Giải phóng miền Nam

ttxvn0804si-1586352358-15.jpg

Những năm 70 của thế kỷ XX đã ghi dấu ấn đẹp về một thế hệ học sinh-sinh viên Việt Nam với phong trào “Xếp bút nghiên lên đường ra trận.” Đây không chỉ là câu chữ của những thanh niên yêu nước, đó còn là ý chí và niềm tin ở ngày mai chiến thắng.

Hơn một vạn sinh viên miền Bắc đã “xếp bút nghiên” để đến với các chiến trường miền Nam, trở thành biểu tượng cho một thế hệ tri thức “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/Học người xưa đi cứu non sông.”

Thế hệ “xếp bút nghiên lên đường ra trận”

Năm 1970, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

 Ngày 9/8/1964, Trường Đại học sư phạm Hà Nội phát động phong trào Ba sẵn sàng với khẩu hiệu: Sẵn sàng chiến đấu và gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng học tập và lao động xây dựng cuộc sống mới; Sẵn sàng đi tới nơi nào mà Tổ quốc cần đến. Trong ảnh: Tiễn đưa thanh niên “Ba sẵn sàng” của khu Đống Đa (Hà Nội) lên đường nhập ngũ, tháng 8/1964, sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)
 Ngày 9/8/1964, Trường Đại học sư phạm Hà Nội phát động phong trào Ba sẵn sàng với khẩu hiệu: Sẵn sàng chiến đấu và gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng học tập và lao động xây dựng cuộc sống mới; Sẵn sàng đi tới nơi nào mà Tổ quốc cần đến. Trong ảnh: Tiễn đưa thanh niên “Ba sẵn sàng” của khu Đống Đa (Hà Nội) lên đường nhập ngũ, tháng 8/1964, sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Với tinh thần “Ba sẵn sàng” và tinh thần “Nước còn giặc còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân,” sinh viên các trường đại học Thủ đô đã rời ghế nhà trường, xếp lại bút nghiên, sách vở lên đường tòng quân, tham gia lực lượng trùng điệp của lớp lớp thanh niên cả nước đi đánh giặc.

Hơn một vạn sinh viên miền Bắc đã gác việc học để đến với các chiến trường miền Nam, trở thành biểu tượng cho một thế hệ tri thức “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/Học người xưa đi cứu non sông.”

Gác lại việc học để lên đường chiến đấu, mỗi thanh niên khi đó đều mang trong mình một thông điệp sâu sắc, đó là tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ. Đông nhất là sinh viên các trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân), Sư phạm, Mỏ-địa chất, Y dược…

Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ, cứu nước, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 11/7/1969. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ, cứu nước, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 11/7/1969. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài.

Đợt tuyển quân đông nhất là vào năm 1971. Hàng nghìn sinh viên bước vào năm học mới cũng là lúc nhận được giấy báo nhập ngũ.

Ngày 6/9/1971, lễ xuất quân diễn ra ngay tại sân nhiều trường đại học, có bạn bè, thầy cô đưa tiễn. Những anh lính sinh viên tinh nghịch bắt bạn bè phải gọi là chú bộ đội, những khuôn mặt thư sinh, mặc nguyên áo trắng lên đường tòng quân với tâm trạng phơi phới niềm tin.

Toàn bộ sinh viên nhập ngũ được đưa đi huấn luyện về chiến thuật, chiến lược, kỹ thuật sử dụng vũ khí và tác chiến. Từ những thư sinh chỉ miệt mài với đèn sách, trong kỳ huấn luyện, mỗi đêm các tân binh phải đeo đến 20kg đất đựng trong sọt tre mà đi, chạy, để rèn sức dẻo dai cho chuyến hành quân vào chiến trường miền Nam ngay sau đó.

Cuối đợt huấn luyện, sau khi phân loại, các sinh viên được sắp xếp tham gia vào lực lượng bộ đội chủ lực, binh chủng phù hợp như Bách khoa thì vào pháo binh, thông tin; Y thì vào quân y; Mỏ- địa chất vào công binh; Kinh tế, Tổng hợp vào bộ binh… nhưng phần đông sinh viên được biên chế vào các đơn vị chiến đấu như các trung đoàn 95, 101, 18 của Sư đoàn 325; 338; 308, trực tiếp tham chiến ở mặt trận Bình-Trị-Thiên.

Tháng 5/1964, phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” (Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần), xuất phát từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã trở thành một cuộc vận động có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp của tuổi trẻ Thủ đô, sau đó trở thành phong trào sâu rộng của tuổi trẻ miền Bắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: TTXVN)
Tháng 5/1964, phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” (Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần), xuất phát từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã trở thành một cuộc vận động có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp của tuổi trẻ Thủ đô, sau đó trở thành phong trào sâu rộng của tuổi trẻ miền Bắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: TTXVN)

Đầu năm 1972, chuyến tàu chở bộ đội, chủ yếu là tân binh sinh viên đi thẳng từ ga Kép (Bắc Giang) đến ga Vinh, để từ đây hành quân vào chiến trường.

Theo lời kể của nhiều cựu sinh viên, khi tàu đi qua ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay), những lá thư từ các toa được thả xuống trắng đường. Ngoài bì thư chỉ ghi vội dòng chữ Nhờ ai nhặt được thư này chuyển đến giúp số nhà…, Hẹn trở về, Hà Nội mến yêu, hay Đi B, ngày…

Những sinh viên rời mái trường vào Nam, trong chiếc balô, ngoài quân tư trang, nhiều người không quên đem theo một vài cuốn sách, giáo trình, sổ tay làm nhật ký… như một thói quen, một kỷ vật gắn bó với đời sinh viên.

Dọc đường hành quân, những là thư của nhiều người vẫn đều đặn gửi về cho thầy cô, bạn bè ở trường đại học. Sau giờ chiến đấu, họ còn tranh thủ viết nhật ký chiến trường.

Sự ác liệt của cuộc chiến qua lăng kính của những sinh viên đại học, những con người rất trẻ cả tuổi đời và sự từng trải, với tràn đầy ước mơ và hoài vọng, được ghi lại trong những bài thơ của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, sinh viên Đại học Tổng hợp gửi người bạn gái Như Anh:

“Đêm trắng trong là đêm của emĐêm thành phố và sao trời lẫn lộnĐêm của anh xếp kín đầy bom đạnPháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa…”

Nguồn cảm hứng sống cho thế hệ trẻ

Tạm xa mái trường, những người lính sinh viên làm quen với súng đạn, với những đêm hành quân, báo động bất kể thời gian. Họ có mặt trên khắp các trận tuyến khốc liệt nhất, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam Bộ, tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, rồi tiến vào Sài Gòn ngày toàn thắng 30/4/1975… đâu đâu cũng in dấu chân người lính sinh viên Hà Thành.

Trong số họ đã có nhiều người trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như Anh hùng Vũ Xuân Thiều, Anh hùng Trần Thanh Hải (sinh viên Đại học Bách khoa), Anh hùng Bùi Ngọc Dương (sinh viên Đại học Xây dựng), Anh hùng Vương Đình Cung (sinh viên Đại học Nông nghiệp 1) …

Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 2 vượt sông tiến về Sài Gòn. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 2 vượt sông tiến về Sài Gòn. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Trong vòng 5 năm, kể từ ngày “xếp bút nghiên” đến ngày đất nước toàn thắng, non sông về liền một dải, trong hơn 10.000 sinh viên lên đường, chỉ còn số ít các anh trở về; hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm khốc liệt bảo vệ thành cổ Quảng Trị, năm 1972.

Lại có người ngã xuống ở ngay cửa ngõ Sài Gòn, như liệt sỹ Nguyễn Văn Tư (sinh viên Bách khoa), hy sinh lúc 10 giờ sáng 30/4/1975, cách giờ phút thống nhất chưa đầy hai tiếng.

Thế hệ sinh viên ngày ấy đã trở thành gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, là câu chuyện chưa bao giờ cũ để thế hệ hôm nay mãi tự hào về truyền thống dân tộc.  

Sau ngày thống nhất, những người lính sinh viên còn sống lại trở về giảng đường, tiếp tục đi học. Nhiều người mang thương tật chiến tranh, hay di chứng của những trận sốt rét rừng.

Chiến sỹ Lữ đoàn đặc công biệt động 316 sau trận đánh chiếm và bảo vệ cầu Rạch Chiếc - cây cầu chiến lược trên xa lộ Biên Hòa, tạo bàn đạp cho cánh quân phía Đông của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trận chiến tại cầu Rạch Chiếc trong 2 ngày 27-28/4/1975 được xem là một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Chiến sỹ Lữ đoàn đặc công biệt động 316 sau trận đánh chiếm và bảo vệ cầu Rạch Chiếc – cây cầu chiến lược trên xa lộ Biên Hòa, tạo bàn đạp cho cánh quân phía Đông của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trận chiến tại cầu Rạch Chiếc trong 2 ngày 27-28/4/1975 được xem là một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Rất nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường đại học, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn… Thế hệ ấy đã trở thành gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, là câu chuyện chưa bao giờ cũ để thế hệ hôm nay mãi tự hào về truyền thống dân tộc.

Trong cuộc sống đời thường, chất thép và nghị lực sống của mỗi người lính năm xưa vẫn là nguồn cảm hứng sống cho bao thế hệ trẻ, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”./.

Xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)