Phố Tàu ‘hấp hối’

chinatownp-1502437420-75.jpg

Tương lai khu phố Tàu ở Sydney, Australia đang như “chỉ mành treo chuông.” Và đó không phải là trường hợp duy nhất. Các khu phố Tàu trên toàn thế giới đang dần biến mất.

Theo Chủ tịch Phòng Công nghiệp Haymarket của Sydney, ông Simon Chan, địa điểm thưởng trà và các món điểm tâm yêu thích của nhiều người đang bị đe dọa bởi những kế hoạch phát triển lớn ở các khu vực xung quanh, vị thế kinh tế-xã hội thay đổi của người Trung Quốc nhập cư cùng các khu phố Thái Lan và phố Hàn Quốc được yêu thích chiếm cứ những nơi từng là phố Tàu.

“Khi tôi đến Sydney hồi năm 1970, có một cộng đồng gắn kết khá chặt chẽ ở đây – khi đi bộ ở phố Tàu, tôi quen tất cả mọi người. Bây giờ, tôi không có cách nào làm như vậy được nữa,” ông Chan chia sẻ.

Phố Tàu ở Melbourne về đêm. (Nguồn: Freeaussiestock)
Phố Tàu ở Melbourne về đêm. (Nguồn: Freeaussiestock)

THẾ HỆ TRẺ THÍCH NGỒI VĂN PHÒNG

Trong nhiều thập kỷ qua, các khu phố Tàu trên khắp thế giới đã trở thành tiêu điểm cho những người Trung Quốc nhập cư mới đến.

“Họ có xu hướng tụ lại cùng nhau và bắt đầu kinh doanh,” ông Chan giải thích.

“Suốt nhiều thế hệ tiếp theo, họ thường nỗ lực hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn và con cái họ được đi học đại học. Rất nhiều thế hệ kế tiếp không có ý định nối nghiệp gia đình tại phố Tàu vì họ đã trở thành những người có học thức cao. Theo thời gian, bạn không thể ngăn những người khác đến đây mua đất hay mở doanh nghiệp.”

King Fong là một trong số những người Hoa nhập cư bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thế hệ. Ông đến Australia năm 1946 khi mới 8 tuổi, và giúp việc tại cửa hàng của bố mình tới khi ông được thừa kế cửa hàng.

“Khi bố tôi đến Australia, ông không nói được tiếng Anh, vì thế tôi giúp bố quán xuyến việc kinh doanh. Ban đầu chúng tôi mở quán bán cá và khoai chiên, rồi phát triển thành cửa hàng tạp hóa trên phố Dixon.”

Trung Quốc đã vượt Anh và New Zealand để trở thành quốc gia có dân số sinh ở nước ngoài nhiều nhất, theo cuộc Tổng điều tra dân số mới nhất

Ông cho biết vào thời đó, mọi chủ cửa hàng tại phố Tàu đều thuộc một trong 8 phường hội tới từ tỉnh Quảng Đông, và mặc dù một số phường hội vẫn tồn tại đến ngày nay, nhưng cộng đồng kinh doanh đã trở nên khác biệt hơn rất nhiều.

“Con cái của tôi từng phụ giúp công việc tại cửa hàng tạp hóa, nhưng chúng nghỉ việc sau khi vào đại học vì chúng thích cuộc sống trí thức hơn,” ông nói.

Không thể nói là có ít người Trung Quốc di dân sang Australia hơn.  Trung Quốc đã vượt Anh và New Zealand để trở thành quốc gia có dân số sinh ở nước ngoài nhiều nhất, theo cuộc Tổng điều tra dân số mới nhất. Nhưng những trí thức “cổ cồn trắng” thường chiếm đa số người nhập cư tới Australia.

“Đến Australia theo diện du học rất đắt đỏ, vì thế du học sinh ở đây thường có bố mẹ giàu có. Họ có đủ khả năng trả tiền thuê nhà ở mức cao và tận hưởng cuộc sống sang trọng ở đây. Và bởi vì giàu có, nên họ cũng được giáo dục tốt hơn. Chúng tôi nhận thấy thành công kéo theo nhiều thành công hơn,” ông Fong, người hiện là Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Trung Quốc cho hay.

Một phố người Hoa ở Australia. (Nguồn: Daily Telegraph)
Một phố người Hoa ở Australia. (Nguồn: Daily Telegraph)

NHỮNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN

Ông Chan cho biết do khu Haymarket của Sydney nằm trong một khu vực sẽ có sự phát triển lớn về bất động sản, ví dụ như việc phá dỡ tòa nhà Woolworths đối diện Tòa thị chính để xây một trung tâm thương mại và nâng cấp Đại học Công nghệ Sydney, những chủ cửa hàng người Australia gốc Hoa ở phố Tàu sẽ có lợi hơn nếu bán lại cửa hàng và mở đường cho những kế hoạch phát triển mới.

Ông King Fong - Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Trung Quốc. (Nguồn: Daily Telegraph)
Ông King Fong – Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Trung Quốc. (Nguồn: Daily Telegraph)

“Phố Campbell từng là một phần của phố Tàu. Từng có những cửa hàng tạp hóa và nhà hàng Trung Quốc rất nổi tiếng ở đây, nhưng giờ thì nơi này là một khu phố Thái Lan.”

“Chẳng có luật nào nói rằng bạn không thể mở một doanh nghiệp phi Trung Quốc. Rõ ràng là bạn không thể kiểm soát điều đó,” ông chia sẻ.

Ông Chan hy vọng thành phố Sydney sẽ xem xét Kế hoạch Kiểm soát Phát triển cho phố Tàu và sẽ nỗ lực duy trì bản sắc Trung Hoa tại khu vực này, mặc dù với tư cách một kiến trúc sư, ông thừa nhận rằng không phải mọi tòa nhà trong khu vực đều đáng được giữ lại.

“CÁC KHU PHỐ TÀU ĐANG HẤP HỐI”

Ông Fong đồng ý rằng các khu phố Tàu trên thế giới đang không thể tránh khỏi sự thay đổi.

“Các khu phố Tàu trên khắp thế giới đang mất dần bản sắc Trung Hoa và trở nên giàu tính phương đông hơn. Ở Sydney bây giờ có cả người Hàn, người Thái, người Singapore, người Nhật và người Malaysia. Và chúng tôi cũng có cả những cửa hàng tiện lợi của người da trắng nằm lẫn trong khu này nữa. Toàn bộ sự hòa trộn giờ đây đã thay đổi. Tính cạnh tranh bây giờ cao hơn rất nhiều.”

Ông Fong nói rằng bản chất mang xu hướng toàn cầu nhiều hơn của các khu phố Tàu ở Australia được phản ánh bởi việc dần loại bỏ cụm từ “Năm mới của Trung Quốc” (Chinese New Year), và thay bằng “Năm mới Âm lịch” (Lunar New Year) cùng nhiều sự thay thế tương tự khác vì các dịp lễ tết này cũng được cả cộng đồng người Nhật và người Hàn Quốc ăn mừng.

Phố Tàu ở Sydney. (Nguồn: Daily Telegraph)
Phố Tàu ở Sydney. (Nguồn: Daily Telegraph)

LỊCH SỬ THÚ VỊ VỀ NGƯỜI TRUNG QUỐC DI CƯ

Những cơn sốt đào vàng bắt đầu từ năm 1851 đã thu hút làn sóng lớn những người Trung Quốc đầu tiên nhập cư sang Australia. Mười năm sau khi tìm ra vàng, đã có 38.300 người đàn ông Trung Quốc – nhưng chỉ có 11 phụ nữ – đến Australia.

Do chính sách Australia da trắng mang tính phân biệt đối xử, đã có lệnh cấm phụ nữ Trung Quốc đến Australia, bất kể họ là vợ hay con gái của nam giới Trung Quốc di cư. Chỉ những thương nhân thành công nhất mới tài trợ được cho các bà vợ của mình theo cùng, và sự thiếu hụt phụ nữ này đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

Sau quá trình liên bang hóa năm 1901, số lượng người Trung Quốc bắt đầu giảm mạnh và chỉ còn 14.300 người vào năm 1933.

“Người Trung Quốc dần rời Australia vì họ không thể cạnh tranh nổi với đa số dân da trắng ở đây,” ông Fong giải thích.

“Họ vẫn bị xem là những người xa lạ và không có quyền công dân, vì thế không thể sở hữu đất đai trừ phi kết hôn với phụ nữ da trắng. Nhưng đây là chuyện bất khả thi với hầu hết mọi người. Trừ trường hợp cực kỳ giàu hoặc có nền tảng học thức, nam giới Trung Quốc chỉ được phép kết hôn với phụ nữ thổ dân hay những phụ nữ bị kết án. Bạn không thể kết hôn để bước vào giới thượng lưu được,” ông Fong giải thích.

Các chính sách Australia da trắng bắt đầu được dỡ bỏ từ năm 1949 trở đi, và việc được nhận quyền công dân Australia trở nên dễ dàng hơn

Ông Fong cho biết khi Công ty Đông Ấn do nước Anh sở hữu bắt đầu nhập khẩu thuốc phiện, nhiều người Trung Quốc ở Australia đã quay ra hút chích để quên đi nỗi cô đơn, triển vọng việc làm mờ mịt và sự chán nản.

Các chính sách Australia da trắng bắt đầu được dỡ bỏ từ năm 1949 trở đi, và việc được nhận quyền công dân Australia trở nên dễ dàng hơn. Các khía cạnh của văn hóa Trung Quốc – đặc biệt là ẩm thực – bắt đầu được nhiều người Australia đón nhận hơn từ thời điểm này.

Ẩm thực Trung Hoa từng là một khái niệm xa lạ cho tới những năm 1950, khi đầu bếp kiêm nhà báo nổi tiếng Margaret Fulton được một công ty gas thuê để giúp bán được nhiều gas hơn cho các bà nội trợ Australia.

“Một cách để làm điều đó chính là nấu các món Trung Quốc trong chảo sâu lòng,” ông Fong cho hay.

“Bà ấy bắt đầu đưa các công thức món Tàu vào cột bài viết của mình trên tờ Woman’s Day và nói với các độc giả hãy mua đồ dùng nấu nướng mà chúng tôi bán tại phố Tàu. Chúng tôi đã phải tăng gấp ba hạn ngạch nhập khẩu, và vô cùng biết ơn bà ấy.”

Bức ảnh chụp một phố Tàu năm 1900. (Nguồn: Daily Telegraph)
Bức ảnh chụp một phố Tàu năm 1900. (Nguồn: Daily Telegraph)

KẾ HOẠCH MỞ BẢO TÀNG

Ông Chan cho biết đã nảy ra ý tưởng Bảo tàng Di sản Trung Hoa vài năm trước khi ông nhận ra các khu phố Tàu trên khắp thế giới đang chết và đã bắt đầu trao đổi với các nhóm cộng đồng khác về việc đưa ra đề xuất cho thành phố Sydney trong năm tới.

Kế hoạch của ông là xây Bảo tàng Di sản Trung Hoa tại Thư viện Haymarket sắp bị bỏ không.

Ông Chan cho biết một phần không gian ở đó cũng có thể được dùng để tổ chức các buổi triển lãm nghệ thuật, và một bộ phận khác có thể được cho thuê tổ chức các sự kiện cộng đồng.

Ông nói rằng đề xuất tới thành phố Sydney sẽ bao gồm một yêu cầu tài trợ và có thể là một hợp đồng cho thuê “chỉ thu 1 USD mỗi năm.”

Ông Chan thừa nhận sẽ có những đối thủ khác cạnh tranh khu đất và nếu đề xuất của họ không thành công, ông muốn lập ra các kiốt tương tác ở phố Tàu thể hiện những khía cạnh lịch sử của các cộng đồng người Hoa ở Sydney.

Bảo tàng Trung Quốc ở Melbourne đã mở cửa được 32 năm. Singapore, Chicago, San Diego, Los Angeles, London, Vancouver và Zurich đều có những bảo tàng như vậy

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1818 khi Mak Sai Ying, người Trung Quốc đầu tiên định cư ở đây theo sử sách, đến Australia và sau đó mở một quán rượu tên là The Lion (Sư tử) ở Parramatta.  

Quản lý Bảo tàng Đời sống Sydney, tiến sỹ Nicola Teffer chia sẻ với trang news.com.au rằng mặc dù là một thành phố toàn cầu, nhưng Sydney không có bảo tàng nào “dành để trưng bày lịch sử nhập cư và sự đa dạng văn hóa của thành phố.”

Bảo tàng Trung Quốc của thành phố Melbourne đã mở cửa được 32 năm, trong khi các thành phố toàn cầu khác như Singapore, Chicago, San Diego, Los Angeles, London, Vancouver và Zurich đều có các bảo tàng Trung Hoa.

Tiến sỹ Teffer đã tổ chức hai cuộc triển lãm dành riêng cho lịch sử của người Trung Quốc tại Sydney. Bà cho biết “còn rất nhiều câu chuyện để kể và nhiều điều để tiết lộ về di sản Trung Quốc của thành phố.”

“Những câu chuyện xứng đáng được kể lại và bảo tồn trong một cơ sở thường trực để khía cạnh quan trọng này trong câu chuyện nhập cư và đa dạng văn hóa đang tiếp diễn của Sydney có thể được công chúng tiếp cận rộng rãi hơn,” bà nói thêm./.

Những chú kangaroo thủ công được bày bán ở một khu phố Tàu.
Những chú kangaroo thủ công được bày bán ở một khu phố Tàu.