Gỡ nút thắt

ttxvncover-1585104274-99.jpg

Với trọng trách gánh trên vai một số vốn lớn và được kỳ vọng nhiều nhưng đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn lúng túng trong mối quan hệ với các doanh nghiệp được chuyển giao về đơn vị.

Những vướng mắc, khó khăn tồn đọng lâu dần thành những nút thắt khó gỡ khiến doanh nghiệp khó khăn và nhiều dự án lớn bị đình trệ. Vậy đâu là nguyên nhân và hướng giải quyết ra sao?

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, nhiều vấn đề vướng mắc nảy sinh giữa các tập đoàn, tổng công ty với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc họp. Mới đây, những khó khăn, vướng mắc lại được chỉ ra tại buổi làm việc giữa “siêu Ủy ban” này với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Điều này cho thấy, những vấn đề mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang phải đối mặt, xử lý không phải là bài toán dễ tìm lời giải.

Nhận diện khó khăn, tồn đọng

Những con số được đưa ra trong báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho thấy đơn vị này đã chỉ đạo, điều phối hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra.

Doanh thu đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6% so với kế hoạch; nộp ngân sách đạt trên 221 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc đằng sau những con số nêu trên mới thực sự là vấn đề mà Ủy ban phải đối mặt. Hàng loạt vấn đề phát sinh như triển khai chậm tiến độ các dự án, vướng mắc trong triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp; quyết định các dự án đầu tư; chuyển giao quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư công từ các bộ về Ủy ban.

Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 4 dự án đầu tư lớn có vướng mắc, khó khăn và chậm tiến độ gồm dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủy điện Luang Prabang (Lào), và dự án thăm dò khai thác dầu khí tại 4 lô-Khu tự trị Nhenhexky (Nga).

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới được thành lập từ cuối tháng 9/2018

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 29/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, còn những điểm chưa rõ ràng về quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của Ủy ban này.

Thực tế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới được thành lập từ cuối tháng 9/2018 trong khi các quy định của pháp luật đều có trước đó, do đó, chưa quy định rõ ràng về vai trò, chức năng nhiệm vụ của đơn vị này.

Liên quan đến vướng mắc về đầu tư, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay, từ khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư, thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, cũng như việc gia hạn các hiệp định vay vốn. Những vướng mắc này ảnh hưởng lớn đến các dự án, các nhà thầu thi công. Đến nay, tại hai dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành và Đà Nẵng-Quảng Ngãi, tất cả các gói thầu gần như đã quá hạn và chưa được gia hạn.

Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng–Quảng Ngãi. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng–Quảng Ngãi. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Làm rõ hơn vấn đề này, đại diện VEC cho biết, sau khi chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải sang Ủy ban, đến nay, các cơ quan chưa thống nhất được về đơn vị chủ trì thực hiện xử lý/xin ý kiến về các vấn đề giao kế hoạch vốn đầu tư công; điều chỉnh dự án đầu tư; điều chỉnh hiệp định vay; xem xét đầu tư các hạng mục bổ sung sử dụng vốn dư; kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối vối gói thầu mới… dẫn đến một số nội dung VEC đề trình Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhưng không xác định được cơ quan chủ trì xử lý.

Một đơn vị khác của ngành giao thông cũng gặp vấn đề, sau chưa đầy 2 năm chuyển giao phần vốn Nhà nước về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, phương án chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về lại Bộ Giao thông Vận tải lại được đưa ra xem xét.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR đánh giá: “Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương hoàn toàn phù hợp của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu tách bạch việc quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ khi được chuyển về đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập cần được các ngành, các cấp giải quyết.”

“Những khó khăn của Tổng công ty đang vướng xuất phát từ việc không thống nhất về quy định pháp luật giữa các Luật, Nghị định điều chỉnh, cụ thể là Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật Đường sắt 2017 và một số văn bản pháp luật khác,” ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1128/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Dưới góc nhìn của tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hoạt động của doanh nghiệp khó khăn từ khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, vướng mắc đầu tiên vẫn là cơ chế chính sách. Cho đến nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vẫn thiên về đầu tư dự án, nên bất cứ dự án nào của doanh nghiệp vẫn phải xin đủ các ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, đủ các cửa. Như vậy, quy trình vẫn mang tính quản lý hành chính nhà nước. Chính vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nếu không tách bạch rõ vai trò của mình thì hoạt động quản lý sẽ không hiệu quả và trở nên không cần thiết. Vì nếu Ủy ban mang danh quản lý nhà nước thì trước nay vẫn thế.

Gỡ thế “mắc kẹt” ở “siêu Ủy ban”

Nhìn vào những vấn đề nảy sinh tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trong báo cáo của đơn vị này, có thể nhận thấy đơn vị này đang phải tiếp tục xử lý nhiều vấn đề tồn đọng từ các bộ, ngành. Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết Ủy ban phải tiếp tục xử lý 259 việc các bộ đang xử lý dở dang; trong đó có nhiều việc phức tạp, nhiều vướng mắc, khó khăn, tồn đọng qua nhiều năm; có việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử, kỷ luật, thay thế cán bộ. Đến nay, Ủy ban đã chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, cơ quan xử lý 201/259 việc.

Tuy nhiên, thực tế vấn đề mà dư luận quan tâm và được nêu ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 hôm 3/3 là việc Ủy ban đang làm thế nào để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của một số tập đoàn, tổng công ty khi chuyển về đơn vị này.

Xoay quanh chủ đề này, tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 29/9/2018 là 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao nguyên trạng từ 5 bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đoàn tàu Bắc Nam. (Nguồn: TTXVN)
Đoàn tàu Bắc Nam. (Nguồn: TTXVN)

Trong quá trình thực hiện, Ủy ban nhận được biên bản bàn giao từ các bộ về có 259 nhiệm vụ dở dang, trong đó còn rất nhiều nhiệm vụ theo nguyên tắc phải thực hiện từ các cơ quan chủ sở hữu đã thông qua, phê duyệt trước năm 2017, tức là trước khi được chuyển về Ủy ban.

Trong năm 2019, có rất nhiều nhiệm vụ triển khai trước năm 2017 nhưng chưa được các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện; trong đó có một số dự án lớn. Có dự án triển khai cách đây 10 năm, 20 năm, đến nay có vấn đề nảy sinh.

Theo bà Hà, hiện đang có 5 tập đoàn, tổng công ty sử dụng vốn ngân sách nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thì hiện nay vốn ngân sách nhà nước vẫn đang giao về Tập đoàn để triển khai các dự án đầu tư cũng như các dự án liên quan đến chuyển tải, nối điện về nông thôn.

Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng vẫn bố trí vốn cho các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số dự án thuộc Tổng Công ty Thuốc lá về vốn giải phóng mặt bằng… thì không có vấn đề gì.

Tuy nhiên, theo bà Hà, có 2 đơn vị là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam, từ trước đến nay các dự án này được giao vốn qua Bộ Giao thông Vận tải, với các dự án có liên quan đến bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt. Về vận tải đường sắt, mặc dù Tổng Công ty đã về Ủy ban từ tháng 10/2018, nhưng kế hoạch năm 2019 về giao dự toán vẫn là do Bộ Giao thông Vận tải giao vốn bình thường.

Tuy nhiên, liên quan đến bảo trì kết cấu hạ tầng, yêu cầu đặt ra là theo cơ chế đặt hàng. Ở đây có 2 luồng ý kiến, một là vẫn triển khai như những năm trước và luồng thứ hai là theo cơ chế đặt hàng. Nhưng nếu thực hiện theo cơ chế đặt hàng theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn vốn kinh phí chi thường xuyên, thì dù ở Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hay Bộ Giao thông Vận tải vẫn phải thực hiện theo cơ chế chung.

Các bộ và cơ quan ngang bộ đều có quyền đặt hàng nhiệm vụ dịch vụ công ích, kể cả các cá nhân thực hiện việc này. Bà Hà cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước họp xem xét lại câu chuyện hợp pháp lý. Về vốn đường cao tốc Việt Nam, hiện nay Quốc hội đã giao dự toán ngân sách cho Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) nhưng hiện chưa có vốn giải ngân.

Theo bà Hà, trước kia VEC dự kiến vay lại toàn số vốn này để đầu tư các dự án đường cao tốc và không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhưng sau 8 năm thực hiện thấy rằng nguồn thu sẽ không đủ bởi vốn cho các dự án cao tốc là rất lớn.

VEC đã có giải trình và Chính phủ đã quyết định cơ cấu lại vốn cho VEC. Tuy nhiên đến nay thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội đang chưa cho phép chuyển nguồn vốn vay lại thành vốn cấp, đang phải xin các cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện nội dung này. Do vậy, từ năm  2019 VEC có về Ủy ban hay ở tại Bộ Giao thông Vận tải thì cũng không được giao vốn ngân sách nhà nước này.

Có một thực tế được tiến sỹ Nguyễn Đình Cung chỉ ra, chức năng của Ủy ban cần tách khỏi các bộ quyền chủ sở hữu và chỉ chuyên trách tập trung chuyên nghiệp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp với tư cách là người đầu tư vốn, có như vậy mới giải quyết các bất cập hiện nay.

Từ góc độ doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xây dựng và trình Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành trong việc giải quyết các công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc giải quyết đúng thẩm quyền, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm bớt chuyển văn bản qua lại giữa các cơ quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ được giao.

Trong buổi làm việc với Ủy ban hôm 19/3, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban sát cánh cùng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc triển khai các Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt; tập trung cơ cấu lại toàn diện về sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, nhân sự và quản trị của tập đoàn, tổng công ty để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.  

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 17/3/2020, báo cáo đề xuất Chính phủ để xem xét, quyết định đối với kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Sáng 19/3/2020, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan về tình hình triển khai công việc hiện nay, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Sáng 19/3/2020, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan về tình hình triển khai công việc hiện nay, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Doanh nghiệp ngành giao thông ‘mắc kẹt’

Với trọng trách gánh trên vai một số vốn lớn và được kỳ vọng nhiều. Nhưng đến thời điểm hiện tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn lúng túng trong mối quan hệ với các doanh nghiệp được chuyển giao về đơn vị. Những vướng mắc, khó khăn tồn đọng lâu dần thành những nút thắt khó gỡ khiến doanh nghiệp lao đao và nhiều dự án lớn bị đình trệ vì thiếu vốn và vướng cơ chế.

Chưa đầy 2 năm chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều đơn vị, trong đó có 5 doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải đang gặp những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Cuối năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải là nơi bàn giao sớm nhất quyền đại diện vốn chủ sở hữu tại 5 doanh nghiệp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, sau quyết định của Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhằm tách bạch quyền quản lý vốn nhà nước và quyền quản lý chuyên ngành đối với các doanh nghiệp.

Cuối năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải là nơi bàn giao sớm nhất quyền đại diện vốn chủ sở hữu tại 5 doanh nghiệp về “siêu Ủy ban”

Mở đầu câu chuyện vướng mắc khó khăn của các đơn vị ngành giao thông khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  phải kể đến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), khi mà ngay từ cuối năm 2019, đơn vị này đã có nhiều văn bản gửi các cấp đề nghị tháo gỡ khó khăn cho đơn vị vì chưa được phê duyệt kinh phí bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia.

Dư luận và các cơ quan quản lý quan tâm là bởi VNR thay mặt Nhà nước quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì chỉ chuyển doanh nghiệp với quản lý vốn chủ sở hữu doanh nghiệp về, còn hạ tầng vẫn do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, dẫn đến tình trạng “đầu đi, chân ở lại.”

(Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
(Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Đại diện VNR cho hay hiện tại có 20 doanh nghiệp công ích thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ ngày 1/1/2020 không được ký kết hợp đồng, khiến các đơn vị này không có tiền trả lương cho khoảng 10.000 người lao động, đặc biệt nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.

Câu chuyện của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sau khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  lại nằm ở việc xác định cơ quan chủ quản phê duyệt nguồn vốn đầu tư dự án. Lãnh đạo VEC cho biết về mặt danh nghĩa, Quốc hội đã phân bổ vốn từ ngân sách cho VEC, tiền đã có nhưng khi về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dòng vốn đó bị tắc. Do chưa rõ Bộ Giao thông Vận tải hay Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận và giao vốn cho VEC.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng giám đốc VEC cho hay Tổng công ty đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư, thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, cũng như việc gia hạn các hiệp định vay vốn. Những vướng mắc này ảnh hưởng lớn đến các dự án, các nhà thầu thi công. Đến nay, tại hai dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành và Đà Nẵng-Quảng Ngãi, tất cả các gói thầu gần như đã quá hạn và chưa được gia hạn, kể cả dự án Đà Nẵng-Quảng Ngãi phần vốn WB (Ngân hàng Thế giới).

“Sau khi chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đến nay, các cơ quan chưa thống nhất được về đơn vị chủ trì thực hiện xử lý/xin ý kiến các vấn đề giao kế hoạch vốn đầu tư công; điều chỉnh dự án đầu tư; điều chỉnh hiệp định vay; xem xét đầu tư các hạng mục bổ sung sử dụng vốn dư; kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mới… dẫn đến một số nội dung VEC đề trình Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng không xác định được cơ quan chủ trì xử lý,” ông Nguyễn Quốc Bình cho hay.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng bị ách tắc tương tự. Với ACV, hiện tại, đường băng, đường lăn sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều đang xuống cấp. Từ năm 2017, ACV đã báo cáo để tu sửa nhưng chưa được làm vì vướng quy định. Do việc đầu tư, sửa chữa sân bay thuộc trách nhiệm của Nhà nước, nên sau khi ACV chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải không thể quyết định giao cho ACV thực hiện công việc này.

Đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines chia sẻ từ khi Vinalines được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, có thể nói Vinalines gặp nhiều khó khăn hơn thuận lợi.

“Từ khi được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có thể nói Vinalines gặp nhiều khó khăn hơn thuận lợi”

Đi vào chi tiết những khó khăn này, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay một trong những nhiệm vụ được chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là tiếp tục thực hiện việc cổ phần hóa Vinalines. Tuy nhiên, sau bằng ấy thời gian, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng chưa cử người vào Ban chỉ đạo cổ phần hóa Vinalines mà lại đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cử người vào Ban này.

Về vấn đề này, Tổng công ty cũng đã có nhiều văn bản gửi Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Hiện tại, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nên bắt buộc phải cử người vào thành phần của Ban chỉ đạo cổ phần hóa Vinalines. Việc này dẫn đến hiện trạng Vinalines chưa thể tổ chức được đại hội cổ đông lần đầu. Mặc dù đã IPO được 18 tháng, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi nhưng Tổng công ty cũng chỉ biết trả lời là do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa có văn bản cho phép Vinalines điều chỉnh vốn và nhiều lý do khác.

(Nguồn: Shipsporting)
(Nguồn: Shipsporting)

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, lý do mà Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra khi chưa cử người vào Ban cổ phần hóa Vinalines là vì sau khi thực hiện rà soát, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng còn nhiều vấn đề cần phải tham khảo, xin ý các bộ, ngành.

“Rõ ràng việc kéo dài đại hội cổ đông quá lâu sau khi đã IPO làm cho Vinalines rơi vào tình trạng công ty “lưỡng tính,” tức là chưa hẳn là cổ phần nhưng cũng không phải là doanh nghiệp nhà nước nữa vì Vinalines đã có những cổ đông khác tham gia. Trong khi đó, Tổng công ty cũng đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới, chuẩn bị các kịch bản để chuẩn bị sang công ty cổ phần. Nhưng tất cả việc này đang bị trì hoãn. Điều này phần nào cũng gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh,” ông Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ.

Với góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định vai trò của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  không phải dự án đầu tư mà là giao mục tiêu (như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh…) để doanh nghiệp thực hiện, chứ không phải đi giao từng dự án. Ủy ban phải làm như thế, còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp. Ủy ban không phải nơi thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp. Dự án chỉ là công cụ đạt được mục tiêu mà thôi.

Việc kéo dài đại hội cổ đông quá lâu sau khi đã IPO làm cho Vinalines rơi vào tình trạng công ty “lưỡng tính,” tức là chưa hẳn cổ phần nhưng cũng không phải là doanh nghiệp nhà nước

Tại lễ chuyển giao 5 đơn vị của ngành giao thông vận tải về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cuối năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng nhấn mạnh đây là các đơn vị máu thịt của ngành giao thông vận tải đã gắn bó và góp phần vào lịch sử xây dựng, phát triển ngành. Do đó, dù có chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì kết quả hoạt động cũng như các tồn tại của các đơn vị liên quan đến chuyên môn, lĩnh vực vẫn sẽ có một phần trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ Giao thông Vận tải sẽ luôn bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành để 5 Tổng công ty hoạt động bình thường, thậm chí tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết lãnh đạo Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giải quyết căn bản các vấn đề còn tồn tại hiện nay của các đơn vị này.

Đại diện lãnh Bộ Giao thông Vận tải cho biết trong gần 2 năm qua, Bộ đã nhiều lần họp, bàn với các bộ ngành và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn, tồn tại của các doanh nghiệp trên.

Trước thực tế vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, ngày 2/3/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về vấn đề này. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cho ý kiến về các phương án thực hiện việc giải ngân vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020.

Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các phương án thực hiện. Cụ thể, theo văn bản số 1805/BC-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giao dự toán kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị người đứng đầu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14, ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải như đã thực hiện năm 2019.

Như vậy, đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải cũng chính là phương án 1 trong số 2 phương án xử lý những vướng mắc liên quan đến khoản kinh phí hơn 2.800 tỷ đồng phục vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cho ý kiến.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin trong khi chờ cấp có thẩm quyền quyết định phương án giải quyết những vướng mắc về giao nguồn vốn bảo trì cho ngành đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thống nhất chỉ đạo, kiểm tra 20 đơn vị đang thực hiện việc bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu. Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cho 20 đơn vị bảo trì đường sắt tạm vay 165 tỷ đồng để chi trả lương cho người lao động làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Về giải quyết khó khăn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, ngày 6/3/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ cho dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành.

Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành Nghị quyết về xử lý vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng do VEC làm chủ đầu tư.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan chỉ đạo VEC rà soát tiến độ tổng thể của dự án và các gói thầu (Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để làm cơ sở tiếp tục đề xuất, thực hiện thủ tục gia hạn hiệp định nhằm hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành vào cuối năm 2023.

Về vướng mắc của các doanh nghiệp khác, trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết các đơn vị của Bộ đã có ý kiến về khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị và cũng đề xuất giải pháp xử lý. Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.

(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Tách bạch hóa quyền chủ sở hữu và quyền quản lý nhà nước của ‘siêu Ủy ban’

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước là một mô hình đặc thù với kỳ vọng để vốn nhà nước được quản lý và đầu tư hiệu quả, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh. Song sau hơn 1 năm thành lập, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vẫn đang hoạt động vô cùng khó khăn và còn lúng túng trong các hoạt động quản lý các doanh nghiệp thành viên.

Để có thêm góc nhìn  về vai trò và hoạt động của Ủy ban cũng như tìm các giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

– Ông đánh giá như thế nào về mô hình của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Việt Nam hiện nay?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Mô hình của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước như hiện nay với vai trò là nhà đầu tư vốn và thực hiện chuyên trách quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và nó tách hẳn quyền chủ sở hữu và quyền quản lý nhà nước. Đây là một bước tiến vì không còn một cơ quan vừa làm chức năng hoạch định chính sách, điều tiết, quản lý thị trường, lại vừa quyết định đầu tư, kinh doanh. Mô hình của Ủy ban thực hiện những nhiệm vụ mang tính kỹ trị, đúng như thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Mô hình của Ủy ban hiện nay còn đồng thời tách hẳn quyền sở hữu với quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung. (Nguồn: Vietnam+)
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung. (Nguồn: Vietnam+)

Tuy nhiên, hiện nay mô hình này ở Việt Nam chưa làm được điều đó, vẫn chưa tách được quyền chủ sở hữu ra khỏi quản lý nhà nước. Nếu Ủy ban chỉ đơn thuần thực hiện chức năng quản lý nhà nước là khác biệt về bản chất. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cần tách được quyền chủ sở hữu với quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

– Có phải do tiền lệ chưa từng có, đội ngũ nhân sự cũng hoàn toàn mới, không có kinh nghiệm, nên “siêu Ủy ban” này gặp khó khăn trong quản lý không thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Mô hình Ủy ban này là một mô hình mới, đặc biệt trên thế giới, không có mô hình chung nào cả, mỗi quốc gia làm một kiểu. Tóm lại chúng ta không có tiền lệ để học hỏi. Tất nhiên cái gì mới sẽ còn bỡ ngỡ, bỡ ngỡ ngay cả với những người được giao nhiệm vụ. Vì mô hình mới nên cán bộ chưa bao giờ được tôi luyện trong môi trường đó. Đội ngũ cán bộ chưa chuyên nghiệp, chưa chuyên sâu nên hình dung công việc có thể chưa đầy đủ, cách thức xử lý công việc đó, cơ chế xử lý công việc đó có thể chưa đúng, chưa trúng. Bên cạnh đó, đa số nhân sự lại được chuyển từ các quản lý nhà nước sang là chưa hợp lý vì những người này không có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp và quản lý hoạt động kinh doanh.

Chiều 16/1/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết  công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước  tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chiều 16/1/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

– Thưa ông, sau hơn 1 năm hoạt động những khó khăn của doanh nghiệp khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã bắt đầu bộc lộ. Vậy đâu là nguyên nhân?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Như tôi đã nói ở trên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải là tổ chức đầu tư vốn chứ không phải đầu tư dự án. Ủy ban được phép đầu tư vốn vào các doanh nghiệp còn đầu tư như thế nào là quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước không phải dự án đầu tư mà là giao mục tiêu để doanh nghiệp thực hiện chứ không phải giao từng dự án. Các mục tiêu giao cho doanh nghiệp có thể dựa trên các chỉ tiêu như: Tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh… Việc làm gì, đầu tư vào đâu để đồng vốn sinh lời và để đạt các chỉ tiêu được giao là việc của doanh nghiệp. Nếu Ủy ban phải gánh cả nhiệm vụ can thiệp đến từng dự án thì Ủy ban có cả nghìn người cũng không kham nổi.

Ví dụ, với vấn đề của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) (xin trở về Bộ chủ quản trước đây), nếu hiểu đúng làm đúng thì không có gì vướng mắc. Theo như chủ trương trước đây, khi chuyển về doang nghiệp này về Uỷ ban, thì doanh nghiệp sẽ tách nhiệm vụ công ích ra khỏi phần kinh doanh. Hiện có cơ chế đấu thầu phần công ích chứ không chỉ là Nhà nước giao doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích.

Để giải quyết vấn đề này, cần có phương án xử lý toàn diện bằng việc sửa đổi, bổ sung quy định của các luật có liên quan để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ trong việc thi hành pháp luật như sửa một số luật. Khi các luật chưa sửa được, điều mong chờ hiện này là Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc xử lý các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp.  

(Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
(Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

– Trong những nguyên nhân này, ông đánh giá như thế nào về cơ chế chính sách? Đây có phải là nguyên nhân chủ yếu không?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Phải nói rằng, hoạt động của doanh nghiệp khó khăn từ khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, vướng mắc đầu tiên vẫn là cơ chế chính sách. Cho đến nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vẫn thiên về đầu tư dự án, nên bất cứ dự án nào của doanh nghiệp vẫn phải xin đủ các ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, đủ các cửa. Như vậy, quy trình vẫn mang tính quản lý hành chính nhà nước. Chính vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nếu không tách bạch rõ vai trò của mình thì hoạt động quản lý sẽ không hiệu quả và trở nên không cần thiết. Vì nếu Ủy ban mang danh quản lý nhà nước thì trước nay vẫn thế. Chức năng  của Ủy ban cần tách khỏi các bộ quyền chủ sở hữu và chỉ chuyên trách tập trung chuyên nghiệp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp với tư cách là người đầu tư vốn. Có như vậy mới giải quyết các bất cập hiện nay.

– Theo ông, cần có giải pháp gì để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Đầu tiên cần tách chức năng chủ sở ra khỏi chức năng đầu tư, sửa lại các nghị định về hoạt động của nhà nước và ban hành một nghị định về hoạt động doanh nghiệp nhà nước thay thế các nghị định khác. Cần mở quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước đúng nghĩa như doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải có đủ năng lực của người đầu tư vốn. Khi nắm quyền tự chủ thì Ủy ban sẽ bớt việc và làm tốt việc ấy.

Thứ hai, cần có một cơ chế tài chính riêng cho Ủy ban. Ủy ban không phải là nhà đầu tư nhỏ mà là nhà đầu tư lớn với nhiều tỷ USD. Chính vì vậy, những người làm việc đây phải ngang với các CEO ở các tập đoàn, công ty đa quốc gia thì mới có đủ năng lực điều hành và quản lý được. Để tuyển dụng được người tài có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp phải có cơ chế tài chính cho Ủy ban. Không thể tuyển dụng như tuyển công chức nhà nước, có như thế mới thu hút được người kinh doanh chuyên nghiệp, thu hút được người giỏi có kiến thức chuyên môn sâu về quản lý và điều hành doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!