Italy và cuộc tổng tuyển cử khó đoán định

ttxvnquoch-1519983085-64.jpg

Cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 4/3 tại Italy được xem là một trong những cuộc bầu cử quan trọng hàng đầu ở châu Âu trong năm 2018 bởi kết quả của nó có thể đe dọa sự ổn định của châu lục, đặc biệt là Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Trong khi đó, tình trạng phân rã chính trị hiện nay của các chính đảng ở Italy, cùng luật bầu cử mới rất phức tạp được quốc hội nước này thông qua hồi cuối tháng 10/2017 và số lượng đông cử tri vẫn còn “do dự” đang khiến toàn cảnh chính trường Italy trở nên đặc biệt khó đoán định.

Theo luật bầu cử mới, 37% số nghị sỹ ở cả hai viện sẽ được bầu phổ thông theo danh sách ứng cử viên. Số còn lại được bầu theo danh sách các chính đảng. Cụ thể tại Hạ viện, 232 ghế sẽ được bầu theo theo cơ chế thứ nhất, 386 ghế được bầu theo danh sách chính đảng, 12 ghế còn lại dành cho các đơn vị cử tri ở nước ngoài.

Tình trạng phân rã chính trị hiện nay của các chính đảng khiến chính trường Italy rất khó đoán định

Tại Thượng viện, số ghế tương ứng ở 3 cơ chế bầu này là 116, 193 và 6. Một điểm mới khác là luật cho phép các chính đảng liên minh với nhau trước bầu cử, và liên minh các chính đảng phải giành được ít nhất 10% số phiếu bầu mới có ghế tại quốc hội, trong khi mức này đối với các đảng đơn lẻ là 3%. Quy định này được cho là có thể gây bất lợi cho đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S), lâu nay luôn từ chối gia nhập bất kỳ liên minh nào.

Có 3 lực lượng chính trị chủ chốt sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới: thứ nhất là liên minh cánh tả, trong đó có đảng Dân chủ (PD) trung tả của cựu Thủ tướng Matteo Renzi; thứ hai là đảng M5S của ông Luigi Di Maio; thứ ba là liên minh cánh hữu, gồm đảng trung hữu Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LN) của ông Matteo Salvini và đảng cực hữu “Những người anh em Italy” (FdI) của bà Giorgia Meloni.

Ngoài ra, đảng “Tự do và Công bằng” của cựu Chủ tịch Thượng viện Piero Grasso, đảng cánh tả mới thành lập, ly khai từ đảng PD của ông Renzi, cũng tham gia cuộc bầu cử.

Lãnh đạo 3 lực lượng chính trị chủ chốt sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Italy. (Nguồn: AFP)
Lãnh đạo 3 lực lượng chính trị chủ chốt sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Italy. (Nguồn: AFP)

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, liên minh cánh hữu dự kiến giành được 34,7% số phiếu ủng hộ. Đảng M5S sẽ xếp ở vị trí thứ hai với 27,8% số phiếu bầu, trở thành đảng đơn lẻ có tỷ lệ ủng hộ cao nhất. Còn liên minh cánh tả dự kiến sẽ về thứ ba với 27,4% số phiếu bầu.

Đa số các nhà phân tích dự đoán trong cuộc tổng tuyển cử lần này, không có phe nào có thể giành đủ đa số ghế cần thiết tại quốc hội để có thể tự đứng ra lập chính phủ, và “kịch bản” nhiều khả năng xảy ra nhất là một “quốc hội treo.” Khi đó, Tổng thống Italy Sergio Mattarella sẽ chỉ định đảng hoặc liên minh chính đảng giành được nhiều ghế nhất đứng ra thương lượng với các đảng khác để thành lập chính phủ.

Trong trường hợp này, một chính phủ đại liên minh, trong đó có đảng FI của ông Berlusconi, có thể được thành lập. Cựu Thủ tướng Berlusconi gần đây đã có những phát biểu đánh giá cao những thành tựu cũng như uy tín của Thủ tướng đương nhiệm Paolo Gentiloni và đây được coi là dấu hiệu cho thấy đảng FI sẵn sàng tham gia một chính phủ với ông Gentiloni, người của đảng PD.

Đảng M5S lâu nay vẫn khẳng định nếu không giành đủ số phiếu bầu để tự đứng ra thành lập chính phủ, họ sẽ trở thành một lực lượng đối lập lớn trong cơ quan lập pháp

Kịch bản thứ hai là liên minh cánh hữu có thể thành lập một chính phủ với những đảng khác vốn đã từng là đồng minh của ông Berlusconi trước đây. Kịch bản này ít có khả năng xảy ra, nhưng không phải là không thể. Kịch bản thứ ba là đảng M5S giành đủ đa số ghế cần thiết trong quốc hội để tự đứng ra thành lập một chính phủ đơn đảng. Tuy nhiên, đây là kịch bản khó có khả năng xảy ra nhất do các cơ chế của luật bầu cử mới. Thậm chí đảng M5S có liên minh với đảng cánh tả “Tự do và Công bằng” sau bầu cử thì liên minh này cũng không có đủ số ghế để thành lập chính phủ đa số.

Ngoài ra, một kịch bản khác được nhắc đến, là khả năng đảng M5S thành lập một đại liên minh với PD. Tuy nhiên, khả năng này được cho là không thể xảy ra do nền tảng, cương lĩnh chính trị của hai đảng khá khác biệt.

Bên cạnh đó, đảng M5S lâu nay vẫn khẳng định rằng nếu không giành đủ số phiếu bầu để tự đứng ra thành lập chính phủ, họ sẽ trở thành một lực lượng đối lập lớn trong cơ quan lập pháp và sẽ gây ảnh hưởng đến các chính sách thông qua các ủy ban trong quốc hội.

Mặt khác, cũng không thể loại trừ khả năng các chính đảng không thương lượng được với nhau và Italy sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới. Khi đó, Italy có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị hậu bầu cử, tác động tiêu cực tới nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi chậm chạp cũng như làm đình trệ tiến trình cải cách cơ cấu mà Italy đang rất cần thúc đẩy. Những biến động này tại Italy được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của Eurozone.

Lãnh đạo đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) Luigi Di Maio. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) Luigi Di Maio. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dư luận hiện đang tỏ ra quan ngại trước khả năng thắng thế của đảng dân túy M5S trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Phong trào dân túy ở nhiều nước thời gian qua tuy chưa đủ sức trỗi dậy mạnh mẽ nhưng vẫn đang âm ỉ ở châu Âu và có thể bùng phát trở lại trong cuộc bầu cử sắp tới ở Italy.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani mới đây đã phải lên tiếng kêu gọi cử tri Italy ủng hộ các đảng trung tả như đảng Dân chủ, chứ không nên bỏ phiếu cho các đảng dân túy chủ trương chống nhập cư, hoài nghi châu Âu như M5S hoặc LN. Theo ông Tajani, EU cần “một Italy mạnh mẽ,” có những ý tưởng và chính sách mang lại lợi ích cho châu Âu.

EU cần “một Italy mạnh mẽ,” có những ý tưởng và chính sách mang lại lợi ích cho châu Âu

Trên thực tế, chính trường Italy vẫn “nổi tiếng” là luôn trong trạng thái bất ổn khi nước này đã có hơn 60 chính phủ được thành lập kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Trong 50 năm qua, Italy thay đổi chính phủ liên tục, nhưng nước này vẫn luôn tìm được cách để vượt qua khó khăn. Kinh tế Italy hiện đã được cải thiện, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt khoảng 1,4% trong năm 2017.

Một cuộc trưng cầu dân ý về đồng euro ở Italy cũng sẽ không diễn ra trong vài năm tới. Trong tương lai gần, có thể nhận định cuộc tổng tuyển cử ở Italy sẽ không gây nên mối đe dọa mang tính “sống còn” đối với châu Âu. Tuy nhiên, xu hướng ổn định dài hạn cho cả Italy và châu Âu hiện vẫn chưa hề chắc chắn và nó sẽ phụ thuộc phần nào vào kết quả cuộc bầu cử này./.

20.000 người dân Italy đã xuống đường tuần hành chống chủ nghĩa phátxít mới và tình trạng phân biệt chủng tộc ở trung tâm thủ đô Rome. (Nguồn: AFP/TTXVN)
20.000 người dân Italy đã xuống đường tuần hành chống chủ nghĩa phátxít mới và tình trạng phân biệt chủng tộc ở trung tâm thủ đô Rome. (Nguồn: AFP/TTXVN)