Tai nạn giao thông

vnapotalha-1540821052-75.jpg

Nhấn mạnh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những năm vừa qua, tai nạn giao thông đã được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm tai nạn giao thông chưa đạt mục tiêu đề ra là giảm 5-10%.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng về vấn đề này.

ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Ông đánh giá như thế nào về tình hình tai nạn giao thông chín tháng vừa qua?

Ông Khuất Việt Hùng: Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của một số Bộ, ngành, chính quyền các cấp…, tình hình tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tốt.

Cụ thể, chín tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người. So với chín tháng của năm 2017, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ giảm 1.120 vụ (giảm 7,8%), số người chết giảm 113 người chết (giảm 1,84%), số người bị thương giảm 1.467 người bị thương (giảm 12,4%).

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 19 địa phương giảm trên 10% số người chết.

Tuy nhiên, vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 9 tỉnh tăng trên 20%. Cần phải nhấn mạnh, mỗi năm tổn thất do tai nạn giao thông ở Việt Nam gây ra gần 50.000 tỷ đồng, bằng gần 30% ngân sách giáo dục và 60% giá trị xuất khẩu lúa gạo, tương đương 1,5 triệu người không có thu nhập trong một năm.

(Infographics: Thanh Trà)
(Infographics: Thanh Trà)

Dù tai nạn đã được kiềm chế nhưng việc kéo giảm tai nạn giao thông chưa thật bền vững, đặc biệt, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Ông nghĩ gì về thực tế này?

Ông Khuất Việt Hùng: Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm tai nạn giao thông chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 1,03%; còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp.

Một con số thống kê cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông do người điều khiển môtô, xe máy, xe đạp điện chiếm trên 66% trong khi tỷ lệ nạn nhân là người đi môtô, xe máy bị thương vong do tai nạn giao thông chiếm trên 85% tổng số nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ; vi phạm nồng độ cồn khi lái xe hiện vẫn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông tại…

Một con số thống kê cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông do người điều khiển môtô, xe máy, xe đạp điện chiếm trên 66% trong khi tỷ lệ nạn nhân là người đi môtô, xe máy bị thương vong do tai nạn giao thông chiếm trên 85% tổng số nạn nhân

Những tồn tại này có nguyên nhân là do nhu cầu vận tải, số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng, dẫn đến mật độ tham gia giao thông tăng rất cao; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, số lượng hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn cao, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị, trên các tuyến quốc lộ và khu vực nông thôn; chủ yếu là lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn, sai phần đường, làn đường, vi phạm quy định về tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không báo hiệu, người đi môtô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; tình trạng trẻ em tự điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả môtô khi chưa được tập huấn các kỹ năng cơ bản để lái xe an toàn còn khá phổ biến.

Lực lượng thực thi công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn ngoài đô thị chưa đủ lực lượng, phương tiện để khép kín địa bàn tuần tra kiểm soát; còn tâm lý nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị; vai trò,chức năng của lực lượng công an còn chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, chính sự bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn, cụ thể là quy định về thiết bị và tính năng bảo đảm an toàn giao thông trên phương tiện kinh doanh vận tải còn chưa đầy đủ (hiện tại chưa có quy định khả năng nhận diện phản quang ban đêm đối với các xe ôtô tải, chưa có quy định bắt buộc về trang bị dây bảo hiểm cho ghế ngồi phía sau trên xe ô tô, đặc biệt là xe kinh doanh vận tải; chưa có quy định về thiết bị liên lạc rảnh tay cho người lái xe ô tô…); chưa cấm sử dụng điện thoại khi đi xe ôtô, không quy định thắt dây bảo hiểm với các hành khách trên xe khách, các quy định về các loại hình vận tải chưa rõ ràng, chưa có quy định bắt buộc về đào tạo và cấp chứng chỉ lý thuyết và thực hành lái xe an toàn cho trẻ em từ 16-18 tuổi điều khiển phương tiện xe đạp điện, xe máy điện, xe máy có dung tích động cơ nhỏ hơn 50cc tham gia giao thông…

Ngày 8/9/2018, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm Ngày sơ cấp cứu thế giới năm 2018 theo chủ đề “Ứng phó sớm nhất khi xảy ra tai nạn giao thông” với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện các sở, ngành, thành phố và tình nguyện viên xung kích chữ thập đỏ 24 quận, huyện. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
Ngày 8/9/2018, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm Ngày sơ cấp cứu thế giới năm 2018 theo chủ đề “Ứng phó sớm nhất khi xảy ra tai nạn giao thông” với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện các sở, ngành, thành phố và tình nguyện viên xung kích chữ thập đỏ 24 quận, huyện. Ảnh: Thế Anh – TTXVN

– Vậy, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5%-10%, giảm tỷ lệ thương, vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em 10% so với năm 2017, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình trật tự an toàn giao thông để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trong dịp lễ, Tết đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền theo chuyên đề gồm an toàn giao thông cho học sinh tới trường, an toàn giao thông khu công nghiệp, an toàn giao thông cho người đi môtô, xe gắn máy; an toàn giao thông đường cao tốc; an toàn giao thông đường đèo dốc; an toàn đường ngang đường sắt; an toàn bến khách ngang sông; sản xuất các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền thống nhất trên toàn quốc.

Lực lượng thực thi công vụ tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo các chuyên đề, ưu tiên xử lý vi phạm an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy, xe đạp điện.

Bộ Giao thông Vận tải xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đường bộ, làm gờ, gồ giảm tốc tại các vị trí đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt; đào tạo các kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn đối với học sinh làm cơ sở cho việc tổ chức giảng dạy và cấp chứng nhận kỹ năng lái xe cơ bản dành cho người dưới 18 tuổi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe máy có phân khối nhỏ hơn 50cc… tham gia giao thông.

  • 2-1540823111-86.jpg
  • 3-1540823121-26.jpg
  • 5-1540823203-98.jpg
  • 7-1540823161-94.jpg
  • 10b-1540823260-14.jpg
  • 12-1540823275-41.jpg
  • 13-1540823329-36.jpg
  • 8-1540823712-72.jpg
  • 9-1540823720-76.jpg

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tài liệu giảng dạy an toàn giao thông chính khóa hiện hành cho phù hợp hơn về nội dung, lứa tuổi, cấp học và thời lượng giảng dạy của các cấp học theo lộ trình; tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.

Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ phương án từ năm 2019 giao Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn kinh phí xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông được điều tiết từ ngân sách Trung ương về ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ưu tiên cho lực lượng công an, Thanh tra giao thông vận tải và xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố, tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn…

– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

Để hạn chế tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu quá mức cho phép, đội CSGT huyện Nho Quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông; xử lý các vi phạm nhằm giảm tai nạn giao thông. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Để hạn chế tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu quá mức cho phép, đội CSGT huyện Nho Quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông; xử lý các vi phạm nhằm giảm tai nạn giao thông. Ảnh: Minh Đức – TTXVN