Trải nghiệm

nhi1-1554864559-51.jpg

Tháng 4, châu Âu đã thực sự bước vào Mùa Xuân, nước Đức vừa trải qua những ngày nắng ấm đẹp đẽ đầu tiên sau nhiều tháng chìm trong mùa đông tối tăm rét mướt, và Bundesliga cũng đang đi tới những vòng đấu hấp dẫn cuối cùng.

Đã gắn bó với đất nước này gần 6 năm với không ít lần tới sân vận động xem bóng đá nhưng cuối tuần qua, tôi đã có một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất đời mình khi được mời làm khách VIP tới sân Allianz Arena theo dõi trận derby kinh điển nước Đức giữa FC Bayern Munich và Borussia Dortmund.

Là một trong 9 khách mời đặc biệt của Bundesliga lần này cùng 8 người khác tới từ Malaysia, Ấn Độ, Mexico, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Nam Phi, chúng tôi được chào đón từ tận cửa khách sạn, thức uống chào mừng, đĩa bánh ngọt trang trí logo của 2 CLB đặt sẵn trong phòng cùng chiếc áo hoodie của Bundesliga, ngồi tại phòng VIP vừa ăn fine-dining vừa theo dõi trận đấu. Và đặc biệt nhất là sau trận, chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với trung vệ Mats Hummels – một công thần của đội tuyển quốc gia Đức trước kia cũng như của Bayern Munich.

Hummels bước vào một căn phòng thuộc khu vực VIP lounge có tới tận 106 căn khác nhau, nơi chúng tôi đang ngồi chờ anh sau trận đấu. Trung vệ 30 tuổi này mặc bộ quần áo nỉ thể thao của câu lạc bộ, headphone quấn quanh cổ, một tay khoác balo trên vai, một tay cầm một loại đồ uống trông khá giống cafe, hồ hởi chủ động chào chúng tôi trước: “Chào tất cả mọi người. Tiếng Anh hay tiếng Đức nhỉ? Ok tiếng Anh. Chờ tôi một tí, cho tôi một vài giây.“

Khi nói những câu đó, Hummels đang chuẩn bị đặt cái balo của mình ngay xuống giữa phòng, rồi sau đó có lẽ nghĩ lại, anh lại nhấc balo lên đặt gọn ghẽ hơn vào góc phòng.

Mọi cử chỉ, hành động diễn ra trong vòng vài giây, nhưng tôi có thể cảm nhận thấy rõ Hummels có phần hơi lúng túng, hoàn toàn không giống như hình dung về một ngôi sao bóng đá. Có thể chỉ là một sự bối rối thuần túy trong một căn phòng hơn chục người được giới thiệu là khách VIP từ nhiều quốc gia tới gặp anh.

Thường thì không một cầu thủ có máu ngôi sao trong người nào lại vô thức đặt balo giữa một căn phòng như vậy, thế rồi chắc anh sực nhớ ra rằng mình là trung vệ nổi tiếng thế giới đang đá cho Bayern, Hummels cầm balo đi vào góc, và quay lại chào chúng tôi một lần nữa. “Chào tất cả các bạn. Các bạn có khỏe không? Bây giờ ai muốn chụp ảnh với tôi, cứ tự nhiên nào.“ Tất cả những điều này khiến ta có cảm tưởng mình đang gặp một người đàn ông bình thường vừa đi đá bóng về gặp bạn bè, một cầu thủ chuyên môn thuần túy dù anh có tất cả: trình độ, đẹp trai, phong cách chơi bóng, những fan cuồng.

Năng lượng mà Hummels tỏa ra không phải thứ hào quang từ một nhân vật nổi tiếng của showbiz, mà là một người đá bóng ta có thể gặp ở bất cứ nơi nào.

Trong vài giây hồi hộp vì đứng cạnh cầu thủ mình yêu thích, tôi lập bập chụp ảnh selfie mà thành video rồi lúng túng run tay không chỉnh được điện thoại, Hummels từ tốn nói với tôi: “Em cứ bình tĩnh, không sao đâu.“

Anh đồng ý kí tặng tôi tới 3 lần vào những vật dụng khác nhau, chụp ảnh một lần, quay video nói lời chào Việt Nam bằng tiếng Việt, trao cho tôi một cái ôm kéo dài… tất cả những việc này cũng được làm một cách đầu đuôi bằng sự nhiệt tình, tuyệt nhiên không phải một thần tượng đang trao cho fan hâm mộ của mình một đặc ân và đặc biệt mỗi lần tôi nói cám ơn, Hummels đều nhìn vào mắt tôi, nở nụ cười tươi đáp lại: “Không có gì mà.“ Có lẽ điều đó tạo nên một Mats Hummels đầy khiêm nhường, tử tế cả trên sân bóng lẫn ngoài đời.

Một nhân viên của Bayern nói với tôi rằng anh là cầu thủ duy nhất trong đội thỉnh thoảng vẫn sử dụng phương tiện công cộng (bus, tàu điện ngầm) tới sân tập hay vẫn đi chơi ngoài phố phường đều đặn. Trong những buổi tập, trận bóng thì Hummels cũng thường xuyên là người ở lại sau cùng kí tặng người hâm mộ nhiều nhất có thể.

Ngày hôm sau, vào chiều Chủ Nhật chúng tôi có cơ hội đến đại bản doanh – trại tập luyện của Bundesliga để quay phim, chụp ảnh và dùng tiệc nướng ngoài trời với hai huyền thoại bóng đá Đức: Lotthar Matthäus và Karl-Heinz Riedle.

Khác với buổi gặp gỡ với Mats Hummels trước đó, hai cựu danh thủ này mà đặc biệt là Matthäus ngay lập tức tạo cho tôi cảm giác đang được diện kiến siêu sao của quá khứ. Ông tự tin hơn nhiều trong mọi hành động, từ cách bắt tay, chào hỏi và nụ cười đều chuyên nghiệp.

Bundesliga không phải một giải đấu chiều theo thị hiếu đám đông và cơn lốc của những bệ phóng truyền thông. Bóng đá Đức thu hút người hâm mộ bằng chính sự đơn giản của các cầu thủ, khi họ luôn là chính mình

Có lẽ đây chính là bức tranh Bundesliga, bóng đá Đức đầy đủ nhất khi cho thấy bộ mặt của hai thế hệ cầu thủ thành công của họ. Thế hệ của Matthäus, Riedle là thế hệ của sự tự tin tuyệt đối, áp đảo, lạnh lùng hơn nên có phần hơi xa cách với khán giả. Trong khi đó, thế hệ của Hummels chơi thứ bóng đá đẹp mắt hơn nhưng cũng mong manh hơn, thể hiện sự đa dạng về văn hóa của bóng đá Đức nên cầu thủ gần gũi hơn, dang rộng vòng tay ra với người hâm mộ hơn dù điểm chung cốt lõi vẫn là sự không màu mè, thẳng thắn, là chính mình.

Bundesliga không phải một giải đấu chiều theo thị hiếu đám đông và cơn lốc của những bệ phóng truyền thông. Bóng đá Đức thu hút người hâm mộ bằng chính sự đơn giản của các cầu thủ, khi họ luôn là chính mình, nhất quán khi chơi bóng và hành xử dù họ có thể tốt, có thể xấu, có thể gần gũi mà cũng có thể xa cách, có thể lạnh lùng hay lúng túng, kiêu ngạo hay khiêm nhường. Nhưng dù thế nào, thì chúng tôi đều cảm nhận được sự hiếu khách, lịch sử của những ngôi sao bóng đá Đức.

Bundesliga đã sắp xếp cuộc gặp một cách rất tự nhiên, giản dị, không màu mè, không tô hường trát phấn mà đều diễn ra như một gặp mặt bình thường để ngay cả những vị khách VIP cũng có thể cảm nhận nền bóng đá theo cách gần gũi nhất. Và những siêu sao bóng đá của họ cũng chỉ là người bình thường làm được những điều phi thường, chẳng phải siêu nhân, ông sao showbiz nào. Phải có trải nghiệm là khách VIP, tôi mới thấy rõ được bức tranh tưởng như đơn giản ấy về Mats Hummels, hay Lothar Matthäus.

Theo đoàn khách VIP, trước khi trận đấu diễn ra, tôi lần đầu ghé thăm fan-fest của Bayern ngay gần sân vận động, nơi mà những cổ động viên cuồng nhiệt của CLB có thể đã tụ tập từ sáng để ăn uống, hát hò, nhảy múa với nhau. Một người trong chúng tôi mặc áo đấu của Dortmund tới đó nhưng đã bị từ chối ngay từ cổng vào bởi một người đàn ông.

“Tôi không có ý xấu, bạn được hoan nghênh ở đây nhưng không phải với chiếc áo này.“ Sau đó, anh bạn trong nhóm tôi cởi bỏ chiếc áo Dortmund thì vẫn được vào bình thường. Không như cảm giác thù địch mà những cổ động viên các đội bóng khác có thể trao cho nhau, đây là một cách ứng xử rất thẳng thắn và văn minh, một trạng thái cuồng nhiệt có kiểm soát. Đây cũng là đặc điểm đáng chú ý nhất về cách cổ vũ của fan hâm mộ Bayern mỗi khi tôi tới sân bóng.

Sân Allianz Arena có sức chứa hơn 75 ngàn chỗ ngồi, nhưng tình trạng ùn tắc, lộn xộn gần như chưa bao giờ xảy ra tại đây. Cảnh sát và nhân viên an ninh được trang bị vũ trang, ngựa được bố trí từ cổng vào của sân, bao quanh tất cả các khu vực và cả trong sân.

Trong trận Derby vừa rồi, số cảnh sát được huy động lên tới 500 bởi đây là một trận đấu tương đối nhạy cảm về an ninh bởi cảnh sát đặt tình trạng báo động lên cấp 2. Hai đội Bayern – Dortmund là kình địch hàng thập kỉ nay của nước Đức thế nhưng không hề có lộn xộn, ẩu đả xảy ra.

Một trận đấu chỉ có 22 người đàn ông tranh nhau quả bóng có thể diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng để nó thành một trận đấu thu tiền trong nền công nghiệp và cảm hóa toàn cầu cũng như lôi kéo CĐV thì nó phải là một màn trình diễn tổng thể ở đẳng cấp cao.

Một trận đấu tưởng như đơn giản nhưng đằng sau nó là rất nhiều mảnh ghép để tôi có thể cảm nhận được một lễ hội bóng đá, nhưng không phải một lễ hội tàn phá điên cuồng bởi sự thái quá từ những fan hâm mộ mà trong trật tự, có kiểm soát và đặc biệt an toàn.

Đó như một màn trình diễn tổng thể của hai đội bóng trên sân dù họ là thứ thu hút người ta tới sân nhất, nhưng để trận bóng diễn ra tốt đẹp, ta còn cần những cổ động viên văn minh với văn hóa cổ động riêng biệt, yêu ghét đúng lúc đúng người, ta cần cả một hệ thống quy hoạch, đường sá, giao thông.

Có ba chỗ đậu xe buýt lớn trên sân vận động với không gian cho 350 xe buýt. Hai quảng trường ở trung tâm và phía bắc có không gian tốt nhất để đi  qua ngã ba Munich-Fröttmaning-Nord của đường cao tốc A99. Bãi đậu xe buýt ở phía nam thì đi qua ngã ba Munich-Fröttmaning-Süd của đường cao tốc A9.

Trong bãi đậu xe nhiều tầng của Allianz Arena, có 9800 chỗ đậu xe có sẵn và ngoài ra còn có 1200 chỗ đậu xe VIP. Tôi từng tới đây nhiều lần và chưa lần nào chứng kiến cảnh ùn tắc trong việc thoát ra khỏi hầm đậu xe hay khỏi sân vận động. Mọi chiếc ôtô đều có thể nhanh chóng đi ra đường cái một cách rất thuận tiện.

Một trận đấu chỉ có 22 người đàn ông tranh nhau quả bóng có thể diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng để nó thành một trận đấu thu tiền trong nền công nghiệp và cảm hóa toàn cầu cũng như lôi kéo cổ động viên thì nó phải là một màn trình diễn tổng thể ở đẳng cấp cao. Và điều này, không ai làm tốt hơn người Đức.

Đến sân bóng của họ xem bóng đá là thấy bộ mặt giàu có, an toàn, nghiêm túc cả nước Đức, của một dân tộc tập trung vào năng suất, hiệu quả lao động thay vì những tô vẽ hào nhoáng và bệ phóng truyền thông trong một xã hội mà việc được nhắc đến trên báo chí không thể dễ dàng hơn.

Tác giả bên trong sân Allianz Arena
Tác giả bên trong sân Allianz Arena