Du lịch Việt Nam

Du lịch hiện đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp hiệu quả cho công cuộc dựng xây đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của đất nước trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới.

Đất nước của miền di tích, danh thắng

Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn về du lịch. Ngoài những di sản thế giới như: Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Tràng An, thành nhà Hồ, Hoàng Thành Thăng Long…, Việt Nam còn thu hút khách du lịch nước ngoài với hàng loạt địa điểm du lịch sinh thái kéo dài khắp ba miền Tổ quốc. Đó là các hệ sinh thái biển (Phú Quốc – Kiên Giang, Nha Trang – Khánh Hòa, Mũi Né – Bình Thuận, Đà Nẵng…), hệ sinh thái sông hồ (Khoang Xanh Suối Tiên, Ao Vua…), hệ sinh thái rừng (vườn quốc gia Ba Bể, Bái Tử Long, Ba Vì, Cát Bà…) hay hệ sinh thái hang động (Tam Cốc Bích Động, Tràng An…).

Đặc biệt, với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tài nguyên du lịch nhân văn của Việt Nam cũng rất phong phú. Trong số 40.000 di tích lịch sử trên khắp miền đất nước, có khoảng 3.000 di tích đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng. Có thể kể đến một số di tích nổi bật như: Cố đô Hoa Lư, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Đền Hùng, Dinh Độc Lập…

Thêm vào đó, những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý kinh tế và chính trị của Việt Nam cũng là yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, lãnh thổ Việt Nam vừa gắn liền với lục địa vừa thông ra đại dương, có vị trí giao lưu quốc tế thuận lợi cả về đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và hàng không. Đây là tiền đề rất quan trọng trong việc mở rộng và phát triển du lịch quốc tế.

Những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý kinh tế và chính trị của Việt Nam là yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch

Ngoài những lợi thế trên, Việt Nam còn là nước có chế độ chính trị ổn định, có nguồn nhân lực dồi dào. Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại trong đó có du lịch phát triển. Đặc biệt, việc Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng là một yếu tố thuận lợi phát triển ngành công nghiệp “không khói.”

Tạo lực cho ngành công nghiệp “không khói”

Nhận thức được tiềm năng du lịch to lớn, nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều chủ chương, chính sách, chiến lược nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Luật Du lịch…

Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch cũng được thành lập. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có Ban Chỉ đạo phát triển du lịch địa phương. Cùng với đó, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch như Pháp lệnh xuất, nhập cảnh, cư trú, đi lại cho người Việt Nam, cho người nước ngoài và các văn bản liên quan khác được bổ sung; thủ tục hải quan được cải tiến thuận tiện hơn.

Cảnh non nước hữu tình trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Cảnh non nước hữu tình trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Việc miễn visa cho công dân các nước cũng là giải pháp chủ động, tích cực để thu hút khách và các nhà đầu tư. Đến nay, du khách của 22 quốc gia đã được miễn visa khi đến Việt Nam.

Đặc biệt, ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhằm đưa Việt Nam vào nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu.

Đảm bảo phục vụ hàng chục triệu du khách mỗi năm

Từ năm 2006 đến nay, lĩnh vực du lịch thu hút khoảng 10 tỷ USD FDI và khoảng 300.000 tỷ đồng đầu tư trong nước, trong đó có hơn 6.100 tỷ đồng vốn đầu tư nhà nước cho hạ tầng du lịch, tập trung vào những vùng tiềm năng, những khu, điểm du lịch quốc gia…

Cùng với việc huy động vốn, ngành đã tranh thủ được nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ tài trợ cho phát triển du lịch về quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, xây dựng văn bản quy phạm phát luật du lịch.

Ngành cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Đến nay, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình, nâng cao về chất lượng. Nếu như năm 1990, cả nước chỉ có khoảng 350 cơ sở lưu trú du lịch với 16.700 buồng thì đến thì đến năm 2016, con số này đã đạt 21.000 cơ sở (gần 800 cơ sở lưu trú du lịch 3-5 sao) với 421.000 buồng. Hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch với quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế được đầu tư, khai thác. Ngoài hai loại hình chủ yếu là khách sạn và nhà nghỉ du lịch, còn hình thành thêm các loại hình lưu trú khác như: khách sạn nghỉ dưỡng (resort), căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), tàu thủy lưu trú du lịch, làng du lịch…

Phương tiện vận chuyển khách du lịch phát triển đa dạng cả đường ôtô, đường sắt, đường thuỷ và dần được hiện đại hóa. Nhiều tuyến du lịch đường biển, đường sông như Hải Phòng-Quảng Ninh, Hải Phòng-Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh-Vũng Tàu, Cần Thơ… đã sử dụng tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại. Một số khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, công viên chuyên đề và cơ sở giải trí được đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của du khách và nhân dân…

Vẻ đẹp kỳ vĩ của động Thiên Đường. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Vẻ đẹp kỳ vĩ của động Thiên Đường. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Về sản phẩm du lịch, ngành du lịch Việt Nam đã chú trọng xây dựng phát triển nhiều tuyến du lịch mới cả đường bộ, đường sông, đường biển, nối các điểm du lịch, khu du lịch ở miền núi, cao nguyên, đồng bằng, vùng ven biển và hải đảo. Hình thành các loại hình du lịch mới, đặc thù như đi bộ, leo núi, lặn biển, hang động, du lịch đường bộ xuyên Việt bằng xe đạp, mô tô, caravan, du lịch đồng quê, về cội nguồn…

Việc hoàn thiện thể chế và chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch đã có tác động tích cực thúc đẩy lực lượng kinh doanh du lịch phát triển mạnh. Đến nay, cả 6 thành phần kinh tế (nhà nuớc; tập thể; cá thể, tiểu chủ; tư bản tư nhân; tư bản nhà nước; 100% vốn nước ngoài) đều tham gia vào hoạt động du lịch. Tính đến năm 2016, cả nước có 1.600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; hơn 10.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Ngoài ra, còn có hàng nghìn hộ tư nhân kinh doanh du lịch hoạt động ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Ngành du lịch chú trọng xây dựng phát triển nhiều tuyến du lịch mới cả đường bộ, đường sông, đường biển, nối các điểm du lịch, khu du lịch ở miền núi, cao nguyên, đồng bằng, vùng ven biển và hải đảo.  

Đội ngũ cán bộ, quản lý, tổ chức, hướng dẫn viên du lịch năng động, chuyên nghiệp được hình thành, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển đội ngũ lao động ngành du lịch. Nếu như năm 1990 toàn ngành mới có hơn 17.000 lao động trực tiếp, thì đến nay đã có 555.000 lao động trực tiếp (bao gồm cả hướng dẫn viên du lịch) và trên 1,2 triệu lao động gián tiếp, chiếm khoảng 2,5% lao động cả nước. Chất lượng lao động du lịch ngày càng nâng cao. Số lượng lao động được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ ngày càng tăng.

Dấu ấn tăng trưởng hàng năm trên 10%

Nhờ kết hợp tiềm năng sẵn có với việc chủ động đầu tư phát triển, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong 15 năm qua, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, tăng trưởng khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm.

Nếu lấy dấu mốc lần đầu tiên phát động Năm Du lịch Việt Nam 1990 với 250.000 lượt khách quốc tế, 1 triệu lượt khách du lịch nội địa thì đến năm 2016 lượng khách quốc tế đã đạt hơn 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt hơn 62 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch cũng tăng từ 1.350 tỷ đồng năm 1990 lên hơn 400 nghìn tỷ đồng năm 2016, tạo trên 1,7 triệu việc làm cho xã hội, đóng góp trực tiếp 6,8% GDP.

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng tăng lên. Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực canh tranh ngành lữ hành và du lịch (TTCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năm 2017, du lịch Việt Nam xếp thứ 67/136 quốc gia, tăng 8 bậc so với lần xếp hạng trước vào năm 2015.

Không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển của ngành Du lịch còn đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ. Có thể đễ dàng nhận thấy, ở đâu du lịch phát triển, ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Điển hình như ở: Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Phan Thiết)…

Du khách tham quan Phố cổ Hội An bằng xích lô. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Du khách tham quan Phố cổ Hội An bằng xích lô. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Sự lớn mạnh của du lịch Việt Nam còn thể hiện ở kết quả đánh giá của các tổ chức nổi tiếng trên thế giới chuyên về lĩnh vực du lịch. Điển hình như Việt Nam được xếp vị trí thứ 3 trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2014 do Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn; Vịnh Hạ Long được trang web BuzzFeed của Mỹ bình chọn là 1 trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất trên thế giới; Hà Nội được TripAdvisor bình chọn là 1 trong 10 thành phố thu hút khách du lịch hàng đầu trên thế giới năm 2014; được Mastercard bình chọn là một trong 10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2017…

Nâng tầm cho ngành Du lịch Việt Nam

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2020, thu hút 17-20 triệu khách du lịch quốc tế, 82 triệu khách du lịch nội địa; đóng góp 10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm.

Để du lịch Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả, thời gian tới, du lịch Việt Nam trước hết cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa như gia nhập WTO, Cộng đồng kinh tế ASEAN, đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do… ngành du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ, thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh là điều vô cùng quan trọng. Theo đó, cần nghiên cứu xu hướng nhu cầu của du khách để tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng đúng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách. Trong đó, cần chú trọng phát triển sản phẩm du lịch địa phương. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ các khu, tuyến, điểm du lịch đã khai thác. Khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao.

Đi đôi với việc nâng cao năng lực cạnh tranh là đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch. Cụ thể, cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều phân khúc thị trường du lịch; lựa chọn, tham gia có chọn lọc vào các hoạt động, sự kiện du lịch; xây dựng những sản phẩm du lịch mới, tăng cường xây dựng những tour, tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phối kết hợp các hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng với các địa phương khác để du lịch thực sự trở thành một hoạt động thông suốt, có tính cạnh tranh cao hơn. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa vào đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường trong khi khai thác, phát triển du lịch./.