Tai nạn giao thông:

Bao giờ cho hết nỗi đau?

“Nhà mình ơi, mai em bán hoa ngày 8/3. Cả nhà ai có nhu cầu mua hoa tặng bạn gái, hay có nhu cầu tổ chức cho lớp… thì tới ủng hộ em nhé. Địa điểm tại cổng A Đại học Hải Phòng,” Trần Thị Hoa đã viết những dòng này, bằng lối viết xì-tin nhí nhảnh trong ngày 6/3/2013. Cô gái trẻ sinh năm 1992 không quên nhắn nhủ với các vị khách rằng ai mua nhiều sẽ được giảm giá.

Sáng ngày 7/3, Hoa cùng bạn Trần Thị Trang đi xe máy tới chợ hoa Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng để mua hoa hồng. Xuất thân từ hai gia đình không được khá giả, hai cô gái hẳn đã mong kiếm được chút tiền trang trải việc học, vào cái ngày đặc biệt dành để tôn vinh nữ giới.

Cùng trong buổi sáng định mệnh đó, Cao Huy Hoàng, lái xe cho công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu thương mại Vũ Châu, đã chạy xe container biển kiểm soát 16L-0485 trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, hướng từ ngã ba Phú Xá đi vòng xuyến Big C (thuộc địa phận quận Hải An) với tốc độ cao. Khi đến đoạn đường cách vòng xuyến Big C khoảng 70m, Hoàng thấy phía trước làn đường dành cho xe ôtô có 2 xe container đang đỗ song song chờ đèn tín hiệu, bèn lái xe chuyển hướng lấn sang làn đường dành cho xe ôtô con, xe máy và xe thô sơ để vượt.

Đó là một quyết định cẩu thả và hoàn toàn sai lầm. Ngay khi vừa lấn làn, tài xế phát hiện thấy Hoa đang chở Trang đi cùng chiều phía trước, ngay gần sát mũi xe. Hoàng đạp phanh, nhưng không kịp. Chiếc xe chở container 40 feet chồm tới, cán chết tại chỗ cả hai nữ sinh viên. Nhiều bức ảnh hiện trường vụ tai nạn xuất hiện trên mạng Internet đã khiến người ta không khỏi xót xa, khi ghi lại cảnh một trong hai cô gái nằm bất động dưới mặt đường lạnh lẽo, xung quanh đầy những cánh hồng tả tơi, tan nát.

***

Tai nạn giao thông từ lâu nay luôn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam. Thống kê từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho thấy năm 2017, cả nước có hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông, khiến 8.279 người chết và hơn 17.000 người bị thương. So với cách đây 5 năm, lượng người chết đã giảm đi một số ở hàng nghìn, nhưng chưa bao giờ tụt xuống dưới mức 8.000. Thậm chí năm 2016, số người chết vì tai nạn giao thông còn tăng lên 14 người so với năm trước đó.

“Có thể nói chúng ta sống trong thời bình nhưng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giống như những năm chiến tranh” – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể

“Có thể nói chúng ta sống trong thời bình nhưng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giống như những năm chiến tranh”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã phải thốt lên như thế khi phát biểu tại buổi lễ trao giải cuộc thi báo chí viết về an toàn giao thông 2017 và phát động cuộc thi năm 2018 do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức hồi đầu năm nay.

Điều đáng buồn nằm ở chỗ không ít vụ tai nạn là do ý thức của những người tham gia giao thông như Hoàng. Họ ra đường hoàn toàn thiếu quan tâm tới việc bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như người khác, khiến cho tai họa chỉ chực chờ cơ hội để xuất hiện. Và khi tai nạn thực sự xảy ra, hậu quả có thể vô cùng thảm khốc.

Khi tìm kiếm thông tin về các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng được báo chí trong nước thông tin suốt 5 năm qua – từ 2013 tới 2017 – báo điện tử VietnamPlus đã thống kê được tổng cộng 144 vụ có số người chết từ 3 trở lên, xuất hiện tại hầu khắp các tỉnh thành. Phân tích thông tin từ những vụ này đã làm hé lộ nhiều điều đáng chú ý.

1. Số vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người có xu hướng tăng

Trong khi tình hình tai nạn giao thông trong cả nước có xu hướng giảm dần đều về cả số vụ, số người chết (ngoại từ năm 2016) và số bị thương thì số vụ tai nạn từ nghiêm trọng trở lên dường như có xu hướng tăng. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, năm 2016 có tổng cộng 62 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 200 người chết. Năm 2017, con số đã tăng lên 70 vụ, với 224 người chết.

Xu hướng này cũng xuất hiện trong số liệu tai nạn mà VietnamPlus tìm được. Cụ thể năm 2013, con số vụ tai nạn giao thông khiến ít nhất 3 người chết là 29 vụ, giảm dần xuống còn 26 vụ trong năm 2015, nhưng tăng vọt lên 33 vụ trong năm 2017.

2. Bảy điểm đen về tai nạn thảm khốc


Bản đồ phân bố các vụ tai nạn chết chóc nhất trong 5 năm, từ 2013 tới 2017

Có tổng cộng 7 tỉnh thành xảy ra từ 5 vụ tai nạn thảm khốc, khiến ít nhất 3 người chết trở lên. Đứng đầu là Hà Nội với 9 vụ, khá dễ hiểu khi từ năm 2008 Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính lên 3.300km2, lớn hơn 3 lần quy mô ban đầu. Đây là thành phố có dân số rất đông, với diễn biến giao thông luôn căng thẳng.

Thanh Hóa và Gia Lai xếp ngay phía sau với mỗi tỉnh 8 vụ, Nghệ An và Bình Thuận cùng 7 vụ. Lâm Đồng và Long An có lần lượt 6 và 5 vụ.

3. Giờ chết chóc nhất cũng là lúc đường thông hè thoáng


Thống kê số vụ tai nạn chết chóc nhất tính theo giờ và theo tháng

Con số thống kê cho thấy 21 giờ là quãng thời gian đáng sợ nhất, với 12 vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong vòng 5 năm. Đây là điều đáng chú ý khi từ 21 giờ, nhiều tuyến đường bắt đầu thưa người. Dường như đường thông, hè thoáng khiến người tham gia giao thông có xu hướng di chuyển với tốc độ cao hơn. Điều này, kết hợp với việc trời đã tối và lái xe thiếu quan sát sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi đó tháng 2 lại có nhiều vụ tai nạn thảm khốc, với 19 vụ. Đây là thời điểm cận kề hoặc đã diễn ra Tết âm lịch, khi diễn biến giao thông thường trở nên phức tạp. Tháng thấp nhất là 12, với tổng cộng 6 vụ.

4. Người gây tai nạn chủ yếu trong độ tuổi trẻ trung, sung mãn


Cụ thể, nhóm gây ra nhiều tai nạn chết chóc nhất là những người nằm trong độ tuổi từ 30-34, với tổng cộng 28 vụ. Trong số này đông nhất là tài xế xe tải, với 13 người, gồm 2 lái xe container và 1 xe cứu hộ giao thông. 7 người là tài xế xe con.

Chỉ 4 người là tài xế xe khách – vẫn bị dư luận xem là các hung thần xa lộ. Tuy nhiên chính đặc trưng vận chuyển theo cùng nhiều người nên khi xảy ra tai nạn, con số thương vong thường rất lớn. 2 tài xế xe khách nằm trong nhóm này đã gây ra các vụ tai nạn thảm khốc khiến ít nhất 10 người chết.

Một là Nguyễn Thanh Tiến, lái xe mang biển kiểm soát 51B-14122, do chạy lấn đường tại Xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, đã đâm vào xe khách đi ngược chiều làm 10 người chết và 9 người bị thương hồi năm 2015. Người còn lại là Võ Ngọc Phương lái xe khách biển kiểm soát 76M-1154, do không làm chủ tốc độ và đi sai làn đã đâm xe khách ngược chiều cũng chạy quá tốc độ, làm 12 người chết và 50 người bị thương trong sự kiện thảm khốc hồi năm 2013.

Nhóm tài xế từ độ tuổi 39 trở xuống đã gây ra hơn 78% các vụ tai nạn chết chóc, trong khi nhóm tài xế từ 40 trở lên gây ra gần 22% số vụ còn lại.

5. Nam giới là thủ phạm gây tai nạn giao thông số một


Tỷ lệ giới liên quan tới nhóm gây ra tai nạn và nạn nhân

Với việc không ít người lâu nay vẫn có quan điểm nửa đùa nửa thật rằng “bán xăng cho phụ nữ là tội ác,” đây hẳn là thông tin gây bất ngờ: 98,61% số vụ tai nạn chết chóc nhất, mà VietnamPlus tìm được thông tin trong 5 năm qua, do các tài xế là nam giới gây ra.

Phụ nữ chỉ chiếm 1,59% (đúng 2 vụ trong 144 vụ) và họ cũng không thoát khỏi cái chết sau khi gây tai nạn, trong khi nhiều tài xế là nam giới vẫn còn sống sót. Nam giới cũng chiếm tới 2/3 số nạn nhân tai nạn giao thông, với 396 người tử nạn, cao hơn gấp đôi số lượng của nữ giới.

6. Quá nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan tới xe máy


Tỷ lệ phân bổ các loại phương tiện gây ra tai nạn khiến ít nhất 3 người chết từ 2013-2017

Trong 144 tai nạn giao thông chết chóc nhất, xe con, xe tải và xe khách gây ra số vụ gần bằng nhau, lần lượt là 29, 28 và 20 vụ. Nhưng tất cả đều không thể so sánh với xe máy. Các tài xế điều khiển xe máy gây ra tổng cộng 49 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, với đa phần tài xế cũng mất mạng cùng với nạn nhân của họ.

Nhiều người lái xe máy tham gia giao thông trong tình trạng chở cùng thêm hai người, thậm chí là ba người. Họ chạy xe với tốc độ cao và không ít người còn uống rượu nên khi lâm vào tình huống không thể kiểm soát tay lái, tai nạn thường rất thảm khốc.

7. Tốc độ quá cao luôn dẫn tới thảm họa


Các nguyên nhân chủ đạo dẫn tới tai nạn khiến ít nhất 3 người chết, từ 2013-2017

Người Việt dường như có một niềm đam mê bất tận với tốc độ. Thời gian gần đây, một số tài xế đã tải lên các nhóm Otofun hay OF.FB trên Facebook những đoạn video cho thấy họ đang phóng xe với tốc độ cao hơn mức cho phép rất nhiều, như để khoe chiến tích. Nhưng tốc độ cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn thảm khốc trong vòng 5 năm qua, với tổng cộng 83 vụ.

Lấn làn là nguyên nhân phổ biến thứ hai, xuất hiện trong 34 vụ, và không làm chủ tay lái – thường đi kèm với các vụ tai nạn liên quan tới tốc độ cao – đứng thứ ba khi góp mặt trong 27 vụ. Thiếu quan sát, vượt ẩu, ngủ gật, uống rượu khi tham gia giao thông dù có số lượng không lớn bằng tốc độ, nhưng cũng góp phần gây ra không ít vụ tai nạn thảm khốc.

Đơn cử như trong vụ tai nạn diễn ra ngày 24/1/2015, vì cố chạy xe khi buồn ngủ tài xế Nguyễn Hữu Duyên đã lái chiếc xe khách 16 chỗ mang BKS 37B-01052 đâm vào xe tải chạy ngược chiều, khiến 10 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.

Tựu chung, hầu hết các nguyên nhân tai nạn cho thấy ý thức tham gia giao thông của người Việt rất kém. Thật khó để đổ lỗi cho hệ thống quản lý, hay cho rằng mức phạt với hành vi vi phạm giao thông chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, khi các con số đều cho thấy phần trách nhiệm nằm rất nhiều bên phía người tham gia giao thông.

Vừa qua, trước tình hình thanh thiếu niên có liên quan đến 40% số vụ tai nạn giao thông, con số trẻ em tử vong do tai nạn giao thông cũng chiếm tỷ lệ cao, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã chọn chủ đề Năm an toàn giao thông 2018 là “An toàn giao thông cho trẻ em.” Ủy ban đặt mục tiêu giảm từ 5-10% số người thương vong do tai nạn giao thông; giảm tỉ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em thêm 10% so với năm 2017.

Phát biểu trong lễ phát động cuộc thi báo chí viết về an toàn giao thông 2018, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể còn nói tới việc tăng giáo dục cho trẻ em để thay đổi tình hình: “Khi chúng ta giáo dục an toàn giao thông cho trẻ nhỏ, trong tương lai Việt Nam sẽ có lứa công dân tuân thủ tốt luật giao thông.” Ông cũng khẳng định trong những năm tới Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết liệt xóa những điểm đen tai nạn giao thông và tăng cường sửa chữa mặt đường để giảm tai nạn.

Nhưng ý chí của ông cùng những quyết sách của chính quyền sẽ khó đạt được hiệu quả mong muốn, chừng nào người tham gia giao thông vẫn duy trì văn hóa giao thông yếu như hiện nay. Bởi nếu mỗi người để tâm hơn tới sự an toàn của bản thân và người khác khi ra đường, hẳn sẽ bớt đi rất nhiều những nỗi đau kéo dài như của bạn trai Hoa, cô gái chết thảm dưới bánh xe container ở Hải Phòng.

“Hôm nay là ngày 29/2, anh nghe đồn là ngày người ta tỏ tình em ạ. Anh đang ngồi ở Hồ Tây, chỗ 2 đứa mình hay đến mỗi khi em qua Hà Nội ý. Lạnh. Chỉ có tiếng nước đập vào bờ. Hôm nay anh lại thấy nhớ em. 18 năm làm bạn, hơn 2 năm yêu nhau và thiếu 7 ngày nữa là tròn 3 năm chúng ta xa nhau. Em đi mà không nói một lời. Em đi mà khiến cho bao nhiêu dự định của 2 đứa bỗng trở thành mây khói. Em đi để lại đây một mình anh sống trong nuối tiếc và ân hận. Em đi ở cái tuổi đẹp nhất đời con gái. Tuổi 20,” chàng trai viết trên trang Confession (tạm dịch Tự bạch) của trường Đại học kinh tế Quốc dân hồi năm 2016, về mối tình với cô bạn gái “thanh mai trúc mã,” về người thương đã bị tước khỏi cuộc đời anh theo cách thức khủng khiếp nhất.

“Sao ông trời đối xử tàn nhẫn với em, với anh và với mọi người như vậy. Những tháng ngày u ám của anh cũng bắt đầu từ đó, anh thức khuya có hôm trắng đêm để nhìn em, để nghe đi nghe lại giọng nói của em. Anh sợ mình sẽ quên em. Nhưng rồi anh nhận ra mình vẫn phải tiếp tục sống. Ba năm đã qua. Chắc chẳng mấy ai còn nhớ tới cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn và hoạt bát của anh nữa. Nhưng anh vẫn nhớ em, nhớ giọng nói của em, nhớ mỗi khi em cười, nhớ những lần chúng mình bên nhau ấy…”

Hiện trường vụ tai nạn tại km 1546 QL1A, thuộc địa phận thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, làm 2 người chết. Ảnh Công Thử - TTXVN
Hiện trường vụ tai nạn tại km 1546 QL1A, thuộc địa phận thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, làm 2 người chết. Ảnh Công Thử – TTXVN