Trận chiến với dòng sông ‘cháy’

vnpchayxuo-1512027359-6.jpg

Có lẽ, trong lịch sử của toàn ngành Phòng cháy Chữa cháy cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng, trận chiến với giặc lửa ngay trên chính sông Hồng những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước xứng đáng được coi là một trận đánh kỳ lạ và hiếm hoi vào bậc nhất nhì.

Thời điểm ấy, khi hệ thống trang thiết bị, máy móc của toàn ngành của nhiều hạn chế, hàng trăm chiến sỹ đã khống chế thành công cả một khúc sông đang rừng rực cháy.

Đã gần 40 năm trôi qua, nhưng những ký ức ngày ấy vẫn chưa thể phai mờ trong tâm trí của Trung tá Nguyễn Ích Thọ, người lính cứu hỏa kỳ cựu năm nào.

Trung tá Nguyễn Ích Thọ đã rời lực lượng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy được hơn 2 năm nay. Ông trở về nghỉ ngơi với căn nhà nhỏ đơn sơ sâu trong khu tập thể Trung Tự sau 37 “mùa cháy” của Hà Nội. Biết có khách đến hỏi thăm chuyện đánh giặc lửa, người lính già trở nên hồ hởi, hoạt bát hơn rất nhiều. Ông bảo, giờ về hưu rồi, nhưng ông vẫn không thể quên được những năm tháng cầm lăng chữa cháy trước những ngọn lửa dữ, không thể không nhớ mùi khói khét lẹt, tiếng mái tôn nổ bồm bộp trên đầu… Những thứ ấy đã ăn sâu vào ông, trở thành một thứ kí ức mặn mòi không sao phai nhạt.

Người lính già, da đen sậm, mặt rắn rỏi có một trí nhớ vào dạng khó tin. Ông có thể một hơi điểm lại rành mạch ngày tháng, diễn biến, quy mô và cả thiệt hại của hàng chục vụ cháy lớn nhỏ trong suốt quãng thời gian ông còn làm việc: Từ vụ cháy Ký tục xá Đại học Sư phạm ngoại ngữ những năm 1970 đến vụ lửa thiêu đốt kho thành phẩm của Công ty Cao sư Sao vàng, vụ kho dược phẩm 107 Nguỵ Như Kontum bị “bà hỏa” phá hủy…

Nhưng, với Trung tá Thọ, kỷ niệm khiến ông nhớ nhất phải là trận chiến với giặc lửa trên sông Hồng năm 1979.

Ngưng lại một lúc, ông Thọ chiêu một ngụm nước chè, khẽ lắc lắc đầu hồi tưởng lại.

“Năm ấy, tôi nhớ là nước lũ đột ngột dâng cao làm ngập hết khu vực đất ngoài bãi Tân Ấp. Nước tràn sát tận vào chân đê Hồng Hà bây giờ,” ông Thọ kể.

Tháng 6-7 cùng năm, lũ lên tới đỉnh. Toàn bộ bãi ngoài sông Hồng mà nay là các tuyến phố Nghĩa Dũng, Phúc Xá, Phúc Tân… đều trở thành biển nước. Không ai có thể nghĩ, chỉ vài giờ nữa, toàn bộ bị chìm trong lũ dữ…

“Tôi nhớ, sáng sớm hôm ấy, chúng tôi nhận được thông tin sông Hồng ở Tân Ấp bỗng nhiên… bốc cháy. Anh em trong đơn vị mặc dù đều thấy rất khó tin nhưng vẫn lên xe Zin lao về phía hiện trường,” Thiếu tá Thọ khẽ nhăn mặt.

Tới chân đê, người lính cứu hoả trẻ khựng người. Anh không thể tin vào mắt mình khi thấy lửa lênh láng…. chảy và chạy dài trên mặt sóng, không khí thì ràn rạt mùi xăng dầu…

Người mất nhà, mất của ai cũng xót, ai cũng có thể mắng xối xả chúng tôi

Nguyên nhân vụ cháy hy hữu nhanh chóng được cập nhật. Do nước lũ lên quá nhanh nên một công ty hoạt động tại khu vực Tân Ấp không kịp di chuyển hệ thống téc xăng chôn ngầm dưới đất. Lũ xói sâu, lật nghiêng téc khiến xăng ồ ạt chảy ra ngoài. Lửa theo xăng “liếm” nham nhở khắp khúc sông rộng hàng trăm mét.

Đây cũng là lần đầu, chiến sỹ trẻ Nguyễn Ích Thọ thấy một dòng sông lửa đúng nghĩa. Lửa theo gió, theo nước bập bềnh. Lửa dựa sóng, dạt nghiêng ngả vào các bè, thuyền của dân ngụ cư ngoài bãi. Lửa chảy thành dòng, đe dọa mọi thứ trên đường đi của nó.

Trước đám cháy kỳ lạ và dữ dội, hàng loạt đơn vị được lệnh chi viện, chia theo nhiều mũi tiếp cận. Đội của ông Thọ đảm nhiệm hướng tác chiến chính, được giao nhiệm vụ cô lập và dập lửa đang lan nhanh trên mặt sông Hồng đoạn chảy qua khu Tân Ấp.

“Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi chữa cháy trên sông. Anh em phải nhờ người dân địa phương chở thuyền để đưa lăng phun nước sát tới khu vực xăng tràn,” ông Thọ hồi tưởng.

Do thuyền nhỏ, nên ngoài người chèo lái, chỉ có 2 chiến sỹ ôm lăng nước đứng trên vận hành. Hàng chục chiếc thuyền cố áp sát vùng lửa lênh láng. Nước từ các họng áp lực lớn liên tục được phun ra.

Lúc này, chiến thuật được áp dụng là dùng lực nước đẩy lửa đang cháy trên mặt sông co cụm vào một góc, từ đó cô lập dần đám cháy. Hàng chục họng nước ồ ạt giằng co với lửa dữ. Mỗi lần phun, áp lực từ vòi lại đẩy những chiếc thuyền nhỏ trôi ngược trở lại. Lính cứu hoả đứng trên thuyền, vừa cố giữ vững tay lăng, vừa xây xẩm mặt mày vì lòng thuyền xoay lắc dữ dội.

“Cứ phun được vài lần, thuyền lại trở về vị trí ban đầu. Mấy anh em cùng người dân lại phải hò nhau chèo ra chữa tiếp,” người lính kỳ cựu nhớ lại.

Rõng rã suốt mấy tiếng đồng hồ, đám cháy sông Hồng dần dần được khống chế. Những người lính, mặt đã lấm lem, người khét lẹt mùi khói và tay chân rã rời. Cuộc chiến không tưởng với giặc lửa ngay trên sông Hồng khép lại trong nỗi ám ảnh khôn nguôi của họ với những xác người nằm lẫn bên trong hiện trường.

“Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể quên được cảnh tượng ấy. Cả một dòng sông rực cháy, lính cứu hỏa thì thi thoảng lại vấp phải một thi thể người không may mắn. Những hình ảnh ấy khiến chúng tôi càng thêm quyết tâm phải hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình sau này,” ông Thọ khẽ nén một tiếng thở dài.

Tính đến khi về nghỉ hưu, Trung tá Nguyễn Ích Thọ đã có hơn 35 năm gắn bó với nghiệp chữa cháy. Ông trải qua nhiều cương vị, từ một anh lính cứu hỏa, rồi trở thành chỉ huy những trận đánh lớn về sau này. Giờ, khi có thời gian thảnh thơi nhìn lại, ông tự nhận cái nghiệp của mình là nghiệp phải… nghe chửi nhiều nhất nhì của Việt Nam.

“Lính cứu hỏa đến hiện trường, dù kịp thời thế nào thì cũng bị nghe chửi đã. Người mất nhà, mất của ai cũng xót, ai cũng có thể mắng xối xả chúng tôi,” ông cười cười giải thích.

Theo vị cựu Đội Phó đội Phòng cháy Chữa cháy Đống Đa, thông thường, khi nhận được thông tin hỏa hoạn, anh em chiến sỹ sẽ ngay lập tức lên đường. Tuy nhiên, rất khó tránh khỏi tình trạng ùn tắc trong quá trình di chuyển. Đặc biệt, đối với các vụ hỏa hoạn sâu trong các ngách nhỏ, việc triển khai đội hình, rải ống dẫn nước khó khăn, anh em muốn vào sâu vào hiện trường phải mất rất nhiều thời gian.

‘Người mất nhà, mất của ai cũng xót, ai cũng có thể mắng xối xả chúng tôi’

Thế nên mới có chuyện, vừa triển khai đội hình tiếp cận nguồn lửa thì lính cứu hoả đã “nóng mặt” với lời chửi, trách cứ chậm trễ từ xung quanh.

“Có người dân, nhà bị cháy gần rụi rồi nhưng vẫn khóc lóc, yêu cầu chúng tôi phải phun nước vào. Trong khi xung quanh, lửa đang lan rất nhanh, yêu cầu hàng đầu là phải chống lan, khoanh vùng để giảm thiểu hậu quả nên mặc dù rất thương nhưng anh em cũng đành bất lực,” ông Thọ khẽ thở dài.

Thậm chí, có những vụ cháy tập trung hàng trăm người đứng xem. Nhưng không ai nghĩ tới việc gọi báo cho 114. Điển hình như vụ cháy chợ Đồng Xuân năm 1994, đến khi cứu hỏa nhận được thông tin thì ngọn lửa đã vượt khỏi tầm khống chế. Hậu quả để lại rất đau lòng khi 2 người đã thiệt mạng, 5 người khác bị thương cùng một lượng lớn tài sản bị phá hủy.

“Trong vụ ấy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy rất lâu sau mới nhận được tin báo. Thế nhưng, đây cũng là đơn vị hứng chịu nhiều chỉ trích nhất. Mãi về sau, các cơ quan có thẩm quyền mới rà soát lại thông tin báo cháy qua 114 thì chúng tôi mới được…. minh oan,” vị cựu chỉ huy cười khổ kể lại.

Trong suốt mấy chục năm làm nghề, ông Thọ không nhớ nổi những lần bị chửi mắng. Nhưng riết rồi thành quen, đến độ, ông phải bật ra đầy trào phúng và không kém phần chua xót: “Giờ về nghỉ rồi, có muốn nghe người ta mắng thế cũng không được nữa.”

Nói đến đây, ông Thọ chợt dừng câu chuyện. Tiếng thở dài khe khẽ nén lại trong lồng ngực người đàn ông nhỏ thó. Ông bảo, nhiều lúc, ông chỉ muốn người dân hiểu hơn về cái nghiệp của những anh em đang ngày đêm chống giặc lửa như mình.

Cả một dòng sông rực cháy, lính cứu hỏa thì thi thoảng lại vấp phải một thi thể người không may mắn

“Theo nghiệp cứu hỏa thì lúc nào cũng phải xác định ra lửa, vào khói. Chuyện ngạt, bỏng, xước xát chân tay không được chúng tôi tính là tai nạn. Thậm chí, tôi có những đồng đội, đồng chí vì cứu người, cứu tài sản bị gãy xương sườn,” ông Thọ trầm ngâm.

Ngay như bản thân ông trong lần đi chữa cháy đầu tiên những năm 1970 cũng bị trượt ngã từ mái của ký túc xá Đại học Sư phạm Ngoại ngữ xuống đất. Rồi việc bị điện giật, bong khớp, trật gân… cũng đã quá quen thuộc, tựa như một thứ gia vị mặn mòi nhưng không thể thiếu trong suốt gần 40 năm làm “nghề thở khói, hít lửa” này.

Nhắc đến chuyện một chiến sỹ trẻ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy ở thành phố Hồ Chí Minh, Trung tá Nguyễn Ích Thọ thoáng buồn. Giọng ông trùng xuống: “Sinh nghề tử nghiệp là thế. Nhưng, tôi vẫn nghĩ, tất cả những người như chúng tôi, như Phạm Phi Long [Chiến sỹ PCCC đã hy sinh trong vụ chữa cháy nhà dân tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh-PV] đều không ai nghĩ tới việc sẽ bỏ nghề, bỏ nghiệp này vì đã chót yêu mất rồi.”/.

  • 18160117171-1513745935-99.jpg
  • 18090923191-1513745904-18.jpg
  • 18110007171-1513745913-78.jpg
  • 18119727101-1513745923-95.jpg
  • 18119950191-1513745957-84.jpg

Thực hiện: Sơn Bách – Minh Sơn Dàn trang: Thi Uyên