Theo dấu chân Bác:

Lời tòa soạn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam. Trên cơ sở nhìn nhận vai trò quyết định của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng và tương lai của đước nước, Người đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thanh niên; chú trọng vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên và công tác đoàn.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (năm 1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đoàn là cánh tay đắc lực của Đảng để thực hiện những chủ trương, chính sách cách mạng,” phải củng cố tổ chức Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên.”

Đến nay, những lời căn dặn của Người đối với thanh niên, công tác đoàn vẫn vẹn nguyên giá trị. Những thế hệ thanh niên Việt Nam đã tiếp bước truyền thống, viết nên những trang sử vẻ vang.

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) Báo điện tử VietnamPlus xin gửi tới bạn đọc loạt bài Theo chân Bác: Sắt son một niềm tin...

“Ngày ấy, chúng tôi mới chỉ là những học sinh 15, 16 tuổi, băng mình vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc mà không hề sợ hãi, toan tính mình sẽ được gì, mất gì? Những câu chuyện về hành trình ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba khắp năm châu bốn biển rồi trở về lãnh đạo cách mạng, vượt qua khổ ải, hiểm nguy của Bác đã thôi thúc chúng tôi hành động,” ông Lê Đức Vân (tên thật là Nguyễn Hữu Phúc), cựu thành viên Đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (Hà Nội) chia sẻ.

Điểm tựa tinh thần

Dù đã ở tuổi ngoài 90 nhưng ký ức về những tháng ngày hòa mình vào dòng thác cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 1945 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông Nguyễn Hữu Phúc.

Ông bảo, dù trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” đó hay ở những chặng đường sau này, những hình ảnh, câu chuyện về vị Cha già của dân tộc vẫn luôn là một trong những điểm tựa tinh thần để ông và bạn bè cùng trang lứa soi chiếu bản thân, dựa vào để bước tiếp…

Dõi đôi mắt mờ đục, hằn in dấu vết thời gian về phía cửa sổ, ông kể về quá trình hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi. Khi đó, ông Phúc đang là học sinh trường Bưởi [nay là trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội – PV].

“Thực dân Pháp ra sức đàn áp cách mạng. Nhiều trí thức, thanh niên yêu nước, chiến sỹ cộng sản bị bắt bớ, tù đày, tra tấn dã man. Với lòng căm thù sục sôi, chúng tôi tham gia vận động quần chúng, rải truyền đơn, làm công tác giao liên,” ông nhớ lại.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức Đào tạo-Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Nguyễn Hữu Phúc – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức Đào tạo-Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng, vào tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn, Hà Nội, Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập với khoảng 60 thành viên. Liên tiếp trong các tháng sau đó, đội hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh, đường lối cách mạng của Đảng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, nhà máy, xí nghiệp… ở cả nội thành Hà Nội và các khu vực ven đô (Hà Đông, Sơn Tây…).

Nhớ lại một thời hoa lửa, ông Nguyễn Hữu Phúc kể: “Ngày đó, hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Chúng tôi không có nhiều sách, báo, tài liệu về cách mạng để đọc. Hễ ai đọc được gì, sẽ cố ghi nhớ để truyền tai những thành viên khác trong đội, từ đó cùng nhau xây dựng nội dung tuyên truyền, vận động quần chúng.”

Ngày ấy, địch ra sức đàn áp, lùng sục, bắt giam, tra tấn các nhà hoạt động cách mạng, những người yêu nước. Một số trường học chuyển về khu vực Hà Đông. Dựa vào đó, Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã phát triển các cơ sở ở ngoại thành, xây dựng địa điểm in ấn tài liệu tuyên truyền để bí mật chuyển vào nội thành.

Trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” đó hay ở những chặng đường sau này, những hình ảnh, câu chuyện về vị Cha già của dân tộc vẫn luôn là một trong những điểm tựa tinh thần để ông và bạn bè cùng trang lứa soi chiếu bản thân, dựa vào để bước tiếp…

Miên man trong câu chuyện, ông Phúc hồi tưởng: “Dù thường xuyên phải di chuyển giữa các địa bàn, tránh sự truy quét của mật thám nhưng chúng tôi không cảm thấy mệt. Đặc biệt, kể từ khi tham gia lớp huấn luyện đào tạo đảng viên tại Cẩm Giàng (Hải Dương) vào năm 1944, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa cuộc đấu tranh của dân tộc, sự tiếp bước của những thế hệ người Việt vì độc lập dân tộc, từ đó, củng cố vững chắc niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.”

Lớp học ấy được đặt tên là lớp Hoàng Văn Thụ – tên người chiến sỹ cách mạng mới hy sinh. “Cái tên ấy luôn nhắc nhở chúng tôi rằng, sau khi một chiến sỹ ngã xuống, sẽ có thêm thế hệ thanh niên trẻ yêu nước khác sẵn sàng tiếp bước,” ông nói.

“Đâu cần, thanh niên có…”

Ngày ấy, cậu thanh niên Nguyễn Hữu Phúc cùng các thành viên Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tìm nhiều cách để đưa truyền đơn đến nhiều ngõ phố, con đường: khi thì trực tiếp đi rải, lúc lại buộc hờ ở một nơi nào đó, đợi những cơn gió chuyển đi.

Bằng sự gan dạ, dũng cảm, mưu trí, Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cũng tổ chức các cuộc diễn thuyết ngay trên đường phố hay những khu đông người ngay trước mũi cảnh sát. “Chúng tôi hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, đả đảo đế quốc xâm lược. Sau đó, người diễn thuyết sẽ nhanh chóng rút đi, để lại lá cờ đỏ sao vàng

Những cuộc diễn thuyết ấy chỉ kéo dài chớp nhoáng vài ba phút; rồi người nói sẽ nhanh chóng rút đi để lá cờ đỏ sao vàng lại nhằm khích lệ tinh thần yêu nước trong thế hệ thanh niên cũng như các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Cũng có khi, Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tổ chức diễn thuyết trên những chuyến xe điện leng keng khắp phố phường Hà Nội, tuyên truyền cho đồng bào hiểu về thực tiễn tình hình cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Biểu tình giành chính quyền ngày 19/8/1945 tại Phủ khâm sai Bắc Kỳ. Ảnh tư liệu
Biểu tình giành chính quyền ngày 19/8/1945 tại Phủ khâm sai Bắc Kỳ. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu còn bí mật xuất bản báo Hồn Nước để tuyên truyền, vận động, tổ chức thanh thiếu niên Hà Nội chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền.

“Dù biết việc xuất bản tờ báo này rất nguy hiểm, phải đối mặt với đòn roi, cái chết nếu bị thực dân Pháp phát hiện. Thế nhưng, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bởi niềm tin vào ngày khởi nghĩa thắng lợi không còn xa,” ông Nguyễn Hữu Phúc cho hay.

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt câu chuyện của hơn 70 năm trước, ông bảo việc xuất bản báo Hồn Nước là cách thức Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu học theo Bác Hồ nhằm tuyên truyền, cổ động quần chúng. Bác cho rằng báo chí là vũ khí chính trị, tư tưởng sắc bén để đấu tranh với kẻ thù của dân tộc. Từ khi còn bôn ba ở nước ngoài, Người đã viết rất nhiều bài báo có sức tác động lớn, nêu rõ sự cùng khổ của nhân dân Việt Nam dưới sự đàn áp của thực dân, phong kiến.

Sau đó, Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã trực tiếp hòa mình vào Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 lịch sử. Ðội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu và Ðội danh dự Việt Minh Hà Nội là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội.

Nói rồi, ông lặng đi, đôi bàn tay run run, hai hàng nước mắt chực trào ra từ đôi mắt mờ đục khi những nếp nhăn trên gương mặt xô ép lại trong lúc ngước nhìn bức kỷ niệm của Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trong một lần gặp mặt sau khi đất nước thống nhất. Hơn bảy thập kỷ đã qua từ khi thành lập, giờ đây, người còn, người đã mất.

“Dù ở giai đoạn, chặng đường nào, chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng: Thanh niên Hà Nội phải làm gương cho thanh niên cả nước, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau, chăm lo dìu dắt thiếu niên nhi đồng, hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề mà Tổ quốc và nhân dân giao phó,” ông Nguyễn Hữu Phúc chia sẻ, giọng nghẹn ngào.

Sau Cách mạng tháng Tám, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá ở cả bên trong và bên ngoài. Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cùng nhân dân cả nước dốc sức bảo vệ chính quyền cách mạng.

Ông Phúc nhớ lại, ngày 7/10/1945, trong khoảng bốn giờ đồng hồ sau khi nhận chỉ thị của Đảng và Bác Hồ, Thành đoàn Hà Nội đã bố trí đoàn viên, thanh niên tỏa đi khắp các đường phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học… để vận động quần chúng xuống đường đấu tranh.

Thanh niên Hà Nội phải làm gương cho thanh niên cả nước, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau, chăm lo dìu dắt thiếu niên nhi đồng, hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề mà Tổ quốc và nhân dân giao phó

Cuối năm 1946, tình hình chiến sự ở Hà Nội trở nên căng thẳng. Thực dân Pháp nổ súng ở nhiều nơi, gửi tối hậu thư đòi ta phải trao quyền kiểm soát Thủ đô. Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục được lệnh sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc.

Lực lượng thanh niên yêu nước dồn sức chuẩn bị trận địa đánh địch. Hàng loạt hầm, hố tránh bom, giao thông hào được đào khắp nơi. Đội cảm tử khẩn trương tập dượt phương án tác chiến. Ông Nguyễn Hữu Phúc nhớ lại, khi ấy cả Hà Nội sục sôi khí thế đấu tranh. Các chiến sĩ đã xúc động đọc lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.” Khẩu hiệu “Thanh niên thành Hoàng Diệu nguyện sống, chết với Thủ đô” đỏ rực khắp phố phường Hà Nội.

Đảng viên trẻ Nguyễn Hữu Phúc và những chàng trai, cô gái Hà thành tuổi đôi mươi tiếp tục cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc; góp phần làm nên ngày 10/10/1954 lịch sử./.

Thanh niên viết tiếp con đường Bác đã đi

Cũng giống như các thế hệ cha anh luôn mang hình ảnh của Bác trong tim, tới lượt mình, những người trẻ hôm nay cũng luôn ghi nhớ những lời căn dặn của vị Cha già dân tộc, biến đó thành hành trang cho mỗi hành động, việc làm.

Đâu cần thanh niên có/Đâu khó có thanh niên – Những dòng gửi gắm của Bác trở thành kim chỉ nam cho tuổi trẻ tiếp bước theo dấu chân Người.

Thầy giáo “loa thùng” mùa COVID-19

Công tác tại trường tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) từ năm 2011 đến nay, thầy giáo Nguyễn Văn Quyết đã có 9 năm đảm nhiệm vị trí Tổng phụ trách Đội. Nhưng mọi người biết đến Quyết nhiều hơn với biệt danh rất lạ: Thầy giáo “loa thùng.”

Cười rất tươi khi được hỏi về tên gọi đặc biệt này, thầy Quyết kể lại: Cuối tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Vào thời điểm này, tôi đã quyết định tình nguyện gia nhập Đội tuyên truyền lưu động của quận đoàn Cầu Giấy.

“Khi ấy, tôi chỉ nghĩ: Là một đoàn viên thanh niên, lớp trẻ chúng tôi phải ở vị trí xung kích như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn lúc sinh thời,” thầy giáo Quyết cười hiền, nói.

Bắt đầu từ lý tưởng ấy, ngày ngày, anh Tổng Phụ trách đội của trường Dịch Vọng B lại khoác lên mình màu áo xanh, cùng đồng đội rong ruổi tới từng ngõ xóm, từng khu phố… làm “những kẻ ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng.”

Tuy nhiên, nhận thấy việc sử dụng xe ô tô của quận, phường không thực sự thuận tiện, thầy giáo Quyết đã đề xuất việc sử dụng loa thùng buộc đằng sau xe máy rồi chạy tới từng ngóc ngách nhỏ để tuyên truyền. Đề xuất ngay lập tức nhận được sự đồng tình của Quận đoàn Cầu Giấy. Thậm chí, có phụ huynh của trường Dịch Vọng B còn tâm đắc đến độ… bỏ tiền túi mua tặng đội hẳn một chiếc loa thùng mới tinh.

Thầy giáo
Thầy giáo “loa thùng” trong mùa COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Có loa rồi. Xe cũng đã sẵn. Các nội dung cần phổ biến được cả nhóm thu âm lại. Mày mò phát thử. Rồi lại chằng chằng, buộc buộc. Quyết bảo: Đó có lẽ là giai đoạn chuẩn bị vui nhất mà anh từng trải qua.

Chỉ một ngày sau, những người dân sống tại quận Cầu Giấy bắt đầu thấy những chuyến xe “cõng loa” len lỏi trong từng ngách nhỏ. Người cầm lái mặc áo tình nguyện xanh, lái thật chậm để bà con đủ thời gian nghe hết nội dung tuyên truyền về dịch COVID-19.

Là một đoàn viên thanh niên, lớp trẻ chúng tôi phải ở vị trí xung kích như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn lúc sinh thời

Mừng nhất với anh là việc làm “không giống ai” của cả nhóm lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Thấy đội tuyên truyền nhắc nhở, mọi người không những không cáu gắt mà còn nghiêm chỉnh chấp hành.

“Trong các bài tuyên truyền, chúng tôi cố gắng đưa những thông tin chính xác nhất về tình hình dịch bệnh, các kiến thức, kỹ năng phòng tránh, cập nhật chính xác, kịp thời về kết quả mà Việt Nam đạt được trong công tác phòng tránh dịch…,” thầy Quyết nói.

Hành trang đặc biệt của... anh Tổng phụ trách đội.
Hành trang đặc biệt của… anh Tổng phụ trách đội.

Không chỉ “cõng loa” đi khắp phố phường, thầy giáo “loa thùng” còn giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn giữa mùa dịch. Bằng các mối quan hệ của mình, anh đã kết nối nhiều Mạnh Thường quân với 4 cây ATM gạo và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các phường tại 4 quận của Hà Nội (phường Nghĩa Tân, Dịch Vọng, quận Cầu Giấy; quận Bắc Từ Liêm; quận Hà Đông và phường Bưởi, quận Tây Hồ) với tổng số gần 2 tấn gạo. Cá nhân anh cũng đóng góp 2 tạ gạo ủng hộ các cây ATM này để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

“Càng trong hoàn cảnh khó khăn, tôi càng nhớ những lời dặn của Bác về tinh thần tương thân tương ái cũng như trách nhiệm của thanh niên. Vì thế, tôi luôn xác định, bản thân mình phải góp một phần nhỏ vào ‘cuộc chiến’ của toàn dân với dịch COVID-19,” thầy giáo trẻ tâm sự.

Màu áo xanh trên trận tuyến “chống dịch”

Cũng giống như “thầy giáo loa thùng,” trong những ngày đất nước đối mặt với cơn bão mang tên COVID-19, hàng triệu thanh niên của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã và đang phát huy vai trò xung kích, đi đầu đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Họ đan kết thành một phòng tuyến xanh bền bỉ và cũng đầy hiệu quả trên trận tuyến chống lại dịch bệnh.

Cho tới tận lúc này, anh Nguyễn Ngọc Dũng, Phó bí thư Phụ trách Đoàn Thanh niên xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) vẫn không thể quên những ngày ở trong tâm dịch Hạ Lôi.

“Ngay khi Hạ Lôi có ca dương tính đầu tiên, tôi cùng anh em đang ở dưới cơ sở kiểm tra công tác phòng chống dịch. Nghe tin, cả đoàn quyết định rút về trụ sở Ủy ban Nhân dân xã trong tâm trạng lo lắng. Bắt đầu từ giờ phút ấy, Mê Linh chính thức chuyển từ trạng thái phòng sang chống,” Dũng nhớ lại.

Một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Để phục vụ nhiệm vụ cách ly khẩn cấp, Dũng đã cùng 10 đảng viên trẻ của xã Mê Linh tình nguyện xin ứng trực tại các chốt ra vào Hạ Lôi. Nhiệm vụ của đội là phải đảm bảo y tế, an ninh trật tự và công tác hậu cần phục vụ nhân dân trong vùng ổ dịch. Tất cả chốt chặn đều có hệ thống barie chắn gác với sự túc trực thường xuyên của lực lượng kiểm soát. Họ chia nhau làm 3 ca/ngày, với cường độ liên tục 24/24 giờ.

“Mấy ngày đầu làm nhiệm vụ tại chốt, do phải liên tục tuyên truyền cho bà con cách phòng, chống dịch, thời gian, quy trình nhận nhu yếu phẩm nên anh em đều khàn cả giọng,” Dũng kể.

Lực lượng liên ngành khẩn trương vận chuyển hàng hóa đưa vào trong thôn Hạ Lôi. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)
Lực lượng liên ngành khẩn trương vận chuyển hàng hóa đưa vào trong thôn Hạ Lôi. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Cực nhất có lẽ phải nhắc tới việc tiếp nhận và vận chuyển nhu yếu phẩm. Có những ngày, tổ tình nguyện áo xanh của Dũng tiếp nhận tới 20 tấn gạo và 10 tấn rau xanh. Toàn bộ “hàng” đều bị dừng tại chốt. Những Đảng viên trẻ lại còng lưng, gò mình khuân vác toàn bộ chuyển sang xe nhỏ hơn để phân phát tới từng thôn.

“Đến bây giờ, anh em vẫn tự nói với nhau không hiểu sao lúc ấy mình lại ‘máu’ đến thế. Không ai nghĩ tới mệt mỏi, tất cả động viên nhau cùng cố gắng để cuộc sống của bà con được đảm bảo,” Dũng tâm sự.

Cũng giống như Dũng, trong những ngày đối mặt với đại dịch, cô sinh viên trẻ Dương Thu Hương (Đại học y tế công cộng) cũng xung phong lên trận tuyến đầu. Hương là một trong 40 sinh viên tình nguyện của trường Đại học y tế công cộng xin tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm, phòng chống dịch tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội.)

Những sinh viên ngành y dược tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng chống COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những sinh viên ngành y dược tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng chống COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cô gái trẻ có nụ cười rất tươi khẽ nhăn mặt khi nhắc lại khoảng thời gian đặc biệt của mình. Với Hương, đó là những ngày làm việc không biết mệt mỏi khi liên tục phải chạy ngược chạy xuôi giữa các trạm y tế phường để lấy mẫu kiểm tra cho người dân; là những bữa trở về nơi nghỉ khi đã gần 22 giờ đêm; là những bữa mỳ tôm thay cơm mấy chị em cùng xì xụp húp. Vất vả và khó khăn có thừa, nhưng cô lại thấy hào hứng.

“Đó là hơn 1 tháng có ý nghĩa nhất khi chúng em – những thanh niên trẻ có cơ hội được mang kiến thức của mình góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến chung của cả nước,” Dương Thu Hương khẽ cười nói.

Dương Thu Hương, Nguyễn Ngọc Dũng hay “thầy giáo loa thùng” chỉ là một số ít trong hàng vạn thanh niên đang ngày đêm cống hiến sức mình, viết tiếp truyền thống Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm lúc sinh thời.

Theo anh Nguyễn Ngọc Việt – Bí thư Thành đoàn Hà Nội: Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và bằng phong trào thi đua, những việc làm thiết thực nhất để dâng lên Bác.

“Bác từng dặn: Một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Những tập thể, cá nhân trên đã chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên, vượt qua thử thách và cống hiến hết mình ngày đêm để góp phần không nhỏ vào những thành tựu chung của đất nước,” Bí thư Thành đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Một Hà Nội nghĩa tình trong mùa dịch

Đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thành đoàn Hà Nội phát động đã tạo dựng được nhiều hoạt động có ý nghĩa; trong đó nổi bật là chương trình Hà Nội nghĩa tình. Trong khuôn khổ chương trình này, 8.000 suất ăn mỗi ngày đã được phát ra nhằm tiếp sức cho sinh viên, công nhân và người gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, chiến dịch “10.000 việc làm chống thất nghiệp mùa dịch” cho đoàn viên, sinh viên, thanh niên – đối tượng bị ảnh hưởng về mặt kinh tế cũng đã được triển khai. Tính tới thời điểm hiện tại, Chiến dịch đã thu hút được 963 Doanh nghiệp tham gia tạo việc làm cho người lao động; 10.473 Ứng viên đã tìm được việc làm và hơn 17.291 ứng viên đang đợi phỏng vấn, tìm việc.

Theo dấu chân Bác:

Tuổi trẻ Thủ đô chủ động sáng tạo, đổi mới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam. Những lời căn dặn của Người đối với thanh niên, công tác đoàn tới nay vẫn vẹn nguyên giá trị…

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Đức Tiến – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội về việc vận dụng những lời dạy của Người trong bối cảnh hiện nay nhằm phát huy tốt sức mạnh của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cái nôi của các phong trào hành động cách mạng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời dạy gì đối với thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Thủ đô nói riêng, thưa anh?

Anh Nguyễn Đức Tiến: Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn dành những tình cảm tốt đẹp cũng như thời gian, công sức, trí tuệ để giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Theo Người, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, xung kích trên các mặt trận, góp phần xây dựng hoà bình. Bác rất tin tưởng ở thanh niên – lực lượng hậu bị của Đảng và là lực lượng cách mạng cho đời sau.

Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc 1956 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu
Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc 1956 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Từ sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò to lớn của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Như tình cảm của một người cha đối với con, Bác Hồ hiểu rõ những ưu, nhược điểm của thanh niên Việt Nam. Bác căn dặn thế hệ trẻ: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên.”

Bác luôn nhấn mạnh việc học tập – một trong những yêu cầu cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo cho thế hệ thanh niên có thể vươn mình ra biển lớn, lấy sức trẻ làm giàu cho Tổ quốc, quê hương.

Đối với thanh niên Thủ đô, Người dành nhiều tình cảm đồng thời cũng đặt nhiều kỳ vọng. Người mong muốn: “Đối với mọi công tác, thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước.”

“Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên.”

– Suốt chiều dài lịch sử, tuổi trẻ Thủ đô đã thực hiện những lời dạy đó như thế nào?

Anh Nguyễn Đức Tiến: Khi đất nước có ngoại xâm, lớp lớp thanh niên đã cầm súng chiến đấu. Khi đất nước hoà bình, các thế hệ thanh niên lại viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, vươn lên trong học tập, lao động, xoá đói giảm nghèo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vâng theo lời dạy của Bác, Hà Nội luôn tự hào là “cái nôi” khởi xướng các phong trào hành động cách mạng trong thanh niên cả nước. Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, tuổi trẻ Thủ đô có các phong trào: “Gác bút nghiên lên đường chiến đấu,” “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh,” “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và “Ba sẵn sàng.”

Khi hòa bình lập lại, cả nước bước vào cộng cuộc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Lúc này, hòa cùng không khí chung, thanh niên Hà Nội tiếp tục đi đầu trong các phong trào thanh niên xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thanh niên tình nguyện…

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thanh niên xung phong dự Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thanh niên xung phong dự Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967. Ảnh tư liệu

Suốt chiều dài gần chín thập kỷ từ khi thành lập cho đến nay, công tác Đoàn và phong trào thanh niên Thủ đô luôn gương mẫu, đi đầu, dẫn dẵn phong trào thanh niên cả nước và có ảnh hưởng tới cả các địa bàn quốc tế như Viên Chăn (Lào).

Tổ chức Đoàn thanh niên thành phố luôn là đơn vị xuất sắc dẫn đầu toàn quốc, hai lần được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, các tổ chức thanh niên quốc tế. Đặc biệt, tổ chức Đoàn thanh niên Hà Nội là tổ chức Đoàn duy nhất trong cả nước vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, việc vận dụng những lời dạy của Người có gì khác biệt so với giai đoạn trước không?

Anh Nguyễn Đức Tiến: Trong mọi giai đoạn cách mạng, những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị đối với thanh niên. Trong thư gửi các bạn thanh niên ngày 12/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.”

Anh Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội 
Anh Nguyễn Đức Tiến – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội 

Với hơn 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, bộ óc vĩ đại của Người hiểu rằng theo tiến trình lịch sử, xã hội sẽ ngày càng văn minh, hiện đại và ai nắm được cách mạng khoa học công nghệ sẽ làm chủ tương lai.

Ở mỗi giai đoạn cách mạng, việc vận dụng lời dạy của Người phải thực sự sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế của xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện lời dạy của Người thì thanh niên cần phải thực sự làm chủ khoa học công nghệ, ngoại ngữ và tích cực hội nhập; đồng thời phải luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Linh hoạt theo chức năng của từng đơn vị

Thành đoàn Hà Nội, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội đã có những chương trình hành động cụ thể gì để đẩy mạnh việc học tập theo tấm gương tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh niên?

Anh Nguyễn Đức Tiến: Người từng nói “Một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.” Để việc học tập và làm theo Bác trở thành thói quen thường xuyên, hàng ngày của thanh niên thì chỉ có thể bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố thường xuyên tổ chức các phong trào hành động cách mạng trong thanh niên gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; thiết kế nội dung phong trào phù hợp với từng khu vực đối tượng thanh niên, để phát huy được sở trường, chuyên môn nghiệp vụ; kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các tấm gương sáng, các hành động đẹp, việc làm tốt trong thanh niên.

Thanh niên Thủ đô tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện.
Thanh niên Thủ đô tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện.

Vậy, đâu là biện pháp để việc học tập theo tấm tương tấm gương tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đi vào thực tế, không mang tính giáo điều, khuôn mẫu, thưa anh?

Anh Nguyễn Đức Tiến: Việc thiết kế các nội dung cuộc vận động phải phù với tình hình thực tế. Mỗi năm, mỗi giai đoạn, chúng ta cần chọn những chủ đề trọng tâm, cấp bách.

Đối với tổ chức Đoàn, Hội, cần căn cứ vào đặc thù từng khu vực thanh niên để xây dựng các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho phù hợp. Ví dụ, đoàn viên thanh niên tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là lực lượng xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và quy trình làm việc, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.

Đoàn viên thanh niên khối các cơ quan hành chính cần nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ; đăng ký làm thêm giờ, làm thêm ngày thứ Bảy tình nguyện, tình nguyện hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân về thủ tục hành chính; quan tâm đổi mới quy trình, phương pháp làm việc và ứng xử, giao tiếp với nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.

Ở trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm theo lời Bác, các lực lượng thanh niên đang ngày đêm lao động hăng say, khẩn trương hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đoàn viên thanh niên lực lượng vũ trang tích cực nâng cao trình độ nghiệp vụ, không ngừng rèn luyện, đổi mới tác phong công tác, xây dựng và triển khai các kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, an toàn tuyệt đối cho Thủ đô.

Đoàn viên thanh niên các đơn vị ngành xây dựng, giao thông xung kích trên các công trường xây dựng, đang ngày đêm bám trụ công trường, làm tăng ca, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn và đẩy nhanh tiến độ, vượt mọi khó khăn.

Đoàn viên thanh niên khối dịch vụ như du lịch, thương mại, vận tải xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa thương mại và văn hóa tham gia giao thông…

Ở trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm theo lời Bác, các lực lượng thanh niên đang ngày đêm lao động hăng say, khẩn trương hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên.

Với tư cách là đội tiên phong của Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có những hoạt động gì để xây dựng, bồi dưỡng thế hệ kế cận cho Đảng theo lời căn dặn của Người trước lúc đi xa?

Anh Nguyễn Đức Tiến: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên. Việc giáo dục thanh niên luôn được thực hiện bằng các phong trào, việc làm thực tế. Đoàn tạo môi trường để thanh niên được rèn luyện, cống hiến, khẳng định bản thân.

Từ các phong trào của Đoàn, góp phần phát huy thanh niên trên tất cả các lĩnh vực, mặt trận công tác. Từ thực tiễn phong trào, thanh niên được giáo dục về chính trị tư tưởng, bản lĩnh chính trị. Thông qua các hoạt động cụ thể, Đoàn định hướng cho thanh niên lối sống đẹp, chuẩn mực và phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Tổ chức Đoàn cũng phải luôn tự làm mới mình, cán bộ Đoàn phải nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, ngoại ngữ để giúp thanh niên có thể tiếp cận, tiếp nhận những cái mới, cái hiện đại của tri thức nhân loại, đồng thời loại bỏ, “miễn nhiễm” trước những cái xấu, lệch lạc.

– Trân trọng cảm ơn anh!

Tuổi trẻ Thủ đô học theo Bác Hồ kính yêu.