Việt Nam-Canada

Việt Nam và Canada tuy cách xa về địa lý nhưng mối quan hệ giữa hai nước luôn dựa trên các giá trị chung về hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/8/1973.

Qua chặng đường 44 năm, hai nước đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện, ổn định, lâu dài và ngày càng phát triển.

Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Canada

Tuy cách xa về địa lý nhưng mối quan hệ Việt Nam-Canada dựa trên các giá trị chung về hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Trong suốt hơn 4 thập kỷ qua, mối quan hệ giữa hai nước đã được củng cố và phát triển tốt đẹp, đem lại lợi ích nhiều mặt, thiết thực và cùng có lợi cho cả hai nước.

Quan hệ chính trị-ngoại giao không ngừng được củng cố và tăng cường, đánh dấu bằng các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và nhiều bộ, ngành, đối tác, tổ chức đoàn thể, quần chúng hai nước. Các cuộc tiếp xúc cấp cao và khuôn khổ đối tác toàn diện vừa thể hiện sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, vừa giúp đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên tích cực phối hợp trong các lĩnh vực: giải trừ quân bị, an ninh khu vực, thương mại quốc tế, trao đổi phiếu bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cùng với sự phát triển không ngừng của quan hệ chính trị-ngoại giao, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước cũng tăng lên đáng kể. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khối ASEAN (thị trường ưu tiên của Chương trình Hành động Thị trường Toàn cầu Canada). Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 4,1 tỷ USD. Tính đến hết quý II-2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,3 tỷ USD (cao nhất trong ASEAN). Hai nước đặt mục tiêu đạt mức 10 tỷ USD trong 10 năm tới.

Thành phố Hồ Chí Minh ký thỏa thuận hợp tác với Chính quyền Thành phố Toronto, Canada tháng 10/2017. (Nguồn: TTXVN)
Thành phố Hồ Chí Minh ký thỏa thuận hợp tác với Chính quyền Thành phố Toronto, Canada tháng 10/2017. (Nguồn: TTXVN)

Về đầu tư, Canada hiện có 149 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 5,28 tỷ USD, đứng thứ 14/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nổi bật trong số các dự án đầu tư này là: Dự án khu du lịch Hồ Tràm ở Bà Rịa-Vũng Tàu (4,2 tỷ USD); Dự án xây bệnh viện ở Hải Dương (220 triệu USD); Dự án công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng gió tại Ninh Thuận (74,4 triệu USD); Công ty Bảo hiểm Manulife (50 triệu USD)…

Hợp tác về viện trợ phát triển (ODA) cũng là điểm sáng và là nét đặc thù trong quan hệ Việt Nam-Canada. Tổng giá trị ODA Canada dành cho Việt Nam từ năm 1990 đến nay là hơn 800 triệu USD. Năm 2009, Canada đưa Việt Nam vào danh sách 20 nước ưu tiên nhận viện trợ và hiện vẫn duy trì Việt Nam trong danh sách này. Hiện tổng giá trị các dự án ODA của Canada còn hiệu lực với Việt Nam là hơn 60 triệu CAD.

Về giáo dục-đào tạo, số du học sinh Việt Nam tại Canada đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đưa Việt nam trở thành nước lớn nhất trong số các nước ASEAN có du học sinh tại Canada. Hiện Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức giáo dục CBIE, MYTACS và Đại học McGill của Canada trong lĩnh vực đào tạo Pháp ngữ, công nghệ.

Hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam sinh sống tại Canada. Vị thế của cộng đồng người Việt trong xã hội Canada ngày càng tăng cả trên lĩnh vực chính trị và kinh tế-xã hội

Hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam sinh sống tại Canada. Vị thế của cộng đồng người Việt trong xã hội Canada ngày càng tăng cả trên lĩnh vực chính trị và kinh tế-xã hội. Ngày càng có nhiều tổ chức, hội, nhóm, cá nhân người gốc Việt ủng hộ đất nước, giúp đỡ Cơ quan đại diện của ta. Trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc song phương ở các cấp, lãnh đạo Việt Nam đề nghị Canada quan tâm hỗ trợ để cộng đồng người Việt hội nhập với xã hội sở tại, đóng góp cho quan hệ hai nước.

Năm 2018 được xem là một dấu mốc quan trọng trong việc nâng tầm quan hệ Việt Nam-Canada với việc hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với những nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước, chắc chắn trong thời gian tới, mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Canada sẽ ngày càng đơm hoa kết trái, xứng đáng với mong muốn của nhân dân hai nước và với tầm quan trọng của Việt Nam và Canada trong một khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển sôi động.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế Canada Fran Cois-Philippe Champagne nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 5/2017. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế Canada Fran Cois-Philippe Champagne nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 5/2017. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Trong hai ngày 8-9/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ thăm chính thức Việt Nam trước khi tham dự các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017.  

Nhận định về chuyến thăm của Thủ tướng Trudeau, cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam David Devine cho rằng đây sẽ là dấu ấn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và tạo khuôn khổ quan hệ song phương ổn định hướng tới kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau.

Về triển vọng mở rộng hợp tác song phương trong thời gian tới, cựu Đại sứ Devine cho rằng bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giáo dục và nông nghiệp, Canada và Việt Nam có thể xem xét thúc đẩy hợp tác công nghệ cao để giúp tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam. Bước đầu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được giúp nâng cao năng lực sản xuất linh kiện cho các sản phẩm công nghệ hiện đại, thay vì chỉ chú trọng lắp ráp sản phẩm từ linh kiện nhập khẩu như hiện nay.

Bên cạnh đó, hợp tác về đổi mới sáng tạo cũng có thể là một hướng đi tốt, nhất là trong bối cảnh thế giới đang cần tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để ứng phó với những thách thức chung như về biến đổi khí hậu.

Ông khẳng định “Việt Nam hoàn toàn có cơ hội hợp tác với Canada trong những lĩnh vực này” và Việt Nam cần tranh thủ nắm bắt thời cơ thúc đẩy quan hệ song phương khi chính Canada cũng đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa các thị trường thương mại và đầu tư với tầm nhìn hướng tới APEC và ASEAN, hai tổ chức Việt Nam đều đang là thành viên tích cực.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Canada – Đất nước với nền văn hóa nhiều màu sắc

Là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới về diện tích với 9.984.670 km2, nằm trải dài từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, Canada – đất nước của những cây phong lá đỏ không chỉ nổi tiếng về cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, cùng hàng ngàn công trình kiến trúc và bảo tàng nghệ thuật trên khắp đất nước, mà còn nổi tiếng là đất nước có nền văn hóa đa sắc tộc và đa sắc thái đến từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Cùng với đó, sự phong phú về địa lý đã tạo cho đất nước Canada nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú không nơi nào có được như Thác Niagara hùng vĩ, bờ biển British Columbia tuyệt đẹp, bầu trời bao la của vùng bình nguyên, dãy núi tuyết Kananaskis, những cánh đồng hoa hướng dương ở Saskatchewan…

Canada hiện là một trong những quốc gia giàu nhất trên thế giới, có nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới. Nước này cũng là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Canada hiện là một trong những quốc gia giàu nhất trên thế giới, có nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới

Canada có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú trải dài trên khắp lãnh thổ. Các ngành kinh tế quan trọng của Canada là khai thác dầu khí, gỗ, khoáng sản, ngành công nghiệp ôtô-xe máy… Thị trường xuất khẩu hàng đầu của Canada là Hoa Kỳ.

Hiện chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau triển khai chính sách đối nội với khẩu hiệu “thay đổi thật sự”, tiến hành nhiều chính sách cải cách kinh tế-xã hội để vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy đồng thuận và hài hòa phúc lợi của các tầng lớp, sắc tộc trong xã hội, đẩy mạnh công khai minh bạch trong quản lý và điều hành chính phủ…, bước đầu đem lại một số kết quả tích cực, mức độ tín nhiệm cao.

Năm 2016, GDP của Canada đạt mức 1.592 tỷ USD, tăng 1,03% so với 1% của năm 2015. Theo dự báo của quỹ tiền tệ quốc tế IMF, năm 2017, nền kinh tế Canada có nhiều dấu hiệu khả quan nhờ sự giảm giá của đồng nội tệ và chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

[Nguồn: Bộ Ngoại giao, TTXVN]