Năm điều cần lưu ý

trump-1491877419-98.jpg

Rạng sáng 7/4, hai tàu chiến của Mỹ đã nã 59 quả tên lửa vào một căn cứ không quân của Syria. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc không kích nhằm trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước đó 5 ngày làm 80 người thiệt mạng.

Hành động đơn phương của Chính quyền Trump, được tiến hành trước 4h00 (theo giờ địa phương) và đúng lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm chính thức Mỹ, đánh dấu sự thay đổi đột ngột trong cách thức giải quyết vấn đề Syria của nước này, khác hẳn với phương thức ngoại giao dưới thời Chính quyền Tổng thống Barack Obama. Đây cũng là quyết định chiến tranh đầu tiên của Tổng thống Trump kể từ khi ông lên nắm quyền với quan điểm “sẵn sàng hành động mạnh khi cần thiết”.

Quyết định này cũng được đưa ra không lâu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố “số phận lâu dài của Tổng thống Assad sẽ do người dân Syria quyết định”. Trước đó, nhiều người cho rằng vụ tấn công hóa học vào Idlib là phép thử để đo giới hạn phản ứng của Chính quyền Trump trong cuộc khủng hoảng Syria hiện nay.

Tuy nhiên, nếu xét toàn bộ cục diện chính trường Syria hiện nay, các mối quan hệ đáng ngờ giữa Chính quyền Trump với Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tình hình căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và việc Chủ tịch Tập Cận Bình khi đó đang có mặt tại Mỹ trong chuyến thăm chính thức đầu tiên kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, có thể rút ra 5 điều đáng lưu ý sau:

Thứ nhất, Tổng thống Trump muốn gửi thông điệp cảnh báo tới Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ tiến hành vụ không kích vào đúng thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở thăm. Vụ tấn công bằng hóa học xảy ra hôm đầu tuần, nhưng phải 5 ngày sau Mỹ mới nã tên lửa vào căn cứ không quân của Syria. Với năng lực và tiềm lực khí tài giăng khắp mọi nơi như hiện nay, Mỹ không cần mất nhiều thời gian đến thế mới triển khai được cuộc không kích.

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ tiến hành vụ không kích vào đúng thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở thăm.

Hơn nữa, nếu thực sự muốn tránh gây hiểu lầm, Mỹ hoàn toàn có thể lùi cuộc tấn công đến sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm. Vì vậy, rõ ràng đây là một hành động có chủ ý, nhằm gửi thông điệp đến Trung Quốc, cảnh báo Bắc Kinh rằng nếu không sớm giải quyết vấn đề Triều Tiên, Mỹ sẵn sàng ra tay hành động.

Thứ hai, Chính quyền Trump muốn hướng dư luận đến điểm “nóng” Syria để làm “nguội” bớt sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ vốn sẽ không đem lại hiệu quả thực chất như nhiều người kỳ vọng. Với quan điểm và cách tiếp cận khác biệt trong nhiều vấn đề, trong khi các lợi ích hợp tác mới bắt đầu gợi mở sau động thái nhượng bộ gần đầy của Trung Quốc như cấp phép cho 38 nhãn hiệu thương mại của Tập đoàn Trump vào thị trường Trung Quốc, sẽ rất khó để hai nhà lãnh đạo có thể vồn vã đi đến thỏa thuận công khai về các vấn đề lớn ngay trong chuyến thăm.

Vì thế, đây là một quyết định chiến thuật của ông Trump để đánh lạc hướng dư luận trước những kết quả công khai cần tuyên bố, đồng thời che giấu những thỏa thuận ngầm (nếu có) thông qua ấn tượng chung là Trung Quốc hoàn toàn không được thông báo gì về quyết định tấn công của Mỹ cho dù Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở thăm.

Thứ ba, cuộc không kích cũng sẽ “đánh lừa” dư luận về mối quan hệ đáng ngờ giữa hai chính quyền Trump và Putin. Ai cũng biết Syria là tiền đồn của Nga ở Trung Đông, nơi đặt căn cứ quân sự duy nhất của Nga ở khu vực “rốn dầu” thế giới. Vụ tấn công căn cứ quân sự Syria tạo cảm giác Mỹ sẽ không có “vùng cấm” trước bất kỳ mối đe dọa nào, đồng thời sẽ khiến dư luận tin rằng Chính quyền Trump không gần gũi với Chính quyền Putin như nhiều cáo buộc trước đó liên quan đến sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ giúp Trump chiến thắng trước ứng cử viên “nặng ký” Hillary Clinton. Mặc cả và đánh đổi là điều thường thấy trong các mối quan hệ địa chính trị quốc tế, nhất là khi liên quan đến lợi ích của các siêu cường thế giới.

Tất nhiên, theo các nguồn tin, trước khi tiến hành vụ không kích này, Mỹ đã sử dụng công cụ “đường biên mâu thuẫn” để thông báo cho Nga di chuyển nhân sự khỏi căn cứ trên hòng giảm thiểu thương vong. Đây là phương thức ngoại giao tiêu chuẩn nhằm tránh dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga, và để cả hai bên đều có những phát ngôn cũng như hành động không gây căng thẳng quá đà sau đó.

Thứ tư, cuộc không kích là đòn cảnh báo trực tiếp nhằm vào Chính quyền Tổng thống Assad. Trên thực tế, đây không phải là cuộc không kích đầu tiên của Mỹ ở Syria, nhưng có tính chất khác hẳn so với các lần trước. Nó là cú bắn trực tiếp vào quân đội Syria, chứ không phải là cuộc không kích ủng hộ các đồng minh trong khu vực hay chống lại các tay súng thuộc “tổ chức Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS).

Hiến pháp Mỹ chỉ trao quyền phát động chiến tranh trực tiếp cho Tổng thống Mỹ trong trường hợp cần tấn công lực lượng khủng bố chứ không phải nhằm vào quân đội của một nước khác. Trong khi vụ không kích hôm 7/4 nhằm vào cơ sở quân sự của Syria, nhưng lại không có sự chấp thuận trước của Quốc hội. Vì thế, đây cũng là một điểm rất đáng lưu ý của quyết định tấn công lần này.

Mỹ đang chính trị hóa cuộc không kích để thu hút thêm sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế, trong đó có các thành phần thế lực của đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội.

Điểm đáng chú ý cuối cùng là Mỹ đang chính trị hóa cuộc không kích để thu hút thêm sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế, trong đó có các thành phần thế lực của đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Ngay sau cuộc tấn công, Thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham đã ra tuyên bố chung kêu gọi “đảm bảo thành công chiến thuật sẽ dẫn tới tiến bộ chiến lược” và rằng “biện pháp đầu tiên của một chiến lược như vậy là phải tiêu diệt không quân của Assad”.

Tuyên bố cũng kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho các phe đối lập ở Syria, thiết lập các khu an toàn và tiếp tục chiến dịch đánh bại IS. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Mỹ có ý định điều bộ binh tới Syria hay không, hay chỉ muốn tiếp tục hỗ trợ các chiến dịch không kích trong bối cảnh mà theo cách giải thích của họ là “Chính quyền Trump đang đối mặt với một thời điểm quan trọng ở Syria và phải hành động”.

Trên bình diện quốc tế, một số nước cũng đã bày tỏ ủng hộ quyết định tấn công “có trọng tâm và có giới hạn” của Chính quyền Trump, nhưng nhiều nước khác vẫn giữ quan điểm cho rằng hành động quân sự sẽ không thay thế được giải pháp chính trị.

Cuộc chiến tại Syria sẽ không thể được giải quyết trên chiến trường, mà là trên bàn nghị sự tại Geneva sắp tới bởi rất có thể cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Idlib và vụ không kích của Mỹ hôm 7/4 có thể chỉ là những “tình huống sắp đặt” theo ý đồ của các bên tại một thời điểm cần thiết./.

Người dân thủ đô Damascus biểu tình phản đối vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Người dân thủ đô Damascus biểu tình phản đối vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ. (Ảnh: EPA/TTXVN)