Thông tấn xã Giải phóng

ttxvnttxgp-1602149928-58.jpg

Sau thời gian ngắn chuẩn bị, đúng 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên, đánh dấu sự ra đời và thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, anh dũng, kịp thời cổ vũ cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân, dân miền Nam vì hòa bình thống nhất đất nước. 

Với việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ thông tin và trực tiếp tham gia chiến đấu với những chiến công, sự hy sinh to lớn, Thông tấn xã Giải phóng đã góp phần tích cực vào trang sử oanh liệt của quân, dân miền Nam anh dũng, bất khuất, tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Ngày 24/5/1976 là thời khắc lịch sử của ngành Thông tấn cách mạng, Việt Nam Thông tấn xã cùng Thông tấn xã Giải phóng – hai người anh em ruột thịt, tuy hai mà một – đã chính thức hợp nhất, hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng và đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng, Nhà nước trao tặng, Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết “Thông tấn xã Giải phóng – Hãng thông tấn Anh hùng” của đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) là trường hợp hiếm có và có lẽ là có một không hai trong lịch sử báo chí thế giới. Đây là cơ quan thông tấn, cơ quan phát ngôn của một lực lượng kháng chiến, ra đời dưới bom đạn kẻ thù, trưởng thành trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến.

Hoạt động trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy nên TTXGP đã gánh chịu những tổn thất, hy sinh mà ít có cơ quan báo chí nào trên thế giới từng trải qua, nhưng những chiến công, những vinh quang mà họ gặt hái được cũng khó ai có thể sánh bằng.

Thông tấn xã Giải phóng là trường hợp hiếm có và có lẽ là có một không hai trong lịch sử báo chí thế giới

Năm 1954, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã tạm thời chia Việt Nam thành hai miền do hai chính thể quản lý để chờ tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự giúp đỡ và chỉ đạo của Mỹ, ra sức phá hoại Hiệp định, từ chối hiệp thương với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam trong thời hạn hai năm theo quy định tại hiệp định.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình miền Nam và từ những yêu cầu tất yếu của cách mạng trong tình hình mới, năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Để phục vụ cho cuộc đấu tranh này, sau một thời gian ngắn chuẩn bị về lực lượng và phương tiện, ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), qua chiếc máy phát sóng 15 wat, TTXGP đã phát đi bản tin đầu tiên của mình, đánh dấu sự ra đời và thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, anh dũng, duy trì mạch thông tin thông suốt, kịp thời về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình thống nhất nước nhà đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong lời ra mắt, TTXGP trịnh trọng thông báo cho quốc dân đồng bào và bè bạn trên thế giới: “Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam. Ngoài ra, Thông tấn xã Giải phóng cũng cung cấp một số tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng.”

Thực hiện tôn chỉ, chức năng và nhiệm vụ đó, trong suốt hơn 15 năm hoạt động, TTXGP luôn đi tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền; trở thành cơ quan chủ lực trong khối thông tấn báo chí cách mạng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn đầu thống nhất đất nước.

Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù, TTXGP phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần.

Với tư cách là cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, TTXGP đã thông tin “đúng sự thật, đúng sự lãnh đạo của Đảng,” trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén, mạnh mẽ, góp phần cực kỳ quan trọng làm nên những chiến công chói lọi của dân tộc ta đi tới ngày thống nhất đất nước.

Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù, TTXGP phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần: khi ở chiến khu Tây Ninh (năm 1960), lúc dời sang Mã Đà (địa phận Đồng Nai) thuộc Chiến khu Đ (đầu năm 1961), rồi quay lại Tây Ninh (cuối năm 1961), có lúc ở giáp biên giới Campuchia và thậm chí còn ở tạm trên đất Campuchia khi Mỹ mở rộng chiến tranh Đông Dương (năm 1971) và chuyển về lại Tây Ninh sau khi ký Hiệp định Paris (năm 1973).

Tin, bài, ảnh của các phóng viên TTXGP và VNTTX về Chiến dịch Hồ Chí Minh được  sử dụng rộng rãi trên các phương tiện thông tin của Việt Nam.
Tin, bài, ảnh của các phóng viên TTXGP và VNTTX về Chiến dịch Hồ Chí Minh được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện thông tin của Việt Nam.

Cùng trong cảnh bom đạn ác liệt, các phân xã của TTXGP trên toàn miền Nam cũng liên tục thay đổi trụ sở do bị Mỹ-Ngụy tấn công tận nơi làm việc. Có phân xã nhiều lần bị hy sinh toàn bộ nên phải thành lập mới và chuyển nơi trú đóng, như Phân xã Long An 3 lần bị xóa sổ, Phân xã Rạch Giá (Kiên Giang) 5 lần bị xóa sổ. Riêng Phân xã Kiên Giang, dù chưa xác minh đủ, nhưng đã có 16 phóng viên, kỹ thuật viên hy sinh. Ở Phân xã TTXGP Nam Tây Nguyên, cả 5 người đã hy sinh cùng lúc trên đường làm nhiệm vụ, chỉ còn chiếc máy thu phát tin bị hư hại (máy thu phát 15W-RT77A/GRC-9 MAXWELL này hiện được trưng bày trong Phòng Truyền thống của TTXVN).

Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, hàng chục cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật thông tấn từ Quảng Trị đến Cà Mau đã ngã xuống, trong đó riêng Phân xã Sài Gòn-Gia Định là 12 đồng chí… Trong trận càn kéo dài 70 ngày của địch vào Bá Hòn-Hòn Đất (Kiên Giang), hai đồng chí TTXGP đã hy sinh cùng Liệt sỹ Phan Thị Ràng (nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của Nhà văn Anh Đức).

Trong trận càn Junction City, có đồng chí được phân công giữ căn cứ đã chiến đấu anh dũng, bắn cháy hai xe bọc thép của địch trước lúc hy sinh. Có gia đình có hai cha con hoặc hai anh em ruột cùng hy sinh cho sự nghiệp thông tấn, như hai cha con phóng viên ảnh Huỳnh Bỉnh Khôi và Huỳnh Văn Dũng; hai anh em Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn.

Chiến công diệt xe tăng của chiến sỹ TTXGP trong trận càn Junction City (1967). Nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXGP dũng cảm chiến đấu bảo vệ căn cứ, tiêu diệt địch, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Chiến công diệt xe tăng của chiến sỹ TTXGP trong trận càn Junction City (1967). Nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXGP dũng cảm chiến đấu bảo vệ căn cứ, tiêu diệt địch, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Nhà báo-Liệt sỹ Đinh Thúy (Phó Chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh TTXVN, Phó Giám đốc TTXGP) mà tên thật của ông là Bùi Đình Túy đã được đặt cho một đường phố và một cây cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hài cốt của ông, cũng như của nhiều đồng nghiệp khác, cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Ở Khu V, TTXGP Trung Trung Bộ cũng phải dời địa điểm nhiều lần theo Ban Tuyên huấn Khu ủy V, chuyển từ Trung Mang, huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang) đến Tắk Pỏ; Nước Là; Sông Thanh, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1970 đến đầu năm 1973 chuyển theo Khu ủy V về Nước Oa, huyện Trà My. Từ năm 1973 đến cuối tháng 3/1975, TTXGP Trung Trung Bộ lại chuyển đến trú đóng gần Khu ủy V tại xã Phước Trà, huyện Phước Sơn (nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam – nơi đóng căn cứ cuối cùng của Khu ủy V).

Vượt lên trên tất cả những tổn thất, hy sinh vô cùng lớn đó, cũng như rất nhiều khó khăn về nguồn lực, phương tiện kỹ thuật, TTXGP đã trụ vững và trưởng thành, không ngừng phát triển cả về tổ chức và lực lượng trên khắp miền Nam, duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam.

Tin, ảnh của TTXGP từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn-Gia Định… đều luôn nóng hổi tính thời sự, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước mà còn giúp Trung ương cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.

Tác phẩm “Du kích Cà Mau kéo pháo để tấn công cứ điểm Cái Keo-Cà Mau” - Giải  thưởng Nhà nước năm 2007. Tác giả: Trần Bình Khuôl (TTXGP)
Tác phẩm “Du kích Cà Mau kéo pháo để tấn công cứ điểm Cái Keo-Cà Mau” – Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Tác giả: Trần Bình Khuôl (TTXGP)

Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó TTXGP có mặt. Không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của TTXGP. Những mốc lịch sử, những chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đều có dấu ấn đóng góp, hy sinh của phóng viên TTXGP. Đúng như 16 chữ vàng mà Trung ương Cục miền Nam đã khen tặng TTXGP: “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.”

Bên cạnh nhiệm vụ thông tin, lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của TTXGP còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và trở thành những chiến sỹ thực thụ. Nhiều cán bộ, nhân viên của TTXGP đã hy sinh trong tư thế chiến đấu, với cây súng trên tay.

Trong những tháng năm chiến đấu ác liệt đó, nhiều phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng. Hài cốt của một số anh chị đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường và không ít người còn mang di chứng của chất độc da cam.

Theo số liệu chưa đầy đủ, hơn 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên TTXGP đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu, tương đương 50% tổng biên chế của TTXGP vào thời điểm cuối năm 1974. Đây là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Phóng viên TTXGP đi công tác ở chiến trường Nam Bộ (năm 1974).
Phóng viên TTXGP đi công tác ở chiến trường Nam Bộ (năm 1974).

Ghi nhận những đóng góp to lớn của TTXGP, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho hơn 200 tập thể, cá nhân của cơ quan báo chí đặc biệt này. Gần đây nhất, ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của TTXGP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 30/4/1975 là thời khắc lịch sử của dân tộc khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà. Ngày 24/5/1976, VNTTX cùng TTXGP, người anh em “tuy hai mà một,” đã chính thức hợp nhất, đánh dấu một giai đoạn mới trong bước phát triển của ngành Thông tấn.

Ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của TTXGP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Ngày 12/5/1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 84/NQ-QHK6 phê chuẩn việc đổi tên VNTTX thành Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Sự trưởng thành, lớn mạnh hiện nay của TTXVN – hãng thông tấn quốc gia đa phương tiện hiện đại hàng đầu khu vực và có uy tín cao trong làng báo quốc tế – là thành quả của biết bao công lao, trí tuệ, mồ hôi, xương máu của lớp lớp các thế hệ những người làm báo thông tấn, trong đó có sự đóng góp đặc biệt nổi bật của những người từng đứng trong đội ngũ TTXGP./.

Bộ phận điện vụ của Thông tấn xã Giải phóng hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: TTXVN)
Bộ phận điện vụ của Thông tấn xã Giải phóng hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: TTXVN)