THỬ THÁCH

specialviet-1605859234-32.jpg

GIẤC MƠ CỦA NGƯỜI VNG

Xuất phát điểm chỉ là một doanh nghiệp phát hành game, nhưng chỉ sau hơn 10 năm, VNG đã nhanh chóng vươn mình, trở thành một trong những công ty công nghệ và Internet lớn nhất tại Việt Nam. Nhiều sản phẩm của họ như Zing MP3, Zing TV, Báo mới, ZaloPay và đặc biệt là Zalo đã đi sâu vào cuộc sống, làm thay đổi cách thức tương tác, giải trí, kết nối và thông tin của hàng chục triệu người dùng Việt.

Bí mật nào ẩn sau sự lột xác ngoạn mục đó? Bạn đọc sẽ không khỏi bất ngờ, hệt như chúng tôi khi thực hiện loạt bài này. Câu trả lời rất đơn giản: Luôn mơ ước và không ngán thử thách. Chỉ có điều, giấc mơ của người VNG luôn là những giấc mơ rất “dị” và “điên rồ”, buộc họ phải vắt hết sức mình, phải kiên trì đi đến cuối cùng… mới có thể trở thành hiện thực. Hành trình đó chứa đầy mồ hôi, nước mắt và những nhọc nhằn, nhưng vẫn mơ mộng và tràn đầy cảm hứng – một hành trình điển hình của một start-up tỷ đô. Và cũng chính cái tinh thần “đón nhận thử thách” đã tạo ra một văn hóa doanh nghiệp rất đặc biệt, “không đụng hàng” của VNG, khiến VNG luôn luôn có một sức hút khó lý giải với những bạn trẻ tài năng, cá tính, tràn đầy khao khát khẳng định mình.

Trong loạt bài “VNG: Thử thách tạo ra một kỳ lân,” chúng tôi sẽ hé lộ những ước mơ, những câu chuyện còn ít biết về doanh nghiệp này và kỳ vọng sẽ truyền được cảm hứng tới các bạn trẻ, cộng đồng công nghệ hay bất cứ ai đang mong muốn khởi nghiệp hay đơn giản là lựa chọn một hành trình mới cho bản thân:  Hãy luôn cháy hết mình với ước mơ và không bao giờ dễ dàng từ bỏ…

Xin mở trang cùng bạn đọc!

Nhắc đến một công ty được định giá tỷ đô (kỳ lân), người ta thường sẽ nghĩ đến quy mô bề thế, những con số khổng lồ, những kế hoạch hoành tráng. Nhưng cái tên VNG lại luôn gắn liền với những khái niệm rất “lạ lùng”: sống sót, nghiện thử thách, mê chạy bộ.

Hành trình của VNG bắt đầu từ một phòng Net, với 5 chàng trai trẻ, nhiệt huyết và không biết sợ là gì, “miễn không chết là được.” Họ nhìn thấy tiềm năng vô hạn của Internet tại Việt Nam, và chọn game (trò chơi trực tuyến) làm trận địa đầu tiên.

Nhưng trước khi Võ Lâm Truyền Kỳ nổi đình đám tại Việt Nam, ít ai biết đội sale (bán hàng) của VNG thời ấy chỉ có vỏn vẹn 2 người, đã thầm lặng rong ruổi từ Nam chí Bắc chỉ để thuyết phục chủ phòng game dùng game có bản quyền thay vì game lậu và trở thành đại lý phân phối thẻ game cho mình. Những chủ phòng game khi ấy, nhìn mấy cái thẻ rồi hỏi: “Võ Lâm Truyền Kỳ là cái gì? Tại sao tôi phải trả cả đống tiền để lấy mấy cái thẻ này?”.

Bằng sự lì lợm, ăn dầm nằm dề, làm đủ mọi cách, cuối cùng đội sale cũng thuyết phục được các chủ phòng game chịu thử cái mới. Và chiến tích năm đó của Võ Lâm Truyền Kỳ là một huyền thoại: 120.000 tài khoản đăng ký tài khoản Close Beta (thử nghiệm) chỉ sau 48 tiếng mở cửa trên website; đạt đỉnh 20.000 người chơi truy cập tại cùng một thời điểm trong vòng 1 tháng.

Cũng ít ai để ý rằng VinaGame, tiền thân của VNG sau này, là công ty đầu tiên ở Việt Nam thương lượng thành công với nhà sản xuất game nổi tiếng Kingsoft để mang game có bản quyền về Việt Nam phát hành. Đó thật sự là một “trận đánh” đi vào lịch sử và hành trình trở thành một doanh nghiệp công nghệ tỷ đô bắt đầu.

Khởi nghiệp và gặt hái thành công rực rỡ với game, nhưng trong suốt chặng đường 16 năm đã qua, những nhân sự chủ chốt tại VNG luôn nhắc đi nhắc lại một khát vọng chung, đó là tạo ra những sản phẩm công nghệ làm thay đổi cuộc sống người Việt.

Để hiện thực hóa khát vọng này, năm 2010, VinaGame đã đổi tên thành VNG và chính thức dấn thân vào những cuộc chiến công nghệ thật sự. Và để thử thách mình, họ đặt ra mục tiêu “1441” – 41 triệu người dùng vào năm 2014.

Từ cuộc chiến này, cái tên Zalo được “khai sinh” và nhanh chóng trở thành ứng dụng liên lạc quốc dân với 20 triệu người dùng vào năm 2014. “Ngay cả nội bộ VNG cũng có ít, thậm chí rất ít người tin Zalo sẽ làm nên chuyện. Nhưng trong những thời điểm khó khăn nhất, ban lãnh đạo vẫn luôn có niềm tin to lớn rằng những khó khăn chỉ là tạm thời, và chúng ta sẽ cùng vượt qua mọi sóng gió. Niềm tin đến từ thế mạnh truyền thống của chúng tôi: Thế mạnh con người”, ông Vương Quang Khải, “cha đẻ” của ứng dụng messenger này kể lại.

Sự thành công của nhiều ứng dụng tiện ích như cổng nghe nhạc trực tuyến Zing MP3, bộ gõ tiếng Việt Laban Key, vị thế thống lĩnh của mảng kinh doanh game truyền thống và đặc biệt là sự đột phá của hiện tượng Zalo đã giúp VNG hoàn thành giấc mơ “1441” kịp thời hạn.

Cũng trong năm 2014, cái tên VNG chính thức được World Startup Report định giá 1 tỷ USD, trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam.

Thông thường, khi nhắc tới một kỳ lân, người ta thường nói tới giá trị sổ sách khủng, doanh thu và lợi nhuận hoành tráng, những sản phẩm bom tấn. Nhưng ban lãnh đạo VNG luôn một mực khẳng định, hai thứ giá trị làm nên một kỳ lân thực thụ tại VNG chính là: Con người và Tinh thần Đón nhận thử thách (Embracing Challenges).

Chính tinh thần luôn chuẩn bị cho thử thách đã giúp VNG vẫn tiếp tục thẳng tiến về phía trước sau cột mốc trở thành kỳ lân, thay vì “ở bên kia sườn dốc” như nhiều người lo lắng.

Không ngại thử thách nên doanh nghiệp này đang rót tiền rất mạnh cho thanh toán điện tử (payment) và thương mại điện tử. Thương vụ mua lại gần 30% cổ phần của Tiki là một canh bạc liều lĩnh của VNG, nhất là sau khi họ từng không thành công với chính sàn điện tử 123Mua do mình phát triển và vận hành. Cho tới thời điểm này, Tiki vẫn chưa từng ghi nhận lợi nhuận và đòi hỏi nguồn lực đầu tư ngày càng lớn, nhưng nhìn từ góc độ đầu tư dài hạn, Tiki hiện đang là sàn thương mại điện tử nội địa lớn nhất tại Việt Nam, cạnh tranh ngang ngửa với các đại gia nước ngoài như Lazada hay Shopee. Và mỗi vòng gọi vốn mới, các quỹ vẫn đua nhau rót tiền cho Tiki, một bảo chứng cho “giá trị sổ sách” của doanh nghiệp này.

Tương tự là câu chuyện với ZaloPay. Cho tới thời điểm này, nếu cũng chỉ nhìn trên sổ sách, đây dường như vẫn là một mảng kinh doanh “chi nhiều hơn thu.” Nhưng thanh toán điện tử là xu hướng của tương lai, và đừng quên Amazon từng phải thua lỗ tới cả chục năm cho tới khi bắt đầu có lãi và trở thành đế chế số 1 thế giới về thương mại điện tử như ngày nay.

Rồi cũng có thể kể đến điện toán đám mây (Cloud), AI, big data… những công nghệ vẫn còn rất xa lạ tại Việt Nam và chắc chắn phải đợi nhiều năm nữa mới đến ngày hái quả. Nhưng đội ngũ kỹ sư VNG vẫn miệt mài nghiên cứu và tích hợp AI vào các sản phẩm có sẵn (như Zalo, game) hay mới phát triển (eKYC), với giấc mơ lớn về việc tiếp tục “kiến tạo công nghệ vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ở tuổi 16, với bộ máy hơn 3000 con người, CEO Lê Hồng Minh hiểu rằng chỉ có mạo hiểm đón sóng lớn thì mới có thể tiếp tục “tồn tại” và duy trì vị thế kỳ lân. Không chỉ đặt cược cho những canh bạc lớn, VNG còn là một trong số ít những công ty công nghệ của Việt Nam tham vọng chinh phục thị trường quốc tế, ghi dấu ấn của công nghệ và trí tuệ người Việt trên bản đồ toàn cầu.

Sứ mệnh 2332 mà VNG công bố hồi năm ngoái minh chứng cho điều này: Vào năm 2023, VNG sẽ phải ghi nhận 320 triệu người dùng toàn cầu, 32 triệu người dùng cho các sản phẩm mới như ZaloPay, VNG Cloud, AI; và 320 ngàn khách hàng doanh nghiệp, thay vì chỉ hướng đến người dùng cá nhân như hiện tại.

Với dân số Việt Nam chỉ khoảng trên dưới 100 triệu người, mục tiêu 320 triệu người dùng đồng nghĩa với việc VNG sẽ phải bung mình ra các thị trường mới như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Bắc Á…. Để săn tìm khách hàng mới, cơ hội mới, doanh thu mới.

Một sứ mệnh bị cho là “điên rồ” vì quá tham vọng, mà đó là trước cả khi đại dịch Covid-19 càn quét các nước. Những rào cản khách quan đang khiến cho mục tiêu 2332 khó càng thêm khó với VNG. Nhưng có vẻ như Lê Hồng Minh và các cộng sự vẫn chưa dao động, như chính ông từng chia sẻ: “Điều giúp VNG vượt qua nhiều thách thức để có được hôm nay chính là dám mơ lớn và năng lực kiên trì theo đuổi giấc mơ của mình, đúng như tinh thần “Dám mơ ước, dám thực hiện”.

Và suy cho cùng, VNG chưa từng một lần cho thấy họ sợ thử, ngại thử, miễn “không chết là được.”

<

Nhiều phóng viên theo dõi mảng tài chính vẫn luôn nói đùa về VNG là “ngồi trên núi tiền mặt.” Công ty này không vay nợ ngân hàng và sở hữu khối tài sản ngắn hạn đáng mơ ước với bất cứ doanh nghiệp nào. Nhưng kỳ lạ thay, người VNG dường như chẳng mảy may màng tới thực tế đó.

Ông Lê Hồng Minh từng tuyên bố: Sau tất cả, con người vẫn là tài sản quý giá nhất của VNG. Thú thật là ấn tượng của tôi khi nghe câu nói này lần đầu là “có vẻ hơi… làm màu và không thực tế lắm.”

Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn về các chính sách nhân sự, về văn hóa doanh nghiệp, về môi trường làm việc, và khi trò chuyện sâu hơn với các Starters (cách VNG gọi nhân viên của mình) thì mới thấy cái cách mà CEO của VNG nói không hề cường điệu. Hiếm có nơi nào nghĩ về con người, đầu tư cho con người và ôm ấp cả những giấc mơ màu hồng lãng mạn nhiều về con người như VNG. Ngay cả những “nhân tố” mới gia nhập Ban lãnh đạo công ty như ông Kelly Wong – Phó tổng giám đốc phụ trách vận hành và ông Abhishek Mathur – Phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự khi được hỏi cũng đều nhấn mạnh “đến với VNG vì yếu tố Con người” và mong muốn của họ cũng là cùng VNG hiện thực hóa giấc mơ Con người ấy.

Vậy “Phát triển Con người” ở VNG có gì khác biệt?

Theo lời chia sẻ của Phó Tổng giám đốc phụ trách Nhân sự Abhishek Mathur, người từng kinh qua nhiều Tập đoàn đa quốc gia lớn như GE Capital, Johnson & Johnson, thì việc tạo cho Starters cảm giác công ty giống như một mái nhà thứ hai là một trong những “áp lực chính” của đội ngũ nhân sự, nhất là ở một Tập đoàn coi trọng yếu tố con người như VNG. “Chúng tôi phải tạo ra một trải nghiệm khác biệt cho từng người lao động, để họ không chỉ làm việc mà còn cảm nhận được tình cảm của một gia đình lớn, được chia sẻ tầm nhìn và khát khao với các thành viên trong đại gia đình đó.”

Khi trụ sở VNG Campus mới khánh thành, chính ông Minh đã không giấu được cảm xúc. “Sau bao nhiêu năm ở nhà thuê, cuối cùng VNG cũng có được một mái nhà của riêng mình. Đây sẽ là Homebase để những đội quân VNG có thể trở về sau mỗi lần đi chinh chiến ở các thị trường nước ngoài.”

Ở mái nhà ấy, người lao động không chỉ được hưởng những chính sách đãi ngộ và tiện ích hết sức đa dạng (ăn uống nhiều lựa chọn, tập luyện thể thao tăng cường sức khỏe, xe bus đưa đón..), mà còn luôn được lắng nghe, được chia sẻ thông tin về sứ mệnh, về tầm nhìn, về các giá trị cốt lõi mà công ty tôn trọng. Ngay cả nhóm nhỏ những lao động đặc thù như nhân viên nữ có con nhỏ cũng được hỗ trợ thấu đáo: VNG Campus – trụ sở chính của VNG tại Quận 7, có nguyên một phòng trông trẻ (kid yards) với bảo mẫu được đào tạo theo chuẩn.

Những hoạt động nội bộ được tổ chức thường xuyên đã trở thành chất keo gắn kết con người ở đây. Các hoạt động teambuilding được cấp ngân sách rất “hào phóng” và yêu cầu đặt ra là phòng ban nào cũng PHẢI đi chơi/du lịch với nhau ít nhất 1 lần/năm để hiểu nhau hơn, teamwork tốt hơn trong công việc. Các bạn trẻ tại VNG dường như luôn muốn nấn ná ở lại công ty tới muộn, vì sau giờ làm, họ có thể chơi bóng bàn với bạn bè đồng nghiệp, thậm chí là hát karaoke vào thứ 6 hàng tuần với bánh trái, hoa quả do công ty hỗ trợ miễn phí. Và đặc biệt, các đường chạy xung quanh Campus chưa bao giờ vắng bóng áo cam – màu áo đặc trưng của VNG. VNG Run Club là một trong những câu lạc bộ chạy đông đảo, xôm tụ nhất hiện nay với hàng trăm thành viên thường xuyên và tích cực.

Và tháng 3 vừa qua, ngay giữa tâm dịch Covid-19, trong buổi họp quý đầu tiên được livestream đến toàn thể nhân viên đang làm việc tại nhà do giãn cách, CEO Lê Hồng Minh đã có những chia sẻ đầy cảm hứng, đúng chất “người anh cả” tới đại gia đình: ““Đây là lúc chúng ta không nên nghĩ quá nhiều đến lợi ích hay kinh doanh, mà hãy nghĩ nhiều về gia đình, về đối tác. Đây là giai đoạn mà chúng ta nên nghĩ về nhau.”

Trong đại gia đình ấy, dễ nhận thấy lớp trẻ luôn được tạo điều kiện để lớn, để trưởng thành, để có tiếng nói và đất diễn.

Ông Minh nói: Ở VNG, phát triển nguồn lực không phải là tuyển thật nhiều người về, trả lương cao, nhưng không làm được thì cho nghỉ. Vào VNG, mọi nhân viên mới đều được học liên tục – thông qua các dự án, các kỹ năng, các hoạt động teamwork. Học từ sếp, từ đồng nghiệp, từ các khóa đào tạo mà công ty liên tục tổ chức. VNG cho nhân viên rất nhiều thời gian, cũng như không gian để “lớn,” để phát triển bản thân – một sự hào phóng và kiên nhẫn hiếm có. Tất nhiên, phải là một doanh nghiệp mạnh và giàu tiềm lực thì mới hào phóng được như vậy.

Ở VNG, cái mà người ta cảm nhận thấy rất rõ, và không khỏi bất ngờ, là dường như nhân viên… không sợ sếp cho lắm. Các Starters rất hay bắt gặp lãnh đạo của họ trong căn-tin, ở phòng gym, bể bơi, nhất là các quán cà phê trong khuôn viên Campus. Nhiều người may mắn còn được CEO “đãi” cà phê miễn phí nếu vô tình gặp ông tại The Coffee House. Ông Minh bật mí: việc các sếp VNG chịu khó đi loanh quanh, hỏi chuyện, tương tác với các bạn trẻ là để “được lây ngấm sự trẻ trung và tinh thần dám nghĩ dám làm không biết sợ.”

Đều đặn hàng quý, VNG vẫn tổ chức một sự kiện gọi là “Họp quý”, nơi dàn lãnh đạo công ty sẽ trực tiếp trả lời bất cứ câu hỏi nào do Starter gửi về. Nhân viên tham gia trực tiếp hoặc xem livestream từ các văn phòng trên cả nước đều có thể đặt câu hỏi cho CEO, có khi chỉ để hỏi về đồ ăn ở căn-tin. Ông Minh tin rằng sự minh bạch đến từ chính những hoạt động tưởng chừng rất nhỏ như vậy.

Các sếp của VNG có một vẻ thân thiện và gần gũi đúng chất những người làm kỹ thuật thuần túy. Họ say mê chạy bộ và leo núi (nhiều người đã rất kinh ngạc khi biết gần như không ai trong số họ chơi golf); cày dặm quần quật, mướt mải mồ hôi cùng nhân viên cho giải chạy bộ vì cộng đồng UpRace do chính VNG khởi xướng và vận hành từ 2018. Họ bận áo phông polo và quần kaki, đi giày lười trong đa số các event – các bộ vest dường như rất xa lạ với hình ảnh của họ.

Tinh thần không sợ sếp ở VNG một phần là do văn hóa tôn trọng sự khác biệt tại đây. Bản thân CEO Lê Hồng Minh từng nói “Tôi chưa từng cố gò VNG và người của VNG theo tính cách của bản thân tôi”.

Các sếp của VNG đều hiểu rằng, người trẻ, đặc biệt là người trẻ giỏi, luôn tìm kiếm một nơi làm việc mà họ được thể hiện mình, được giải những bài toán khó và được tạo ra giá trị cho số đông. Đôi khi thử thách có thể tạo ra chất men say để thu hút các tài năng còn mạnh hơn thu nhập. Vì thế, VNG dành nhiều nguồn lực đào tạo chuyên môn và khả năng lãnh đạo cho các nhân sự trẻ, cũng như liên tục thử thách họ bằng những dự án mới xương xẩu. Thế nên mới có chuyện có Starter ở VNG than thở “Dạo này việc dễ, nhàn nên buồn chán quá, không chịu được!”.

Đưa ra các bài toán khó cũng là cách mà VNG thu hút các tài năng còn đang ngồi trên ghế nhà trường. VNG là một trong những công ty tích cực nhất trong việc tiếp cận và trở thành đối tác với các trường Đại học tốp đầu để tiếp cận với các ứng viên tài năng. Họ cũng có những sáng kiến độc đáo như VNG Code Tour hay chương trình Fresher để sinh viên được trải nghiệm các dự án thực tế của một trong những công ty công nghệ lớn, thậm chí trả lương hậu hĩnh.

“Grow people”, hay phát triển con người, chưa bao giờ là một câu khẩu hiệu suông tại môi trường này. Thậm chí với một số lãnh đạo cấp cao của VNG, niềm tin của họ vào con người thật sự kiên định, giống như một đường thẳng đã vẽ ra thì cứ như vậy mà bám theo. “Trong những thời điểm khó khăn nhất, Khải cũng như ban lãnh đạo vẫn luôn có niềm tin rằng những khó khăn chỉ là tạm thời, và chúng tôi sẽ cùng vượt qua mọi sóng gió. Niềm tin đó không phải là mù quáng mà đến từ thế mạnh truyền thống của VNG: Con người”, Phó Tổng giám đốc Vương Quang Khải đã chia sẻ như vậy về thời điểm sinh tử mà Zalo từng trải qua cách đây nhiều năm, khi sản phẩm này gặp sai lầm lớn khi thiết kế sản phẩm thử nghiệm, dẫn tới ra mắt thị trường chậm hơn hàng loạt đối thủ tới 8 tháng. Và chính nhờ niềm tin ấy, Zalo đã có cú bẻ lái ngoạn mục và trở thành ứng dụng OTT phổ biến nhất tại Việt Nam.

Là người sáng lập và dẫn dắt VNG trong suốt hành trình 16 năm qua, tinh thần và quan điểm của Lê Hồng Minh ảnh hưởng rất sâu đến văn hóa doanh nghiệp của công ty này, cũng như đến suy nghĩ và hành trình của từng cá thể trong hơn 3000 Starters tại VNG. Nhân dịp sinh nhật VNG 16, phóng viên VietnamPlus đã có một cuộc trao đổi thú vị với anh, theo một cách thức cũng rất khác biệt và “đúng chất mùa dịch” – phỏng vấn online.

– NHÌN LẠI HÀNH TRÌNH 16 NĂM, ANH CHO RẰNG ĐÂU LÀ DẤU ẤN ĐÁNG TỰ HÀO NHẤT CỦA VNG?

Chúng tôi khởi nghiệp là các game thủ trẻ, đầy nhiệt huyết, nhưng hiện tại thì VNG đã là một Tập đoàn lớn với hơn 3.000 Starters, 11 văn phòng trên 5 quốc gia và sản phẩm chính thức có mặt ở trên 100 quốc gia. Chúng tôi tự hào vì có những sản phẩm với hàng chục triệu người dùng như Zalo, ZaloPay, ZingPlay, Zing MP3…

Kênh CNN Worldwide và câu chuyện của VNG – Start up kì lân Việt Nam. (Nguồn: Video VNG)

Sau 16 năm, chúng tôi đang mạnh dạn bỏ đi giới hạn của thị trường Việt Nam để hướng tới thách thức của thị trường toàn cầu. Chúng tôi đặt ra một khát vọng mới cho 5 năm tới – 2332 (320 triệu người dùng toàn cầu; 32 triệu người dùng cho các sản phẩm mới (thanh toán, trí tuệ nhân tạo) và 320.000 khách hàng doanh nghiệp vào năm 2023 –PV). Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức và tập trung các nguồn lực để hướng tới những cột mốc này. Dù chúng tôi hoàn toàn có thể không chạm được tới các con số ‘điên rồ” đó, tôi vẫn nói với mọi người đó không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng hơn là trên chặng đường 5 năm tới (thậm chí dài hơn thế), chúng tôi sẽ tiếp tục có những trải nghiệm tuyệt vời, những câu chuyện đáng để tự hào và những khoảnh khắc không thể quên khi cùng nhau đón nhận thách thức.

– CỤ THỂ HƠN THÌ NHỮNG THÁCH THỨC ĐÓ LÀ GÌ?

5 năm trở lại đây, nhiều công ty trên thị trường như Grab, Uber, Airbnb đều chuyển từ trực tuyến sang thực tế (online sang offline). Nhưng offline lại là mảng mà chúng tôi không giỏi và chưa có nhiều sự hiện diện trên thị trường. Đó thực sự là một thách thức lớn. Nếu bạn còn nhớ, chúng tôi từng không thành công khi thử sức với thương mại điện tử. Khi bạn thử một dịch vụ mới, có rất nhiều kiến thức phải học hỏi và cần nhiều tiền đầu tư.

Rồi thách thức đến từ chính nội tại của VNG. Bước qua tuổi 16 thì VNG không còn là một startup năng động, tốc độ và trẻ trung nữa, dù rất không muốn thừa nhận điều này, nhưng tôi có thể cảm nhận rõ điều đó. Chúng tôi tốn nhiều sức lực cho những việc không quan trọng chỉ để “đúng quy trình”, mà quên mất đâu là điều quan trọng hơn. Nhiều người gắn bó lâu với VNG bắt đầu cảm thấy sức nặng của trách nhiệm đè nặng trên vai, thay vì niềm vui trong công việc như trước đây. Thách thức nội tại lớn nhất của VNG lúc này là làm sao cân bằng được tầm vóc và bộ máy của một doanh nghiệp lớn với tinh thần và tốc độ của một đội ngũ khởi nghiệp.

– THÁCH THỨC LÀ THẾ, VẬY ĐIỀU GÌ GIÚP ANH “GIỮ ĐƯỢC LỬA” VỚI VNG SUỐT CHỪNG ẤY NĂM?

Ở vị trí CEO tất nhiên là phải có rất nhiều thứ đau đầu rồi. Nhưng ai mà không vui khi sản phẩm của mình được hàng triệu người hay tuyệt vời hơn là hàng tỷ người đón nhận, sử dụng? Tầm ảnh hưởng tới cộng đồng chính là thành quả đủ mạnh để khỏa lấp tất cả những cảm xúc khó chịu khác.

Thông qua việc bước tới, tôi luôn có cơ hội được làm những thứ mới và từ đó, học những thứ mới. Với nhiều người, thử thách có thể tạo ra sự mệt mỏi. Nhưng với tôi, với những người làm công nghệ thì thử thách chính là một chất gây nghiện.

Hơn nữa, trong những cái mới, mình thấy mình có thể thay đổi, cải tiến môi trường xung quanh mình, và đập bỏ đi những thứ không còn phù hợp.

Và cuối cùng, cảm giác thoải mái khi được làm việc với những con người mà mình yêu mến, tin cậy. Tôi luôn tìm thấy niềm vui khi được giúp những người trẻ phát triển. Vì chính tôi cũng từng là một người trẻ, từng vui vẻ, hồ hởi khi được học những điều mới hay khi chinh phục được những cột mốc đầu tiên. Khi một tập thể gồm nhiều người cùng nhìn về một hướng, thứ cảm xúc và sức mạnh cộng hưởng ấy là một điều rất tuyệt vời.

– VẬY TRONG 3-5 NĂM TỚI, MỤC TIÊU CỦA ANH VÀ VNG LÀ GÌ?

Bài học quan trọng mà chúng tôi đúc rút ra được trong 5 năm qua là khi đang thành công và rất bận rộn với các sản phẩm hiện tại thì vẫn sẽ cần quyết liệt và không ngần ngại thử nghiệm những sản phẩm và hướng đi mới. Xây dựng một tương lai “vô định” là một trải nghiệm vừa rất đáng sợ, nhưng vừa rất hứng khởi.

Trong 5-10 năm tới, VNG sẽ là một công ty “Kiến tạo Công nghệ và Phát triển Con người. Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn” (Build Technologies and Grow People. For a better life).

– ANH VỪA NHẮC TỚI CÂU CHUYỆN PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI. VÀ TRONG NHỮNG CUỘC NÓI CHUYỆN GẦN ĐÂY VỚI SINH VIÊN HAY GIỚI CÔNG NGHỆ, DƯỜNG NHƯ ANH CŨNG CHIA SẺ VỀ CHỦ ĐỀ NÀY NHIỀU HƠN LÀ CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ…

Sau 15 năm phát triển, VNG đã bắt đầu cảm nhận rất rõ những giới hạn của sự phát triển. Muốn phát triển tiếp, chúng tôi cần phải nâng tầm một số mảng kinh doanh lên quy mô lớn hơn hiện tại nhiều lần. Thứ hai, VNG phải tiến vào những mảng kinh doanh mới, những thị trường trước giờ chưa từng làm. Tất cả đòi hỏi năng lực của con người VNG, từ công nghệ đến sản phẩm, đến kinh doanh, phải không ngừng được nâng tầm. Nói ví von thì muốn đánh trận mà quân lính trong tay không đáp ứng được mục tiêu thì trước sau cũng sẽ thất bại.

Việc xây dựng đội ngũ kế cận, những người sẽ ngồi vào những chiếc ghế chủ chốt của VNG là một dự án dài hơi mà mình phải tốn nhiều năm mới có thể thành công được. Có những phòng ban mà để tìm được người quản lý, tôi ước tính phải mất cả chục năm.

Chuyện phát triển con người thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng quan tâm và tiến hành ở nhiều cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm nhận đây là chuyện quan trọng nhất phải làm, thậm chí còn vượt trên chuyện xây dựng sản phẩm.

– KHI ĐÃ XÁC ĐỊNH PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI LÀ CHUYỆN QUAN TRỌNG NHẤT PHẢI LÀM, THÌ CÁCH THỨC PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TẠI VNG KHÁC BIỆT VỚI CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC NHƯ THẾ NÀO?

Trong quá khứ, giống như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi cũng từng áp dụng triết lý cho mọi người cùng nhảy xuống nước, ai nổi được có nghĩa bắt đầu biết bơi và ai bơi nhanh thì thắng.

Nhưng dần dà, chúng tôi có những suy nghĩ khác. Đó là VNG rất kiên nhẫn với thời gian mọi người học tập, trưởng thành. Một người có thể bơi không giỏi, nhưng khi chạy bộ, đạp xe thì lại rất khá. Trao cho họ cơ hội thứ hai để khai phá năng lực tiềm ẩn là rất quan trọng.

Một sự khác biệt lớn nữa là trong suốt 16 năm phát triển, VNG không coi mục tiêu kinh doanh là quan trọng nhất. Có những mảng kinh doanh yêu cầu cao nhất là phải tạo ra một sản phẩm tốt, có giá trị với người sử dụng, với cộng đồng. Nhiều sản phẩm của chúng tôi trong một thời gian dài vẫn lấy số đo người sử dụng và mức độ sử dụng quan trọng hơn là số đo về kinh doanh.

– NGƯỜI TÀI THÌ CHỖ NÀO CŨNG MUỐN LÔI KÉO. VNG GIỮ CHÂN NHÂN SỰ BẰNG CÁCH NÀO?

Nhìn chung, những người thật sự tài năng luôn muốn các thách thức thật sự khó và có ý nghĩa. Khi họ làm một công việc nhàn nhã và quá dễ dàng, thì dù lương cao, họ vẫn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán.

Tôi vẫn nói với mọi người trong VNG: xuất phát điểm của mỗi người tuy có thể khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là phải bền chí, không bao giờ bỏ cuộc. Sự bền chí ấy, theo thời gian, sẽ giúp chúng ta trau dồi những năng lực mà những người đã chọn con đường khác sẽ không thể có được.

‘This is VNG’. (Nguồn: Video VNG)

VNG cũng cho mọi người không gian để phát triển và tự ra những quyết định. Việc đặt nhiều quyền quyết định hơn vào tay mỗi nhân viên là điều cực kì quan trọng, để mỗi nguời được làm việc và sáng tạo đúng với vị trí của mình, không cần kiểm soát quá nhiều và quản lý quá chặt đến tận cấp cơ sở, chỉ cần chúng tôi vẫn kết nối với nhau và đi đúng hướng.

Chúng tôi tin tưởng mỗi người sẽ làm tốt công việc của mình, và chúng tôi công nhận điều mọi người đang làm cũng như mọi người công nhận công việc của mỗi cá nhân khác trong công ty. Mọi người sẽ có xu hướng phát triển tốt hơn đến bất ngờ. Khi bạn đề cập đến một bộ máy vận hành xuất sắc, mọi người sẽ thường suy nghĩ rằng, chúng tôi xây dựng một bộ máy với nhiều cơ sở vật chất hiện đại, với nhiều quy trình, nhiều sự kiểm soát. Đúng, chúng tôi có những điều đó, nhưng chúng tôi không đặt nặng những điều đó. Điều mà chúng tôi thực sự giỏi đó là xây dựng được nhiều đội ngũ có khả năng hoạt động độc lập trong VNG.

Một điểm nữa mà mọi người ở VNG có thể tự hào chính là “integrity” (sự minh bạch, chính trực). Nghe thì có vẻ buồn cười bởi vì lẽ ra “integrity” phải là điều bắt buộc ở mọi môi trường làm việc. Nhưng trong thực tế thì không nhiều nơi, kể cả các môi trường đa quốc gia, duy trì được việc này. Nên những ai coi trọng “integrity” thì tôi tin họ sẽ làm việc được lâu dài tại VNG.

– NHIỀU NGƯỜI TÒ MÒ VÌ SAO VNG LẠI LỰA CHỌN MỘT CHỦ ĐỀ RẤT “MỘC MẠC” NHƯ NGHĨ VỀ NHAU CHO DỊP SINH NHẬT 16?

Thật ra chủ đề này xuất phát từ một chia sẻ của tôi với các Starters trong đợt cách ly xã hội hồi tháng Ba. Khi đó, tôi có nói với mọi người rằng đây là một thời điểm rất đặc biệt mà có lẽ chúng ta hiếm khi trải qua hai lần trong đời. Nhiều phòng ban có lo lắng với tôi là doanh số và chỉ tiêu kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi dịch. Tôi chỉ muốn trấn an mọi người rằng, có những lúc chúng ta không nên nghĩ quá nhiều đến các con số, đến áp lực kinh doanh. Đây là lúc chúng ta nên nghĩ nhiều hơn về nhau, về gia đình, về đồng nghiệp, về đối tác của mình.

Rộng hơn một chút, ở thời khắc sinh nhật VNG 16, chúng tôi muốn người VNG hãy cùng nhau nghĩ về hành trình Kiến tạo Công nghệ và Phát triển Con người mà VNG theo đuổi, để cùng nhau trân trọng những điều tốt đẹp, những khoảng thời gian tốt đẹp mà mọi người đang có cùng nhau.

Văn phòng độc đáo

CỦA KỲ LÂN CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

Ảnh: Thuận Thắng – Quốc Đạt

Tháng 11/2019, VNG Campus chính thức khánh thành với tổng diện tích 52.440 m2, thiết kế hiện đại khi kết hợp giữa môi trường làm việc mở với mô hình thư giãn, giải trí, tiện ích, tập luyện thể thao…

“Homebase” (chốn nhà) của người VNG tọa lạc bên bờ sông Sài Gòn. Phần mái được lắp hệ thống điện mặt trời hiện đại, cung cấp điện cho toàn bộ hoạt động của tòa nhà.

Tòa nhà được thiết kế với khuôn viên và không gian ngoài trời rất rộng rãi, vừa thân thiện với môi trường, vừa khuyến khích nhân viên vận động, đi bộ giữa các phân khu.

Starter (cách gọi nhân viên VNG) ra vào văn phòng bằng lối đi và thẻ từ hiện đại, đầy màu sắc công nghệ.

Không gian làm việc có thiết kế mở, nhiều cây xanh và hạn chế tường ngăn, khuyến khích tương tác, giao tiếp giữa mọi người. Nhờ đó hoạt động phối hợp, teamwork giữa các phòng ban, nhân viên trở nên hiệu quả hơn.

Không gian xanh, sạch, sáng mang lại tinh thần làm việc hứng khởi.

Một góc làm việc của team vận hành sản phẩm game của VNG.

Ngay cả phòng họp cũng được thiết kế theo xu hướng mở, kích thích sáng tạo, tư duy brainstorming. VNG còn chú trọng đầu tư các thiết bị kỹ thuật cao cấp để tương thích với các sản phẩm công nghệ “quốc dân” do chính người VNG phát triển.

Phòng Lab của VNG CLOUD đi vào hoạt động từ đầu năm 2020, là nơi trưng bày các sản phẩm dịch vụ điện toán đám mây nổi bật mà công ty đang vận hành và cung cấp.

Có một Data Center (Trung tâm dữ liệu) nằm ngay giữa lòng VNG Campus.

Không gian làm việc còn kết hợp với các góc teamwork, thư giãn, linh hoạt thời gian…

…vừa chuyên nghiệp lại vừa rất “chill” như đang ở quán café chiều cuối tuần.

Điểm nhấn của Campus là khoảng không gian mênh mông, tràn ngập ánh sáng thiên nhiên tại sảnh trung tâm Atrium, nơi chuyên tổ chức các sự kiện sinh hoạt chung của công ty. Đây còn là nơi thư giãn, tán gẫu, đọc sách của Starter mỗi giờ nghỉ trưa, đặc biệt là cùng nhau hò reo cổ vũ các trận thi đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, ẩm thực khác của Starter, trong khuôn viên Campus có sự hiện diện của các cửa hàng 7-Elevent, The Coffee House…

Như một địa điểm “nghỉ dưỡng”, hồ bơi tại VNG Campus sử dụng công nghệ lọc muối (không sử dụng chất clo để khử trùng) thân thiện với làn da và môi trường. Đây không chỉ là nơi thư giãn của Starter sau một ngày làm việc căng thẳng mà còn là nơi luyện tập, “so găng” giữa những “Iron man” VNG.