Robot trí tuệ nhân tạo

robot-1491624379-27.jpg

Trong một căn phòng ở tòa nhà Liên Hợp Quốc nhìn ra sông Đông của New York, bên chiếc bàn dài như sân quần vợt, khoảng 70 trong số những chuyên gia giỏi nhất về trí tuệ nhân tạo (AI) đã cùng nhau dùng một bữa tối với cá vược và không tìm được sự đồng thuận về tác động trong tương lai của AI và robot.

Đây có lẽ là thách thức đáng lo ngại nhất mà AI đặt ra. Rất nhiều người đồng ý rằng con người đang tạo ra một vị thần không chui ra từ chiếc lọ – nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi rằng vị thần này có thể làm được gì cho chúng ta. Hoặc làm gì với chúng ta.

Liệu những robot AI có cướp hết tất cả công việc và biến chúng ta thành thú cưng của chúng không? Elon Musk, giám đốc điều hành công ty Tesla, một trong những doanh nhân được ngưỡng mộ nhất của thập kỷ cho là như vậy. Ông vừa thông báo về công ty mới của mình, Neuralink, nơi sẽ khám phá việc kết hợp những con chip lập trình AI vào não người để tránh những khó chịu phiền toái của mọi người với những thế hệ máy móc có thể học hỏi mới.

Vài ngày trước cuộc họp ở Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin đã phủi đi những lo lắng rằng robot AI sẽ lấy đi việc làm và lòng tự hào của chúng ta. “Chuyện đó thậm chí còn chẳng ở trong tầm ngắm của chúng tôi,” ông nói với báo giới. Khi được hỏi khi nào chúng ta sẽ cảm nhận được sức nóng từ trí tuệ của robot, ông trả lời: “50 đến 100 năm nữa.”

Dự báo tương lai

Tại diễn đàn Liên Hợp Quốc do nhà đầu tư AI Mark Minevich tổ chức để tạo ra các cuộc thảo luận có thể giúp các lãnh đạo thế giới lên kế hoạch cho AI, Chetan Dube, giám đốc điều hành IPsoft đã phát biểu rằng AI sẽ có tác động lớn hơn 10 lần so với bất kỳ công nghệ nào từng có trong lịch sử với thời gian tác động chỉ bằng một phần năm. Ông đã đưa ra những con số tính bằng hàng trăm tỷ USD khi nói về ảnh hưởng của AI với kinh tế thế giới. Các giám đốc AI từ những công ty như Facebook, Google, IBM, Airbnb và Samsung cũng đồng tình.

Thay đổi chớp nhoáng như vậy có tốt hay không? Ai mà biết được? Ngay cả nhiệm vụ mà IPsoft nêu ra cũng nghe như một con dao hai lưỡi. Trang web của công ty nói rằng nó muốn “mang sức mạnh đến cho thế giới với những hệ thống thông minh, loại bỏ những công việc bình thường và giải phóng tài năng con người để tập trung vào việc tạo ra giá trị qua sự đổi mới.” Điều đó rõ ràng nghe rất tuyệt với một giám đốc điều hành. Tuy nhiên, với đám đông, điều đó cũng có thể có nghĩa là nói giảm nói tránh về chuyện bị cho thôi việc. Có vẻ là, nếu bạn đang được trả một mức lương thông thường để làm một “công việc bình thường”, bạn sẽ được “giải phóng” khỏi công việc buồn chán đó, và rồi bạn phải “đổi mới” nếu bạn muốn “có cái ăn”.

AI sẽ có tác động lớn hơn 10 lần so với bất kỳ công nghệ nào từng có trong lịch sử với thời gian tác động chỉ bằng một phần năm.

Những đại diện từ IBM đã nói về khả năng AI có tên Watson của họ sẽ giúp các bác sĩ có thêm nhiều thông tin hơn khi chẩn đoán cho bệnh nhân, và nó sẽ liên tục học hỏi từ các dữ liệu, từ đó khả năng suy nghĩ của nó được cải thiện. Nhưng liệu AI đó có làm việc tốt hơn các bác sĩ và khiến họ không còn cần thiết hay không? Không, tất nhiên không, các lãnh đạo IBM nói. AI của họ sẽ nâng cao năng suất của các bác sĩ, để họ giúp chúng ta được khỏe mạnh hơn.

Những đại diện của các quỹ bảo đảm nói rằng các hệ thống thương mại robot sẽ đưa ra những quyết định đầu tư nhanh hơn và tốt hơn, cải thiện lợi nhuận. Họ dường như không quá lo lắng về sự nghiệp của mình, dù một số quỹ bảo đảm chỉ được AI dẫn dắt đang tỏ ra vượt trội hơn các quỹ có quản lý là con người. Yann LeCun, trưởng bộ phận AI của Facebook và là một trong những nhà sáng tạo AI được kính trọng nhất nói rằng AI sẽ được dùng để phát hiện và giúp loại bỏ những sự thiên vị và mang con người lại gần với nhau – nhưng lúc này, AI đang bị buộc tội là bóc mẽ những sự thiên vị cá nhân của chúng ta và mang đến những nội dung khẳng định và củng cố sự thiên vị đó, tức là khiến một nửa quốc gia tức giận với nửa còn lại.

Grete Faremo, giám đốc điều hành văn phòng Liên Hợp Quốc về các dịch vụ dự án khẩn cầu các nhà công nghệ chậm lại một chút và bảo đảm những gì họ đang sáng chế ra giải quyết được những vấn đề lớn của thế giới mà không gây ra những vấn đề mới. Nhưng một diễn giả khác, Ullas Naik của công ty Streamlined Ventures lại ngụ ý về việc máy tính lượng tử sẽ sớm tăng tốc độ phát triển của máy móc biết suy nghĩ nhanh như thế nào. Ông tin rằng thời đại của máy tính lượng tử đang đến gần hơn chúng ta nghĩ, và trong trường hợp bạn chưa biết thì sức mạnh của một máy tính lượng tử lớn đến nỗi nó sẽ khiến bất kỳ chiếc máy tính bình thường nào hiện nay trở nên lỗi thời như một cỗ xe ngựa của người Amish.

Kết hợp tất cả những điều này với nhau, và AI có thể là công nghệ tuyệt vời nhất mà chúng ta từng tạo ra, giúp con người tiến lên một tầm cao mới – nếu nó không quay ra chống lại con người như trong phim Terminator (Kẻ Hủy Diệt). Tuy nhiên, nhiều khả năng là nó sẽ ở lưng chừng hai viễn cảnh đó.

Vẫn là sự đổi mới đó?

Đây là một câu hỏi đáng cân nhắc: Đợt sóng thần AI này có thực sự khác với những thay đổi mà chúng ta đã vượt qua không? Mỗi thế hệ đều cảm thấy rằng công nghệ đã thay đổi quá nhiều và quá nhanh. Không phải lúc nào cũng có thể hiệu chỉnh những gì chúng ta đang trải qua khi chúng ta đang trải nghiệm chúng.

Hồi tháng 1 năm 1965, Newsweek đã đăng một bài viết trang nhất có tựa đề “Thách thức của tự động hóa.” Bài viết nói về việc tự động hóa sẽ giết chết việc làm. Hồi đó, “tự động hóa” thường có nghĩa là những chiếc máy cơ điện kỳ quặc trên đơn đặt hàng máy rửa chén hay, trong một số trường hợp, là những cỗ máy mới lạ gọi là máy tính. Bài viết có nêu, “chỉ tính riêng ở thành phố New York, do sự xuất hiện của thang máy tự động, số lượng người vận hành thang máy đã ít hơn 5.000 người so với năm 1960.” Có lẽ đó là bi kịch của thời đó, nhưng bằng cách nào đó xã hội vẫn tiếp tục đi lên mà không cần những người vận hành thang máy.

Câu chuyện năm 1965 đặt ra câu hỏi về việc mất công ăn việc làm sẽ có tác động thế nào tới xã hội. “Những nhà tư tưởng xã hội cũng nói về ‘nhu cầu làm việc’ của con người vì cuộc sống của mình, và một số thậm chí còn cho rằng những mơ hồ về việc làm sẽ dẫn đến bệnh tật nhiều hơn, dù là thật hay tưởng tượng.” Nghe có vẻ giống cuộc bàn luận của chúng ta hiện nay về việc trả cho tất cả mọi người một khoản thu nhập cơ bản chung để sinh sống trong một nền kinh tế hậu-công-việc, và liệu chúng ta có phát điên khi không có cảm giác về mục tiêu mà công việc mang lại hay không.

“Chỉ tính riêng ở thành phố New York (vào năm 1965), do sự xuất hiện của thang máy tự động, số lượng người vận hành thang máy đã ít hơn 5.000 người so với năm 1960.”

Cũng giống như bây giờ, khi đó chẳng ai biết tự động hóa rồi sẽ dẫn đến điều gì. “Nếu nước Mỹ có thể điều chỉnh theo sự thay đổi đó, thì nó sẽ trở thành một nơi có cuộc sống dễ dàng – với sự dồi dào dành cho tất cả và những công cụ của kỷ nguyên không gian như máy dịch thuật cầm tay… và những ứng dụng máy tính-điện thoại tại nhà cho phép một bà nội trợ mua sắm, trả tiền hóa đơn và hay rút tiền ở ngân hàng mà không cần phải ra khỏi nhà. Các chuyên gia ngày nay đồng ý về phần công nghệ, nhưng không đồng ý với phần “cuộc sống dễ dàng”.

Như vậy, với bất kỳ tuyên bố nào rằng AI là khác biệt – rằng những thay đổi nó thúc đẩy đang xảy ra với chúng ta nhanh hơn và dữ dội hơn bất kỳ thứ gì trong lịch sử – cũng đáng phải tự hỏi rằng liệu chúng ta có đang chứng kiến một sự lặp lại hay không. Với tất cả những gì chúng ta biết, 50 năm trước một nhóm các nhà công nghệ có thể đã tụ họp lại ở Liên Hợp Quốc và trình bày những hy vọng và quan ngại tương tự như chúng ta với AI ngày nay.

Ngoại trừ việc hồi đó là năm 1965. Họ có thể đã bàn chuyện khi đang ăn món cá ngừ hầm. Ít nhất thì món cá vược ở bàn ăn của Liên Hợp Quốc hôm nay cũng là một sự tiến bộ rồi./.