stan-lee

bia-1542591948-68.jpg

Sau khi huyền thoại của văn hóa đại chúng Stan Lee qua đời ngày 12/11 ở tuổi 95, mạng Internet tràn ngập những lời tri ân cảm xúc dành cho ông. Một trong số đó tới từ người dùng trang Quora: “Vụ nổ Big Bang tạo ra vũ trụ nơi tôi sống. Stan Lee tạo ra vũ trụ mà tôi yêu”. Đó cũng chính là nỗi lòng của hàng triệu người hâm mộ thế giới truyện tranh comic lẫn điện ảnh. Khởi đầu là một họa sĩ truyện tranh, Stan Lee ra đi với vị thế của một tượng đài bất tử trong văn hóa đại chúng, một nhà sáng tạo vĩ đại với di sản không chỉ đơn thuần là những nhân vật trên trang giấy.

Thử tưởng tượng một thế giới “Không-Stan-Lee”

Để có thể hiểu được tầm vóc của Stan Lee, hãy thử tưởng tượng một thế giới mà người đàn ông có tên đầy đủ là Stanley Martin Lieber chưa từng tồn tại. Ông từng bày tỏ: “Trong khi những người khác làm những việc lớn lao như xây cầu, theo học ngành y thì tôi chỉ là một người viết truyện tranh. Điều này từng làm tôi cảm thấy xấu hổ. Thế rồi dần dần tôi nhận ra: giải trí là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống này. Không có nó, con người có thể chìm vào bóng tối. Tôi cảm thấy rằng nếu mình có thể giúp người khác giải trí thì đó là một điều tốt đẹp”.

Vậy nếu có một thế giới mà Stan Lee không hề nhận ra điều đó và từ bỏ con đường của mình, mọi thứ sẽ thế nào?

Ở thế giới ấy, những siêu anh hùng mà Stan Lee là đồng tác giả như Spider-Man, Iron Man, Hulk, Thor, Black Panther, Daredevil, Doctor Strange, Ant-Man và các nhóm X-Men, Fantastic Four… đều không hiện diện.

Không chỉ ngành công nghiệp in thất thu, các ngành công nghiệp giải trí khác như điện ảnh, trò chơi điện tử, sản xuất đồ chơi hay công viên giải trí… đều sẽ bị tác động nặng nề nếu thiếu đi Stan Lee cùng những sáng tạo của ông. Không có Stan Lee, Star Wars vẫn sẽ là loạt phim nhiều tập ăn khách nhất lịch sử chứ không phải vũ trụ điện ảnh Marvel Cinematic Universe (MCU). Một đế chế điện ảnh đúng nghĩa với tổng doanh thu lên tới 17,5 tỷ USD sau 20 tập phim (trung bình 876 triệu USD mỗi phim).

MCU thành công nhờ tầm nhìn chiến lược bài bản của đội ngũ đứng đầu Marvel Studios, để tạo ra một thế giới khổng lồ được liên kết bởi những bộ phim bom tấn. Nếu như trong quá khứ, các bộ phim siêu anh hùng được kể một cách độc lập thì kể từ tập phim “Iron Man” (2008), khái niệm ấy đã hoàn toàn thay đổi. Kể từ khoảnh khắc Nick Furry tìm tới Tony Stark và tuyên bố: “Anh không phải siêu anh hùng duy nhất trên thế giới”, một thế giới mới đã mở ra.

Kể từ khoảnh khắc Nick Furry tìm tới Tony Stark và tuyên bố: “Anh không phải siêu anh hùng duy nhất trên thế giới”, một thế giới mới đã mở ra.

Bốn năm sau đó, Iron Man sát cánh cùng những Captain America, Thor, Hulk, Hawkeye và Black Widow trong cuộc chiến bảo vệ New York. Bộ phim “Avengers” (2012) xác lập hàng loạt kỷ lục phòng vé với 1,5 tỷ USD doanh thu và đưa các phim Marvel lên một đẳng cấp mới trong dòng phim giải trí. Thành công ấy được Washington Post nhận định “Điều này có được nhờ Marvel sở hữu bản quyền của tất cả các anh hùng từng bị xem là hạng B. Nhưng quan trọng hơn là từ nhiều thập niên trước đó, Stan Lee đã giới thiệu tới độc giả khái niệm một vũ trụ mà nhiều siêu anh hùng cùng tồn tại, nơi hành động của nhân vật tại thế giới này có thể mang tới hệ quả tại một thế giới khác”.

Trong cuốn “Marvel Comics: The Untold Story”, tác giả Sean Howe nhận xét “công thức Marvel” mà Stan Lee phổ biến thập niên 1960s là bí quyết thành công. Theo đó, ông mô tả ý tưởng và nội dung câu chuyện tới một họa sĩ để người đó vẽ. Sau đó, đích thân Lee sẽ điền nội dung các cuộc đối thoại vào bản vẽ.

Nhờ đó, ông có thể làm “tổng đạo diễn” cho đại công trình mang tên Marvel. Từng tập truyện đều chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh khổng lồ, để rồi sau này chủ tịch Kevin Feige của Marvel Studios kế thừa, áp dụng công thức này lên MCU và gặt hái thành công chưa từng có tiền lệ. “Công thức Marvel” không chỉ là cuộc cách mạng trong nghệ thuật kể chuyện mà còn là một bước ngoặt trong nghệ thuật … bán hàng.

Ở thế giới truyện comic, những người hâm mộ Spider-Man sẽ mua thêm những tập truyện mà người hùng này sát cánh cùng nhóm Fantastic Four. Trong thế giới MCU, nếu đã “trót” xem Avengers: Infinity Wars với cái kết gây sững sờ, khán giả sẽ phải xem tiếp đủ Ant-Man 2 và Captain Marvel để có được những thông tin đầy đủ trước khi xem Avengers 4.

Không có các nhân vật của Stan Lee, số phận của những ngôi sao hạng A hiện tại của Hollywood cũng sẽ rất khác. Robert Downey Jr. có thể vẫn lận đận sau khi cai nghiện chứ không thể thành “Người Sắt” phong độ như ngày nay. Chris Hemsworth sẽ mất nhiều thời gian hơn để khẳng định danh tiếng sau khi chuyển tới Los Angeles từ Australia nếu không có vai Thor, còn vai diễn anh hùng duy nhất của Chris Evans nhiều khả năng sẽ là Human Torch trong Fantastic Four chứ không phải Captain America.

Không có Stan Lee, đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock có lẽ vẫn giữ được danh hiệu “Nhân vật cameo nổi tiếng nhất Hollywood”. Lúc sinh thời, Hitchcock luôn góp mặt chớp nhoáng trong những bộ phim của mình và khiến người hâm mộ luôn theo dõi từng thước phim để bắt gặp hình ảnh “bậc thầy của sự hồi hộp”. Stan Lee từng tuyên bố trong một bài phỏng vấn năm 2006 rằng ông muốn “đánh bại Hitchcock trên mặt trận cameo”.

Với MCU, điều đó đã trở thành hiện thực. Lee vốn đã bắt đầu có những màn cameo từ trong truyện tranh Marvel, tới nhân vật ông già trên bãi biển trong X-Men (2000) rồi các tập phim Spider-Man, Fantastic Four… Nhưng với sự bành trướng của đế chế MCU, danh tiếng của ông vang xa tới mức ngay cả những người không phải fan comic cũng có thể nhận ra Lee. Từ vai ông già đưa thư, một vị tướng trong Thế chiến đệ nhị, một phi hành gia cho tới một người qua đường…, các vai cameo của Stan Lee luôn khiến các rạp chiếu phim xôn xao dù “Bố già Marvel” chỉ xuất hiện thoáng chốc.

Nhưng quan trọng nhất, nhiều thế hệ trải dài từ giữa thế kỷ 20 tới đầu thế kỷ 21 sẽ mất đi những nguồn giải trí tinh thần, những hình mẫu người hùng để noi theo. Nhiều nhân vật do Lee sáng tạo hoặc đóng góp ý tưởng là những người hùng với khiếm khuyết. Họ sở hữu sức mạnh đặc biệt của những đấng thánh thần, song vẫn chật vật với những vấn đề cá nhân và có thể bị tổn thương bởi những thứ tưởng như chỉ người thường mới gặp phải.

Một ví dụ như Spider-Man ở ngoài đời là Peter Parker: chàng trai thiếu thốn tình cảm gia đình, khó khăn trong chuyện tiền bạc lẫn đường tình duyên. Độc giả ưa thích nhân vật Spider-Man không chỉ bởi sự thân thiện, hài hước mà còn bởi những nét đời thường rất “người” chứ không phải “siêu nhân” của nhân vật này.

Thông qua comic, Stan Lee đả kích những sự bất công, phân biệt trong xã hội. Ông từng tuyên bố vào năm 1968: “Sự cố chấp và phân biệt chủng tộc là những ung nhọt đe dọa thế giới ngày nay”. Những dị nhân X-Men sinh ra đã khác biệt và chịu sự kỳ thị ra đời trong giai đoạn phong trào Civil Rights (Dân quyền) đang sôi sục tại Mỹ. Người lãnh đạo của nhóm X-Men là giáo sư X được xem như một phép ẩn dụ cho hình tượng mục sư Martin Luther King vĩ đại.

“Người hùng là người quan tâm tới những người xung quanh và sẵn sàng gắng sức để giúp đỡ những người khác, kể cả khi không có phần thưởng hậu tạ nào cả.”

Cũng ở thập niên 1960s – khi sự phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại một cách công khai tại Mỹ – Lee cùng cộng sự Jack Kirby đã cho ra đời Black Panther – siêu anh hùng da đen đầu tiên của truyện tranh đại chúng Mỹ. Chính những nhân vật như Spider-Man, như Black Panther hay X-Men đã đem tới sự tự tin, niềm lạc quan về tương lai cho nhiều thế hệ độc giả. Bởi những người hùng này biết cách truyền cảm hứng cho người khác thông qua nghị lực vượt qua những khó khăn và cho độc giả thấy: “Ai cũng có thể là người hùng”.

Như chính Stan Lee từng nói: “Người hùng là người quan tâm tới những người xung quanh và sẵn sàng gắng sức để giúp đỡ những người khác, kể cả khi không có phần thưởng hậu tạ nào cả. Người biết cách giúp kẻ khác không phải vì đó là điều phải làm mà vì đó là điều đúng đắn nên làm, đích thị là một siêu anh hùng!”.

Trong một khoảng thời gian ngắn, thế giới mất đi hai nhà truyền cảm hứng vĩ đại. Ở châu Á, nhà văn Kim Dung đã tạo ra những thế giới đầy trí tưởng tượng của những người anh hùng hào hiệp trượng nghĩa. Ở phương Tây, vũ trụ những siêu anh hùng mà Stan Lee góp phần kiến tạo giờ đã mất đi “Đấng sáng thế”.

Không đơn thuần là những sáng tạo trên giấy, chính tinh thần lạc quan, hướng thiện mà Kim Dung cùng Stan Lee mới là di sản quan trọng nhất mà những bậc thầy này để lại cho cuộc đời. Cho tới những ngày cuối đời, Stan Lee vẫn tiếp tục làm việc để tạo ra nhân vật mới và những câu chuyện mới. Câu châm ngôn quen thuộc của ông là “Excelsior” – một từ Latin có ý nghĩa: Luôn tiến lên.

Trên Twitter cá nhân, Stan Lee từng giải thích: “Excelsior có nghĩa là gì? Tiến lên và hướng tới vinh quang lớn lao hơn! Đó chính là những gì tôi muốn chúc các bạn mỗi khi tôi kết thúc dòng tweet!”

“EXCELSIOR”