 2009, đội múa Yosakoi đầu tiên của Việt Nam đã được mời sang Nhật Bản biểu diễn tại một lễ hội Yosakoi ở thủ đô Tokyo. Hiện nay, phong trào Yosakoi đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài Naruko, những người nhảy Yosakoi có thể sử dụng đèn lồng. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)
Ngoài Naruko, những người nhảy Yosakoi có thể sử dụng đèn lồng. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến Yosakoi được du nhập và phổ biến một cách nhanh chóng vào Việt Nam và các nước khác là do vũ điệu này không những khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa những người tham gia mà còn giúp họ có tâm lý lạc quan và tăng cường sức khỏe. Chính vì vậy, nhiều người hy vọng Yosakoi sẽ được phổ biến rộng rãi hơn nữa trên khắp thế giới.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Marius Dumitrescu, Tham tán Đại sứ quán Romania tại Nhật Bản, nói: “Theo tôi, chúng ta cần phổ biến rộng rãi Yosakoi ra khắp thế giới bởi vì vũ điệu này rất hấp dẫn, góp phần mang lại tinh thần hòa hợp giữa các dân tộc trên khắp thế giới. Tại Romania, chúng tôi vẫn chưa có đội múa Yosakoi nào, trong khi các nước láng giềng khác đều đã tổ chức lễ hội Yosakoi. Vì vậy, đại sứ quán chúng tôi sẽ nỗ lực quảng bá vũ điệu này tại Romania”./.

Thống đốc tỉnh Kochi nhảy Yosakoi. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)
Thống đốc tỉnh Kochi nhảy Yosakoi. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)