72 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ

vnapotaldo-1564128658-37.jpg

Trong suốt 72 năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu và thu hút sự tham gia của toàn xã hội.

Hành trình tri ân của toàn xã hội

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ, hơn 138.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến…

Tại buổi gặp mặt tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mỗi năm ngân sách nhà nước dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng.

Khắp mọi nơi, tri ân thương binh, liệt sỹ đã trở thành thành hoạt động thường xuyên được Nhà nước và người dân chung tay thực hiện để có thể chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn cho đời sống người có công. Hành trình tri ân người có công được tiếp nối bới sự tham gia của toàn xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực đã được thực hiện sâu rộng trong xã hội như nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công.

Các chính sách ưu đãi dành cho người có công ngày càng đầy đủ và bao phủ hầu hết các mặt đời sống, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng… để cuộc sống của những người có công được đảm bảo. Cùng với sự phát triển của đất nước, các chính sách ưu đãi người có công ngày càng được hoàn thiện và mức hỗ trợ ngày càng tăng  lên. Hiện nay, hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Tri ân thương binh, liệt sỹ đã trở thành thành hoạt động thường xuyên được Nhà nước và người dân chung tay thực hiện để có thể chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn cho đời sống người có công.

Với con số hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chưa thể bằng lòng với kết quả này. Bởi hiện cả nước còn một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống khó khăn; nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc yêu cầu phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng…

Không để người có công phải chờ đợi thêm

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn một bộ phận người có công chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Các cơ quan chức năng mặc dù đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, không còn người giao nhiệm vụ, người làm chứng… nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người có công và thân nhân.

Thực tế, nhiều trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh. Đây là điều trăn trở và day dứt đối với người dân, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân,”  đơn vị này đã ban hành Quyết định số 408 về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Bên cạnh đó, ngành này cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh ở cấp tỉnh trên cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Qua hơn 3 năm triển khai, cả nước đã rà soát, xem xét trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, xác nhận hơn 2.000 liệt sỹ, trên 2.600 thương binh, trong đó nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây 70-80 năm. Những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý.

Dịp kỷ niệm ngày 27/7 năm nay, Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 468 liệt sỹ. Đặc biệt, phần lớn là các liệt sỹ được xác nhận thuộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là những bộ đội, đội viên du kích chống càn hoặc những trường hợp hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn đến chết trong tù, những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và những tín đồ tôn giáo yêu nước đã hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng…

Nhiều trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh.

Trong buổi lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công nhân dịp kỉ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Đảng, Nhà nước luôn chỉ đạo nhất quán chủ trương “Uống nước, nhớ nguồn.” Chủ tịch Quốc hội đã giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung rà soát, xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn nữa… Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng và nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh, xã hội các cấp từ Trung ương tới địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng trong ba năm qua; tiếp tục làm công tác này trong thời gian sắp tới, xác nhận đến đâu sẽ công bố cho thân nhân gia đình biết đến đó, không để sự chờ đợi của gia đình kéo dài thêm. Việc công bố chung sẽ được tổ chức long trọng trong các ngày lễ lớn của dân tộc.

Bổ sung chính sách cho người có công

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến của người có công với cách mạng.

Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 29/8/1994 là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công.

Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã được sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua từng thời kỳ.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về ưu đãi người có công luôn được quan tâm, chú trọng. Đã có khoảng trên 100 văn bản được ban hành của các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng các nghị quyết, nghị đinh, thông tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng cũng đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục đặt ra các yêu cầu mới, đòi hòi cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Thực tế, do các quy định còn chưa rõ ràng nên thời gian qua đã có nhiều trường hợp khai man, gian lận, làm giả hồ sơ người có công để “trục lợi” chính sách ưu đãi; những người không đúng đối tượng vẫn được hưởng chính sách, những người đúng đối tượng nhưng lại chưa được giải quyết do thiếu hồ sơ, giấy tờ gây bức xúc trong dư luận xã hội, phát sinh tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo, gây bức xúc trong nhân dân.

Điều trị và phục hồi chức năng cho hơn thương, bệnh binh. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Điều trị và phục hồi chức năng cho hơn thương, bệnh binh. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Việc sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng bảo đảm công khai, minh bạch trong công nhận và tôn vinh người có công với cách mạng, với đất nước. Chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công trong thời chiến và thời bình để đảm bảo xác định đúng đối tượng, không để sót đối tượng và khắc phục tình trạng lọt đối tượng và lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi.

“Sửa đổi pháp lệnh sẽ kết hợp việc bố trí tăng ngân sách Nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng”

Theo ông Nguyễn Duy Kiên, trong lần sửa đổi pháp lệnh sắp tới sẽ rà soát, tính toán và cân đối các mức trợ cấp, phụ cấp để đảm bảo tương quan với mức độ đóng góp, hy sinh của từng nhóm đối tượng; đồng thời bổ sung các chế độ chính sách còn chưa được ghi nhận trong Pháp lệnh hiện hành như: Trợ cấp một lần đối với thân nhân Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được truy tặng; chế độ bảo hiểm y tế cho thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa.

Việc sửa đổi pháp lệnh cũng sẽ chú trọng vào xác định quy trình, thủ tục khả thi công nhận đối tượng người có công thời chiến khi không còn giấy tờ gốc.

‘Sửa đổi pháp lệnh sẽ kết hợp việc bố trí tăng ngân sách Nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng…,” ông Nguyễn Duy Kiên cho biết./.

 Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
 Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)