Cơn lũ thốc tháo và nước mắt buốt lạnh

Ba ngày sau cơn lũ dữ, nhiều người dân thôn Tùng Nùn vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cơn lũ lịch sử chưa từng xảy ra trong cuộc đời họ.

9 giờ sáng 26/6, con đường vào thôn Tùng Nùn (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang) vẫn chưa được khai thông hoàn toàn. Con đường độc đạo dẫn vào thôn, nơi nào cũng ngổn ngang đất đá.

Người dân trong thôn kể lại, tối ngày 22/6, trời bắt đầu mưa lớn không ngớt, đến sáng 24/6 nước ồ ạt tràn về. Ngọn núi đằng sau thôn Tùng Nùn bắt đầu xuất hiện hiện tượng sạt lở. Ngay trong ngày hôm ấy, lũ ống bất ngờ xuất hiện, cuốn theo đất đá quét xuống thôn. Lũ ồng ộc thốc xuống cuốn sạch mọi thứ, nhiều người trở tay không kịp.

Cơn lũ dữ quét qua vẽ lên trên quả núi những vết nước dài chằng chịt, di chứng của cơn lũ lớn vừa quét qua đây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cơn lũ dữ quét qua vẽ lên trên quả núi những vết nước dài chằng chịt, di chứng của cơn lũ lớn vừa quét qua đây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đã ba ngày qua, nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân nơi đây chưa vơi khi ngôi làng nhỏ phải tiễn đưa người thân, hàng xóm và chứng kiến những nếp nhà chỉ còn lại đống gỗ ngổn ngang, những vạt nương ngô không kịp mùa thu hoạch.

Là một ngôi làng vốn yên bình, nhỏ bé cuộc sống của người dân thôn Tùng Nùn bỗng bị đảo ngược hoàn toàn sau cơn mưa lũ khủng khiếp vừa xảy ra.

Đứa trẻ bất lực nhìn nơi cơn lũ từng bất ngờ quét qua, cuốn trôi một nửa căn nhà của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đứa trẻ bất lực nhìn nơi cơn lũ từng bất ngờ quét qua, cuốn trôi một nửa căn nhà của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chưa bao giờ người dân nơi đây chứng kiến cơn lũ kinh hoàng đến thế. Nước từ trên núi ào về cuốn phăng mọi thứ. Nhà cửa, ruộng vườn, trâu, bò, lợn, gà… trôi sạch theo dòng lũ dữ. Mưa lớn kèm lũ ống quét qua đã san phẳng hoàn toàn 6 căn nhà của thôn.

Ngày 26/6, bà con người Mông ở thôn Tùng Nùn làm đám ma đưa tiễn chị Giàng Thị Mỷ và cháu Lò Thị Lầu, 5 tuổi (con gái chị Mỷ) về nơi an nghỉ cuối cùng. Cơn lũ dữ tràn qua khiến hai mẹ con chị không kịp trở tay. Nước mắt của người thân, làng xóm hòa trong cơn mưa buốt lạnh.

Cơn lũ quét từ ngày 24-25/6 đã cuốn trôi nhiều thứ của người dân xã Lùng Tám. Những đồ đạc còn sót lại sau cơn lũ bùn càn quét được người dân thu gom lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cơn lũ quét từ ngày 24-25/6 đã cuốn trôi nhiều thứ của người dân xã Lùng Tám. Những đồ đạc còn sót lại sau cơn lũ bùn càn quét được người dân thu gom lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã rất khó khăn, chủ yếu trông chờ vào những ruộng lúa nương ngô nhưng nay lũ đến, mọi thứ đã bị tàn phá, hư hỏng nặng nề. Việc đi lại cũng gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ tuyến đường huyết mạch xuyên qua xã Lùng Tám để vào thôn Tùng Nùn đã bị nhấn chìm trong hàng tấn bùn đất.

Nhiều tuyến đường tỉnh lộ bị vùi lấp đất, đá gây ách tắc giao thông; đường Tỉnh lộ thuộc địa phận xã Lùng Tám – Thái An  sạt, lở nhiều địa điểm với khối lượng ước tính khoảng gần 19.000m3 đất, đá và hỏng hơn 2.600m2 mặt đường. Thiệt hại ước chừng trên 50 tỷ đồng.

(Vietnam+)

Mưa lớn dữ dội trong nhiều ngày đã khiến tuyến đường vào thôn Tùng Nùn bị sạt lở nghiêm trọng. Cho đến sáng 26/6, con đường vẫn chưa được khai thông hoàn toàn.

Là một ngôi làng vốn yên bình, nhỏ bé cuộc sống của người dân thôn Tùng Nùn bỗng bị đảo ngược hoàn toàn sau cơn mưa lũ khủng khiếp vừa xảy ra.

Mưa lớn dữ dội trong nhiều ngày đã khiến tuyến đường vào thôn Tùng Nùn bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mưa lớn dữ dội trong nhiều ngày đã khiến tuyến đường vào thôn Tùng Nùn bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đi qua đây, ai cũng cảm thấy sững sờ khi chứng kiến những đồi ngô ngã rạp. Thôn Tùng Nùn yên bình, giờ chỉ còn đống đất tan hoang, gỗ đá ngổn ngang.

Anh Tráng Thìn Lù đang nhặt nhạnh nốt những thùng nuôi ong lấy mật để chuyển đi nơi khác. Anh Lù lắc đầu buồn bã: “Mình nuôi ong ở đây hơn 15 năm nay nhưng chưa bao giờ bị lũ nặng như thế này. 210 thùng nuôi ong của mình bị chết sạch. Mình mất hơn 210 triệu đồng”.

Bà Vàng Thị Dính lặng người đi khi cầm ảnh chụp với đứa con. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bà Vàng Thị Dính lặng người đi khi cầm ảnh chụp với đứa con. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bà Vàng Thị Dính lặng người đi khi cầm ảnh chụp với đứa con. Bà Dính bàng hoàng kể lại, gần 20 năm trời sống ở đây, chưa bao giờ bà lại chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đến thế. Hôm lũ về, nước từ bốn phía ào ạt cuốn phăng nhà cửa. Bà Dính chỉ kịp chạy thoát thân mà không kịp mang theo gì.

Gần 20 năm trời sống ở đây, chưa bao giờ bà lại chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đến thế.

Mưa vẫn không ngừng rơi, nước từ thượng nguồn vẫn ồng ộc chảy cuốn theo bao nhiêu đất đá, bao nhiêu niềm hạnh phúc. Cả một thôn làng người Mông yên bình bỗng nhiên biến mất dưới từng lớp đất đá.

Cho đến bây giờ, những người dân tộc Mông nơi đây vẫn không biết tương lai sẽ như thế nào. Sẽ còn bao nhiêu đợt lũ quét, bao nhiêu hiểm họa khôn lường từ những cơn thịnh nộ của “bà mẹ thiên nhiên”.

Nước từ thượng nguồn vẫn ồng ộc chảy cuốn theo bao nhiêu đất đá. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nước từ thượng nguồn vẫn ồng ộc chảy cuốn theo bao nhiêu đất đá. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tùng Nùn chỉ là một trong những thôn bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua tại tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Quản Bạ nói riêng. Theo thống kê của huyện Quản Bạ có hơn 230 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ tường, sạt lở, hư hỏng. Bên cạnh đó, mưa lớn làm trên 270ha cây cối, hoa màu bị ngập úng. Một số trường học, trụ sở thôn có cơ sở vật chất, trang thiết bị hỏng do sập tường, thấm nước…

Cũng theo dự báo, mưa lớn vẫn sẽ tiếp xảy ra, diễn biến còn rất phức tạp, các lực lượng chức năng đang tích cực cùng bà con khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Cho đến bây giờ, những người dân tộc Mông nơi đây vẫn không biết tương lai sẽ như thế nào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cho đến bây giờ, những người dân tộc Mông nơi đây vẫn không biết tương lai sẽ như thế nào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cồ bước đi lò dò. Tìm lại những món đồ đã nhuốm màu đất. Đã 3 ngày kể từ khi cơn lũ dữ nhấn chìm vợ và con của mình, Cồ vẫn chưa hết bàng hoàng.

Trước đó ngày 24/6, một cơn lũ bất ngờ quét qua thôn Tùng Nùn đã nhấn chìm vợ Lò Chính Cồ là chị Giàng Thị Mỷ  (41 tuổi) và cháu Lò Thị Lầu (5 tuổi).

Ngay khi nhận được tin dữ từ người thím út, Lò Chính Cồ tức tốc bắt xe từ Trung Quốc về. Đặt chân đến bản nghèo, trước mắt chỉ là một đống đất đá ngổn ngang, Cồ quỵ ngã khi thấy vợ và con gái được nhấc lên từ đống bùn lạnh lẽo.

Lò Chính Cồ, một người dân thôn Tùng Nùn vẫn chưa hết bàng hoàng vì đã mất đi người vợ và đứa con gái còn nhỏ dại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lò Chính Cồ, một người dân thôn Tùng Nùn vẫn chưa hết bàng hoàng vì đã mất đi người vợ và đứa con gái còn nhỏ dại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lo xong hậu sự cho vợ và con mình, Cồ kể lại: Hai vợ chồng anh về ở với nhau được hơn 20 năm, có với nhau được 4 mụn con. Nhà anh Cồ và chị Mỷ thuộc diện nghèo nhất trong thôn, cả gia đình chỉ trông vào nương ngô sát triền núi. Vì quá khó khăn nên Cồ phải sang Trung Quốc đi phát cỏ thuê trong rừng, mỗi ngày được trả hơn 300 ngàn đồng tiền công.

Anh bắt đầu sang Trung Quốc từ tháng Ba năm nay, trước khi lên đường hai vợ chồng anh động viên nhau tích góp chút vốn để về dựng lại mái nhà cho bớt dột.

Thế nhưng, ước mơ nhỏ nhoi chưa kịp hoàn thành thì tai họa ập xuống cướp đi người vợ đáng thương và cô con gái còn nhỏ dại.

“Không ngờ chỉ trong phút chốc, vợ với con em đã mãi không về”, Cồ nói trong nước mắt.

Người đàn ông vốn là trụ cột của gia đình vẫn chưa thể gượng dậy trước nỗi đau quá lớn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người đàn ông vốn là trụ cột của gia đình vẫn chưa thể gượng dậy trước nỗi đau quá lớn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày nhận được tin báo, Cồ vẫn không tin rằng đấy là sự thật. Tuy nhiên không có phép màu nào xảy ra, mọi thứ đều đến và đi quá nhanh. Lũ quét qua, căn nhà của Cồ bị xóa sổ hoàn toàn, mọi vật dụng bị cuốn sạch theo dòng lũ dữ.

Không nơi trú ngụ, anh Cồ về ở tạm với bố mẹ đẻ. Người đàn ông vốn là trụ cột của gia đình vẫn chưa thể gượng dậy trước nỗi đau quá lớn.

“Em bây giờ không sang Trung Quốc làm nữa, phải ở nhà lo cho các con. Em cũng không dám ở đây nữa, phải kiếm chỗ mới dựng tạm căn nhà để có chỗ chui ra, chui vào”, Lò Chính Cồ lặng người.

Lò Chính Cồ vẫn lang thang đi nhặt những đồ vật còn sót lại của căn nhà nơi anh và chị Mỷ từng sống. Chỉ tay về căn nhà giờ chỉ còn lổn ngổn những đá và gỗ, Cồ bảo “Kia là giữa nhà em, còn kia là bếp”.

Căn nhà người Mông vốn mỏng manh không thể trụ vững trước cơn lũ quét qua. Mọi vật dụng trong căn nhà đều bị hư hại hoàn toàn.Tấm bằng khen của huyện Quản Bạ dành cho gia đình Cồ nằm vương lại dưới gốc tre đầu hồi.

Không ai có thể tưởng tượng rằng, bãi đá rộng lớn phía xa chỉ mấy ngày trước đây thôi còn là một bản làng trù phú.

Quẹt vội giọt nước mắt, Cồ lại tiếp tục hớt hải đi lại như tìm kiếm một thứ gì. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Quẹt vội giọt nước mắt, Cồ lại tiếp tục hớt hải đi lại như tìm kiếm một thứ gì. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tay vẫn nắm chặt ảnh của vợ và con mình, Cồ vẫn không thể tin mọi thứ là sự thật.

Quẹt vội giọt nước mắt, Cồ lại tiếp tục hớt hải đi lại như tìm kiếm một thứ gì.

Chia tay Cồ, chúng tôi không khỏi bị ám ảnh bởi những lớp bùn đất chưa kịp khô còn sót lại sau cơn lũ. Ở đó hàng chục ngôi nhà hàng năm vẫn đang và sẽ gồng mình chống chọi cùng những đợt lũ trong tương lai với nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Ngoài trời đã ngớt mưa, cơn lũ cũng đã qua, thế nhưng nỗi đau mất mát của Lò Chính Cồ vẫn còn đó. Những nốt trầm nơi vùng rốn lũ không thể nào kể hết, cũng như những nỗi đau buồn không thể nào xoa dịu trong ngày một, ngày hai.

Theo báo cáo của huyện Quản Bạ, trong trận mưa lũ vừa qua, ước tính tổng thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại nặng nề nhất là tại xã Lùng Tám, đã có 2 người chết, 10 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, hơn 50 nhà bị ảnh hưởng.

Đường giao thông bị sạt lở với hàng nghìn mét khối đất đá đã vùi lấp mặt đường. Ngay sau mưa lũ, nhiều tuyến đường có sạt lở nhỏ đều đã được san gạt đất đá để thông xe. Huyện Quản Bạ đã huy động tất cả lực lượng ngày đêm để khắc phục hậu quả thiên tai.

Các máy xúc được điều động từ sớm để khai thông các tuyến đường liên thôn, liên xã. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các máy xúc được điều động từ sớm để khai thông các tuyến đường liên thôn, liên xã. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dự kiến, việc dọn dẹp sẽ mất khoảng 1 tuần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dự kiến, việc dọn dẹp sẽ mất khoảng 1 tuần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại thôn Tùng Nùn, bà con các xóm đã bắt tay hỗ trợ nhau dọn dẹp các căn nhà bị lũ bùn nhấn chìm. Các máy xúc được điều động từ sớm để khai thông các tuyến đường liên thôn, liên xã.

Chị Vừ Thị Kía cật lực dọn đống bùn trong sân nhà mình. Sau cơn lũ quét qua cách đây vài ngày, nhà chị bị lớp bùn gần 30 phân đọng lại.

Chị Vừ Thị Kía cật lực dọn đống bùn trong sân nhà mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chị Vừ Thị Kía cật lực dọn đống bùn trong sân nhà mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau cơn lũ, các đoàn thể trên địa bàn xã Lùng Tám và huyện Quản Bạ đã giúp các hộ bị thiệt hại do mưa lũ ổn định cuộc sống.

Đồng thời huyện Quản Bạ và các huyện lân cận đã chủ động triển khai tới các xã, thị trấn thực hiện việc tuyên truyền, cảnh báo tới toàn bộ người dân sinh sống tại các địa bàn có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập úng đã được xác định, nhằm giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác và triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Huyện Quản Bạ cũng đã phối hợp với ngành chức năng đặt cảnh báo nguy hiểm tại một số tuyến đường lưu thông thiếu an toàn. Tiếp tục chỉ đạo phòng chức năng và các xã bị ảnh hưởng do mưa lũ thống kê đầy đủ những điểm bị sạt lở, tính khối lượng cụ thể, đề xuất tỉnh cho chủ trương khắc phục để tránh bị sạt lở nặng nề hơn, đảm bảo việc lưu thông an toàn.

Người dân trong thôn cũng đã lác đác trở về. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người dân trong thôn cũng đã lác đác trở về. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Niềm hy vọng về sự hồi sinh không bao giờ tắt ở thôn Tùng Nùn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Niềm hy vọng về sự hồi sinh không bao giờ tắt ở thôn Tùng Nùn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bà Vàng Thị Dính đang đi nhặt những bắp ngô còn sót lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bà Vàng Thị Dính đang đi nhặt những bắp ngô còn sót lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những người dân thôn Tùng Nùn đang cố lần tìm những đồ vật còn sót lại bị chôn sâu dưới lớp lũ bùn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những người dân thôn Tùng Nùn đang cố lần tìm những đồ vật còn sót lại bị chôn sâu dưới lớp lũ bùn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dưới lớp bùn là hàng tấn tài sản bị vùi lấp. Bao hy vọng đến mùa thu hoạch giờ đã tan tành theo dòng lũ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dưới lớp bùn là hàng tấn tài sản bị vùi lấp. Bao hy vọng đến mùa thu hoạch giờ đã tan tành theo dòng lũ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một số hộ dân đã tiến hành đắp đập ngăn không cho nước tràn vào nhà. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một số hộ dân đã tiến hành đắp đập ngăn không cho nước tràn vào nhà. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tại điểm trường Tùng Nùn cách đó không xa, hàng chục đoàn thiện nguyện đã về đây để hỗ trợ cho các đồng bào bị thiệt hại sau đợt lũ lụt.  (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tại điểm trường Tùng Nùn cách đó không xa, hàng chục đoàn thiện nguyện đã về đây để hỗ trợ cho các đồng bào bị thiệt hại sau đợt lũ lụt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những đồng bào dân tộc nơi đây chắc chắn sẽ được an ủi phần nào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những đồng bào dân tộc nơi đây chắc chắn sẽ được an ủi phần nào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Toàn bộ quần áo, thuốc men, lương thực thực phẩm từ cả nước đã được chuyển đến tận tay những hộ gia đình bị thiệt hại sau đợt mưa lũ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Toàn bộ quần áo, thuốc men, lương thực thực phẩm từ cả nước đã được chuyển đến tận tay những hộ gia đình bị thiệt hại sau đợt mưa lũ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chị Giàng Thị Sung là một trong số ít những hộ còn ở nhờ trong lớp mẫu giáo. Nhà chị đã mất hết toàn bộ sau cơn lũ dữ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chị Giàng Thị Sung là một trong số ít những hộ còn ở nhờ trong lớp mẫu giáo. Nhà chị đã mất hết toàn bộ sau cơn lũ dữ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những hộ gia đình bị mất nhà được xã bố trí cho sinh hoạt tạm thời tại điểm trường xã Tùng Nùn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những hộ gia đình bị mất nhà được xã bố trí cho sinh hoạt tạm thời tại điểm trường xã Tùng Nùn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo ông Lý Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lùng Tám, cho đến đầu giờ chiều ngày 27/6, hầu hết tuyến đường của xã đã được khai thông. Các ngôi nhà bị hư hại đang được dọn dẹp và điện đang được nối lại.

Ông Sơn cũng cho hay, hiện nay có 1 hộ không có nhà ở nhờ trường mầm non của xã, những hộ khác đã được sắp xếp ở nhờ nhà người thân.

Các phòng học tại điểm trường Tùng Nùn đã được dọn dẹp lại để các hộ dân bị mất nhà có thể ở lại tạm thời trong những ngày mưa lũ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các phòng học tại điểm trường Tùng Nùn đã được dọn dẹp lại để các hộ dân bị mất nhà có thể ở lại tạm thời trong những ngày mưa lũ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các hộ gia đình đều nhận được những nhu yếu phẩm để đảm bảo cuộc sống ổn định. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các hộ gia đình đều nhận được những nhu yếu phẩm để đảm bảo cuộc sống ổn định. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Điều ám ảnh nhất với những đồng bào nơi đây chính là sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Những hiểm họa như sạt lở, lũ cuốn luôn luôn rình rập cướp đi cuộc sống của họ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Điều ám ảnh nhất với những đồng bào nơi đây chính là sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Những hiểm họa như sạt lở, lũ cuốn luôn luôn rình rập cướp đi cuộc sống của họ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi những đứa trẻ ở bản làng người Mông yên bình này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi những đứa trẻ ở bản làng người Mông yên bình này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người dân nơi đây cần nhất chính được ổn định cuộc sống. Được sắp xếp một nơi ở an toàn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người dân nơi đây cần nhất chính được ổn định cuộc sống. Được sắp xếp một nơi ở an toàn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước cảnh tượng hoang tàn sau trận mưa lũ, sạt lở đất và nỗi thống khổ của người dân nghèo nơi đây, chính quyền địa phương huyện Quản Bạ và xã Lùng Tám đang tích cực tìm kiếm và bố trí khu tái định cư cho những hộ dân bị mất nhà.

“Mười hộ mất trắng nhà cửa hiện tại đã được xã bố trí địa điểm tái định cư. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ người dân xây dựng nhà cửa, kêu gọi các nhà tài trợ để người dân sớm có cuộc sống ổn định”. Ông Lý Thanh Sơn, chủ tịch xã Lùng Tám khẳng định.

Một niềm hy vọng mới về một cuộc sống đỡ vất vả hơn lại được nhen nhóm trong lòng những người dân tộc nghèo. Ước mơ về một nơi trú ngụ an toàn và sạch đẹp đang dần hoàn thiện.

Và chắc chắn, ngày trở về sẽ không còn xa.

Một niềm hy vọng mới về một cuộc sống đỡ vất vả hơn lại được nhen nhóm trong lòng những người dân tộc nghèo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một niềm hy vọng mới về một cuộc sống đỡ vất vả hơn lại được nhen nhóm trong lòng những người dân tộc nghèo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà