Hoàn thiện chính sách người có công

Ưu đãi và chăm sóc người có công luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi Bác Hồ lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh-Liệt sỹ. Trong suốt 71 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công đã không ngừng được hoàn thiện và được thực hiện đồng bộ để đảm bảo người có công có một cuộc sống tốt và không bỏ sót người có công.

71 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Cho đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sỹ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận…

      Quy tập liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
      Quy tập liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hàng năm, ngân sách nhà nước chi trên 30.000 tỷ đồng tiền chính sách ưu đãi dành cho người có công. Chủ tịch nước cũng dành gần 900 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sỹ.

Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2013-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.200 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước lên tới 63.523 sổ với tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng. Xây dựng mới trên 44.650 nhà tình nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10.700 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trước thực trạng một bộ phận người có công chưa được hưởng chính sách; nhiều hồ sơ tồn đọng chưa được xem xét xác nhận là liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, không còn nhân chứng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã kịp thời ban hành giải pháp nhằm giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng ở cấp tỉnh, quân khu và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

“Hai năm qua, chúng ta đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận gần 1.900 liệt sỹ, xác nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện, kết luận và giải thích thấu tình, đạt lý đối với đối tượng,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đặc biệt, trong tháng Bảy này, cổng thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ sẽ chính thức được khai trương. Đây là nghĩa cử tri ân cao đẹp, tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân liệt sỹ tiếp cận thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ nhanh chóng, chính xác hơn. Các thông tin trên cổng thông tin điện tử về liệt sỹ sẽ giúp thân nhân các gia đình liệt sỹ giảm bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân.

Hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện. Hiện có 4 pháp lệnh, 22 thông tư và thông tư liên tịch, 13 quyết định của Thủ tướng liên quan đến lĩnh vực ưu đãi đối với người có công đang còn hiệu lực thi hành và được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đã từng bước hoàn thiện; chế độ đãi ngộ từng bước được mở rộng, mức thụ hưởng ưu đãi được điều chỉnh hợp lý…

Đến nay, có 12 diện đối tượng người có công được quy định tại Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2005. Chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng người có công được quy định ngày càng đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống. Trong đó, trợ cấp ưu đãi được quy định phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của người có công và thân nhân như ưu đãi về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục tín dụng…

 Truy điện an táng liệt sỹ. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
 Truy điện an táng liệt sỹ. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

95,75% số đối tượng người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. 97% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng…

Trong hơn 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về ưu đãi người có công luôn được quan tâm, chú trọng, đã có khoảng trên 100 văn bản được ban hành của các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng các nghị quyết, nghị đinh, thông tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng cũng đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế.

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi đối với người có công chưa quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị địch bắt sau 30/4/1975; chưa quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%.

Quy định người có công thuộc hai đối tượng trở lên được hưởng trợ cấp, phụ cấp với từng đối tượng dẫn đến một người có thể được hưởng nhiều suất trợ cấp người phục vụ. Mặc khác, việc hạn chế thân nhân liệt sỹ chỉ được hưởng tối đa 3 định suất càng không còn hợp lý trong điều kiện hiện nay, chưa đảm bảo công bằng, hưởng chế độ theo mức độ, công lao đóng góp.

Trong thực tế, công tác xác nhận người có công với cách mạng cũng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là công tác khám giám định bệnh tật, xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; các đối tượng không còn giấy tờ gốc, người bị địch bắt tù đày… chưa được giải quyết triệt để. Cả nước vẫn còn tồn động hơn 4.000 hồ sơ công nhận thương binh, liệt sỹ và hơn 20.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận.

Các thương binh nặng, người có công với cách mạng tập phục hồi chức năng. (Ảnh: Anh  Tuấn/TTXVN)
Các thương binh nặng, người có công với cách mạng tập phục hồi chức năng. (Ảnh: Anh  Tuấn/TTXVN)

Đại diện Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cho biết, trong 10 năm (2007-2017), Quân đội đã xác nhận cho hơn 1.000 liệt sỹ, cấp giấy chứng nhận cho hơn 7.000 thương binh và gần 6.500 bệnh binh. Vướng mắc, bất cập lớn nhất về thủ tục, hồ sơ, giải quyết chế độ với người có công còn tồn đọng. Do lịch sử, điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, trình độ quản lý với thời gian chiến tranh kéo dài, ác liệt, nhiều thời kỳ nên nhiều hồ sơ, thủ tục không đáp ứng được yêu cầu của quy định hiện nay, nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh công phu mới có căn cứ để xem xét, giải quyết.

Từ những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện Pháp lệnh, qua đã đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định trong chính sách ưu đãi người có công.

Ông Đào Ngọc Lơi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công sẽ tăng cường hiệu quả của chế độ ưu đãi với mục tiêu quan tâm, chăm lo nhiều hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho việc thực hiện công bằng xã hội, đúng theo nguyên tắc đã được ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước: “Không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước, trong suốt quá trình phát triển tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội.”

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ ở Phú Thọ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ ở Phú Thọ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Mục tiêu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn chỉnh hành lang pháp lý, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng. Hàng năm, Chính phủ điều chỉnh chế độ trợ cấp ưu đãi dành cho người có công trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân xã hội, nâng cao mức sống người có công để bản thân và gia đình họ có mức sống trên mức trung bình của xã hội.

Trên cơ sở kết quả thực hiện việc giải quyết hồ sơ tồn đọng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho đối tượng chính sách nhưng vẫn đảm bảo chính xác; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hồ sơ xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và về công tác quản lý các chế độ, quản lý đối tượng.

Phải biểu tại hội nghị Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu các địa phương ưu tiên tập trung chăm lo các gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn đó hàng trăm nghìn ngôi mộ “chưa biết tên,” vẫn còn hảng chục nghìn những hồ sơ người có công chưa được giải quyết, vẫn còn hàng nghìn chiến sỹ trở về mang trong mình vết thương chiến tranh mưu sinh khó khăn… thì vẫn còn đó những “món nợ” với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc./.

Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh(Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh(Ảnh: An Hiếu/TTXVN)