Tùng Dương

Sông Hồng, đêm mùa Hạ, tháng 6, sau một ngày nắng như vãi lửa bỗng chuyển dấu hiệu dông, gió cuộn rung những vòm cây, khua đám lá ào ạt như sắp trú đổ ào xuống lối.

Sông Hồng-Hà Nội đã đón chào cuộc hội ngộ của “Tứ quái’Sông Hồng” – cách nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha gọi bốn cây đại thụ của âm nhạc đương đại Việt Nam: Nguyễn Cường – Phó Đức Phương – Dương Thụ – Trần Tiến như vậy.

Bằng một cách nào đó,  hoàn cảnh lịch sử cùng tài năng và tạng tính khiến cả bốn đều gây dựng cho mình một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và giàu bản sắc, góp phần làm nên thế hệ bản lề cho nhạc Việt đương đại. Dấu ấn và chất “quái” của “Bộ tứ sông Hồng” đậm đặc đủ để gọi được thành tên và một cách ngẫu nhiên nó “ăn khớp” kỳ lạ từ tạng người đến chất nhạc: Phương gàn, Tiến bụi, Thụ giáo sư và Cường nồng nhiệt.

Khi tâm hồn và tài năng người nghệ sĩ thăng hoa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Khi tâm hồn và tài năng người nghệ sĩ thăng hoa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Qua thời gian, những giá trị lịch sử và nghệ thuật trong những tác phẩm của “Bộ tứ sông Hồng” đã được nhìn nhận theo dòng chảy lịch sử của đất nước và âm nhạc. Họ nhìn cuộc chiến, nhìn cuộc đời, nhìn số phận đất nước theo cách của riêng mình.

Một Phương gàn thăm thẳm và phơi phới hơi thở dân gian vùng châu thổ; một Cường nồng nhiệt luôn căng tràn Tây Nguyên đại ngàn và di sản dân tộc; một Tiến bụi phong trần, du ca lãng tử đậm chất lính tráng; một Dương Thụ thâm trầm, tinh tế, nhưng vô cùng lãng mạn khi viết về tình yêu và những ẩn ức tính nữ. Bốn miền âm nhạc với những chiều kích khác nhau nhưng tựu trung không ủy mị mà hào sảng, phơi phới của những cánh buồm căng no gió; nếu có buồn, thì cũng đều là những nỗi buồn thật đẹp và lãng mạn.

“Cân” được “bộ tứ” trên sân khấu trong một đêm nhạc, để hiểu hết được các góc khuất  hay chạm đến cảm xúc sâu thẳm trong các tác phẩm của họ chẳng khác nào đứng trên vai người khổng lồ.

Họ như bốn hướng chảy của dòng sông Hồng nặng đỏ phù sa với đủ các cung bậc khi lở, lúc bồi, khi lững lờ lúc cuộn sóng. Để trong cả quá trình sáng tác dù  rất nhiều lần họ đứng cạnh nhau trong vô số các chương trình âm nhạc, to có, nhỏ có, vừa vừa cũng có, cả trên sân khấu, trên sóng phát thanh hay truyền hình, trong các album… của cả các ca sĩ tên tuổi, diva và cũng cả của những đêm thi ca nhạc cấp phường xã. Nhưng, chưa bao giờ, có một đêm nhạc mà cùng một lúc họ xuất hiện, với tất cả những gì đặc trưng nhất, với những góc cá tính riêng dữ dội nhất trên một sân khấu của một chương trình được thiết kế, dàn dựng, lựa chọn kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ từ ý tưởng kịch bản,  sân khấu, âm thanh, ánh sáng… cho đến phục trang và cả… khán giả. Tất tật, chỉ để dành cho cả  4 người họ.

Quả vậy, chỉ riêng việc nghĩ rằng đưa 4 con người đó lên cùng một sân khấu đã như một ý tưởng “điên rồ” và không tường. Nhưng với Tùng Dương, thì có gì mà Dương làm lại không độc đáo, không đầy thách thức và không “ điên rồ?”

Tùng Dương hóa thân vào 4 gam sắc màu âm nhạc huyền ảo và dữ dội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tùng Dương hóa thân vào 4 gam sắc màu âm nhạc huyền ảo và dữ dội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lẽ thường những cái bóng quá lớn của những người cha, người chú sẽ luôn đổ cái bóng quá lớn cùng kỳ vọng xa xăm xuống những “giấc mơ con” chuyên chở và mang vác.

Nhưng không khó, không độc thì Dương không làm. Thậm chí, phải những ý tưởng tưởng chừng bất khả mới “đủ đô” để Dương đắm đuối và “lên đồng.” Chẳng thế mà những ngày trước đêm diễn, trên trang cá nhân của mình, Tùng Dương liên tục cập nhật trạng thái mộng mị “nằm mơ thấy bốn cụ” cùng những dung tưởng, bồn chồn hiển hiện giấc mơ được phân thân vừa nồng nhiệt, hào sảng, lại vừa tĩnh tại, mênh mang trong âm nhạc của “Bộ tứ sông Hồng” trên sân khấu.

Kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ. Nửa đầu chương trình có phần ngổn ngang trong ý đồ “dẫn nhập” khán giả vào bảo tàng âm nhạc đồ sộ của “Bộ tứ sông Hồng” khiến thoạt đầu đã có người nghĩ Tùng Dương có thể bị hụt hơi, đuối sức ở lần vượt đỉnh này.

Nhưng, vẫn là Dương của những khoảnh khắc thăng hoa xuất thần, vẫn là Dương với sự kiên trì lao động và sáng tạo không hề biết mệt mỏi đã chứng minh rằng anh- người luôn tự nhận mình là “thằng oắt con” trước bốn cây đại thụ- không chỉ là người đầu tiên và duy nhất thế hệ nghệ sỹ ngày hôm nay được (bốn nhạc sỹ tin tưởng cho) LÀM,  mà còn LÀM ĐƯỢC khi tái hiện một cách đậm đầy bốn chân dung, bốn tính cách, bốn màu sắc âm nhạc tiêu biểu của nhạc Việt đương đại trong một “cuộc chơi”của riêng mình.

Màn tái ngộ đặc sắc của Tùng Dương- Hà Trần tạo nên nét chấm phá thú vị của hai vẻ đẹp điêu khắc và hội họa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Màn tái ngộ đặc sắc của Tùng Dương- Hà Trần tạo nên nét chấm phá thú vị của hai vẻ đẹp điêu khắc và hội họa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhìn lại 10 liveshow của Tùng Dương hơn một thập kỷ qua, từ “Những chuyến đi,” “Áo mùa Đông,” “Thập kỷ hoan ca” đến “Trời và Đất”  cho đến lựa chọn một concept “hiếm có khó nhằn” như  “Bộ tứ sông Hồng,”  mỗi một liveshow là một cuộc chinh phục những đỉnh núi ngất ngưởng.

Con đường âm nhạc của Tùng Dương thức thời và nhiều toan tính, nhưng đó là cái thức thời và toan tính của kẻ tỉ mỉ, quyết liệt sáng tạo không lặp lại. Cảm tưởng những suy nghiệm ở đời thực luôn đuổi bắt nhu cầu tự thân được lạc trôi, phân thân vào những giấc mơ ngạo nghễ và không tưởng cùng âm nhạc luôn dày vò và bức thiết trong khối hình hài hanh hao, có phần dị biệt ấy. Để sau từng ấy năm, với đỉnh divo duy nhất làng nhạc, Tùng Dương vẫn không thôi vận động, đào sâu để tôn vinh những giá trị bất biến của âm nhạc và kiếm tìm những giá trị mới.

Không chỉ thách thức chính mình phải chinh phục những đỉnh núi cách tân và tiên phong trong âm nhạc, Tùng Dương thách thức cả công chúng, vẫn theo cái cách như ngày đầu anh đến với làng nhạc. Không để khán giả “chạy trốn” trước cái dị biệt của mình, Tùng Dương từng bước buộc công chúng phải kiên nhẫn và nâng cấp về thẩm mỹ nghe xem để dung nạp và dung tưởng cùng anh sau những chuyến đi trên hành trình độc đạo.

Tùng Dương song ca cùng Bằng Kiều ăn ý trong từng nét nhạc, ca từ và cả những đối thoại dí dỏm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tùng Dương song ca cùng Bằng Kiều ăn ý trong từng nét nhạc, ca từ và cả những đối thoại dí dỏm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong không gian âm nhạc của Tùng Dương hát “Bộ tứ sông Hồng” người nghệ sỹ này không “chiều” khán giả ngay từ đầu. Dương nhẩn nha dẫn dắt khán giả từng bước khám phá từng góc khuất ngổn ngang như mê cung để chạm vào những tầng xúc cảm sâu lắng, dung dị nhất trong kho tàng âm nhạc đồ sộ nhiều tầng lớp của 4 nhạc sĩ.

Cần phải nhìn nhận rằng, ý đồ này của Tùng Dương ở góc độ người hát hay biên tập là một toan tính mạo hiểm bởi chỉ với một tên tuổi trong “ tứ quái” đã là “nặng đô” huống hồ là cộng gộp cả “tứ quái.”

Tỉ mỉ và tự tin đến ngạo nghễ, Dương đưa khán giả theo con đường của anh cho đến lúc họ bắt đầu có cảm giác mơ màng, buồn ngủ thì đánh thức họ dậy với “Một thoáng Tây Hồ.” Không chỉ Dương  “nhập” vào ca khúc, khán giả đã cùng anh hòa nhập vào một lối mê không gian âm nhạc vô cùng ảo diệu.

Liên tiếp có sự thay đổi về diện mạo sân khấu và không gian âm nhạc đầy thao thiết với “Bài hát ru mùa Đông” đến bản phối đặc quánh jazz “Bóng tối ly cà phê” của Dương Thụ, Tùng Dương từng bước mê hoặc người nghe khiến những người có mặt đắm chìm vào giọng hát khắc khoải, đa đoan của “chàng quái nhạc Việt.”

“Bộ tứ sông Hồng” với dấu ấn và chất “quái” đậm đặc:  Phương gàn, Tiến bụi, Thụ giáo sư và Cường nồng nhiệt cùng hội ngộ trên một sân khấu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Bộ tứ sông Hồng” với dấu ấn và chất “quái” đậm đặc: Phương gàn, Tiến bụi, Thụ giáo sư và Cường nồng nhiệt cùng hội ngộ trên một sân khấu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đặc biệt, đến hai bản phối tràn trề tinh thần đương đại trong màu rock sở trường của nhạc sỹ Thanh Phương là “Bi ca Trọng Thủy” và “Hò biển” tạo nên bước chuyển để Tùng Dương thoắt biến từ “thằng oắt con” thành “người khổng lồ” làm chủ không gian và trở thành tâm điểm trên sân khấu.

Không những “cân” thành công được bốn cá tính, bốn chân dung âm nhạc mà cuộc lội ngược dòng đó còn tôn vinh “bộ tứ” đậm đầy tinh thần đương đại gắn mác Tùng Dương.

Để có chỗ đứng trên diện rộng ngoài tài năng còn nhờ tổ đãi. Dù không chuyên trị nhưng với mỗi miền âm nhạc đi qua Tùng Dương đều kịp để lại dấu ấn khó ai làm được.

Hai ca khúc “Bài hát ru mùa đông” và “Bóng tối ly cà phê” vốn dành cho giọng nữ và gắn với Hồng Nhung và Nguyên Thảo, nhưng đến Tùng Dương nghe thấy thấm tận cùng.

Hơn ba tiếng đồng hồ, từ nhấn nhá, sốt ruột đến âm ỉ, thăng hoa, cả khán phòng kín đặc của Cung Việt Xô vẫn ngồi đến những phút cuối cùng của đêm khi đồng hồ dần nhích sang 12 giờ, đã minh chứng năng lực biết mê hoặc cùng khả năng thay đổi khẩu vị nghe xem của Tùng Dương tới đại chúng khán giả.

Thực ra thì từ “Liti” đến liveshow “Áo mùa Đông” Tùng Dương đã cho thấy sự biến báo và những ẩn ức tầng sâu, đằm trải qua những bài hát sâu lắng, mênh mang triết lý của những “Mẹ tôi,” “Mang thai,” “Bài hát ru mùa Đông…” khiến khán giả mộ điệu chẳng cần phải đợi đến hôm nay mới đắm đuối tiếng hát đa đoan cùng tâm hồn nghệ sỹ này. Nhưng, dám cá rằng, “Bi ca Trọng Thủy,”  “Hò biển”  sẽ chẳng ai hát qua được Tùng Dương!

Mặt khác, cũng không quá để nói rằng, nhờ kỹ thuật chơi nhạc nhuần nhuyễn cùng bản phối phóng khoáng và bạo liệt của Thanh Phương như tháo cũi để Tùng Dương như “cá về với nước” thậm chí “hóa rồng” khi lên đồng như cơn lốc trong không gian âm nhạc cuồn cuộn cùng diện mạo “đa phong cách phi thể loại.”

Nhờ sự bùng bổ và xuất thần về nửa cuối chương trình, Tùng Dương đã kích hoạt và đốt cháy năng lượng của tất cả khán giả khiến họ không thể ngồi yên trên ghế.

Bên cạnh màn tái hợp khá bất ngờ khi song ca bài hát “Mẹ tôi” – Tùng Dương và Hà Trần còn ngẫu hứng trên nền điện tử “Ra ngõ tụng kinh” và “Mưa bay tháp cổ” cũng của Trần Tiến, góp phần tạo nên nét chấm phá thú vị của hai vẻ đẹp “điêu khắc và hội họa.” Nhưng với khán giả am tường và fan trung thành của Tùng Dương hẳn sẽ thấy sự thiếu vắng không thể bù lấp của Thanh Lam trong đêm nhạc này. Dù sự thay thế của Bằng Kiều được cho là thổi làn gió mới thì đó vẫn là cơn gió nghịch chiều và lạc nhịp.

Nhưng nghệ thuật có điểm chung là xúc cảm và tình yêu. Những khoảnh khắc thăng hoa của cảm xúc và tình yêu mà âm nhạc mang lại sẽ là thứ dư âm cuối cùng đọng lại và âm ỉ trong cảm thức khán giả.

Nhưng không thừa, không thiếu và không tham thì không phải Tùng Dương. Cũng giống như cuộc chơi của nghệ thuật sáng tạo vốn không tồn tại sự an toàn và dễ đoán. Đơn giản những toan tính và tự tin của Tùng Dương là cái “gàn” của kẻ đam mê và không muốn lặp lại. Đó cũng chính là phẩm chất nghệ sỹ luôn thích biến báo và thử nghiệm.

Ở một phương diện khác, nó càng minh chứng sự cộng hưởng của những dấu cộng trong âm nhạc: ngay cả khi trưởng thành như một khối đa diện, thì đẳng cấp làm nên cuộc chơi âm nhạc tròn đầy của người nghệ sỹ còn thể hiện ở những cộng sự có khả năng kích thích cảm xúc và mỹ cảm trên sân khấu.

“Live show Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng” theo nhà thơ Đoàn Ngọc Thu giống như Hoa Sơn Luận Kiếm lần 3 mà ở đó, Tùng Dương là Thần điêu hiệp lữ với tư chất tuyệt vời và tài năng hiếm có của mình đã lĩnh hội được tất cả những tinh túy nhất của Tứ đại anh hùng Phó Đức Phương, Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường và ảo diệu biến thành những độc phẩm đỉnh cao không có đối thủ…”

Ai thì cũng vậy, chỉ mặc định mình đúng chứ không mặc định mình sai, vì biết sai đã không làm. Cũng giống như  kiểm soát cái tôi và bản ngã là việc cực kỳ khó, thậm chí là không thể làm được vì đó là tạng tính và vô thức.

Và từ đó mà có đúc kết, con người chỉ có thể cúi đầu trước hai điều: đó là tình yêu và sự vô ngã, mà cả hai điều này đều có ở Tùng Dương trong tất cả cuộc chơi nghệ thuật hơn một thấp kỷ qua và ở cột mốc liveshow thứ 10 này./.

Thiên hạ Ngũ tuyệt: Nam đế Dương Thụ- Bắc cái Trần Tiến- Hiệp lữ Tùng Dương- Tây cuồng Nguyễn Cường - Đông tà Phó Đức Phương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thiên hạ Ngũ tuyệt: Nam đế Dương Thụ- Bắc cái Trần Tiến- Hiệp lữ Tùng Dương- Tây cuồng Nguyễn Cường – Đông tà Phó Đức Phương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà